Thứ sáu 05 Tháng Bẩy 2013
Hồi hai của cuộc cách mạng Ai Cập, châu Âu vẫn lúng túng
về vụ Snowden, Liên hoan nghệ thuật sân khấu Avignon 2013 khai mạc : đó là
những chủ đề chính trên các tờ báo Paris trong ngày. Nhưng có lẽ bài báo thu
hút chú ý độc giả nhất liên quan đến những tiết lộ của Le Monde về hoạt động của
ngành tình báo Pháp.
Từ thư điện tử đến tin nhắn, từ các cuộc điện đàm đến
những trao đổi trên mạng xã hội của người Pháp và kể cả người nước ngoài sống
trên đất Pháp đều không thoát khỏi « tai, mắt » của cơ quan tình báo Pháp.
Vào lúc châu Âu đang phẫn nộ sau tiết lộ là ngành tình
báo Hoa Kỳ đã theo dõi các đồng minh ở bên này bờ Đại Tây Dương và đòi
Washington giải thích, Le Monde lưu ý độc giả là Paris chỉ phản ứng một cách
yếu ớt, bởi hai lý do.
Một là trước khi Snowden tung ra « quả bom nổ chậm » về
các hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ thì Pháp đã biết được điều đó. Lý do thứ nhì
là bản thân nước Pháp cũng nghe lén không thua gì Uncle Sam qua trung gian của
Cơ quan tình báo đối ngoại DGSE và nhiều cơ quan « dịch vụ đặc biệt khác ».
Khi thông tin cá nhân không còn là của riêng tư
Nôm na là mỗi lần bất kỳ một ai mở máy vi tính, hay dùng
điện thoại, điện thoại di động, gửi email, SMS hay fax thì DGSE đều nhận diện
được cả người gửi lẫn người nhận. Bạn gọi điện cho ai, nói chuyện bao nhiêu
lâu, thường liên lạc với một người nào đó, bạn hay truy cập vào những website
nào, tham gia những diễn đàn nào trên các mạng xã hội ….Google, Yahoo,
Microsoft và các mạng xã hội, Facebook, Twitter đều là những cánh cổng mở rộng
cho ngành tình báo thâm nhập đời tư của mỗi công dân.
Nhất cử nhất động của mỗi chúng ta trên internet hay máy
tính đều bị theo dõi. Tất cả những thông tin đó đều được ghi lại trong kho tàng
bí mật của cơ quan này và được lưu trữ trong nhiều năm.
Tác giả bài báo nhìn nhận những thông tin thu thập được
như trên là một công cụ thiết yếu chống khủng bố. Nhưng đấy cũng là cách để
theo dõi bất kỳ một ai, ở vào bất kỳ thời điểm nào.
Có điều, hành vi xâm nhập đời tư đó đã là bất hợp pháp
nếu chỉ áp dụng đối với người Pháp ở hải ngoại. Nhưng hoạt động nghe lén kể
trên lại càng bất hợp pháp hơn nữa khi mà các thông tin được DGSE lưu trữ lại
được các cơ quan khác của Pháp khai thác.
Tờ báo nêu lên trường hợp cụ thể là cơ quan phản gián
DCRI và Tracfin có thể khai thác những dữ liệu đó trong công cuộc truy lùng
những kẻ trốn thuế, phá vỡ các đường dây rửa tiền … Thậm chí là cảnh sát điều
tra cũng có thể sử dụng những dữ liệu này khi cần làm sáng tỏ một vụ án. Nói
cách khác, như nhận định của Le Monde, những cơ quan này « rộng đường hành động
» mà không hề bị kiểm soát, cho dù đó là việc làm bất hợp pháp.
DGSE được trang bị ngân sách chính thức 600 triệu euro,
bên cạnh đó còn phải cộng thêm 40 triệu « quỹ đặc biệt » mà các khoản chi tiêu
không bao giờ cần được ghi rõ trong sổ sách. 4 991 nhân viên hoạt động cho cơ
quan này, trong đó 28 % là các quân nhân. Từ 2009 đến 2014 cơ quan tình báo đối
ngoại của Pháp tuyển dụng thêm 687 người, chủ yếu là các kỹ sư.
Nhân đây, Le Monde cho biết là ở bên kia bờ sông Rhin,
nước Đức của thủ tướng Merkel tuy đang thắc mắc về hành vi nghe trộm thông tin
của đồng minh Hoa Kỳ, nhưng Berlin đã không ngừng mở rộng quyền hạn của cơ quan
tình báo BND chuyên giám sát thông tin trên mạng. Lại cũng Berlin dự trù đầu tư
thêm 100 triệu euro từ nay đến năm 2017, tuyển dụng thêm 130 chuyên gia để tăng
cường riêng cho hoạt động này.
Ngành tình báo, cuộc chiến trong bóng tối
Nói đến các hoạt động tình báo để phục vụ cho mục tiêu
kinh tế, thì Pháp cũng không thua Mỹ, vẫn Le Monde nói tới « truyền thống lâu
đời » để phục vụ quyền lợi của các tập đoàn lớn trên quê hương Voltaire. Theo
lời những người từng trong cuộc, thậm chí Pháp còn là một trong những quốc gia
đi đầu và nước Pháp còn « nắm trong tay nhiều lá chủ bài trước những đối thủ
nặng ký như Mỹ, Trung Quốc, Nga hay Anh »
Le Monde kể lại giai thoại chủ tịch tập đoàn hàng không
Trung Quốc China Eastern khi đến Toulouse công tác năm 2001 đã từng bắt quả
tang 3 nhân viên tình báo DGSE lẻn vào phòng khách sạn của ông để lấy trộm
thông tin và do bị bất ngờ nên họ bỏ chạy, để quên lại đầu máy DVD và máy tính
xách tay …
Khi đưa vụ việc ra tòa, Tư pháp ở một quốc gia tôn trọng
nhân quyền và luật pháp như Pháp đã nhanh chóng xếp lại hồ sơ này vào hộc tủ !
Ngược lại thì theo tác giả bài báo, nhiều « bí mật quốc gia » của Pháp cũng đã
từng bị lọt vào tay các nhà cầm quyền Trung Quốc. Với Mỹ cũng vậy, năm 1989 cả
một đường dây của DGSE đã bị Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ FBI « lật tẩy » khi
trà trộn vào các tập đoàn công nghệ tin học của Mỹ như IBM hay Texas
Instruments. Thế rồi năm 1995 thì đến lượt Paris trục xuất trùm CIA và một số
cộng tác viên đang hoạt động tại Pháp với lý do « gián điệp kinh tế ». Như tiết
lộ của WikiLeaks : ngành tình báo, gián điệp của Pháp được xếp vào hạng lợi hại
nhất trên thế giới.
Ai Cập, khi giới trẻ vùng lên
Trở lại với phần thời sự quốc tế : Ai Cập vẫn là điểm
nóng. Trong mắt Libération « Ai Cập đang trở lại với điểm khởi đầu ». Tờ báo
quan ngại trước chính sách truy bắt các thành phần hồi giáo bảo thủ. Một lần
nữa người dân xứ này chưa biết tương lai đi về đâu : « Ai Cập và những bất trắc
», tựa trên báo La Croix. Tờ báo coi việc quân đội truất quyền tổng thống Morsi
là cuộc đảo chính. Vấn đề đặt ra là thời kỳ hậu Morsi đang mở ra « nhiều nghi
vấn ».
Trong xã luận mang tựa đề « Chân trời mờ mịt » La Croix
nêu lên câu hỏi : quyền hạn của tổng thống lâm thời Adly Mansour được tới bao
nhiêu ? Đến khi nào thì Ai Cập mới tổ chức bầu cử ? Ai sẽ là nhân vật có đủ uy
tín để huy động quần chúng cùng xây dựng lại đất nước ? Tương lai tổ chức Huynh
Đệ Hồi giáo Ai Cập sẽ ra sao ? Chưa một ai có thể giải đáp những câu hỏi trên.
Dưới hàng tựa nổi bật trên trang nhất « Sức mạnh của nhân
dân », báo cộng sản L'Humanité ngụ ý sức mạnh của nhân dân đã gạt tổng thống
dân cử Morsi ra khỏi quyền lực. Thế nhưng tờ báo này không quên nhắc lại rằng quân
đội dù được chào đón như những vị anh hùng nhưng cũng chính phe quân đội Ai Cập
ý thức được rằng chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được « đặt dưới sự
giám sát chặt chẽ của nhân dân »
Trở lại với nguyên nhân dẫn đến việc tổng thống Morsi bị
quân đội tước quyền và Huynh Đệ Hồi giáo bị tẩy chay, chuyên gia kinh tế Pháp
gốc Ai Cập, Samir Amin giải thích : chính sách kinh tế và xã hội của ông Morsi
và Huynh Đệ Hồi giáo còn tệ hại hơn cả với những gì chính quyền cũ của tổng
thống Hosni Moubarak đã làm. Trong những điều kiện đó, lật đổ được tổ chức Hồi
giáo cực đoan là « thắng lợi được báo trước của nhân dân Ai Cập ».
Cùng lúc, trả lời báo L'Humanité phát ngôn viên của phong
trào phản kháng Tamarrod không khỏi tự hào khi thấy cả một « tầng lớp thanh niên
Ai Cập dám can đảm vùng lên » Tamarrod đã thu thập được 22 triệu chữ ký đòi ông
Morsi từ bỏ quyền lực.
Le Figaro trong bài xã luận thận trọng nhắc lại là tiến
trình dân chủ Ai Cập mới chỉ ở giai đoạn đầu. Một nền dân chủ không thể được
dựng lên trong chớp mắt. Cuộc cách mạng lật đổ chế độ Mubarak đã mở đường cho
phe Huynh Đệ Hồi giáo lên cầm quyền. Tiếc là cả ông Morsi lẫn cánh Hồi giáo bảo
thủ đã « hoàn toàn không có khả năng điều hành đất nước ».
Khi đã giành được chính quyền bằng lá phiếu, ông Morsi và
đảng cầm quyền đã phản bội lại sứ mệnh mà người dân Ai Cập đã gửi gấm vào tay
họ. Đó là nguyên nhân dẫn tới cái mà báo chí gọi là hồi 2 của cuộc cách mạng
trên sông Nil.
Vào lúc mà các nước Tây phương đang lúng túng vì những
diễn biến ở Ai Cập trong hơn 48 giờ vừa qua, Le Figaro cho rằng mọi người không
nên rơi vào cái bẫy của cánh Hồi giáo bảo thủ, khi họ kêu gào là nạn nhân của
một cuộc đảo chính do quân đội tiến hành.
Avignon, sân khấu nghệ thuận lớn nhất thế giới
Trong lĩnh vực văn hóa, sự kiện liên hoan nghệ thuật sân
khấu Festival d’Avignon được khai mạc ngày mai được tất cả các báo Pháp cùng
nhắc tới. Libération dành hồ sơ đặc biệt 20 trang để nói về điểm hẹn của giới
yêu nghệ thuật sân khấu : từ nghệ thuật múa đế, kịch nghệ, sân khấu đường phố …
Khai mạc từ ngày 5 và sẽ khép lại vào ngày 26/07/2013,
Festival d’Avignon năm nay dành một chỗ đứng riêng biệt cho các tài năng trẻ
của châu Phi. La Croix nói đến « sự sôi sục » của các nguồn sáng tác đến từ
châu lục này. Avignon là chiếc nôi giúp cho những mần non nghệ thuật khi mà các
tài năng châu Phi không có phương tiện để phát triển.
No comments:
Post a Comment