Monday, 8 July 2013

PHÁT BIỂU CỦA TANAKA AKI (Aki Tanaka - Diễn Đàn Thế Kỷ)




Aki Tanaka

Hội Thảo Phong Hóa - Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn


Phát biểu của Tanaka Aki vào ngày 6 tháng 7, 2013.

Kính chào qúy vị.

Tôi tên là Tanaka Aki, tên Aki nghĩa là mùa thu. Tôi đã sống ở VN khoảng 13 năm. Chủ yếu tôi ở Sài Gòn, và cũng ở Hải Phòng và Hà Nội 1 - 2 năm. 

Khoảng 10 năm trước, tôi có gặp được một ông người Việt tên là Huy Tưởng ở Sài Gòn. Ông Huy Tưởng mở quán Cao lầu ở gần nhà trọ tôi. Chiều nào ông Huy Tưởng rảnh rỗi, hay rủ tôi đi nhậu ở quán Huế, cũng ở gần đó. Ổng cho tôi mượn vài cuốn sách của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), chẳng hạn như “Hồn Bướm Mơ Tiên” “Đôi Bạn” … Ổng nói là cách dùng tiếng Việt của TLVĐ là chính xác, vì vậy phù hợp cho những người học tiếng Việt. Tôi đọc thử thì cảm thấy dễ đọc, sau này mới biết lý do là một trong 10 tôn chỉ nói rằng:

Thứ nhất. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
Thứ 2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.
Thứ 3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
Thứ 4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
Thứ 5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
Thứ 6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả qúi phái.
Thứ 7. Trọng tự do cá nhân.
Thứ 8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
Thứ 9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
Thứ 10. Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

Tôi nhận thấy Tôn chỉ thứ 3 và thứ 4 “
3.Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.” …
Do đó các tác phẩm của TLVĐ dễ tiếp cận với cả độc giả nước ngoài, đặc biệt là sinh viên nước ngoài như tôi có thể nói tôi cũng là “người bình dân” được!  

Vì sở thích của tôi là “đọc sách”, nhưng lúc đó chưa có sách điện tử như bây giờ nên tìm sách tiếng Nhật ở Việt Nam rất khó. Vì thế, tôi đành phải lấy cuốn tiếng Việt để tiêu khiển, kết quả là hiện tôi theo học văn chương Việt Nam ở Tokyo. 

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của thầy Kawaguchi, một vị giáo sư môn Văn Học Việt Nam tại Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo, tôi đã ghi danh học ở đây và tiến hành nghiên cứu về văn học của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn.  

Trong khi Thầy giảng về tác phẩm “Đời mua gió” của Khái Hưng và Nhất Linh, tôi được phân công dịch sang tiếng Nhật một phần của tác phẩm này. Tôi dịch từng đoạn và trình bày với Thầy để Thầy sửa và tôi khám phá ra một điều khác biệt giữa ấn bản mới mà tôi mua ở Tp Hồ Chí Minh được Hội Nhà Văn xuất bản năm 2010 so với ấn bản do nhà xuất bản Đời Nay in trước năm 1975 mà Thầy có trong tay Thầy. Đi tìm sự xác thực của ấn bản gốc, may mắn có bản gốc đăng trong Báo Phong Hoá đưọc Thầy in ra giấy phát cho tôi, bởi thế tôi mới có tài liệu chính xác “Đời mưa gió” của hai tác giả Khái Hưng và Nhất Linh để làm việc một cách nghiêm túc với Thầy Kawaguchi.

Đọc tiểu thuyết TLVĐ bao giờ cũng khiến tôi thèm muốn quay ngược về thời 1930 để gặp và nói chuyện với các thành viên nhóm TLVĐ, cũng như để tiếp xúc văn hóa thời đó. 

Tôi rất cảm động vì tôi được tham dự hội thảo rất quý giá và có ý nghĩa rất lớn thế này, và tôi nghĩ rằng sau khi tham dự Hội Thào này, kiến thức của tôi về TLVĐ được tăng lên rất nhiều và sự đóng góp của tôi vào môn Văn Học Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo sau này được phong phú hơn cũng là do những điều tôi được học hỏi trong Hội thảo ngày hôm nay.

Xin chân thành cảm ơn quý vị.

[Aki Tanaka, 6-7-2013]


No comments:

Post a Comment

View My Stats