Friday 19 July 2013

NHỮNG CỤC THAN HỒNG CỦA CHIẾN TRANH (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
Wednesday, July 17, 2013 5:45:35 PM

Giải thưởng Pulitzer năm nay cho sách không phải là tiểu thuyết được trao cho cuốn sách lịch sử “Những cục than hồng của chiến tranh: Sự sụp đổ của một đế quốc và nguyên nhân việc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam” (Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America's Vietnam). Ðây là một cuốn sách khổng lồ, dày 714 trang chưa kể những phụ chú và thư mục, với đề tài bao gồm lịch sử của hai thập niên rưỡi dẫn đến việc Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam năm 1965. Tác giả Fredrik Logevall là John S. Knight Professor of International Studies đồng thời là giám đốc trung tâm nghiên cứu Mario Einaudi Center for International Studies.

Trong giải thích lý do tặng giải, ban giám khảo giải Pulitzer gọi cuốn sách là “một cuốn sách lịch sử cân đối, được nghiên cứu sâu đậm kể lại vì sao chính quyền thực dân Pháp thất bại và một chuỗi các nhà lãnh đạo Mỹ từng bước một tiến vào con đường dẫn đến một cuộc chiến toàn diện”. Trong số những đề tài được tác giả nhắc đến một cách nhiều chi tiết là những cố gắng của Pháp để trở lại cai trị Việt Nam như cũ sau Thế Chiến Thứ Hai, cuộc chiến Pháp Việt 1946-1954; thỏa hiệp Genève chia đôi Việt Nam năm 1954 và việc thành hình của miền Nam Việt Nam như là một quốc gia độc lập. Cố nhiên là phần quan trọng nhất và được nghiên cứu cẩn thận nhất là việc làm sao Hoa Kỳ bị kéo dần dần vào việc can thiệp tại Việt Nam.

Trong một cuốn sách trước, “Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of the War in Vietnam” xuất bản năm 2001, ông Logevall đã tìm cách chứng minh rằng có một cơ hội tốt để cho Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam vào cuối thời kỳ của Tổng Thống Kennedy và bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống Johnson. Trong cuốn sách này, ông tiếp tục cái đề tài đó, nói rằng có ba cơ hội mà Hoa Kỳ có thể tránh việc can thiệp trực tiếp vào Việt Nam sau Thế Chiến Thứ Hai mà không có bao nhiêu hậu quả tai hại. Ông Logevall biện luận, Mỹ có thể ủng hộ Hồ Chí Minh vào cuối Thế Chiến Thứ Hai giúp cho Việt Nam độc lập. Mỹ cũng có thể từ chối không nhận yêu cầu xin viện trợ quân sự của Pháp vào năm 1948 để chống lại Hồ Chí Minh tuy rằng làm vậy có nguy cơ là mất đi sự ủng hộ của Pháp trong việc đối phó lại sự bành trướng của Liên Xô tại Châu Âu. Và sau cùng Mỹ có thể bỏ không ủng hộ ông Diệm năm 1955 mặc cho miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Ông Logevall mở đầu với Hồ Chí Minh và cuộc đời của người lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam này. Mặc dầu trình bày chi tiết cuộc đời hoạt động như là một cán bộ Cộng Sản quốc tế của ông Hồ, ông Logevall có vẻ đã chấp nhận không thắc mắc một số quan điểm của giới học giả Mỹ phản chiến trước đây, cho rằng ông Hồ về căn bản trước hết là một người quốc gia chứ không phải là một người Cộng Sản. Ông nhấn mạnh việc ông Hồ trấn an người Mỹ khi ông tìm cách lấy sự ủng hộ của Mỹ sau Chiến Tranh Thứ Hai rằng “Việt Nam còn phải mất 50 năm nữa mới sẵn sàng cho CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA”. Và trong cuốn sách của ông cũng không hề nhắc tới những đảng phái quốc gia chống lại cả Pháp lẫn Cộng Sản. Và cũng hầu như không nhắc đến việc Cộng Sản đàn áp giết chóc những nhà lãnh đạo không Cộng Sản của Việt Nam ngay sau khi họ chiếm được chính quyền. Tương tự như vậy, ông đã không chú ý bao nhiêu đến chiến dịch “cải cách ruộng đất” kiểu Mao tại miền Bắc ngay sau khi hiệp định Geneve được ký kết trong đó hàng trăm ngàn người đã bị giết vì bị quy tội là địa chủ, nhằm củng cố chính quyền của đảng Cộng Sản tại miền Bắc.

Nếu ông Logevall có một cái nhìn không cân đối về miền Bắc thì ông cũng có một cái nhìn rất không cân đối về miền Nam. Năm 1955, khi ông Ngô Ðình Diệm được bổ nhiệm là thủ tướng thì một cuộc đấu tranh quyền lực đã xảy ra tại miền Nam, đặc biệt là giữa ông Diệm và các thế lực địa phương được Pháp nuôi dưỡng từ trước: Cao Ðài, Hòa Hảo và Bình Xuyên. Ðặc biệt là Bình Xuyên lúc đó nắm cảnh sát công an và thành phố Sài Gòn với 7,000 người có vũ trang. Bình Xuyên cũng kiểm soát mọi sòng bạc, nhà chứa và tiệm hút thuốc phiện tại Sài Gòn và được người Pháp bí mật ủng hộ nhằm giữ lại ảnh hưởng của họ tại miền Nam. Và một cuộc chiến đã nổ ra giữa quân đội quốc gia và các giáo phái trong đó Mỹ đóng vai trò chính. Nếu Mỹ không ủng hộ ông Diệm thì quân đội lúc đó sẽ không còn ủng hộ ông Diệm và một chính quyền dưới ảnh hưởng của Pháp sẽ lên nắm chính quyền với các thế lực địa phương tiếp tục hoành hành tại miền Nam.

Nhạy bén với chủ đề của mình là Mỹ đã mất cơ hội để không dính líu vào Việt Nam, ông Logevall đã chọn lúc đó như là một cơ hội thực sự để Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Nhưng làm như vậy có nghĩa là không có gì cản trở việc bầu cử thống nhất hai miền vào năm 1956 như là đã khuyến cáo trong bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị Geneve. Miền Bắc vốn coi “tuyển cử tự do” như là một trò hề và với sự kiểm soát sắt đá của họ đối với dân chúng chắc chắn là sẽ thắng một cách dễ dàng và một nước Việt Nam Cộng Sản sẽ xuất hiện ngay sau đó.

Khi biện luận cho việc bỏ rơi ông Diệm vào lúc đó, tức là không thèm để ý đến những gì có thể xảy ra tại miền Nam sau khi thống nhất, nhất là sau khi nhìn tấm gương những gì xảy ra tại miền Bắc sau năm 1954. Ông Logevall cũng không để ý đến những gì có thể xảy ra tại những nơi khác tại Ðông Nam Á. Vào lúc đó, mọi điều kiện đã sẵn sàng để cho Cộng Sản cướp được chính quyền tại Lào và Cambodia và sau đó tại Thái Lan, trong khi người Anh đang còn phải chật vật chiến đấu chống lại một cuộc nổi loạn Cộng Sản tại Malaysia. Người ta có thể chê trách lý thuyết domino về sau này, nhưng vào lúc đó, nó là một thực thể.

Trong cuốn sách, ông Logevall đã cường điệu hóa ảnh hưởng của việc ông Diệm theo đạo Công Giáo, khẳng định một cách sai lầm rằng tất cả những xã trưởng được bổ nhiệm là người Công Giáo. Ông cũng gán cho việc nổi dậy của Việt Cộng là hoàn toàn vì do ông Diệm đàn áp những người kháng chiến cũ, trong khi sự thực là cuộc nổi loạn này chủ yếu là do miền Bắc tổ chức và cầm đầu bởi những cán bộ để lại miền Nam sau hội nghị Geneve với mục đích là để thống nhất đất nước dưới quyền cai trị của họ.

Trong suốt cuốn sách ông Logevall nhắc đi nhắc lại câu nói của sử gia người Pháp Bernard Fall rằng Hoa Kỳ “mơ một giấc mơ khác với Pháp nhưng cũng bước theo cùng một con đường”. Nếu ta lấy giai đoạn từ 1965 cho đến 1969 khi người Mỹ triển khai lực lượng quân sự trực tiếp tìm cách tiêu diệt Việt Cộng bằng quân sự và ném bom miền Bắc thì nhận định đó quả là đúng. Nhưng điều mà ông Logevall không xét đến là liệu sự can thiệp của Mỹ nếu được thực hiện một cách khéo léo hơn và phù hợp với những nguyện ước của người Việt Nam và thực tế của miền Nam thì nó có thể thành công hơn không.

Người Mỹ từ trước tới nay vẫn có một thành tích là tự kiêu và không tế nhị về chính trị. Ðiển hình tại Việt Nam là một loạt những người được chính phủ Mỹ cử sang để thực hiện chính sách của chính phủ Mỹ tại Việt Nam, từ các đại sứ Lawton Collins, Henry Cabot Lodge cho đến các tướng như William Westmoreland. Người Mỹ ủng hộ cuộc đảo chánh chống ông Diệm rồi sau đó chỉ vài tháng sau lại ủng hộ một cuộc đảo chánh khác chống lại những người đảo chánh trước. Ngoài ra các tổng thống Kennedy và Johnson cùng những cố vấn của ông không hề hiểu được khía cạnh chính trị của cuộc chiến. Ðiều đó đóng góp một phần không nhỏ vào quyết định triển khai lực lượng Mỹ chiến đấu trực tiếp tại Việt Nam vào năm 1965.

Về căn bản Hoa Kỳ không nắm được sự kiện là cuộc chiến tại Việt Nam là một cuộc chiến có tính cách chính trị giữa những người Việt với những ý thức hệ khác nhau. Một trong những người Việt quốc gia lão thành, ông Ðặng Văn Sung đã giải thích cho những người bạn nhà báo Mỹ của ông rằng cuộc chiến tại Việt Nam là 75% chính trị và chỉ có 25% quân sự, nhưng hầu hết các cố gắng của Mỹ lại tập trung vào cái 25% này. Liệu một cách tiếp cận khéo léo hơn có thể giúp cho miền Nam Việt Nam tồn tại thay vì sụp đổ vào năm 1975 khi Mỹ bỏ chạy là một điều không ai biết. Nhưng điều đó còn hơn là chủ trương của ông Logevall bỏ rơi miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản từ năm 1955.


No comments:

Post a Comment

View My Stats