Chủ Nhật, 07/07/2013
Lời mở đầu:
Trong một lần ghé thăm anh Lê
Thăng Long, sau một lúc chuyện trò, lấy trên giá hai cuốn sách khá dày, anh bảo
tôi có thời gian nên đọc, nếu em có ý định dấn thân cho công cuộc đấu tranh cho
một xã hội tốt đẹp hơn. Đó là hai tập của cuốn sách “chặng đường dài đến với
tự do”, cuốn tự truyện của cựu tổng thống Nam Phi-Nelson Mandela - huyền
thoại chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.
Dù lu bu việc nhưng tôi đã đọc ngấu nghiến hết hai cuốn sách với độ dày trên 900 trang. Một cuốn sách thật tuyệt. Tôi sẽ viết vài bài chia sẻ với các bạn những điều tuyệt mà cá nhân tôi cảm nhận được khi đọc xong cuốn sách trên.
Bài 1: Tù Nam Phi và tù Việt Nam
Để khỏi vướng vào tình trạng
ếch ngồi đáy giếng hay bị qui kết là “có góc nhìn phiến diện, thù địch,…”, tôi
xin có đôi lời nói với các bạn là tôi chưa đi tù bao giờ và cũng chưa có điều
kiện để nghiên cứu nghiêm túc chuyện tù đày ở Việt Nam và Nam Phi. Thông tin
tôi có và góc nhìn tôi dựa trên việc đọc các hồi ký ở tù của các cựu tù như nhà
văn Huỳnh Ngọc Tuấn, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông Kiều Duy Vĩnh,… đặc biệt gần
đây là của blogger Nguyễn Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), bà Bùi Thị Minh Hằng,
tin tức về anh Trần Huỳnh Duy Thức,… Còn tin tức chuyện tù đày của Nam Phi thì
tôi có từ cuốn tự truyện trên. Do vậy có thể đây chỉ là một góc nhìn.
Tù Nam Phi:
Từ thời học phổ thông, tôi đã
học về chủ nghĩa Apartheid trong phần lịch sử thế giới, tôi chỉ nhớ lờ nhờ lời
cô giáo dạy: đây là một chế độ phân biệt chủng tộc rất dã man, tàn bạo do người
da trắng lập ra để cai trị và bóc lột người da đen. Một anh hùng của người da
đen là ông Nelson Mandela đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống lại chế
độ phân biệt chủng tộc này. Ông phải trả giá cho cuộc đấu tranh là ngồi tù
trong 27 năm.
Thời gian trôi đi với bao bộn
bề, tôi cũng không có dịp đọc hay nghiên cứu kỹ về chuyện này. Trong đầu tôi
hình thành nên niềm tin rằng chế độ này rất độc ác, tàn bạo, chỉ có luật rừng
của nhóm cai trị da trắng. Trong tù chắc có lẽ rất kinh khủng. Nhất là sau này
tôi có dịp đọc các hồi ký tù đày của những người bị chế độ “ưu việt, nhân đạo”
của ta cầm tù. Tôi nghĩ ta đối xử với người cùng máu mủ còn tàn bạo vậy chắc họ
còn tàn bạo hơn nhiều lần vì khác màu da. Xưa đến giờ tù là nơi tách biệt cuộc
sống, cai tù là vua một cõi, dối trên nạt dưới rất dễ dàng thì chắc đâu cũng
vậy.
Với niềm tin như vậy, tôi hoàn toàn bất ngờ khi đọc cuốn hồi ký trên. Nelson Mandela dấn thân đấu tranh từ rất sớm, khi còn là một sinh viên nên ông sớm bị tù, từ năm 1952. (ông nhiều lần bị giam rồi thả).
Tất nhiên, trong nhà tù Nam Phi
cũng có chuyện gian dối của cai tù như chuyện cho thức ăn tốt hơn, cho áo mặc
mới khi có tổ chức Hội chữ thập đỏ tới thăm (tập hai, trang 154) hay là lần cai
tù phát kim khâu và áo cho tù nhân giả làm việc khâu áo thay vì cầm cuốc xẻng
khai thác đá. Những âm mưu thâm độc như cho tù thường phạm: giết người, hiếp
dâm, cướp có vũ khí,… ở cùng tù chính trị phạm với mục đích dùng đám giang hồ
khiêu khích, khống chế, đánh đập, ức hiếp tù nhân chính trị cũng có ở nhà tù
Nam Phi (tập 2, trang 150, 151).
Tuy nhiên, xuyên suốt trong cuốn sách, điều tôi ngạc nhiên là ánh sáng
pháp trị lan tỏa trong nhà tù Nam Phi rất tốt.
Trong môi trường người da trắng
chiếm tuyệt đối ưu thế và tinh thần phân biệt chủng tộc triệt để, tàn bạo nhưng
những nhân viên chấp pháp người da trắng hành động rất văn minh, lịch sự, pháp
trị chứ không bắt bớ thô bạo như ta thường thấy ở nước ta khi xảy ra các cuộc
biểu tình. Tôi trích ra đây một đoạn đối thoại khi Nelson bị bắt khi tổ chức
cuộc vận động thách thức có đến hàng chục ngàn người tham gia vào năm 1952:
“Chúng tôi tan họp vào lúc nửa
đêm. Tôi mệt nhoài, không còn nghĩ tới sự thách thức nữa mà là bữa ăn ngon nóng
sốt và một giấc ngủ ngon. Lúc này có một viên cảnh sát đi lại phía Yusuf và tôi. Hiển
nhiên là chúng tôi đang trở về nhà, không đi biểu tình. “Không đâu Mandela ạ,
anh không thoát tay tôi đâu”. Giơ chiếc dùi cui lên chỉ vào chiếc ôtô cảnh sát,
anh ta nói với tôi “lên xe đi”. (Tập 1, trang 202).
Sau này Nelson Mandela bị bắt
nhiều lần, lần nào cảnh bắt bớ cũng diễn ra trong trật tự, tôn trọng người tranh
đấu, tôn trọng pháp luật.
Ở nhà tù Nam Phi, mỗi khi tù
nhân vi phạm nội qui hoặc có xung đột với cai tù; quyết định tội trạng và hình
phạt trong trường hợp này không phải nhân viên cai tù hay giám đốc nhà tù mà là
một ông thẩm phán được cử tới làm việc xét xử. Trong các nhà tù lớn, qui mô tập
trung tách khỏi đất liền như nhà tù ở đảo Robben (nơi Nelson Mandela thụ án đến
18 năm trong tổng số 27 năm tù của ông) thì có hẳn một tòa hành chính ở đây để
chuyên việc xét xử.
Tù nhân hoàn toàn có thể bào
chữa cho tội trạng của mình trước vị thẩm phán. Là một luật sư nên ông Nelson
được nhiều bạn tù nhờ cãi hộ ngay trong tù. Tôi thật sự ngạc nhiên về tính pháp
trị ở đây.
Chính qui định này đã làm tù nhân có vị thế độc lập và được cai tù tôn trọng. Do đó quyền lợi của họ cũng được bảo đảm rất tốt theo luật pháp. Rất nhiều lần Nelson Mandela và các bạn tù của ông chống lại sự lạm quyền, xâm hại của nhân viên cai tù bằng cách dọa đưa vụ việc lên tòa án cấp cao.
Chính qui định này đã làm tù nhân có vị thế độc lập và được cai tù tôn trọng. Do đó quyền lợi của họ cũng được bảo đảm rất tốt theo luật pháp. Rất nhiều lần Nelson Mandela và các bạn tù của ông chống lại sự lạm quyền, xâm hại của nhân viên cai tù bằng cách dọa đưa vụ việc lên tòa án cấp cao.
Chính vì điều này mà xuyên suốt
cuồn hồi ký với thời gian tù 27 năm, không thấy Nelson Mandela đề cập đến những
chuyện lạm quyền tàn bạo, đối xử như con vật, hay đánh đập hành hạ tù nhân.
Còn một điều đặc biệt nữa là
trong thời gian ở tù, ông Nelson Mandela còn được quyền theo học hàm thụ các
chương trình luật sư ở trường trong nước Nam Phi và nước Anh. Ông được cung cấp
đầy đủ tài liệu, sách vở về luật pháp để học tập, nghiên cứu. Dù ở tù nhưng ông
làm được luận án tiến sĩ luật.
Tù Việt Nam:
Nếu ai quan tâm đến chuyện tù
đày, chịu khó đọc các hồi ký của những người bị tù như tôi liệt kê trên, hẳn sẽ
hình dung mức độ tàn bạo, gian dối, vô pháp trong hệ thống nhà tù xứ ta như thế
nào. Trong một bài viết ngắn này không thể liệt kê, dẫn chứng hết được.
Tôi xin trích một đoạn của người tù vừa mới ra - Nguyễn Bắc Truyển: “giáo dục kiểu gì mà thư viện trại giam không có một quyển sách về luật pháp, tôn giáo cũng bị nghiêm cấm và cai tù thì đụng một cái là quất lên đầu tù nhân hay đưa vào biệt giam cùm chân”, hay “trong tình cảnh ăn đói, thiếu thốn và lao động nặng, nhiều tù nhân đã phải tự hủy hoại mình để né lao động. Họ sẽ bị kỷ luật, bị chuyển đi trại khác, nhưng đây là cơ hội cho họ nghỉ ngơi vài ngày, nếu ai may mắn hơn thì được biệt giam hai tuần”.
Nhân đây, tôi chỉ nhắc đến
những sự kiện gần đây: ông Trần Huỳnh Duy Thức bị biệt giam 10 ngày vì tội giúp
một tù nhân phá mật khẩu một điện thoại. Đây là thông tin do gia đình ông cung
cấp, tôi tin vào nguồn tin này. Việc bắt được ông Thức phạm tội, kết án và phạt
ông thức đều do cán bộ nhà tù thực hiện. Bạn có tin sự nghiêm minh trong việc
này không? Tôi thì không tin.
Sẽ như thế nào đây là một vụ án
do cán bộ nhà tù dựng lên, nhờ một tù nhân nào đó để bẫy ông Thức? Rất có thể
lắm chứ vì trong tù dễ gì tù nhân có một cái điện thoại sau bao lớp kiểm tra
lục soát? Rồi chuyện ông bị chuyển tù mà không ai biết ông có mức liên quan thế
nào trong vụ những người tù đoàn kết, lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của
mình ở trại giam Xuân Lộc? Ông có bị kỷ luật, có bị ngược đãi trong nhà tù mới
không? Ai kết tội, ai thực thi nếu có sự kỷ luật với ông?... Không ai biết cả.
Trong thế giới âm u, tách biệt
của nhà tù, chúa ngục không thua gì vua một cõi nếu trao cho họ quyền phán xử, thi
hành án với tù nhân?
Đề nghị của tôi:
Trong bài viết “quyền
con người cho tù nhân”, tôi thấy ánh sáng pháp trị rất khó để đến
được nhà tù và quyền con người cho những người tù ở đó rất khó bảo đảm. Tôi
luôn suy nghĩ đến vấn đề này mà chưa có một giải pháp nào khả dĩ.
Với hệ thống phân xử tội độc
lập như Nam Phi là một cơ chế tốt, chúng ta cần áp dụng cho hệ thống nhà tù ở
Việt Nam để bảo đảm Quyền Con Người cho người tù.
Trách nhiệm của chúng ta:
Phần lớn chúng ta, không ai
nghĩ một ngày nào đó mình sẽ ngồi tù; trong khi cuộc sống lại trăm thứ lo toan,
trăm thứ tranh đấu không được mà đi kêu gọi hãy quan tâm đến Quyền Con Người
cho tù nhân thì thật không khả thi. Blogger Trịnh Kim Tiến từng viết là chưa
bao giờ nghĩ bố mình là nạn nhân của việc chết chóc khi tiếp xúc với công an,
do vậy cô rất thờ ơ khi ai đó nói là cần góp tiếng nói chống lại nạn bạo lực
của nhân viên công lực; thế rồi tai họa ập xuống bố cô khi bị công an đánh gãy
cổ chỉ vì không đội mũ bảo hiểm. Phần lớn hiểm họa đến với chúng ta rồi chúng
ta mới chua xót nhận ra rằng giá mình quan tâm đến xã hội hơn thì mình không phải
chịu cay đắng đến vậy.
Phần lớn chúng ta đều sợ tù
tội, đó là một nỗi sợ hợp lý. Chính nỗi sợ này đã ngăn chúng ta dấn thân tranh
đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn. Chỉ có một số ít với tấm lòng cao thượng đã
chấp nhận tù đày.
Tại sao chúng ta lại không góp một tiếng nói để ủng hộ họ, bảo vệ họ khi
lên tiếng ủng hộ một cơ chế bảo vệ Quyền Con Người cho tù nhân?
Suy cho cùng, chúng ta đang nợ
những con người dũng cảm đang bị tù đày hành hạ hàng ngày: cuộc đấu tranh của
họ mang lại tương lai sống tốt hơn cho chúng ta và con cháu chúng ta.
Sẽ không công bằng nếu chúng ta
chỉ muốn hưởng lợi mà không muốn đóng góp gì dù là rất nhỏ và an toàn.
Hãy lên tiếng, hãy lan tỏa “Quyền Con Người cho tù nhân”!
Tôi nghĩ Phong Trào Con Đường Việt Nam nên lập một ủy ban để tranh đấu cho quyền này. Các
bạn ủng hộ hãy liên lạc đến PT để cùng nhau hành động.
No comments:
Post a Comment