Saturday, 13 July 2013

ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG ĐI MỸ KIỂU "ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG" ? (Tư Ngộ - Người Việt)




Tư Ngộ/Người Việt
Friday, July 12, 2013 5:25:48 PM

WASHINGTON DC (NV) - Hôm Thứ Năm, 11 tháng 7 Bảy, Tòa Bạch Ốc ra một bản thông cáo báo chí cho hay chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào ngày 25 tháng 7 tới đây.

Người Việt Nam ở Hoa Kỳ từ khắp các tiểu bang biểu tình chống chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết khi ông này tới Tòa Bạch Ốc ngày 22/6/2007. (Hình:  PAUL J. RICHARDS/AFP/Getty Images)

Trong bản thông báo ngắn gọn này, người ta thấy tổng thống Mỹ muốn giới hạn cuộc gặp mặt mà Hà Nội rất mong mỏi, là thảo luận “tìm cách củng cố đối tác về các vấn đề chiến lược khu vực và làm sâu sắc hơn sự hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN. Tổng thống (Obama) cũng chờ để thảo luận về nhân quyền, những thách thức đang lộ diện chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và sự quan trọng của sự hoàn tất (đàm phán) Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TTP”.

Ông Sang chưa tới nhưng một số chuyên viên quốc tế về các vấn đề Việt Nam đã đưa ra các bình luận về nhu cầu sang Mỹ tìm kiếm sự chống lưng của Tòa Bạch Ốc trên nhiều mặt từ kinh tế đến quốc phòng, giúp chế độ tồn tại.

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thì chắc chắn không bỏ qua dịp này để đứng trước Tòa Bạch Ốc hô lớn các khẩu hiệu chống ông lãnh tụ CSVN độc tài đảng trị, tham nhũng và đàn áp nhân quyền.

Ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước CSVN thứ hai sang Mỹ sau ông tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết. Cũng đã có 2 thủ tướng CSVN sang Mỹ là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi hai kẻ cựu thù thiết lập bang giao năm 1995.

Một số bài bình luận đã nêu ra trở ngại để hai nước có thể trở thành đối tác chiến lược là vấn đề nhân quyền và không tuân thủ các luật lệ hay công ước quốc tế của Hà Nội, gồm cả các vấn đề tôn trọng các quyền của người dân lao động.

Ông Trương Tấn Sang mới tới Bắc Kinh vào các ngày từ 19/6 đến ngày 21/6/2013. Bản thông cáo chung giữa Việt Nam và Trung quốc nói “Lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.

“...nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”.

Tuyên bố chung thì như vậy nhưng chỉ mới mấy ngày trước, tàu tuần Trung quốc đã cướp phá hai tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Ngay lúc này, cái lệnh Trung Quốc cấm đánh cá trên Biển Đông cho tới đầu Tháng 8 vẫn đang có hiệu lực mà Hà Nội chỉ phản đối suông.

Hải quân Trung Quốc đã mở nhiều cuộc tập trận đe dọa Việt Nam cũng như Bắc Kinh gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự quy mô trên Biển Đông ở các khu vực cướp của Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa.

Hà Nội thường xuyên lập lại lời kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo dựa trên công ước quốc tế UNCLOS và lời tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về ứng xử trên Biển Đông để tránh xung đột võ trang. Nhưng Bắc Kinh vẫn nói một đàng làm một nẻo.

Giới chuyên gia phân tích thời sự không tin rằng vấn đề nhân quyền mà tổng thống Mỹ muốn nhấn mạnh sẽ là cái Hà Nội muốn nghe trong cuộc tiếp xúc. Đúng ra, ông Trương Tấn Sang sẽ “bị nghe” và đã chuẩn bị sẵn những lời chống chế như những lãnh tụ đỏ khác đã đến đây bất chấp sự thật.

Hà Nội muốn Mỹ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương, muốn Mỹ đừng quá gắt về điều kiện đàm phán Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) khi ép Việt Nam để Mỹ bảo vệ kỹ nghệ dệt may và giới lao động của mình.

Trên hết và bao trùm cho những vấn đề đó, Hà Nội muốn tiến đến một thỏa thuận về “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Đã qua hai vòng đàm phán ở cấp thứ trưởng nhưng không có dấu hiệu tiến triển gì đáng kể. Bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng từ tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng tiến đến “Đối tác chiến lược” với Việt Nam với điều kiện Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.

CSVN muốn có cái dù của Mỹ che chở mạnh hơn trong tranh chấp Biển Đông, muốn Mỹ hiện diện quân sự thường xuyên hơn ở khu vực để cản sự lộng hành của Bắc Kinh, muốn có những điều lợi hơn trong quan hệ mậu dịch thương mại và đầu tư, nhưng lại ngày càng tồi tệ hơn về nhân quyền. Viên chức chính phủ Obama điều trần ở Quốc hội từng nhìn nhận như thế. Hoa Thịnh Đốn áp lực Hà nội quá các cuộc đối thoại song phương đến can thiệp trực tiếp các vụ bắt giữ, bỏ tù người bất đồng chính kiến,  nhưng không có bao nhiêu tác dụng.

Nhu cầu và ưu tiên số một của băng đảng ở Ba Đình là phải duy trì bằng mọi giá cái chế độ độc tài và tham nhũng hại dân để tiếp tục đục khoét. Khẩu hiệu của guồng máy công an “Còn đảng còn mình” diễn tả đầy đủ lý do tại sao chế độ Hà Nội bằng mọi giá giữ chặt lấy quyền lực chính trị. Bởi vậy, họ không ngần ngại bỏ tù những ai lên tiếng đả kích các sai trái của chế độ hay đòi đa nguyên đa đảng.

Ông Jonathan London, người Mỹ đang giảng dạy ở đại học HongKong viết trên blog “Xin Lỗi Ông...” hôm 11/7/2013 rằng ông hiểu CSVN có hai nhu cầu. Hà Nội muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và thêm đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Hà Nội cần có sự ủng hộ của Mỹ để có thế mạnh hơn hầu đối phó với Trung Quốc.

Nhưng trong khi đó, Hà Nội lại vẫn có mối quan hệ chằng chịt và vô cùng sâu rộng với Bắc Kinh. Quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ sẽ giúp Hà Nội giải quyết các khó khăn nội tại về kinh tế và giải tỏa bớt áp lực của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

“Vấn đề cơ bản cho Ba Đình là muốn có những bước đột phá trong hai lĩnh vực quan trọng này, phải có một số thay đổi thực sự mà chưa chắc ĐCSVN có thể làm được.” Ông London bình luận.

Tức là, muốn tiến đến đối tác chiến lược với Mỹ, Hà Nội phải lột xác. CSVN phải “cho phép toàn dân tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước một cách công bằng, xóa bỏ việc đàn áp, và phát triển những thể chế dân chủ, khác hẳn với các thể chế từ 1945 đến này. Làm như thế mới thành một trong những nước tiên tiến, văn mình và được thể giới tôn trọng. Hơn nữa, làm thế thì Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác càng ngày càng tốt hơn và thoát khỏi những ký ức buồn đã qua và hướng tới một mối quan hệ lành mạnh hơn”.

Hàng chục ngàn người đã ký tên trên các bản kiến nghị hay đòi hỏi chế độ Hà Nội hỷ bỏ điều 4 Hiến Pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN. Hội đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, giới nhân sĩ trí thức trong đó có rất nhiều người là đảng viên cấp cao của chế độ, đứng đầu các đỏi hỏi thay đổi, đòi chế độ trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân. Dù vậy, không có hy vọng gì sẽ có bản Hiến Pháp mới dân chủ thật sự như mọi người mong mỏi.

Trước chuyến đi của ông Trương Tấn Sang, tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng quân đội kiêm thứ trưởng Quốc phòng CSVN, tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc phòng CSVN và cả Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quang Thanh từng tới Mỹ đưa các đề nghị vận động Mỹ chống lưng từ bán các loại võ khí đến hậu thuẫn CSVN đối phó với Bắc Kinh. Tới nay, riêng đối với Việt Nam, Tòa Bạch Ốc chưa thấy có những thay đổi căn bản và “đột phá” để nâng tầm quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước, khi mà Hà Nội chỉ muốn Mỹ đổi chính sách còn Hà Nội vẫn giữ thế ù lỳ.

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer viết trên web BBC, chuyến đi của ông Trương Tấn Sang là “một phần cố gắng của Hà Nội nhằm có được hiệp định hợp tác chiến lược với Washington”. Nhưng ông ta thành công hay không, tùy thuộc những gì Hà Nội sẽ nhượng bộ. Mỹ có quyền lợi của nước Mỹ trong chiến lược toàn cầu. Hà Nội có nhu cầu của mình.

Điều quan trọng là hai bên gặp nhau ở chỗ nào. Chuyến đi của ông Trương Tấn Sang sẽ mở sang một trang sử mới về bang giáo giữ hai kẻ cựu thù, hoặc chỉ là một đòn dọa ma đối với Bắc Kinh, hy vọng đọc thấy phần nào trong bản thông cáo chung ngày 25/7/2013 tới đây.



No comments:

Post a Comment

View My Stats