Monday, 29 July 2013

MỸ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CƯỜNG QUỐC TẠI CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG (Thanh hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Chủ nhật 28 Tháng Bẩy 2013

Sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã góp phần duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực trong nhiều thập niên qua. Hoa Kỳ tiếp tục là một cường quốc trong vùng. Kết thúc chuyến công du Singapore trong hai ngày, phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố như trên.

Phát biểu trước thủy thủ đoàn trên chiến hạm USS Freedom đang neo tại cảng Singapore vào ngày 27/07/2013, nhân vật số 2 trong chính quyền Mỹ, phó tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến vai trò của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, trong nhiều thập niên qua, sự hiện diện của Mỹ tại đây đã « giúp cho nhiều quốc gia trong vùng tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế (…) để khu vực này trở thành một vùng thịnh vượng và ổn định (…)» .

Ông Biden khẳng định : « Mỹ là một cường quốc tại Thái Bình Dương và điều đó sẽ không thay đổi »
Tàu chiến USS Freedom của Hải quân Hoa Kỳ là loại chiến hạm có tốc độ nhanh nhất hiện nay, có thể chạy với vận tốc lên tới 40 hải lý/giờ. Đây cũng là chiến hạm đã được thiết kế để có thể tác chiến gần bờ biển của các vùng có địa hình biển giống như của khu vực Đông Nam Á.

Chiến hạm USS Freedom đang đậu ngoài khơi cảng Singapore trong khuôn khổ cuộc tập trận trên biển hàng năm giữa hải quân Hoa Kỳ với một số đối tác Đông Nam Á. Con tàu này cũng được coi là biểu tượng của chiến lược « xoay trục » về Châu Á do tổng thống Barack Obama đề xướng, sau nhiều năm Hoa Kỳ quá tập trung vào hai mặt trận Irak và Afghanistan.

Phó tổng thống Mỹ khẳng định vị trí cường quốc của Hoa Kỳ tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á ngày càng gia tăng.

Cũng tại Singapore, trong một cuộc tham luận tại cơ sở của Pratt&Whiney, tập đoàn Mỹ trong ngành chế tạo máy bay, phó tổng thống Joe Biden đã trực tiếp đề cập đến mối « căng thẳng ngày càng gia tăng tại Biển Đông ». Ông nói « những sự cố ngày càng xảy ra thường xuyên hơn trên biển và những hành động quyết đoán tại Biển Đông mà chúng ta đã trông thấy trong thời gian gần đây, biểu hiện mối đe dọa đối với an ninh khu vực ». Phó tổng thống Mỹ cảnh báo nếu không tìm cách xoa dịu tình hình, « căng thẳng có thể dẫn tới xung đột ».

Cách nay hai ngày, trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, phó tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi làm dịu tình tình hình trong khu vực do các tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông. Đây là nơi Bắc Kinh đã khẳng định 80 % diện tích thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Washington ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hàng trên Biển Đông và khuyến khích các bên nhanh chóng đạt đến một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Ông Biden không nêu đích danh đồng minh lâu đời của Mỹ tại Đông Nam Á là Philippines và trường hợp của Việt Nam, cả hai quốc gia này cùng đang tố cáo Trung Quốc liên tục gây hấn tại những vùng biển có tranh chấp. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến lưu thông hàng hải chiến lược.
Bên ngoài khối ASEAN, Đài Loan cũng có tranh chấp chủ quyền biển đảo v
ới Trung Quốc. Tuy nhiên Việt Nam và đặc biệt là Philippines là hai quốc gia có thái độ cứng rắn hơn cả.

Philippines hồi cuối tháng 5/2013 đã tố cáo Trung Quốc có ý định chiếm Bãi Cỏ Mây – Second Thomas Shoal - sau khi phát hiện chiến hạm và tàu tuần tra Trung Quốc. Vào năm 1995 Bắc Kinh đã tìm cách kiểm soát bãi Đá Vành Khăn. Năm ngoái đến lượt bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và rất xa Trung Quốc bị nhắm tới.


No comments:

Post a Comment

View My Stats