Sunday 14 July 2013

TRƯỚC PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ, NGA CÂN NHẮC VIỆC CHO SNOWDEN TỊ NẠN (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Thứ bảy 13 Tháng Bẩy 2013

Sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hôm qua 12/07/2013 xin tị nạn tại Nga trong khi chờ đợi đi đến được các nước Mỹ la tinh, Nga sẽ phải quyết định về việc này. Vấn đề Snowden chắc chắn có nguy cơ làm ảnh hưởng thêm quan hệ hiện đang không mấy êm thắm giữa Nga với Hoa Kỳ.

Người đã tiết lộ tài liệu mật về chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đang bị kẹt tại khu vực quá cảnh của sân bay Cheremetievo, Matxcơva từ ngày 23/06/2013 đến nay, hôm qua đã mời 13 nhân vật tên tuổi của Nga đến để nhờ giúp đỡ xin tị nạn chính trị. 

Sau cuộc gặp gỡ đặc biệt này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện thoại cho người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin « để trao đổi về một số vấn đề, trong đó có tình hình vụ Snowden » - theo như Điện Kremli cho biết hôm nay. Trước đó, Nhà Trắng đã yêu cầu Matxcơva không nên « cung cấp diễn đàn tuyên truyền » cho Edward Snowden, người đang bị Hoa Kỳ truy nã vì tội gián điệp, bằng cách cho phép Snowden hiện diện trên lãnh thổ Nga. 

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet của RFI tường trình : 
« Hoa Kỳ không hề hài lòng về việc Edward Snowden có thể tiếp các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền tại sân bay Matxcơva để biện hộ cho trường hợp của mình và loan báo sẽ xin tị nạn tại Nga, ít nhất là tạm thời. Phản ứng của chính quyền Mỹ là kêu gọi Matxcơva nên bác yêu cầu của chuyên gia vi tính này. Jey Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố : 
‘Tôi chỉ muốn nói rằng, cung cấp một diễn đàn tuyên truyền cho ông Snowden là đi ngược lại với tuyên bố trước đây của chính quyền Nga : Matxcơva giữ thái độ trung lập, và không hề kiểm soát về sự hiện diện của ông ta tại sân bay. Điều này cũng không phù hợp với những cam kết của Nga, theo đó Matxcơva không muốn ông Snowden làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ’. 
Tổng thống Obama đã trao đổi qua điện thoại với ông Vladimir Putin, cuộc điện đàm này được dự trù trước khi có việc Edward Snowden xin tị nạn tại Nga. Nội dung của cuộc nói chuyện điện thoại không được tiết lộ, nhưng đề tài trên đây chắc chắn đã được nêu ra. Vấn đề được các chuyên gia Mỹ đặt ra là : Liệu Putin có sẵn sàng làm tổn hại mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp với Hoa Kỳ, để « giải cứu binh nhì Snowden » hay không ».

--------------------------------------------------

Thanh Hà  -  RFI
Thứ bảy 13 Tháng Bẩy 2013

Bị chỉ trích theo dõi nhiều phóng viên trong khuôn khổ các cuộc điều tra về các hành vi khủng bố, chính phủ Mỹ ngày 12/07/2013 công bố một số quy định mới nhằm nâng cao mức độ bảo vệ các phóng viên và những nguồn cung cấp thông tin.

Trong năm 2012 đã có khoảng một trăm nhà báo của hãng thông tấn AP theo dõi. Bảng kê biên điện thoại của những phóng viên liên quan trong một thời gian là hai tháng đã bị tịch thu. 20 đường dây điện thoại tại các văn phòng tại Washington và New York bị theo dõi.

AP không được thông báo trước về quyết định này. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các điều khoản cho phép tịch thu tài liệu của các cơ quan báo chí, truyền thông. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder trong cuộc họp báo hôm qua 12/07/2013 nhấn mạnh đến quyết tâm « bảo đảm an ninh quốc gia và các công dân Mỹ cũng như quyền tự do báo chí » của Hoa Kỳ. 

Điều luật mới theo ông Holder nhằm bảo vệ các phóng viên khi thi hành công tác, nhưng đồng thời cũng là để « bảo vệ các cuộc điều tra không được phép tiết lộ thông tin ra ngoài ». Cụ thể là trước khi theo dõi hay tịch thu tài liệu của một phóng viên nào đó thì chính phủ phải thông báo cho cơ quan trong tầm ngắm của Tư pháp Hoa Kỳ. 

Hành động kiểm soát các cuộc điện đàm của giới truyền thông kể trên gây lo ngại cho quyền tự do báo tại Hoa Kỳ. Theo một số tiết lộ dường như chính quyền Mỹ đã theo dõi để điều tra về vụ bị lộ tin liên quan đến một chiến dịch của cơ quan tình báo CIA tại Yemen. Chiến dịch đó đã diễn ra vào mùa xuân năm 2012 và đã cho phép ngăn chặn một âm mưu khủng bố của Al Qaeda.

Chính quyền Obama viện lẽ đã hành xử như trên vì trường hợp bất khả kháng có thể đe dọa đến an ninh của các công dân Hoa Kỳ. Gần đây hơn, một nhà báo của đài truyền hình Fox News cũng cho biết là đã bị theo dõi.



1 comment:

  1. Chính quyền Obama thực hiện dự án theo dõi các nhà báo với lý do để bảo đảm an ninh quốc gia. Nhưng lý do đó xem ra không chấp nhận được cả về lý và về tình. Luật pháp nước Mỹ quy định rõ rằng công dân có quyền tự do ngôn luận. Tính riêng tư, cá nhân hóa được luật pháp Mỹ hết sức coi trong nhưng trong trường hợp này Mỹ lại đi ngược lại với những quy định tự do báo chí trong luật báo chí. Đáng buồn vì Mỹ nói một đằng, làm một nẻo.

    ReplyDelete

View My Stats