Saturday 20 July 2013

TÂM THỨC NÀO, THỂ CHẾ NẤY ! (Nguyễn Phương)




Nguyễn Phương
Thứ Bảy, 20/07/2013

Muốn chống độc tài và muốn xây dựng dân chủ, cần hiểu rõ độc tài và dân chủ phát sinh thế nào. Nếu không, tuy mang danh chống độc tài nhưng ta lại có thể hành động y hệt những kẻ độc tài; tuy tự hào tranh đấu cho dân chủ nhưng thực tế ta có thể có tiềm năng trở thành nhà độc tài. Mầm mống độc tài có thể đang tiềm ẩn trong cái vỏ bọc dân chủ bên ngoài; một cách sâu xa hơn, nó có thể nằm sẵn trong tâm lý, khuynh hướng hay tính tình của ta.

Mầm mống độc tài là gì?

Nhìn vào chế độ độc tài cộng sản, ta thấy: những người có tư tưởng hay lập trường chính trị xã hội khác với lập trường chính trị xã hội của đảng cầm quyền đều bị liệt vào thành phần chống đối cần phải loại trừ hay tiêu diệt. Vì thế, trong các chế độ độc tài cộng sản, chỉ có một đảng duy nhất được phép tồn tại và hoạt động; những đảng phái khác nếu được tồn tại thì chỉ là những đảng mang tên khác nhưng cùng lập trường với đảng cầm quyền.

Các thể chế độc tài trên thế giới không phải từ trời rớt xuống hay tự nhiên phát sinh ra. Mầm mống phát sinh ra nó được hình thành rất tự nhiên từ trong tâm thức của hầu hết mọi người, thứ tâm thức lúc nào cũng cho suy nghĩ của mình là đúng, thậm chí đúng nhất, để rồi ép buộc mọi người phải theo ý kiến hay ý muốn của mình. Đó chính là tâm thức độc tài.

Tâm thức ấy ta có thể nhận ra nơi hầu hết mọi đứa trẻ. Chúng muốn cái gì thì cũng đòi cho bằng được, không được thì khóc. Khóc dai dẳng chính là một hình thức áp lực cha mẹ chúng. Nếu cha mẹ chúng yêu thương con mình một cách thiếu sáng suốt, cứ quen chiều ý chúng, chúng sẽ trở thành những «nhà độc tài» trước hết đối với chính cha mẹ chúng, và sau này với những người mà chúng chi phối được.

Tâm thức độc tài là một tâm thức rất tự nhiên, phát sinh nơi mỗi người từ thuở nhỏ. Có thể nói nó nằm sẵn trong bản năng mỗi người. Thật vậy, khi sinh ra, ai cũng có khuynh hướng ích kỷ (egoistic, selfish) và tự quy (egocentric), tự coi mình như trung tâm vũ trụ. Tâm thức ấy chỉ giảm đi nhờ sự giáo dục từ cha mẹ, từ nhà trường, từ tôn giáo, và nhất là từ chính bản thân khi mình quyết chí tu tâm sửa tánh. Việc tu tâm sửa tánh để giảm bớt khuynh hướng ích kỷ và tự quy ấy thường khởi sự từ những giác ngộ.

Khi sống chung với người khác, con người có thể nhận ra tâm thức ích kỷ và tự quy ấy nơi người khác cũng như nơi chính mình. Tâm thức ấy gây nên nhiều bất lợi cho đời sống chung, tạo nên nhiều đau khổ, bực bội cho chính mình và cho người khác. Từ những khổ đau bực bội ấy, con người mới nhận ra rằng mỗi người đều có những quan niệm, suy nghĩ và ước muốn khác nhau... Nếu ai cũng cứ ép người khác phải từ bỏ quan niệm, suy nghĩ và ước muốn của họ để theo quan niệm, suy nghĩ và ước muốn của mình thì xã hội con người cũng sẽ giống như của loài vật, trong đó «lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng», và kẻ yếu bao giờ cũng chịu thiệt thòi; còn kẻ mạnh thì sẽ tranh nhau, đánh nhau, giết nhau, vì ai cũng muốn ép buộc người khác phải theo quan niệm hay ý muốn của mình. Đó là mầm mống sinh chiến tranh, gây tang tóc cho xã hội.

Từ những kinh nghiệm và giác ngộ ấy, người tinh tế nhận ra rằng: muốn cuộc sống chung trở nên hài hòa, hạnh phúc thì con người phải nhận ra định luật đa dạng trong vũ trụ cùng với những khác biệt tự nhiên giữa các dạng với nhau, đồng thời phải tôn trọng định luật ấy. Nghĩa là trong thực tế xã hội, phải tôn trọng sự khác biệt trong tư tưởng, ước muốn, quan điểm của nhau đồng thời nhận ra cái đúng, sự hợp lý của nhau. Muốn thế, con người phải chống lại khuynh hướng độc tài vốn rất tự nhiên nằm sẵn trong bản năng của mình. Từ nhận thức hay giác ngộ đó mới phát sinh hay hình thành tâm thức tôn trọng tha nhân, tôn trọng nhận thức, quan điểm, ý kiến, ước muốn của họ, bất chấp chúng khác với cách nhìn của mình. Về mặt xã hội, tâm thức đó chính là tâm thức dân chủ. Tâm thức độc tài phát sinh trong nội tâm con người cách rất tự nhiên và dễ dàng. Còn tâm thức dân chủ phải tập luyện mới có. Và muốn nó phát triển lớn mạnh điều tiên quyết là phải từ bỏ tâm thức độc tài.

Cá nhân con người tiến hóa, thì xã hội con người cũng tiến hóa. Khởi đầu khi hình thành xã hội, con người phải sống trong những thể chế độc tài. Kẻ có quyền luôn luôn dùng quyền lực hay sức mạnh của mình để ép buộc kẻ dưới quyền phải theo quan điểm, ý kiến và ý muốn của mình, bất chấp đúng sai, lợi hay bất lợi. Mãi tới thế kỷ 18, 19, con người mới nhận ra thể chế dân chủ mà các triết gia Hy lạp đã manh nha nhất tới từ những thế kỷ trước công nguyên là thể chế ít gây đau khổ cho con người hơn tất cả những chế độ bộ lạc, phong kiến, độc tài, quân phiệt, v.v... để áp dụng nó vào việc cai trị đất nước. Nhưng chắc chắn nó chưa phải là thể chế ưu việt nhất. Nó còn rất nhiều khiếm khuyết mà con người hiện tại và tương lai phải khắc phục. Theo đà tiến hóa, con người sẽ khám phá hoặc phát minh ra những phương cách cai trị khác tốt hơn, và sẽ từ bỏ thể chế dân chủ cũng như hiện nay đang từ bỏ những thể chế độc tài, phong kiến. Cố Thủ tướng Anh quốc Winston Churchill cho rằng dân chủ là hình thức ít xấu nhất mà con người kinh nghiệm được [1].

[1] Trong bài diễn văn ngày 11-11-1947 tại Hạ Viện Anh, Winston Churchill phát biểu một câu để đời: «Democracy is the worst form of government except for all those others that have been tried» (tạm dịch là «Không kể những hình thức cai trị đã được thử nghiệm thì dân chủ là hình thức tồi tệ nhất»).
Cách nói trên của Churchill là một hình thức chơi chữ. Ông dùng hình thức có vẻ như chê mà thật sự là khen: khen dân chủ là hình thức tốt hơn tất cả những hình thức cai trị mà nhân loại đã trải qua trong quá khứ. Nó chỉ kém những hình thức cai trị mà nhân loại sẽ khám phá hay phát minh ra trong tương lai mà thôi.

Dùng cách chơi chữ này, Churchill muốn nói rằng thể chế dân chủ vẫn còn nhiều khuyết điểm, nên nó rất cần được cải thiện; tuy nhiên nó vẫn tốt hơn tất cả những thể chế đã có. Và một cách gián tiếp mà người nghe hay người đọc phải hiểu ngầm là: trong tương lai, với sự tiến hóa cố hữu, nhân loại sẽ khắc phục được những khiếm khuyết của thể chế dân chủ để phát minh ra những thể chế chính trị tốt đẹp hơn.

Cá nhân mỗi người có sự tiến hóa về tâm thức, con người tiến từ tâm thức ích kỷ, tự quy sang tâm thức quên mình (selfless), vị tha (altruistic). Về mặt chính trị xã hội, con người tiến từ tâm thức độc tài sang tâm thức dân chủ. Sự tiến hóa đó đòi hỏi thời gian và cố gắng luyện tập. Xã hội gồm nhiều cá nhân tập hợp lại cũng có sự tiến hóa tương tự như cá nhân. Cách đây nhiều thế kỷ, cả thế giới đều được cai trị bằng những thể chế độc tài. Nhưng đến thế kỷ 19, 20, thế giới, dần dần từng nước một, đã thoát ra khỏi các thể chế độc tài. Đến nay, thế kỷ 21, trào lưu dân chủ đã phát triển hầu như khắp thế giới, chỉ còn một số quốc gia vẫn phải rên xiết dưới những thể chế độc tài cộng sản hoặc phi cộng sản. Thật không may cho dân tộc Việt Nam ta lại nằm trong số những quốc gia xấu số ấy suốt 5, 6 thập niên qua.

Tất cả các quốc gia thoát khỏi thể chế độc tài đều do sự tranh đấu can đảm bằng xương máu của người dân trong nước. Đúng là «Freedom is not free» (tạm dịch: «Tự do không phải là thứ cho không biếu không», muốn có tự do thì phải trả giá). Nhưng khá nhiều quốc gia vừa thoát khỏi ách độc tài này lại rơi vào một ách độc tài khác. Lý do sâu xa là vì dân tộc ấy, nhất là những nhà đấu tranh cho tự do dân chủ của quốc gia ấy chưa từ bỏ được tâm thức độc tài của mình, và chưa có được tâm thức dân chủ. Khi chưa nắm quyền hành thì tâm thức độc tài ấy còn nằm sâu kín trong vỏ bọc dân chủ bên ngoài, chưa có điều kiện phát tác. Nhưng khi có quyền hành trong tay, tâm thức độc tài ấy mới có điều kiện phát tác biến họ thành những nhà độc tài.

Người Việt có câu: «rau nào sâu nấy», «nồi nào vung nấy». Còn người Mỹ có câu: «such people, such government» (dân nào chính phủ nấy). Nếu dân Việt của chúng ta còn nặng tâm thức độc tài, ai cũng cứ thích bắt mọi người phải làm theo ý mình, suy nghĩ theo cách của mình, bắt mọi người nhận là đúng những gì mình cho là đúng, ai không chịu thì tìm cách triệt hạ họ, thì thể chế độc tài sẽ còn bám lấy dân tộc ta cho tới khi chúng ta từ bỏ được tâm thức ấy.

Tóm lại, để cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của chúng ta có kết quả lâu dài và đi đến một thể chế thật sự dân chủ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, thì mỗi người - nhất là những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ - cần từ bỏ tâm thức độc tài và phát triển tâm thức dân chủ. Bằng không thì… chúng ta sẽ lại lập nên những thể chế độc tài khác. Vì tâm thức độc tài sẽ tạo nên những thể chế độc tài, còn tâm thức dân chủ mới tạo nên những thể chế dân chủ.

Tuy nhiên, đó là việc phải làm về lâu về dài, còn việc trước mắt phải thực hiện là làm sao để chế độ độc tài hiện hành biến mất!!!

Nguyễn Phương




No comments:

Post a Comment

View My Stats