04:13:am 09/07/13
Câu
Chuyện Việt Nam 50 năm sau và phóng viên người Đức Uwe Siemon-Netto
Thú thật 38 năm sau ngày 30 tháng 4, khi đọc những
nhận định về cuộc chiến Việt Nam, gần đây nhất, từ quyển ‘Bên Thắng Cuộc’
của Huy Đức cho đến ‘Tấm lòng của Một Phóng viên dành cho Một Dân tộc
Đau thương’ của Uwe Siemon-Netto (‘Đức: A Reporter’s Love
for A Wounded People’), người viết không khỏi cảm thấy đau buồn và uất nghẹn
cho thân phận Việt Nam. Trong quyển Từ Thù đến Bạn, ông Bùi Tín ví rằng
lịch sử cũng như cuộc chiến Việt Nam không thể như một ván bài khi thua thì ta
xóa đi và đánh lại. Thông thường, tôi không thích khơi lại quá khứ tang thương
VN để bêu rêu, than khóc hay chửi rủa (phạm nhân) vì ít khi nó mang lại lợi ích
gì cho tình thế hiện tại, nhưng trên phương diện lịch sử, người ta có thể ôn
lại chuyện đã qua để ghi nhớ một bài học để đời rằng dân tộc Việt Nam đã trả
một giá quá đắt trong cuộc thất bại vừa qua. Nhất là đối với những người có
trọng trách lèo lái vận mạng quốc gia cần phải nhận thực được cái sai, để chỉnh
sửa, bổ túc cho cái đúng nếu có, nhất định không để cho đất nước đi mãi vào con
đường mất chủ quyền và lụn bại.
Xét trên bình diện chính trị địa dư và hệ quả của
cuộc chiến tranh lạnh, nhiều phân tích gia cho rằng Việt Nam (miền Nam nhiều
hơn miền Bắc) khó có lòng chọn con đường khác hơn trong tình thế của thời cuộc
lúc bấy giờ, khi Việt Nam, qua sự sắp xếp của các thế lực cường quốc, chí ít từ
Nga sô, Trung hoa, Pháp, Anh và Hoa Kỳ, đã phải đi theo con đường bi đát, hay
nói theo tâm lý của Á châu chúng ta không thể cưỡng lại được thiên mệnh. Tuy
nhiên khi nhìn đến Nam Hàn, Đài Loan hay Đức quốc, họ đã có điều kiện khác với
Việt nam ở điểm nào mà nay đã có một hướng đi khả quan và sáng sủa hơn? Ngay cả
Campuchia và Miến Điện, nhiều người cho rằng hai nước này có triển vọng dân
chủ, tư do hơn Việt Nam.
Riêng cá nhân tôi tin rằng sau khi Hoa Kỳ bật đèn
xanh cho các tướng lĩnh miền Nam đảo chánh và lật đổ nền Cộng hoà thứ nhất của
miền Nam, lãnh đạo do tướng lĩnh sau này đã không đủ bản lĩnh cũng như ý thức
được sức mạnh của dân tộc nên đã ỷ lại vào Mỹ quá nhiều để mất đi chính nghĩa
của miền Nam. Chính quyền miền Nam không hiểu rằng một nền dân chủ như Hoa Kỳ
sẽ không thể chiến đấu lâu dài ở Việt Nam. Sách trời đã định trước rành rành
rõ, kể cả sách của tướng Giáp: Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân
đội nhân dân, 1972 cũng đã cho thấy như vậy. Sau Tết Mậu Thân, truyền thông
Mỹ đã chuyển thắng thành bại ở miền Nam, ông Thiệu đã không biết củng cố và
khai thác sư thất bại của Mặt trận giải phóng và Bắc Việt năm ’68, để đến năm
1972, tình hình yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu tìm cách rút lui, chuẩn
bị cho một cuộc triệt thoái toàn diện với phương án Việt Nam-hóa của Nixon
(Vietnamization), đến khi bị Mỹ ép buộc ký Hòa Ước Paris 1973, thì miền Nam kể
như vô vọng. Sau hai ông Diệm-Nhu miền Nam đã không khi nào vận động hay xây
dựng triệt để được năng lực của mình.
Nhưng chủ đích của tôi không nhằm khơi lại vết
thương lòng của miền Nam, tuy rằng khi có ý định giới thiệu quyển sách của nhà
báo Uwe Siemon-Netto – trong đó ông có nhắc đến sai lầm của báo chí và chính
quyền Mỹ (nhưng không nói đến sai lầm của miền Nam) trong cuộc chiến Việt Nam –
âu đó cũng là một phần tâm tư của tác giả vậy. Đây là một tác phẩm rất trữ
tình, mang nhiều tình tiết éo le và đa dạng mà nhiều nhà phê bình so sánh nó
với quyển The Quiet American của Graham Greene, một quyển sách gối đầu của các
phóng viên chiến trường. Tuy rằng ý tưởng của Graham Greene trong Người Mỹ thầm
lặng so với tác phẩm của ông Siemon-Netto thì tác giả Ăng-lê Greene là một
người thiên tả châm biếm Mỹ một cách thâm thúy nhưng rõ rệt.
Trong quyển ‘Tấm lòng của Một Phóng viên dành cho
Một Dân tộc Đau thương’ ông Uwe Siemon-Netto cũng đã nhiều lần cho
thấy sự quái dị của truyền thông Mỹ đi đôi với sai lầm trong chính sách quân sự
Mỹ trong chuyện bình định nông thôn, nhất là chuyện bãi bỏ kế sách Ấp Chiến
Lược của ông Robert Thompson đã đem lại chiến bại cho miền Nam. Đây là một tác
phẩm tuy muộn màng, so với năm 1965 khi ông Siemon-Netto đầu tiên đến Việt Nam
(đến giờ đã hơn 48 năm). Tuy nhiên những ý tưởng và lập luận của ông cần được
làm điều tâm niệm soi rọi nhiều hơn trong làng báo Hoa Kỳ và Tây phương. Sách
đã được dịch ra tiếng Việt, quý độc giả có thể tìm mua qua trang web của ông: http://www.siemon-netto.org/
Dưới đây là 2 đoạn tôi dịch từ cuốn sách “Đức: Tấm
lòng của một phóng viên dành cho một dân tộc đau thương” Đoạn thứ nhất kể lại
chuyện phi lý của báo chí Mỹ trong vụ thảm sát ’68 Mậu Thân ở Huế:
“Làm thế nào để chúng ta biết họ đã bị chôn sống?”
Tôi hỏi một chiến sĩ VNCH.
“Khi tìm ra những hố chôn tập thể này, chúng tôi
nhận thấy những bàn tay phụ nữ với những ngón được đánh móng tay và cắt tỉa cẩn
thận, nhô ra khỏi mặt đất,” anh trả lời, “Những phụ nữ này đã cố cào bới lối ra
khỏi mộ huyệt chôn sống họ.”
Peter Braestrup (phóng viên của NYTimes ) lấy khuỷu
tay húc vào sườn tôi và ra dấu cho thấy một nhóm truyền hình Mỹ, một phóng
viên, một người quay phim và một chuyên viên âm thanh, đang đứng lạc lõng tại
khu mộ, không làm gì cả.
“Tại sao các anh không quay cảnh này?” Peter hỏi họ.
“Chúng tôi không đến đây để quay phim tuyên truyền
chống Cộng,” người quay phim trả lời.
“Thật là chuyện quá đáng, không thể hiểu nổi, Peter
à,” tôi nói, “Lâu nay tớ đã ứa tận cổ với mấy chuyện trái tai gai mắt này.”
“Mình cũng chẳng trách cậu đâu. Có phải chúng ta đã
thất bại trong cuộc chiến này sau khi quân đội đã chiến thắng? Tất cả chỉ là
thành kiến trong óc người thôi.”
Đoạn 2:
Ngày 27 tháng Hai, năm 1968, một tin động trời: bố
già Walter Cronkite, cột trụ của hãng truyền hình CBS Evening News sau một
chuyến bay từ Việt Nam về Mỹ sau Tết Mậu Thân, với một giọng ồn tồn, ấm như
tiếng chuông đồng, đã tuyên bố trước khoảng 20 triệu người xem: Hoa Kỳ (và miền
Nam) không-thể-thắng được trong cuộc chiến Việt Nam. Tin này như một gáo nước
lạnh tạt vào mặt nhiều phóng viên chiến trường, kể cả Peter Braestrup và tôi,
những người đã sống qua cuộc phản công kích của (VNCH và Hoa Kỳ) trong 3 tuần
lễ Tết. Lúc đó chúng tôi đã biết rõ những gì các sử gia đời nay sẽ tuyên bố:
người Mỹ, miền Nam Việt Nam, và các đồng minh của họ đã đánh bại Cộng quân trên
mặt quân sự.
Nhưng quan điểm của Walter Cronkite đã đi ngược với
thực tế, hoán chuyển một chiến bại của quân sự thành một thắng lợi chính trị
cho Cộng sản.
“Tôi đã đánh mất Cronkite, tôi đã mất đi những người
Mỹ trung dung,”Tổng thống Lyndon B. Johnson công bố một tháng sau đó và cho
giảm bớt vụ đánh bom Bắc Việt cùng với quyết định không tái cử của mình, mở màn
cho một vỡ bi hài kịch VN đưa nó lên đến tận cùng của sự phi lý. (‘Tấm Lòng của 1 Phóng viên dành cho một Dân tộc Đau khổ’, Uwe Siemon
Netto, trang 261-262)
Ông Siemon-Netto chia thời giờ của mình giữa
Capistrano Beach, Nam Cali và miền Nam nước Pháp. Hiện giờ ông ở Pháp cho đến
tháng 10, 2013. Ông dạy về thần học ở đại học Strasbourg, Đức. Tôi được hân
hạnh liên lạc điện thoại với ông, vì biết ông bận với công việc nên chỉ hỏi ông
một ít câu ngắn ngủi, xin hẹn với quý đọc giả lần tới.
Phỏng
vấn ông Siemon-Netto
Hỏi
(H): “Trước tiên cho tôi cảm ơn ông và chúc mừng ông đã
xuất bản” Đức: ‘Tấm lòng của Một Phóng viên dành cho Một Dân tộc Đau thương”
tôi đoan chắc cũng như tôi, nhiều người Việt Nam sẽ chia sẻ cùng một cảm xúc
với ông về cuộc chiến tranh xấu số và ác liệt này.
Cám ơn anh, tôi ấp ủ câu chuyện Việt
Nam nhiều thập niên này. Lâu nay do các bạn Việt thúc đẩy tôi viết, tôi cảm
thấy nhẹ nhõm được đôi chút sau khi sách ra đời và được đón nhận nồng hậu.
H1: Tuy biết rằng đề tài và vấn đề chiến tranh Việt Nam hơi muộn, ông có thể
cho biết vì sao ông chọn tự xuất bản lấy sách này thay vì tìm một nhà xuất bản
lớn của Hoa Kỳ, nhất là khi nhiều nhân vật nổi tiếng và nặng ký đã viết lời
bình và điểm sách ông?
Như anh nói, sách tôi tuy ra mắt đọc
giả gần nửa thế kỷ sau chiến tranh Việt Nam, tuy không ít người khen nó, nhưng
anh biết Hoa kỳ vẫn còn tàn dư của phe thiên tả, nên tôi chọn tự xuất bản sách
mình. Tôi có nhiều bạn bè giúp tôi phổ biến sácn này trên mạng của họ. Cũng như
anh đã giới thiệu nó trên trang Facebook của anh.
Xin không hỏi những câu hỏi mà ông đã bày tỏ cũng
như đã tuyên bố hùng hồn trong lời bạt cuối cuốn sách ông, trong cuộc phỏng vấn
vội này, tôi có thể hỏi ông những câu hỏi sau đây và dự định sẽ dành những câu
hỏi chi tiết hơn cho ông vào một ngày khác, được không ạ?
Được anh cứ hỏi.
H2: Cảm ơn ông. Tôi biết lịch sử cần có một thời gian dài để cung ứng cho ta
một góc nhìn quán triệt hơn, nhưng điều gì đã thúc đẩy ông viết cuốn sách này
gần như năm mươi năm sau khi lần đầu tiên ông từ giả cuộc chiến Việt Nam vào
năm 1972, nhất là trước sau như một, ông đã tin tưởng vào lý tưởng và ý chí
(của dân tộc) Việt Nam?
Cám ơn anh đã hỏi câu này. Xin trả
lời:
Kể từ khi rời Việt Nam lần cuối cùng
vào năm 1972, cuộc sống của tôi đã đi vào một khúc quanh hoàn toàn khác biệt và
trở nên khá náo động. Đầu tiên tôi phải đảm trách một nhật báo ở Hamburg. Sau
đó những tạp chí lớn của Đức, Thụy Sĩ và Pháp đã gửi tôi đi vòng quanh thế giới
để làm tường thuật về các đề tài khác nhau, từ cuộc sống Cộng sản ở Đông Đức
cho đến văn hóa rượu vang của Pháp, từ nạn hải tặc ở Đông Nam Á và các quần đảo
ngục tù gulags ở Bắc Triều Tiên cho đến các câu chuyện chuyên sâu về quân đội
Lê dương Pháp ở Guyana. Sau đó, tôi theo đuổi hai bằng thạc sĩ và tiến sĩ trong
ngành thần học và tôn giáo xã hội học, trong khi đảm nhiệm vai trò tổng biên
tập của một tờ báo lớn của Đức trong giai đoạn thống nhất nước Đức. Trong thời
gian đó tôi đã viết hai cuốn sách: Sự tha tội cho Chúa, Bước đi thánh thiện cho
Cựu chiến binh Việt Nam, dựa trên luận án Thạc sĩ của tôi, và Một Luther Hư
Cấu, bác bỏ lập luận rằng ông Luther liên hệ đến Hitler, Đức Quốc xã và những
huyền thoại tân thời khác. Như thế, bạn có thể thấy rằng tôi đã khá bận
rộn.
H3: Ông có theo dõi sự phát triển tại Việt Nam kể từ khi ông giã từ vai trò
phóng viên chiến trường ở Việt Nam?
Có, tôi có theo dõi, nhưng từ một
khoảng xa. Tôi sống ở Paris khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng Tư năm 1975, tôi để
tang. Tôi quay trở lại Đông Nam Á nhiều lần sau đó, nhưng chưa bao giờ về lại
Việt Nam. Lấy công tâm mà nói, tôi không muốn trở về. Tôi đã quá buồn thảm vì
số phận của miền Nam. Tôi để ý đến sự kiện Việt Nam từ xa, tuy nhiên, tôi đã
tham gia tích cực trong các cuộc tranh luận ở Mỹ về lỗi lầm của báo chí cho
những gì đã xảy ra tại Việt Nam. Khi tôi giảng dạy báo chí tại Đức, Thụy Sĩ và
Mỹ, tôi đã dẫn chứng cuộc chiến tranh Việt Nam như là những thí dụ về cách
truyền không nên có vì đó là phương cách rất sai lạc khi tường thuật chiến
tranh cũng như chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ.
H4: Xin ông cho biết ý kiến của ông về Việt Nam ngày nay?
Ý kiến của tôi về Việt
Nam đây chính
là một
quốc gia bị phản bội đang chờ được cứu rỗi. Phe ác thắng là hệ quả tất yếu của sự
phản bội miền Nam Việt Nam của đồng minh Mỹ, có nghĩa là do các nguồn báo chí
chính thống, các đại học đường, và những đầu óc ngu xuẩn vô trách nhiệm về tư
duy chính trị. Việt Nam ngày nay được cai trị bởi một chế độ độc tài, từ chối
quyền con người cơ bản nhất đối với con dân mình, đáng kể nhất là quyền tự do
ngôn luận, hội họp và thờ phượng. Chế độ này đã biến nền văn hóa Việt Nam nhân
hậu thành một trong những lò phá thai tồi tệ nhất thế giới, và đã có những vi
phạm dữ dội về tự do tôn giáo.
H5: Làm thế nào ông đã tìm đến Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền, hai dịch giả của
cuốn sách này?
Việt Nam là luôn luôn ở lại trong tim
óc tôi, nhưng không được phát hiện cho đến khi tôi gặp Lý Văn Quý và Jo, vợ ông
ta, thông qua Tôn Thất Di, người anh bên vợ của ông ấy, và được giới thiệu với
cộng đồng người Việt ở Westminster và Garden Grove năm 2008. Khi tôi dọn đến
Orange County một năm sau đó, mối quan hệ của tôi với Quý, Jo, gia đình và bạn
bè của họ đã trở nên rất thân thiết. Họ hỏi về kinh nghiệm phóng viên chiến
trường của tôi và kêu gọi tôi, “Hãy viết ra. Viết lại cho con em chúng ta.
Chúng cần phải nghe sự thật từ một nguồn độc lập.” Do vậy, tôi đã thực hiện điều
này. Và những chuyện bất cập và đàn áp vẫn tiếp diễn.
Tuy vậy, có những dấu hiệu đầy hứa
hẹn: Chính phủ đã từ bỏ phong cách Stalin của họ trong nền kinh tế: đầu tư và
thương mại nước ngoài, do đó cho phép sự khéo léo, cần cù của nhân dân Việt Nam
được phát triển. Chắc chắn điều này sẽ tạo ra một động lực hàng đầu để đưa đến
tự do về chính trị. Như tôi đã nói trong Lời kết của quyển sách trong khi lịch
sử luôn luôn đóng cửa với quá khứ nó sẽ rộng mở ra cho tương lai. Chắc chắn tôi
không ủng hộ chuyện cải tổ bằng các đề án quân sự. Thay đổi sẽ phải đến từ bên
trong, điều đó tôi đoan chắc. Có lẽ ai đó đang làm việc này rồi. Người Việt Nam
không phải là những kẻ mộng du, họ là một dân tộc sáng suốt. Chúng ta phải mở
mắt nhìn kỹ, tìm một cái gì đó rất tinh tế có lẽ là: những dấu hiệu nhạy bén
cho thấy một người châu Á đang xuất đầu lộ diện, biết cách nói để giữ sĩ diện
(cho đối tượng của mình), thừa nhận rằng sự khủng bố, các vụ thảm sát của quá
khứ là sai và cần được chuộc tội bằng cách chấp nhận những người buộc phải chạy
trốn khỏi đất nước mình. Điều này sẽ xảy ra. Làm thế nào? Khi nào? Tôi không có
ý kiến. Nhưng hy vọng rằng điều đó sẽ sớm xảy ra.
Cảm ơn ông, hẹn ông vào kỳ tới.
© Nguyễn Khoa Thái Anh
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment