Monday 8 July 2013

MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ CỤ NHẠC PHỤ TÚ MỠ HỒ TRỌNG HIẾU (Nhà văn Doãn Quốc Sỹ)





Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Kính thưa quí vị quan khách,

Hôm nay tôi xin được kể một vài điều mà tôi con nhớ về cụ nhạc phụ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.

Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ- Hồ Trọng Hiếu là thân phụ của bà nhà tôi-Hồ Thị Thảo. Cụ Tú Mỡ có 8 người con, mà cụ đã kể ra trong hai câu thơ:

Năm trai ba gái tám tên
Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vĩ, Cường

Bà nhà tôi là con gái thứ ba trong thứ tự này. 

Nhà cụ Tú Mỡ ở ngoại thành Hà Nội, thuộc làng Láng, nằm trên con đường Láng, chạy dọc theo con sông Tô Lịch, rất gần địa danh lịch sử Cầu Giấy. Làng Láng có đặc sản được nhiều người biết đến là rau húng Láng thơm đặc biệt. Về danh lam thắng cảnh thì có Chùa Láng, một trong những ngôi chùa cổ rất nổi tiếng của Hà Nội. Còn nhà của tôi thì thuộc làng Cót, cách nhà cụ Tú Mỡ chừng hơn một cây số, dọc theo con sông Tô Lịch.

Tôi và bà nhà tôi quen nhau qua sự mai mối của cô em ruột của tôi là Doãn thị Chừng. Trong ngày cưới, tôi còn nhớ khi mình đứng trước bàn thờ chuẩn bị làm lễ gia tiên, cụ Tú Mỡ tiến đến gần tôi hỏi khẽ: “Có biết lễ không?...”. Thì ra, cụ vẫn nghi ngờ là những thanh niên theo Tây học như tôi thời bấy giờ chắc là không biết lễ bái theo đúng truyền thống. Tôi trả lời là: “ Dạ thưa có ạ!”. Thế là cụ đứng sang một góc, kín đáo nhìn tôi lễ trước bàn thờ, thấy tôi lễ bộ, lên gối xuống gối đàng hoàng, cụ mới yên tâm sau đó.

Cụ Tú Mỡ là nhà thơ trào phúng nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam trong Tự Lực Văn Đoàn. Một trong những bài thơ của cụ mang tính chất ngụ ngôn mà tôi rất thích, đó là bàiTú Mỡ Đi Xe Bình Bịch như sau:

Tú rửng mỡ cưỡi xe bình bịch
Máy nổ vang xình xịch chạy như bay
Bóp còi toe như quát tháo dương vây
Khách đường cái vội giãn ngay tăm tắp
Tú nhớ thuở còn đi xe đạp
Một thứ xe chậm chạp hiền lành
Trên đường đông dù chuông bấm liên thanh
Khách đủng đỉnh làm thinh không chịu tránh
Ồ ngán nhỉ ở trên cõi tục
Con người ta bất độc bất anh hùng

Một trong những bài thơ không có tính chất trào phúng nhưng nổi tiếng vào bậc nhất của cụ Tú Mỡ là bài Khóc Người Vợ Hiền, viết để tiễn đưa bà Tú Mỡ về nơi cõi vĩnh hằng. Có đoạn cuối mà tôi rất thích, và tôi cũng đã đọc lên trong ngày tiễn linh cửu bà nhà tôi về cõi Phật cách đây hai năm:

Bà đi rồi nhưng tôi phải ở, 
Công việc đời còn dở chút thôi, 
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi, 
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà...

Có một chi tiết mọi người ít biết đến, đó là cụ Tú Mỡ không hề vào đảng Cộng Sản Việt Nam. Nghe nói là vì cụ cho rằng vào đảng thì không còn làm thơ châm biếm được nữa. Cụ có làm một bài thơ nói về việc này như sau:

Đồng chí chết cũng ra ma,
Quần chúng chết cũng đưa ra ngoài đồng.
Miễn là làm việc gắng công,
Vì dân, vì nước một lòng trung kiên.
Cứ gì có thẻ Đảng viên,
 Kè kè giắt túi mới nên con người

Không biết có phải vì thế mà mãi cho đến ngày hôm nay, Hà Nội vẫn chưa có con đường nào mang tên Tú Mỡ. Con cháu của cụ ở HÀ Nội thì cho rằng cũng có thể tại gia đình không có ai “chạy chọt, lo lót” chính quyền về chuyện này. May sao, ở trong Sài Gòn, cách đây chừng 10 năm có một con đường nhỏ được mang tên Hồ Trọng Hiếu, nằm ở Ngã Ba Cây Thị, Quận Gò Vấp. Ngay tại ngã ba này có căn nhà của người em ruột của cụ Tú Mỡ là cụ Hồ Trọng Phú, mà tôi và bà nhà vẫn gọi là chú Tư Phú, người cũng di cư vào Nam đợt 1954 giống như gia đình tôi. Hy vọng sự sắp đặt cho dù là tình cờ này cũng an ủi phần nào cho con cháu của cụ Tú Mỡ, một nhà thơ trào phúng độc đáo của nền văn học Việt Nam.

Xin trân trọng kính chào quí vị trong buổi họp mặt thân tình ngày hôm nay.


No comments:

Post a Comment

View My Stats