Tuesday, 2 July 2013

PHẢN ỨNG CỦA CHÍNH QUYỀN SAU VỤ NỔI DẬY Ở TRẠI GIAM Z30A XUÂN LỘC (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-07-02

Ngay sau khi xảy ra vụ phản kháng của tù nhân tại trại Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nhóm tù chính trị tại đó bị chuyển đi nơi khác.

Thừa nhận một nửa sự việc!

Vụ việc các tù nhân tại trại giam Z30A Xuân Lộc Đồng Nai nổi dậy hồi sáng chủ nhật ngày 30 tháng 6  khống chế giám thị trại giam để phản đối cách hành xử hà khắc như đánh đập, cắt xén khẩu phần ăn, bán những thực phẩm ôi thiu cho phạm nhân … được chính một số tù chính trị ở phân trại 1 thông tin ra bên ngoài.

Sang ngày hôm sau truyền thông trong nước loan đi thông tin của Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ Tư Pháp ( Tổng cục 8, Bộ Công An) về vụ việc đó. Tổng cục này thừa nhận đã xảy ra vụ việc được gọi là gây rối.

Theo đó sự vụ khởi phát từ lúc ba phạm nhân tội phạm hình sự có hành vi gây rối trật tự nhằm ngăn cản cuộc đá bóng của các phạm nhân do cán bộ quản giáo tổ chức. Khi cán bộ quản giáo vào giải quyết thì những phạm nhân đó có hành vi kích động, lôi kéo những người khác tham gia đập phá hàng rào phân khu, bếp ăn, căn tin, phá cửa nhà kỷ luật, nhà giam riêng đang giam những phạm nhân bị kỷ luật giải thoát cho họ để cùng tham gia.

Thông tin của Tổng Cục thì hành án và Hỗ trợ Tư pháp nói rằng tình hình tại phân trại 1 cơ bản ổn định trở lại từ lúc 2 giờ 45 cùng ngày.

Đích thân trung tướng Cao Ngọc Oánh, tổng cục trưởng Tổng Cục 8 phải từ Hà Nội bay vào Đồng Nai để giải quyết vụ việc ngay trong chiều chủ nhật. Sang ngày thứ hai 1 tháng 7, lãnh đạo Tổng cục 8 đã có cuộc họp với Ban giám thị trại giam Z30A Xuân Lộc.

Mạng Chính phủ trích phát biểu của ông trung tướng Cao Ngọc Oánh cho rằng sau vụ việc xảy ra ở phân trại 1 hôm ngày chủ nhật 30 tháng 6, sẽ có khoảng 10 đối tượng bị xử lý theo qui định của pháp luật.

Vào ngày 2 tháng 7, báo mạng Tiền Phong đăng tải bài phỏng vấn ông Hồ Phi Thắng, đại tá giám thị trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai. Theo đó ông Thắng cho rằng ông tự nguyện ở lại trong trại để xử lý tình huống; và nguyên nhân vụ việc là xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai đội bóng.

Biện pháp đối phó

Dù những bản tin của các báo mạng Chính Phủ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp Luật… đều loan tải tin tức theo như thông báo từ Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ Tư Pháp đưa ra; thế nhưng ngay sau khi xảy ra vụ nổi dậy ở trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai nhóm những tù chính trị đang bị giam ở đó như ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Phan Ngọc Tuấn… đều bị chuyển sang trại khác.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị kết án 16 năm về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, bị chuyển về trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Gia đình ông này vào ngày 1 tháng 7 đã đi thăm và gặp được ông Trần Huỳnh Duy Thức tại đó.

Ông Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết người thân trong gia đình đi thăm ông Thức về và cho ông này biết như sau:
Thông tin đúng đó. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã chủ động đi ngày hôm qua. Nghe thông tin chuyển xuống Xuyên Mộc, nên gia đình đi thẳng xuống đó vào ngày hôm qua, và đã gặp được Thức. Cùng với thức có 4 người khác nữa: Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Huỳnh Ngọc Trí, còn ai đó nữa tôi không nhớ tên.

Thân phụ của anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, người đang phải thụ án 9 năm do đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và tham gia tổ chức cho công nhân ở Trà Vinh biểu tình, xác nhận ông được người khác cho biết tin con ông đã chuyển trại; nhưng ông chờ đến khi xác định được nơi giam chính thức anh này sẽ đi thăm:
Biết rồi, nhưng để nghe tin tức đàng hoàng rồi mới đi. Tôi mới đi thăm hồi ngày 10 tháng 6; hôm nay mới ngày 2 tháng 7. Ráng vài bữa nữa biết chổ ở ổn định rồi tính.

Chính sách với tù chính trị

Bà Dương thị Tân, người từng phải lặn lội thăm nuôi blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải qua các nơi giam giữ, trong đó có trại giam Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu và Z30A Xuân Lộc nói về việc chuyển trại và chính sách giam giữ của chính quyền Việt Nam:
Tôi nghĩ hệ thống nhà tù được chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công An, nói chung sự hà khắc cũng như nhau mà thôi. Chỉ có điều kiện vật chất tùy từng trại giam có sự khác nhau. Ví dụ như ở Xuân Lộc, cơ sở hạ tầng và những gì khác đã có sự ổn định rồi; còn ở Xuyên Mộc hay những trại khác đang trong giai đoạn hoàn thiện hay xây dựng mới, làm thêm nên có thể còn hoang sơ hơn. Còn sự chỉ đạo về tinh thần thì như nhau vì cùng cấp chỉ huy từ Bộ Công an mà ra, họ rất chặt chẽ về vấn đề đó.
Ví dụ Trại Thanh Chương nơi ông Hải đang ở, rất xa xôi, chỉ cầm tù những người dân tộc phạm tội ma túy, buôn lậu… Sự coi giữ ở đó có lỏng lẻo hơn so với các trại khác; nhưng đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Hải khác hẳn. Tôi nhìn thấy một người lính có thể canh giữ rất nhiều thân nhân vào thăm; nhưng đối với một mình ông Nguyễn Văn Hải mà có đến 6 lính canh giữ. Có những thứ tôi gửi cho ông Hải, họ không nhận nhưng quay sang nhìn người nhà AnhbaSG và Tạ Phong Tần thì có những thứ đó tôi đưa họ lại nhận. Điều đó chứng tỏ có sự chỉ đạo sát sao; nếu cần răn đe, trừng phạt một ai đó họ sẵn sàng làm dù bất kỳ nơi nào: văn minh hay sơ khai… Họ được sự chỉ đạo từ cấp cao nhất.

Ông Trần Văn Huỳnh có một vài nhận xét về trại giam Xuyên Mộc so với trại Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai:
Xuyên Mộc cũng có những khác; nhất là về tiện nghi. Theo lời các con tôi nói nghiêm ngặt hơn. Trước đây ở Xuân Lộc, đồ tiếp tế của gia đình, phạm nhân có thể giữ để nấu nướng nếu được phép; còn ở Xuyên Mộc thì đồ tiếp tế họ giữ lại và phát hằng ngày.

Vụ nổi dậy tại phân trại 1, trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai diễn ra không lâu sau đợt tuyệt thực của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại trại giam Số 5 ở Yên Định, Thanh Hóa cũng nhằm đòi hỏi trại phải giải quyết đơn tố cáo của ông.



No comments:

Post a Comment

View My Stats