M. K.
Gandhi
Phan
Trinh dịch
Tháng 7 8, 2013
“Khi không thể nói chuyện phải trái với nhà cầm
quyền bằng kiến nghị, hay những cách thức tương tự, thì giải pháp duy nhất còn
lại, nếu ta không muốn chịu đựng những luật lệ sai lầm, sẽ là một trong hai:
hoặc dùng vũ lực buộc họ khuất phục, hoặc tự chịu khổ và chấp nhận những hình
phạt sẽ có dành cho người không tuân thủ luật pháp.” (Gandhi)
*
*
Giới
thiệu của người dịch:
Sự thật, tình thương và tự khổ là cốt lõi phương pháp đấu tranh Quyền lực Lương tâm
(Satyagraha) [i] của M.K. Gandhi:
Đối với Gandhi, sự thật là thượng đế. Ông
không thờ chủ nghĩa, không thờ chữ nghĩa, cũng không thờ đảng lãnh đạo, ông thờ
sự thật. Cả đời ông là một cuộc truy tìm sự thật, đó là mục đích tối hậu, còn
độc lập cho Ấn Độ là một thành quả bắt nguồn từ mục đích tối hậu kia.
Trong khi đó, tình thương là nền tảng của bất bạo
động. Tôi không bạo động vì tôi trân trọng sự sống của con người, kể cả của kẻ
thù. Gandhi nhấn mạnh nhiều lần: đừng dùng bất bạo động như vũ khí của kẻ yếu,
đừng bất bạo động vì chưa thể bạo động. Tình thương khiến ông khách quan nhìn
ra giới hạn của mình cũng như khả năng cảm hoá kẻ ác của sự thật và tình
thương. Mục đích của Gandhi là sự thật, còn phương tiện là tình thương.
Tự khổ là cốt lõi thứ ba của Quyền lực Lương tâm.
Đây là điều ít người nhắc tới và có lẽ là lý do khiến con đường của Gandhi trở
nên khó khăn với đám đông sau này. Nhưng đó là điều Gandhi đã tin, đã nói và đã
làm. Đức Jesus cũng từng khuyên người khát khao đi tìm sự thật phải biết “bỏ
mình đi”, vác thập giá mà đi. Đạo Phật cũng khuyên con người hãy biết “chịu
phần thiệt về mình”, bằng không thì sự công bằng thuần tuý sẽ dẫn đến mạng đòi
mạng, mắt đòi mắt và cả thế giới sẽ hoá mù. Gandhi cũng chỉ nói điều tương tự:
khi bạn không tin điều gì là sự thật, hãy đừng làm nó. Nếu luật lệ nào không
đúng, hãy cứ bất tuân và chấp nhận những trừng phạt sẽ đến dành cho người bất
tuân. Đó là chọn lựa duy nhất để con người giữ được phẩm giá, bằng không sẽ là
thoả hiệp và con người sẽ trở thành nô lệ.
***
Cũng nên nói rằng tuy Gandhi là lãnh tụ Đảng Quốc
đại Ấn Độ và cũng là lãnh tụ tinh thần của dân tộc Ấn trong cuộc đấu tranh
giành độc lập, nhưng ông là một người hành động nhiều hơn là một nhà tư tưởng.
Những gì ông viết phần lớn đều bằng ngôn ngữ giản dị, dành cho đại chúng và để
phục vụ cuộc đấu tranh trước mắt. Cũng không dễ để hệ thống hoá tư tưởng của
Gandhi, dù số lượng điều ông viết không ít. [ii] Nhưng con đường của ông, phương pháp đấu tranh bằng Quyền lực
Lương tâm của ông đã ảnh hưởng rất lớn đối với những nhà đấu tranh từ Âu sang
Á, từ Martin Luther King ở Mỹ, Vaclav Havel ở Tiệp Khắc, đến Aung San Suu Kyi ở
Miến Điện.
Có lần bà Aung San Suu Kyi, trích lời Nehru – người
sát cánh với Gandhi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, sau thành Thủ tướng Ấn
Độ – viết về Gandhi và Tagore như sau:
“Tagore trước hết là một nhà tư tưởng, trong khi
Gandhi lại là một người hành động không ngừng và toàn tâm. Tuy mỗi người mỗi
cách, cả hai đều có tầm nhìn thế giới và đều thấm nhuần tinh thần Ấn Độ. Cả hai
là đại diện cho những mặt khác nhau nhưng hài hòa của Ấn Độ, vị này bổ sung cho
thiếu sót của vị kia.” [iii]
Cũng nên biết Tagore xuất thân quý tộc, tư tưởng
phóng túng, dung nạp điều tích cực của phương Tây, trải qua kinh nghiệm được
phương Tây trải thảm đỏ đón tiếp, trong khi Gandhi xuất thân trung bình, trải
nghiệm kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi và sự ngược đãi của người da trắng. Tagore có
lúc phê phán Gandhi, nhưng cả hai đều rất kính trọng nhau. Tagore tư tưởng
không thể thiếu Gandhi hành động, và Ấn Độ cần cả hai, như hai con mắt của một
vị thần.
***
Người Việt đã biết đến đấu tranh sinh tồn, đấu tranh
chống ngoại xâm, và cũng đã điêu đứng vì du nhập đấu tranh giai cấp.
Cùng với sự thức tỉnh của sự thật và khát khao sự
thật – không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới hiện nay – dường
như đây là lúc đang diễn ra cuộc đấu tranh của Quyền lực Lương tâm.
Cũng có thể tin rằng: khi Quyền lực Lương tâm đốt
cháy trong lòng mỗi cá nhân thì ngọn lửa lương tâm sẽ châm ngòi cho những cuộc
đấu tranh rầm rộ của đại chúng, thường được gọi là Quyền lực Nhân dân (People
Power), đã từng cuốn phăng đi bao nhiêu chế độ độc tài từ Đông sang Tây.
Điều kỳ diệu là dù văn hoá, thể chế, nhân cách có
suy đồi đến mấy thì lương tâm con người – sức mạnh hối thúc con người
hướng về sự thật và tình thương – vẫn còn, và cuối cùng vẫn là nền tảng duy trì
sự sống. Nó luôn thắng và chỉ bị đầy lùi ngắn hạn. Nhưng những lúc bị đẩy lùi
ngắn hạn này, theo Gandhi, lại được ghi vào lịch sử – giống như người đời vẫn
thường nhớ đến những lần bị ngạt thở, ít ai nhớ đến không khí – và tạo cảm
tưởng cái ác luôn thắng.
Quyền lực Lương tâm là con đường khó và gần với lý
tưởng tôn giáo. Nhưng, nếu tôn giáo đã từng thay đổi lịch sử, nếu đạo Tin lành
là nền tảng tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Max Weber), nếu Gandhi đã thức tỉnh
được Ấn Độ là làm thực dân Anh lùi bước, nếu Đức Giáo hoàng John Paul II và
Giáo hội Công giáo Ba Lan đã góp phần không nhỏ làm chủ nghĩa cộng sản ở Đông
Âu sụp đổ, nếu những chế độ cộng sản cuối cùng vẫn sợ tôn giáo đích thực như sợ
kẻ thù, hoặc nói dân dã hơn, nếu “chùa là cái thiện của làng” [iv] thì cũng có thể nói rằng: Lương tâm chính là mầm thiện còn
sót lại trong mỗi người, và việc đánh thức nó – đánh thức khát khao sự thật,
tình thương và lòng dũng cảm – có thể sẽ là nền tảng tinh thần cho một xã hội
dân sự lớn mạnh và gắn kết.
Đó là điều những tù nhân lương tâm đang làm. Đó là
điều các blogger lên tiếng vì sự thật và dân chủ đang làm. Họ bênh vực sự thật,
họ bất bạo động, và họ chấp nhận tù tội chứ không chấp nhận dối trá.
Thượng đế không xa lạ, thượng đế là sự thật,
và những tù nhân lương tâm của chúng ta dường như cũng đang đọc chung Lời
nguyện mỗi sáng của Gandhi, như sau:
Tôi nguyện không sợ hãi ai trên trái đất này.
Tôi nguyện chỉ kính sợ thượng đế mà thôi.
Tôi nguyện không nghĩ xấu về bất cứ người nào.
Tôi nguyện không thúc thủ trước bất công, dù do ai
gây ra.
Tôi nguyện chinh phục dối trá bằng sự thật,
Và để chống lại dối trá,
Tôi nguyện chấp nhận mọi khổ đau.
***
Đoạn trích dịch dưới đây chỉ là vài điểm sơ lược về
phương pháp đấu tranh của Gandhi, như một lời giới thiệu, và hy vọng cũng là
một ghi chú góp thêm vào “27 ghi
chú dành cho những Tù nhân Lương tâm dự khuyết” của Phạm Hồng Sơn.
______________________
1.
SATYAGRAHA
Trong 30 năm qua, tôi đã truyền bá và thực hành
Satyagraha. Những nguyên tắc của Satyagraha như tôi biết hôm nay là đúc kết của
một quá trình điều chỉnh theo từng giai đoạn.
Satyagraha khác hẳn Đấu tranh Thụ động như Bắc Cực
khác với Nam Cực. Đấu tranh Thụ động vốn được xem như vũ khí của kẻ yếu, và
cách đấu tranh này cũng không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đạt mục tiêu.
Trong khi đó, Satyagraha lại được hình thành như vũ khí của kẻ mạnh nhất và
không có chỗ cho bạo lực dưới bất cứ hình thức nào.
Cụm từ Satyagraha là do tôi đặt khi ở Nam Phi, để
diễn tả sức mạnh mà kiều dân Ấn Độ ở đó đã sử dụng để đấu tranh suốt tám năm
trời. Satyagraha cũng được đặt ra để phân biệt với phong trào Đấu tranh Thụ
động đang diễn ra cùng thời ở Anh Quốc và Nam Phi.
Ý nghĩa gốc của Satyagraha là giữ lấy sự thật
[holding on to truth], vì vậy có thể gọi đó là Quyền lực của Sự thật
[Truth-force]. Tôi cũng gọi Satyagraha là Quyền lực của Tình thương
[Love-force] hay Quyền lực Lương tâm [Soul-force].
Khi áp dụng phương pháp này, tôi nhận ra ngay từ
những ngày đầu tiên rằng việc theo đuổi sự thật sẽ không cho phép sử dụng bạo
lực để gây tổn thương cho đối thủ của mình, và để giảm bớt sai lầm thì người
đấu tranh cần phải biết kiên nhẫn và cảm thông. Đơn giản là vì: điều được xem
là sự thật đối với người này lại có thể là sai lầm đối với người kia. Kiên nhẫn
cũng có nghĩa là tự-chịu-khổ.
Nói cách khác, nguyên lý của Satyagraha chính là: Hãy
bảo vệ sự thật, nhưng không bằng cách gây đau khổ cho đối thủ, mà là tự mình
chịu khổ.
Chống
luật bất công
Trong lĩnh vực chính trị, những cuộc đấu tranh vì
con người hầu hết là đấu tranh chống lại cái sai trái của những luật lệ
bất công.
Khi không thể nói chuyện phải trái với nhà cầm quyền
bằng kiến nghị, hay những cách thức tương tự, thì giải pháp duy nhất còn lại,
nếu ta không muốn chịu đựng những luật lệ sai lầm, sẽ là một trong hai: hoặc
dùng vũ lực buộc họ khuất phục, hoặc tự chịu khổ và chấp nhận những hình phạt
sẽ có dành cho người không tuân thủ luật pháp. Cũng vì điều này mà Satyagraha
được phần lớn quần chúng biết tới như là Bất tuân Dân sự hoặc Đấu tranh Dân sự.
Dân sự hiểu theo nghĩa không phải là hình sự.
Kẻ phạm pháp luôn lén lút vi phạm và tránh sao cho
khỏi bị trừng phạt, nhưng đây không phải là cách của người đấu tranh dân sự.
Người đấu tranh dân sự luôn tuân thủ luật lệ của nhà nước mà họ là công dân,
nhưng họ tuân thủ không vì họ sợ bị trừng phạt, mà vì họ xem những luật lệ kia
là tốt cho phúc lợi của xã hội. Nhưng sẽ có lúc, tuy hiếm hoi, họ cho rằng một
số luật lệ là không công bằng và tuân thủ các luật lệ này sẽ là điều sỉ nhục.
Lúc ấy, bằng hình thức dân sự và công khai, họ sẽ
bất tuân luật pháp và sẵn sàng chấp nhận bị trừng phạt vì sự bất tuân này. Và
để cho nhà cầm quyền càng thấy rõ họ phản đối việc làm của nhà cầm quyền, họ
cũng có thể bất tuân cả những luật lệ khác, mà nếu không tuân theo cũng không
phạm đến những nguyên tắc đạo đức của họ.
Trong suy nghĩ của tôi, vẻ đẹp và hiệu quả của Satyagraha
rất tuyệt vời, và nguyên lý này đơn giản đến nỗi trẻ em cũng có thể hiểu được.
Tôi đã giảng giải nó cho hàng ngàn người, nam giới cũng như phụ nữ và trẻ em,
đối tượng thường được gọi là dân Ấn làm thuê, với kết quả xuất sắc.
(Trích từ bản Điều trần của Gandhi trước Ủy ban
Hunter) [Ủy ban được thành lập cuối năm 1919 để điều tra về vụ Thảm sát tại
Jallianwala Bagh, còn gọi là vụ Thảm sát tại Amritsar. ND]
2.
MỤC
ĐÍCH VÀ PHƯƠNG TIỆN
Người đọc: Vì sao ta không
tìm cách đạt một mục đích tốt đẹp bằng bất cứ phương tiện nào có thể, kể cả
dùng bạo lực?…
Người biên tập: Bạn lập
luận nghe có phần hợp lý. Nhiều người cũng nghĩ vậy. Trước đây, tôi cũng từng
nghĩ giống vậy. Nhưng, giờ tôi hiểu biết nhiều hơn rồi, tôi sẽ cố gắng thuyết
phục để bạn nghĩ khác đi.
Hãy bắt đầu bằng lập luận cho rằng: ta cứ dùng vũ
lực để đạt mục đích vì người Anh thực dân cũng đạt mục đích bằng vũ lực, đây là
việc có thể biện minh được. Quả thật là họ đã dùng vũ lực và chúng ta
cũng có thể làm tương tự, nhưng khi dùng cùng một phương tiện thì ta cũng sẽ
chỉ gặp phải những hậu quả họ gặp. Và bạn biết đó, chúng ta không muốn như thế.
Nếu bạn nghĩ giữa mục đích và phương tiện
chẳng có liên quan gì thì đó là một sai lầm lớn. Nhận thức sai lầm này đã khiến
cả những người được xem là đạo hạnh mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng. Lập
luận như vậy cũng giống như nói rằng ta có thể gieo hạt độc để gặt lấy hoa
hồng. Nếu muốn vượt biển, tôi phải dùng tàu thuyền, còn nếu vượt biển bằng xe
thì cả xe lẫn tôi đều chìm nghỉm. Câu châm ngôn sau đây thật đáng suy nghĩ:
“Thượng đế ra sao thì tín đồ cũng phải vậy.” Nhưng ý nghĩa của nó đã bị bóp méo
và con người đã lầm lạc. Có thể ví phương tiện như hạt giống, và mục đích như
cây. Hạt giống và cây liên hệ với nhau ra sao thì mục đích và phương tiện cũng
liên hệ với nhau như vậy.
Tôi sẽ chẳng được gì nếu tôi thờ Thượng đế bằng cách
quỳ lạy Satan. Nếu ai nói rằng “Tôi muốn tôn vinh Thượng đế bằng con đường của
Satan, cũng được chứ sao” thì đó là người lầm lạc, vì gieo gì sẽ gặt nấy.
Nếu tôi muốn cướp đồng hồ của bạn, chắc chắn tôi sẽ
phải vật lộn với bạn để giành giựt nó; nếu tôi muốn mua đồng hồ của bạn, tôi
phải trả tiền mới mua được; còn nếu tôi muốn nhận được một món quà, tôi sẽ phải
ngỏ lời với bạn. Bạn thấy đấy, tùy theo phương tiện tôi dùng để đạt mục đích mà
chiếc đồng hồ sẽ là của cắp, của sở hữu, hay là một món quà.
(Trích từ Hind Swaraj or Indian Home Rule,
Chương XVI)
(Còn 1 kì)
Nguồn: M.K. Gandhi, Non-Violent Resistance (Satyagraha) (Đấu tranh bất
bạo động (Satyagraha), NXB Dover Publications, INC. New York, 2001. Trang 6-19.
Tựa, tiêu đề và các ghi chú là của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh &
pro&contra
[i] Xem Joan V. Bondurant, Conquest of Violence – The Gandhian
Philosophy of Conflict (Khuất phục Bạo lực – Triết học về xung đột theo
Gandhi), NXB Princeton University Press, Bản bổ sung 1988. Chương II:
“Satyagraha, Its Basic Precepts” (Satyagraha, Những nguyên tắc cơ bản), trang
15-35.
[ii] Joan V. Bondurant, sách đã dẫn, phần “Dẫn nhập”, trang 7. Khi
viết cuốn sách này vào năm 1958, tác giả Bondurant cho biết: “Hầu hết những bài
Gandhi viết đều là những bài giảng ngắn cho những người muốn nghe ông góp ý…
Ông chỉ viết bốn cuốn sách. Tuy có nhiều sách mang tên ông, nhưng thực ra đó
chỉ là những cuốn tổng hợp lại những bài ông viết, những tài liệu ngắn và những
diễn văn. Cần phải đọc thêm các bài tuần báo và các bộ sưu tập thư từ ông viết
thì mới có thể hiểu thêm diễn biến tư tưởng của Gandhi.” Bondurant cũng cho
biết bốn cuốn sách Gandhi viết là: The Story of My Experiments with Truth
(Câu chuyện về những thử nghiệm của tôi với sự thật) 1940; Satyagraha in
South Africa (Satyagraha ở Nam Phi) 1938; Hind Swaraj or Indian
Home Rule (Hind Swaraj hay nền độc lập nước nhà) 1938; Key to Health
(Bí quyết sức khỏe) 1948.
[iii] Aung San Suu Kyi, Freedom From Fear (Quyền không sợ
hãi), NXB Penguine Books, 1995, trang 116.
[iv] “Chùa là cái Thiện của làng” là bài báo nổi tiếng của Phạm
Xuân Đài viết năm 1990. Đoạn mở đầu của bài báo như sau:
“Trong truyện ngắn Người ở Làng Pháo đăng
trên một tờ báo Sài Gòn năm 1990, tác giả Nguyễn Khải đã cho nhân vật chính,
một bí thư huyện uỷ có tinh thần đổi mới tại một làng địa phương miền Bắc nói
những lời này:
“Làng tôi có nghề pháo là nghề của Tổ cho, thì nhà
nhà đều được quyền làm pháo, cấm thế quái nào được. Đình là cái gốc của làng,
tôi hô hào dân chúng bỏ tiền ra tu sửa, soạn lại thần phả. Chùa là cái Thiện
của làng, tôi mời sư về trông nom, tối một hồi chuông, sáng một hồi chuông,
thằng ăn cướp nghe chuông mãi cũng có lúc phải hồi tâm nghĩ lại. Có cơm để ăn,
có Phật để lễ, người ngợm lại khác ngay, lại hiền lành tử tế không đâu bằng.”
(Trích theo bản đăng lại trên Diendantheky.net, ngày 19/1/2012)
M. K.
Gandhi
Phan
Trinh dịch
3.
CUỘC
ĐẤU TRANH CỦA LƯƠNG TÂM
Không
lịch sử
Người đọc: Có chứng cớ lịch
sử nào cho thấy điều ông gọi là Quyền lực Lương tâm đã từng thành công? Tôi
chẳng thấy có quốc gia nào vươn lên được nhờ Quyền lực Lương tâm cả. Tôi vẫn
nghĩ kẻ ác sẽ cứ làm ác nếu không bị vũ lực trừng phạt.
Người biên tập: Nhà thơ
Tulsidas có nói: ”Trong tôn giáo thì lòng thương xót, hay tình thương, chính là
gốc, nó quý giá hơn hẳn thể xác. Vì vậy, đừng đánh mất lòng thương xót khi ta
còn sống.” Với tôi, đây là môt sự thật khoa học. Tôi tin vào điều này như tin
hai với hai là bốn. Quyền lực của Tình thương, Quyền lực của Lương tâm hay
Quyền lực của Sự thật cũng chỉ là một. Chúng ta có chứng cớ về tác dụng của nó
khắp nơi, trên từng bước đi. Vũ trụ sẽ biến mất nếu không có sức mạnh này.
Nhưng bạn đã hỏi về chứng cứ lịch sử, vì vậy, ta cần hiểu lịch sử là gì.
Trong tiếng Gujarati, lịch sử có nghĩa là “đã xảy ra
như thế”. Nếu đó là nghĩa của lịch sử thì chứng cớ cho sự hiện diện của Quyền
lực Lương tâm có đầy rẫy. Nhưng, nếu lịch sử có nghĩa là những hành vi của vua
chúa các thời đại thì có thể nói không có chứng cớ gì về Quyền lực Lương tâm
hoặc Đấu tranh Bất bạo động ở đây cả. Bạn không thể nào tìm thấy quặng bạc
trong mỏ thiếc được.
Lịch sử, như ta biết, là biên bản ghi lại những cuộc
chiến tranh của thế giới. Một thành ngữ quen thuộc của người Anh nói rằng: một
quốc gia không có lịch sử, tức không có chiến tranh, là một quốc gia hạnh phúc.
Các vua đấu trí ra sao, họ trở thành kẻ thù của nhau ra sau, rồi họ giết nhau
ra sao đều thấy ghi rõ trong lịch sử.
Nhưng nếu thế giới chỉ xảy ra có bấy nhiêu thôi thì
thế giới đáng lẽ đã chấm dứt từ lâu rồi. Nếu câu chuyện của thế giới bắt đầu
bằng chiến tranh và chỉ là chiến tranh thì ngày nay hẳn sẽ không còn ai sống
sót. Những dân tộc lâm chiến cũng sẽ biến mất, như những tộc thổ dân Úc khi kẻ
xâm lăng gần như không để ai sống sót. Nên để ý rằng những người thổ dân kia đã
không dùng Quyền lực Lương tâm để tự vệ, và chẳng cần là tiên tri cũng đoán
được rằng nếu điều này cứ tiếp diễn thì người Úc rồi cũng sẽ đối mặt với số
phận y như nạn nhân của họ thôi. “Ai dùng gươm sẽ chết bằng gươm.” Một ngạn ngữ
Ấn Độ cũng nói tương tự: Táng trong mộ nước có cả những tay bơi chuyên nghiệp.
Sự
thật và tình thương
Hiện tượng đông đảo nhân loại vẫn sống trên thế giới
hôm nay cho thấy thế giới không được xây dựng trên nền tảng vũ lực, mà được xây
dựng trên nền tảng quyền lực của sự thật và tình thương. Vì vậy,
chứng cớ vĩ đại nhất và không thể nào bác bỏ cho thấy quyền lực này thành công
chính là: dù có trải qua bao nhiêu cuộc chiến đi nữa, thế giới vẫn sống còn.
Biết bao nhiêu con người đã và đang tồn tại được nhờ
tác dụng tích cực của sức mạnh này. Những cuộc cãi vã vặt vãnh của hàng triệu
triệu gia đình hàng ngày đã biến mất trước sức mạnh của sự thật và tình thương,
và hàng trăm quốc gia cũng đang có thể sống chung hòa bình. Lịch sử đã không
ghi nhận và không thể ghi nhận những thực tế này. Lịch sử quả thực chỉ là một
biên bản ghi chép những lúc đứt quãng, khi sức mạnh của tình thương và lương
tâm, vốn bền bỉ đều đặn, không phát huy được tác dụng.
Hai anh em tranh chấp, sau đó một trong hai nghĩ
lại, đánh thức tình thương ngủ chìm trong lòng mình, thế rồi hai anh em hoà
giải và sống yên vui trở lại… chẳng ai ghi chép những chuyện như thế làm gì.
Nhưng nếu hai anh em, được người ngoài xúi giục hoặc vì lý do gì khác, bỗng cầm
lấy vũ khí đánh đập nhau, hoặc đưa nhau ra trước pháp luật – vốn cũng là một
hình thức thể hiện sức mạnh khống chế – thì việc làm của họ lập tức sẽ được báo
chí chú ý, hàng xóm láng giềng sẽ bàn tán râm ran, và biết đâu chừng họ có thể
đi cả vào lịch sử.
Chuyện gia đình và cộng đồng ra sao thì chuyện quốc
gia cũng vậy. Không có lý do gì để tin rằng luật lệ chi phối sinh hoạt trong
gia đình lại khác với luật lệ chi phối các quốc gia.
Như vậy, có thể nói lịch sử là văn bản ghi lại sự
gián đoạn của những gì tự nhiên thường có. Quyền lực của lương tâm, vốn tự
nhiên và hằng có, không được ghi trong lịch sử.
Tâm
thay cơ
Người đọc: Theo những gì
ông nói, rõ ràng là những ví dụ về hình thức đấu tranh bất bạo động này không
tìm thấy trong lịch sử. Vì thế càng cần hiểu đầy đủ hơn về đấu tranh bất bạo
động. Có lẽ ông nên nói thêm.
Người biên tập: Đấu tranh
bất bạo động là phương pháp giành lấy quyền lợi cho mình bằng cách tự chịu khổ;
nó đối nghịch với đấu tranh vũ lực. Khi tôi từ chối làm một việc trái với lương
tâm mình thì đó là lúc tôi dùng quyền lực của lương tâm.
Chẳng hạn, khi nhà cầm quyền thông qua một đạo luật
có liên quan đến tôi nhưng tôi không đồng tình, nếu tôi dùng bạo lực để buộc
chính quyền bãi bỏ đạo luật, thì tôi dùng đến quyền lực cơ bắp. Nếu tôi
không tuân phục đạo luật và sẵn sàng chấp nhận hình phạt sẽ đến thì lúc đó tôi
dùng quyền lực lương tâm. Điều này ám chỉ người đấu tranh phải chịu hy
sinh quyền lợi của riêng mình.
Ai nấy đều tin rằng hy sinh quyền lợi bản thân thì
chắc chắn cao đẹp hơn bắt người khác hy sinh quyền lợi của họ. Thêm vào đó, nếu
sức mạnh này được dùng cho một lý do không hoàn toàn đúng thì cũng chỉ người
dùng nó chịu khổ mà thôi. Anh ta sẽ không làm ai khổ vì sai lầm của mình.
Là con người, ai cũng từng làm nhiều điều mà sau đó
mình thấy là sai. Không ai có thể tự hào tôi tuyệt đối đúng, hoặc cho rằng một
điều gì đó là sai chỉ vì tôi nghĩ vậy. Nó chỉ sai đối với tôi, sau khi
tôi đã suy nghĩ chín chắn và đi đến kết luận. Và một khi đã tin vào kết luận
của mình, tôi không nên làm điều mình cho là sai và sẵn sàng đón nhận hậu quả,
bất kể đó là gì. Đây là điểm then chốt khi sử dụng quyền lực lương tâm.
Không
phải là người
Người đọc: Như vậy là ta
sẽ bất chấp luật pháp ư? Đây là điều bất thường. Nước ta là một đất nước luôn
biết tuân thủ luật pháp. Dường như ông còn muốn đi xa hơn cả những người cực
đoan thì phải. Họ chủ trương chúng ta phải vâng theo những điều luật đã được
thông qua, nhưng nếu luật sai trái thì hãy dùng bạo lực để đánh đuổi kẻ làm
luật!
Người biên tập: Tôi có đi
xa quá hay không thực ra không liên quan gì đến bạn và tôi. Chúng ta chỉ muốn
tìm ra điều đúng và làm theo. Ẩn sau mệnh đề “nước ta luôn tuân thủ luật pháp”
là ý nghĩa này: chúng ta là những người phán kháng thụ động. Khi chúng ta không
đồng tình với đạo luật nào đó, chúng ta sẽ không đập vỡ đầu những kẻ làm luật
và cầm quyền, ngược lại, tự chúng ta sẽ chịu khổ nhưng dứt khoát không tuân thủ
những luật lệ như thế.
Ý niệm cho rằng ta phải tuân phục luật pháp dù nó
tốt hay xấu thế nào mặc kệ quả là một ý niệm mới toanh. Trước đây không hề có
điều này. Trước đây dân chúng vẫn bất tuân những luật lệ họ không đồng tình và
sẵn sàng chấp nhận hình phạt vì vi phạm chúng. Chúng ta sẽ không còn là người
nữa nếu chúng ta tuân thủ những luật lệ xung khắc với lương tâm mình. Giáo huấn
này đồng nghĩa với phản tôn giáo và đồng nghĩa với nô lệ.
Nếu chính quyền nói mọi người hãy ra đường nhưng
đừng mặc quần áo gì cả thì chúng ta có làm không? Nếu tôi là người đấu tranh
bất bạo động, tôi sẽ nói với chính quyền rằng: tôi sẽ không chấp hành cái luật
lệ quái gở kia.
Nhưng vấn đề là chúng ta đã đánh mất bản thân mình
và trở nên quá dễ phục tùng, dễ đến nỗi chúng ta không ngại tuân theo bất cứ
luật lệ hạ cấp nào.
Một người thực sự trưởng thành, một người chỉ biết
kính sợ thượng đế, sẽ không sợ bất cứ ai khác. Luật lệ do loài người tạo ra
không nhất thiết sẽ trói được anh ta. Ngay cả chính quyền cũng không đòi hỏi
đến thế. Họ không nói “Anh phải làm như thế, như thế,” mà họ nói: “Nếu anh
không làm thế, chúng tôi sẽ trừng phạt anh.”
Chấm
dứt đồng lõa
Chúng ta đã xuống cấp quá thấp, đến độ chúng ta xem
việc tuân thủ bất cứ những gì luật pháp áp đặt cho mình như bổn phận của mình,
như tôn giáo của mình.
Nếu hiểu được rằng tôi sẽ không còn là con người nữa
nếu cứ nhắm mắt tuân theo những luật lệ bất công, thì không có sự độc tài khắt
khe nào có thể biến tôi thành nô lệ. Đây là chìa khóa cho sự độc lập của bản
thân lẫn độc lập nước nhà.
Thật mê tín và không đúng nếu tin rằng hành vi của
đa số đúng hơn của thiểu số. Có thể đưa ra nhiều ví dụ cho thấy hành vi của đa
số đã từng sai và của thiểu số đã từng đúng. Tất cả mọi cải tổ đều xuất phát từ
sáng kiến của một thiểu số chống lại đa số. Nếu những băng nhóm trộm cướp luôn cho
rằng trộm cướp là điều bắt buộc phải làm, thì một người tử tế có chấp nhận lối
suy nghĩ này không? Chừng nào con người còn mê tín rằng mình phải vâng phục các
luật lệ bất công thì chừng đó con người vẫn còn là nô lệ. Và chỉ có người đấu
tranh bằng quyền lực lương tâm mới có thể phá tan lòng mê tín kia.
Dùng bạo lực, dùng súng đạn là việc mâu thuẫn với
đấu tranh bất bạo động, nó có nghĩa chúng ta khiến kẻ thù làm điều ta không
muốn họ làm. Nếu việc sử dụng vũ lực được biện minh thì chắc chắn kẻ thù cũng sẽ
làm y như vậy. Và như thế sẽ chẳng bao giờ có một thỏa hiệp nào. Chúng ta chỉ
giả vờ, chẳng khác gì con ngựa mù đi quanh quẩn cối xay, rằng mình đang tiến bộ
mà thôi.
Những ai tin rằng họ không bị buộc phải tuân thủ
những luật lệ xung khắc với lương tâm thì họ chỉ còn con đường duy nhất là đấu
tranh bất bạo động. Mọi con đường khác đều dẫn đến thảm họa.
(Trích từ Hind Swaraj or Indian Home Rule,
Chương XVII)
Nguồn: M.K. Gandhi, Non-Violent Resistance (Satyagraha) (Đấu tranh bất
bạo động (Satyagraha), NXB Dover Publications, INC. New York, 2001. Trang 6-19.
Tựa, tiêu đề và các ghi chú là của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh &
pro&contra
No comments:
Post a Comment