Monday, 29 July 2013

INTERNET, MỘT CUỘC CHIẾN MỚI TẠI VIỆT NAM ? (Nguyễn Văn Huy)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ bảy, 27 Tháng 7 2013 13:39

Trước một đối thủ quá hùng mạnh và hung bạo, trước một chính quyền quyết tâm bịt miệng những tiếng nói phản kháng hay những phê bình thẳng thắn nhm cải hóa xã hội Việt Nam, những người đối lập, những blogger phải biết cách tồn tại bằng cách đa dạng hóa khả năng truy cập các trang xã hội của mình.

*

Khuynh hướng truy cập các trang mạng xã hội ngày càng gia tăng

Theo bản phúc trình của comScore ngày 25/07/2013, dưới tựa đề "2013 Southeast Asia digital future in focus" (2013 Đông Nam Á tập trung vào tương lai kỹ thuật số), hơn 40% dân số mạng (internet users) trên thế giới tập trung vào khu vực Châu Á -Thái Bình Dương với 644 triệu người sử dụng mỗi ngày, trong đó 10% dân số nằm trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Số người sử dụng internet trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng nhanh hơn các nơi khác trên thế giới. Năm 2012, số lượng người sử dụng internet ở vùng này là 604 triệu.

Theo bản phúc trình, Trung Quốc chiếm 55,2% trong tổng số 644 triệu người sử dụng trong khu vực, Nhật Bản chiếm 12,2%. tại các nơi khác, các quốc gia ASEAN (Đông Nam Á) và Ấn Độ, mỗi nơi chiếm khoảng 10%.

Với hơn 16,1 triệu người sử dụng internet mỗi tháng, Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong khu vực ASEAN về số lượng người tiếp cận internet, với mức tăng hai triệu người sử dụng trong năm 2012, tương đương mức tăng 14%. Bản phúc trình cho biết74% dân số mạng tại Việt Nam dưới 35 tuổi và mỗi người tiếp cận internet trung bình 26,2 giờ mỗi tháng. Nhưng theo một báo cáo khác của công ty Nielsen phổ biến ngày 23/07/2013, dưới tựa đề  "Consumer confidence : concerns and spending intentions around the world" (Niềm tin tiêu dùng : những quan tâm và ý định chi tiêu vòng quanh thế giới), thì Việt Nam có 58% người sử dụng Internet.

Indonesia, Malaysia và Thái Lan là những thị trường internet lớn khác trong vùng, trong khi Philippines là nơi có lượng người sử dụng internet tăng nhanh nhất, 22% trong năm 2012.

Số liệu comScore cho thấy mức sử dụng từ các thiết bị không phải là máy tính để bàn (cố định) tại Đông Nam Á cũng tăng nhanh, chiếm 20% so với mức 15,4% hồi tháng 09/2012. Đáng chú là việc sử dụng các thiết bị khác nhau của dân số mạng để vào các trang mạngtrongtừng thời điểm trong ngày. Theo đó máy tính bàn được dùng chủ yếu trong giờ làm việc, trong lúc các thiết bị di động như điện thoại cầm tay hay máy tính bảng (notebook, tablet) lại được dùng để truy cập internet vào buổi tối. Điều này cho thấy trình độ và mức sống của dân số mạng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cao hơn những nơi khác.

Tại Đông Nam Á, mức độ sử dụng máy tính bàn để vào các mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 19,7% ở các vùng khác trên thế giới. Con số này là 41,5% đối với người Philippines, 32,3% đối với người Malaysia và thấp hơn chút ít ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Cũng tại Đông Nam Á, trong số các mạng xã hội, Facebook tiếp tục chiếm ngôi vị số một tại thị trường này, với Twitter, LinkedIn và Tumblr cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. Trong khi đó YouTube là trang web giải trí hàng đầu tại các thị trường ở Đông Nam Á.

Mức độ xem video trên mạng tăng đều đặn, nay đạt 42 triệu người xem trong khu vực, trong đó Việt Nam đạt mức tăng kỷ lục, 14%, chỉ sau Philippines (18%) mà thôi.

Kết quả khảo sát của comScore cũng cho thấy nam giới vào mạng nhiều giờ hơn so với nữ giới, đặc biệt là ở Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Tại Việt Nam, nam giới vào mạng 27,9 giờ một tháng trong lúc phụ nữ là 24,2 giờ.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Amazon và Lazada chiếm ưu thế hơn so với các trang mạng bàn lẻ khác trong khu vực. Nhưng tại Việt Nam, các trang mạng bán lẻ địa phương, như Vatiga.com, được sử dụng nhiều hơn vì bằng tiếng Việt.

Các trang blog, được xếp chung với hạng mục tin tức, cũng thu hút nhiều sự quan tâm của người dùng từ Indonesia, Thái Lan và Malaysia, với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức trung bình t/oàn cầu 53,3%.

Điều đáng chú ý là bản phúc trình cho biết tại Việt Nam số người sử dụng trang mạng dành nhiều thời gian hơn cho việc xem tin tức và đọc bình luận thời sự. Đây chính là vấn đề mà cộng sản cộng sản Việt Nam đang tìm cách để ngăn chặn vì lo sợ… sự thật bị khám phá.

Đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet

Ngày 09/01/2013, trong bài phát biểu tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 tại Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho biết thành phố đã thành lập một đội ngũ chuyên gia để "đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch", một mô hình tổ chức sao chép đúng theo mô hình kiểm soát thông tin của Trung Quốc. Vì, theo ông Lợi, Hà Nội là địa bàn chống phá của các đối tượng. Ông Hồ Quảng Lợi còn cho hay cơ quan tuyên giáo thành phố đã thành lập một đội ngũ gồm 900 "dư luận viên" làm công tác tuyên truyền miệng, như thời kháng chiến chống Pháp trong những năm 1945-1954.

Nhiệm vụ của những giám sát viên internet là kiểm soát tin tức và hướng dẫn dư luận. Các dư luận viên này thường "bút chiến" lại các nhận xét phê phán chính quyền và đảng, đồng thời định hướng dư luận theo hướng thân chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Những người này có nhiệm vụ phát hiện những nơi xuất phát thông tin bất lợi cho chính quyền. Điều này giải thích tại sao từ nhiều năm qua, những người đấu tranh và bình luận viên đối lập (blogger) phê phán chính quyền cộng sản Việt Nam, sau khi bị phát hiện, đã bị bỏ tù vì bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Sau khi đàn áp và bỏ tù những blogger đối lập nhằm bịt miệng họ không được, chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đầu thành lập những đội ngũ dư luận viên tuyên truyền nhằm thâm nhiễm các diễn đàn và ca bài ca ca ngợi chế độ.

Báo Lao Động ,số ra ngày 09/01/2013, dẫn lời ông Hồ Quang Lợi nhận định rằng thủ đô Hà Nội "là địa bàn chống phá của các đối tượng". Cũng nên biết, ngoài chức vụ trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội, ông Hồ Quảng Lợi đã từng là phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân và tổng biên tập báo Hà Nội Mới.

Những đối tượng này là ai ? Theo ông Hồ Quang Lợi : "Trong nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân đối với các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất đai đã kích động nhân dân tổ chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển chung của đất nước".

Hiện nay các "chuyên gia" của Thành ủy Hà Nội đã xây dựng 19 trang tin điện tử và lập ra hơn 400 tài khoản trên các mạng xã hội để trực tiếp bút chiến với các "thế lực phản động".

Ông Hồ Quang Lợi còn cho biết, "báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm, thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh". Các cơ quan truyền thông Hà Nội, như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hay báo Hà Nội Mới trong vài năm nay đã khá tích cực trong việc công kích, đả phá hoạt động biểu tình chống Trung Quốc trên địa bàn thành phố.

Ở cấp độ cao hơn, trong Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 08/01/2013, ông Đinh Thế Huynh, ủy viên bộ chính trị, người đứng đầu ngành tuyên giáo của đảng cộng sản, kêu gọi các cấp cán bộ đảng cần "nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự đề kháng, năng lực phản bác của nhân dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Theo ông Đinh Thế Huynh, việc lấy ý kiến người dân phải bảo đảm "dân chủ và thực chất" đồng thời "phải thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng". Ông chỉ đạo các báo khi chọn đăng ý kiến của dân phải bảo đảm "khách quan, mang tính tiêu biểu và tính xây dựng; tránh khuynh hướng phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, thiếu trung thực".

Bên cạnh những cố gắng ngăn chặn thông tin của Đảng cộng sản Việt Nam, hệ thống kiểm soát thông tin của quân đội cũng không im lặng. Tập công ty viễn thông quân đội, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) do bộ quốc phòng chỉ đạo, làm chủ hệ thống bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin.

Ngày 04/06/2013, trang mạng TuanVietnam.net cho đăng một bài ca ngợi công ty viễn thông Viettel của quân đội ("Binh đoàn" Viettel của tác giả Trần Nguyên), với những chức năng tương tự như Đơn vị 61398 của Bộ quốc phòng Trung Quốc vừa bị báo chí Mỹ tố cáo và lên án. Đây là một kiểu tự thú "lạy ông con ở bụi này", hay "không ai đánh cũng khai". Truyền thông là một chức năng cao quý trong thông tin liên lạc, nhưng lạm dụng nó để theo dõi hay rình rập người dân là một hành vi không danh dự. Cũng nên biết Viettel là một trong số 20 đại công ty thuộc Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng và là tác giả những vụ đánh sập và chiếm đoạt những trang nhà chống đối chính quyền cộng sản Việt Nam.

Tại Việt Nam, Internet không còn là một phương tiện để cập Nhật hóa kiến thức hay thông tin, chính quyền cộng sản Việt Nam đang biến nó thành một chiến trường để huy động mọi khả năng và phương tiện để tiêu diệt thông tin và sự thật. Hà Nội đã bỏ ra những số tiền lớn để mua chuộc chủ nhân những trang mạng xã hội lớn trong mục tiêu phát hiện những tiếng nói chống đối hay những phong trào bất mãn.

Trước một đối thủ quá hùng mạnh và hung bạo, trước một chính quyền quyết tâm bịt miệng những tiếng nói phản kháng hay những phê bình thẳng thắn nhàm cải hóa xã hội Việt Nam, những người đối lập, những blogger phải biết cách tồn tại bằng cách đa dạng hóa khả năng truy cập các trang xã hội của mình.

Nguyễn Văn Huy


No comments:

Post a Comment

View My Stats