Monday 8 July 2013

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN & NỖ LỰC ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN XÃ HỘI VIỆT NAM (Phan Tấn Hải - Việt Báo)




06/21/2013

Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện từ đầu thập niên 1930s, và từ đó nền văn học chữ quốc ngữ trở thành một diện mạo khác, mở đầu và định hình lâu dài cho phương pháp sử dụng chữ quốc ngữ rất mới và rất thuần Việt.

Bạn hãy hình dung rằng, thời đầu thế kỷ 20, khi các cụ đang bơi lội giữa hai dòng nước văn học: chữ Hán và chữ quốc ngữ. Có người gọi văn chương rằng lựa chọn cho thanh niên muốn tiến thân vào thời này là, hoặc phải học chữ Hán (và biến thể là chữ Nôm, một hệ thống độc đáo của ông bà mình từ nhiều thế kỷ trước, còn được GS Nguyễn Văn Sâm gọi là chữ quốc ngữ cổ), hoặc phải học hệ thống chữ quốc ngữ mới, tức vần abc – hay nói tượng hình là, bút lông hay bút thép.

Cụ Hồ Biểu Chánh mô tả trong cuốn U Tình Lục, 1903, về một số thành phần thanh niên:
Ngày cờ bạc, tối rượu trà,
Nét ngang chưa biết, chữ a chưa từng.

Nét ngang, là nói chữ “nhất,” tượng trưng cho ảnh hưởng Hán học; còn chữ a, là nói vần abc, tượng trưng ảnh hưởng Tây học, tức chữ quốc ngữ abc. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đẩy cuộc lựa chọn này sang một chân trời mới.

Sự xuất hiện độc đáo của Tự Lực Văn Đoàn được GS Nguyễn Huệ Chi mô tả trong bài “Thử Định Vị Tự Lực Văn Đoàn” ở mạng Bauxite VN:

Phạm Phú Minh cầm bản báo xuân Phong Hóa, đứng trước một họa phẩm sơn dầu của Nhất Linh, ký tên họa sĩ là Tam.

“Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học đầu tiên của nước ta mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại. Hội đoàn ấy bắt đầu bằng một tờ báo, đấy là tờ Phong hóa bộ mới mà số đầu tiên phát hành vào ngày 8 tháng Chín năm 1932 - tức số 13 - đã lập tức biến một tờ báo vốn đang ế ẩm thành một hiện tượng đột xuất trong làng báo Hà Nội lúc ấy. Theo Nguyễn Vĩ, ngay số đầu tiên, tờ báo đã “bán chạy như tôm tươi” (Văn thi sĩ tiền chiến) báo hiệu một cái gì thật mới mẻ đang xuất hiện trên đất Hà thành...”

Và thực tế, Tự Lực Văn Đoàn – qua các nhà văn trong ban biên tập báo Phong Hóa, và rồi Ngày Nay như Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Huy Cận... – đã trở thành một dấu mốc lịch sử, nghĩa là, sau họ là cái gì mới, rất mới.

Với nhận định như thế, nhà văn Phạm Phú Minh giải thích về một dự án: “Việc thành lập báo Phong Hóa, Ngày Nay, và Tự Lực Văn Đoàn là những sự kiện đột phá làm thay đổi bộ mặt báo chí và văn chương chữ quốc ngữ của Việt Nam trong tiền bán thế kỷ 20. Dự án Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn nhằm kỷ niệm 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn (tháng 7 năm 1933 -- tháng 7 năm 2013), và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của người khai sáng báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.”

Phạm Phú Minh cũng cho biết rằng, tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, với sự trợ giúp của báo Người Việt, sẽ tổ chức một cuộc triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa, Ngày Nay vào hai ngày 6 và 7 tháng 7, 2013 tại Hội trường báo Người Việt, 14771, Moran St., Westminster CA 92683, USA.

Tôi đã tới thăm nhà văn Phạm Phú Minh để hỏi về dự án triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn, và được ông trải ra cho xem hai số báo Xuân của Phong Hóa, nói rằng các cụ ngày xưa làm báo Xuân cực kỳ công phu, vì bìa phải vẽ bằng kỹ thuật in khắc, nhưng nét tranh Đông Hồ khắc trên bản bìa báo Xuân do các họa sĩ như  Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường... rất là độc đáo An Nam và rất là cá tính kiểu riêng của Tự Lực Văn Đoàn.

Bìa một số bản dịch ngoại ngữ tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn.

Phạm Phú Minh nói, vào thời văn học quốc ngữ Việt Nam còn đầy chữ Hán Việt, cách viết còn nhiều phong cách biền ngẫu (các cặp câu hay đoạn đối nhau, như thể phú, văn tế...) thì Tự Lực Văn Đoàn đã đẩy ra một cánh cửa mới, làm trong sáng văn học bằng sáng tác của họ, rất mới và cũng rất thuần Việt.

Phạm Phú Minh nói, ngay cả trong thời đầu thế kỷ 20, tiểu thuyết Tố Tâm của nhà văn Hoàng Ngọc Phách gây sôi nổi dư luận, làm giới thanh niên đột nhiên lãng mạn hơn vì chuyện tình gay cấn, éo le... thì cũng mang dấu ấn văn học Pháp, ảnh hưởng từ nhà văn Alexandre Dumas (con).

Nhìn lại, chúng ta có thể thấy Tự Lực Văn Đoàn là rất thuần Việt, với hình ảnh sống động của các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ và Bang Bạnh... như đang bước ra từ các ngôi làng cổ Việt Nam. Và cũng là một khát vọng dân chủ, vì từ  những năm 1937- 1939, tờ Ngày Nay lại có những bài xã luận của Hoàng Đạo, nêu những vấn đề cấp thiết của thời đại; từ đó Tự Lực văn đoàn mở ra phong trào Ánh Sáng để cải tạo nếp sống ở nông thôn...

Phạm Phú Minh nói rằng, có một lý do triển lãm dịp này vì cũng để tưởng niệm 50 năm nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam từ trần (cụ Nhất Linh tự sát ngày 7-7-1963 để phản đối Tổng Thống Ngô Đình Diệm) và toàn gia quyến Nguyễn Tường tháng 7-2013 sẽ về Quận Cam lễ giỗ nhà văn này. Phạm Phú Minh nói, “Chính trị thì qua rồi, nhưng văn học là những ảnh hưởng từ Tự Lực Văn Đoàn đã hiển hiện, còn thấy tận bây giờ. Ngay quý cô, quý bà bây giờ mặc áo dài cũng là từ thiết kế trang phục của họa sĩ Nguyễn Cát Tường mà ra...”

Ông nói, một số anh em văn nghệ đã sưu tầm trọn bộ bản giấy báo Phong Hóa, Ngày Nay – đã scan lại, hiện đưa lên trang web Người Việt.

Phạm Phú Minh cũng cho tôi xem các bản dịch mà ông sưu tầm được, trong đó có bản dịch tiếng Nga của “Hồn Bướm Mơ Tiên,” bản tiếng Anh cuốn “Đi Tây” (do nhà văn Úc Greg Lockhart dịch), bản tiếng Anh cuốn “Đoạn Tuyệt” (do nhà văn Mỹ James Banerian dịch), bản tiếng Pháp cuốn “Lạnh Lùng” (do Tâm Quỳ dịch), bản tiếng Pháp cuốn “Hà Nội 36 Phố Phường” (do Nguyễn Đức dịch), bản tiếng Pháp “Anh Phải Sống” (do Marina Prevot dịch), và 2 bản song ngữ Nhật-Việt “Hồn Bướm Mơ Tiên” và “Đoạn Tuyệt” (do Kawaguchi thực hiện). Ông nói, Đià Bắc cũng dịch một số tác phẩm sang Hoa ngữ, nhưng ông chưa tìm được bản nào.

Đặc biệt, Phạm Phú Minh cho xem một bản do Jason Rainey chuyển thể truyện ngắn “Hai Vẻ Đẹp” của Nhất Linh sang tập tranh hoạt họa “Two Beauties,” nghĩa là, Tự Lực Văn Đoàn cũng là nguồn cảm hứng của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế.


Phạm Phú Minh nói rằng dự kiến triển lãm sẽ là:

1. Hình các bìa báo điển hình của hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay.

2. Một số nội dung đặc biệt của hai tờ PH NN như: những minh họa và hí họa có ảnh hưởng xã hội, chính trị, văn hóa một thời; những bản nhạc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam của Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Thẩm Oánh... đã được đăng trên báo Ngày Nay vào cuối thập niên 1930, v.v...

3. Chân dung các thành viên của TLVĐ (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu) và các cộng tác viên nổi tiếng của PH NN (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Gia Trí, Trọng Lang, Nguyễn Cát Tường, Phạm Cao Củng, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Bùi Hiển, Huy Cận, Thanh Tịnh v.v...).

4. Một số các họa phẩm (bản gốc và bản sao) của các họa sĩ từng làm việc với báo PH NN và TLVĐ: Nhất Linh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, v.v... Các thủ bút và tài liệu liên quan đến nhóm TLVĐ và PH NN.

5. Sách do nhà xuất bản Đời Nay của TLVĐ xuất bản từ thập niên 1930 và tái bản từ thập niên 1950 do nhà Phượng Giang, cũng do Nhất Linh chủ trương. Để cho gọn nhẹ, chỉ trưng bày hình bìa các sách này.

6. Sách của TLVĐ đã được dịch sang ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nhật, Nga).

7. Nội dung cuộc cải cách Y phục Phụ nữ trên báo PH NN do họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường phụ trách về lý thuyết cũng như vẽ kiểu.

8. Các mẫu nhà Ánh Sáng mà nhóm PH NN đề xướng để cải thiện cuộc sống của dân nghèo.

Phạm Phú Minh cũng trình bày về chương trình Hội thảo, sẽ là hai ngày Thứ Bảy 6 và Chủ Nhật 7 tháng 7, 2013 tại hội trường báo Người Việt.

Dư kiến từ 10:30AM Thứ Bảy 6 tháng 7-2013 sẽ khai mạc, và sau đó sẽ có phát biểu ngắn từ nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đại diện gia đình Tú Mỡ; GS Nguyễn Tường Triệu, đại diện gia đình Khái Hưng; nhà văn Phạm Thảo Nguyên, đại diện gia đình Thế Lữ. Ba vị sẽ nói ngắn gọn về người thân của mình. Các vị còn lại đại diện cho gia đình Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sẽ phát biểu trong chương trình hội thảo vào ngày hôm sau 7 tháng 7.

Trong phần thuyết trình, sẽ hội thảo Về âm nhạc: Những bản nhạc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam trên báo Ngày Nay - diễn giả nhạc sĩ Lê Văn Khoa (minh họa bằng các ca sĩ hát lại nhạc xưa); về họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường và vấn đề cải cách Y phục Phụ nữ - diễn giả nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền (có minh họa bằng slide show các mẫu áo quần); về kịch: Sự hình thành của phong trào kịch mới Việt Nam, những đóng góp của TLVĐ và từng thành viên - diễn giả nhà văn Phạm Thảo Nguyên (minh họa bằng một đoạn kịch ngắn); về sáng tạo mỹ thuật trong việc trình bày, vẽ bìa, hí họa, minh họa của báo Phong Hóa, Ngày Nay - diễn giả họa sĩ Ann Phong (slide show minh họa hình ảnh); về phong trào Nhà Ánh Sáng, diễn giả là nhà văn Đỗ Quý Toàn; và một phát biểu của một khách mời của ban tổ chức, cô Aki Tanaka, một sinh viên người Nhật đang học về văn học Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo.

Thêm nữa, vào đêm thứ Bảy 6 tháng 7, sẽ có một cuộc trình diễn "Y phục Phụ nữ Tân thời Le Mur" do một nhóm thân hữu phụ trách, tại phòng sinh hoạt của đài truyền hình SBTN, Garden Grove Blvd, thành phố Garden Grove. Giấy mời sẽ được phân phối trước đến tất cả hội thảo viên muốn tham dự.

Trả lời câu hỏi rằng, dòng họ Nguyễn Tường còn những ai hoạt động văn học hiện nay, Phạm Phú Minh nói hiện nay có: Nguyễn Tường Thiết, con của Nhất Linh, ở Seattle; Nguyễn Tường Giang, con Thạch Lam, ở Washington DC; và Đặng Thơ Thơ, cháu ngoại Hoàng Đạo, ở Califoria.

Đặc biệt còn là phần hội thảo về ảnh hưởng văn học của Tự Lực Văn Đoàn, theo lời Phạm Phú Minh... Và đó là chuyện sau.

No comments:

Post a Comment

View My Stats