3-7-2013
Cuối
tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Thái Lan theo lời mời
của thủ tướng Yingluck Shinawatra. Một trong các hoạt động chính của chuyến
thăm này là hội đàm với thủ tướng Yingluck Shinawatra và ký hiệp định đối tác
chiến lược Việt Nam – Thái Lan.
Câu
hỏi được đặt ra ở đây là: Ông Nguyễn Phú Trọng lấy tư cách gì để ký hiệp định
đối tác chiến lược giữa hai nước? Tư cách Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt
Nam, tư cách đại biểu Quốc hội, hay tư cách khác?
Có
thể có người cho rằng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, bởi ông Trọng đương nhiên
lấy tư cách Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam để ký hiệp định này.
Nếu
vậy, có một câu hỏi tiếp theo: Tư cách này có cho ông Trọng thẩm quyền ký hiệp
định giữa các nước trong đó có Việt Nam hay không?
Để
trả lời câu hỏi trên, hãy thử xem xét văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trước
hết, cần xác định đây là một hiệp định song phương, một loại điều ước quốc tế,
mà việc ký kết điều ước quốc tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ký kết, Gia
nhập & Thực hiện Điều ước Quốc tế 2005 [*] hiện có hiệu lực thi
hành.
Điều
2, các khoản 4, 5, 7, 8 của luật này quy định về thuật ngữ như sau:
--
4. Ký kết là những hành vi pháp lý do người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế hoặc
trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
--
5. Ký là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực
hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký
điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc phê duyệt.
--
7. Phê chuẩn là hành vi pháp lý do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để
chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
--
8. Phê duyệt là hành vi pháp lý do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng
buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam./.
Có
thể thấy rằng, hành vi pháp lý của việc ký kết ở đây là "ký", theo
khoản 5, Điều 2 nêu trên.
Cũng
luật này, Điều 11, các khoản 1, 2 quy định về thẩm quyền ký điều ước
quốc tế như sau:
--
1. Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước
với người đứng đầu Nhà nước khác.
--
2. Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, nhân
danh Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này./.
Ở
đây, việc ký hiệp định không thuộc trường hợp của khoản 1 do thủ tướng Yingluck
Shinawatra không phải là người đứng đầu nhà nước Thái Lan. Do đó, đây là việc
ký kết thuộc trường hợp của khoản 2, mà cụ thể là giữa chính phủ Việt Nam và
chính phủ Thái Lan (bất kể chính phủ mỗi nước nhân danh mình hay nhân danh nhà
nước mình). Vì vậy, về phía Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký
hiệp định này là chính phủ và người có thẩm quyền ký hiệp định là thủ tướng
chính phủ. Theo quy định tại khoản 5, Điều 2 nêu trên thì thủ tướng chính phủ
có thể ủy quyền cho người khác ký hiệp định này.
Như
vậy, ông Trọng chỉ có thể ký hiệp định hai nước nếu, với tư cách là một đại biểu
Quốc hội, được ủy quyền bởi thủ tướng chính phủ. Cho nên, tư cách Tổng bí thư
chẳng có nghĩa lý gì ở đây, xét từ góc độ pháp lý.
Vậy
ông Trọng có được ủy quyền bởi thủ tướng chính phủ hay không? Hay ông đương
nhiên đại diện cho chính phủ mà không cần sự ủy quyền?
Nếu
câu trả lời cho câu hỏi sau là khẳng định, thì Luật Ký kết, Gia nhập & Thực
hiện Điều ước Quốc tế 2005 chỉ là đơn giản là một văn bản không có giá trị pháp
lý trên thực tế đối với người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.
Sài
Gòn,
03/07/2013
_________________________________
Chú
thích:
[*]
Luật Ký kết, Gia nhập & Thực hiện Điều ước Quốc tế 2005
No comments:
Post a Comment