Thứ
năm, ngày 25 tháng bảy năm 2013
Tòa án có thể kết tội và bỏ tù một người bất đồng
chính kiến, nhưng người bất đồng chính kiến có quyền không nhận cái tội đó, vì
đơn giản bất đồng chính kiến không phải là tội!
Một chế độ có thể cầm tù thể xác con người, nhưng
không thể cầm tù tinh thần của họ. Hoặc là chết. Hoặc là phải được sống tự do.
Thế nên con người ta luôn có xu hướng đấu tranh đòi cái tự do sống đó, kể cả
những người cộng sản cách đây hơn 80 năm. Thế nhưng giành được tự do cho mình
rồi, không có nghĩa là lại đi tước đoạt tự do của kẻ khác.
Có bao giờ nhà cầm quyền tự hỏi, tại sao chế độ ban
hành ra đủ thứ luật để hạn chế, cấm đoán quyền con người mà vẫn không ngăn cản
được họ lên tiếng không? Dường như họ quên một câu nói quen thuộc: “Ở đâu có áp
bức, ở đó có đấu tranh” – nguyên văn : "Ở đâu có áp bức, thì ở
đó không thể có tự do,
không thể có bình đẳng,v.v. “
http://www.marxists.org/vietnamese/lenin/1918/oct/10.htm
Khi nghe tin anh Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu
Cày) đã tuyệt thực 25 ngày trong tù (tôi sẽ chỉ dùng một từ duy nhất là nhà tù
như đúng bản chất của nó), rất nhiều người lo lắng và phẫn uất. Nếu như tù nhân
nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa không bất chấp bị kỷ luật, đã liều mạng báo tin Điếu
Cày tuyệt thực cho vợ biết, thì có thể Điếu Cày sẽ chết âm thầm trong tù chỉ vì
một lý do đơn giản nào đó như ốm đau bệnh tật, chứ không phải chết vì không
chịu nhận tội. Với nhà cầm quyền thì có thể sinh mạng của người tù thật rẻ
rúng, nhưng với những người bình thường khác thì không! Sinh mạng con người là
quý giá, chỉ sau tự do mà thôi.
Theo lời con trai anh Điếu Cày kể lại trên mạng, lúc
cháu bước vào gặp bố thì thấy anh đang nằm gục đầu trên bàn. Cháu phải lấy tay
đập mạnh vào tấm kính ngăn giữa hai bố con, thì bố cháu mới lấy hai tay chống
đầu lên, chứng tỏ sức anh đã kiệt lắm rồi.
Anh Điếu Cày đã xác thực việc anh tuyệt thực, để
phản đối việc nhà tù ra quyết định biệt giam anh 3 tháng, khi không ép được anh nhận tội. Anh nói sẽ tiếp tục
tuyệt thực, cho đến khi nhà tù phải bãi bỏ lệnh biệt giam anh, kể cả việc phải
đổi mạng sống để chống lại những việc làm bất chấp pháp luật của ban lãnh đạo
nhà tù – trại giam số 6, tổng cục 8.
Khi biết tin anh Điếu Cày tuyệt thực, và vợ con anh
lặn lội từ Sài Gòn ra Vinh đã ba lần. Chủ nhật, ngày 20/7/2013, một đoàn 9
người chúng tôi từ Hà Nội vào Vinh để gặp vợ con người tù anh hùng này, mong
được chia sẻ và hỗ trợ tinh thần phần nào với vợ con anh.
Tôi xót thương và cảm phục những con người này đã
lâu, nay mới được gặp lần đầu tiên. Thực sự thấy xót xa trong lòng. Nghe chị
Tân (vợ anh Điếu Cày) kể mẹ con chị bị đánh nhiều lần, tôi không tưởng tượng
nổi kẻ khốn nạn nào đó lại có thể ra tay đánh đập phụ nữ như vậy. Không chỉ
đánh, chúng còn cướp điện thoại, máy tính, kể cả lột áo họ đang mặc trên người,
hòng ngăn cản mọi khả năng tố cáo những việc làm phi nghĩa của chúng. Bởi thế
hai mẹ con không dám mang máy tính đi theo. Điện thoại chỉ dùng loại rẻ tiền
nhất.
Chúng tôi nghỉ cùng mẹ con chị Tân một đêm. Sáng thứ
hai chúng tôi đi cùng mẹ con chị Tân đến Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An. Mục đích
của việc đến đây là gửi đơn yêu cầu viện kiểm sát tỉnh giải quyết đơn kiếu nại
của anh Điếu Cày, về quyết định sai trái của nhà tù trại 6 biệt giam anh 3
tháng.
Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi bước vào trụ sở Viện kiểm sát tỉnh
Phòng tiếp dân tối thui, vắng hoe
Ở các cơ quan nhà nước, đầu tuần lãnh đạo thường
giao ban buổi sáng, công việc các phòng ban có vẻ chểnh mảng. Dường như ở cơ
quan công quyền này cũng không ngoại lệ. Cho dù cháy nhà hay chết người thì
cũng cứ từ từ, lãnh đạo còn bận họp nên có “giải” cũng không có ai “quyết” cả.
Mọi người sốt ruột đi đi lại lại, ngó vào phòng văn
thư, đề nghị cô ta đi báo cho người có chức năng ra tiếp công dân. Chừng nửa
tiếng sau mới có hai người đàn ông mặc đồng phục xanh ra hỏi chúng tôi là ai, ở
đâu. Qua cách thức làm việc của họ, tôi thấy hoặc họ coi dân như cỏ rác, hoặc
không chuyên nghiệp như mời dân vào phòng, bật đèn, mời ngồi, hỏi có đơn không
mà cứ đứng lằng nhằng căn vặn ở ngay sảnh ra vào.
Tính mạng một người tuyệt thực đến ngày thứ 30 đang
được đếm từng giây từng phút, vậy mà họ cứ đủng đỉnh thế này thì ai có thể bình
tĩnh được? Cuối cùng họ cũng mời chúng tôi vào phòng, bật đèn, nhưng không ngồi
vào vị trí tiếp dân mà cứ đứng căn vặn chúng tôi là ai. Sau khi bị chúng tôi
phản ứng, một tay giới thiệu là trưởng phòng định ngồi xuống tiếp chúng tôi thì
tay kia lại ngăn lại, gọi anh ta ra ngoài trao đổi. Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh
lấy làm lạ bèn bảo:
- Ở cơ quan
này hay thật, nhân viên lại chỉ đạo cả trưởng phòng!
Nghe chừng tức khí, tay trưởng phòng bèn mặc kệ, cứ
ngồi xuống. Mặc dù cầm trên tay tờ đơn, nhưng tay trưởng phòng như muốn câu
giờ, cứ rề rà hỏi thông tin về họ tên, địa chỉ, quan hệ...
Mọi người sốt ruột bảo, mọi thông tin có trên đơn
rồi, anh cứ đọc sẽ biết. Nói bã bọt mép hơn nửa tiếng nữa, trưởng phòng tiếp
dân mới hiểu là gia đình đang hỏi về lá đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hải
gửi từ nhà tù – trại giam số 6 từ ngày 24/6. Sau khi chậm rãi mở sổ, chậm rãi
dò tìm, cả nhân viên lẫn trưởng phòng đều bảo Viện không nhận được lá đơn nào.
Mục đích thì có 2 yêu cầu:
1/ Ông
Nguyễn Văn Hải đã có đơn gửi Viện kiểm sát tỉnh (là có quan giám sát việc thực
thi luật pháp của các cơ quan chức năng, trong đó có nhà tù – trại giam số 6).
Nay gia đình gửi đơn, yêu cầu Viện kiểm sát Nghệ An giải quyết đơn của ông Hải.
2/ Nếu
Viện kiểm sát tỉnh không nhận được đơn của ông Hải thì đề nghị xác nhận bằng
văn bản, để gia đình có bằng chứng đối chất với lãnh đạo nhà tù – trại giam số
6
Yêu cầu 1/ là nhận đơn của gia đình thì tuy có lề mề
, nhưng cũng được giải quyết mà không phải chạy đi hỏi ý kiến ai đó. Đến yêu
cầu 2/ thì bắt đầu chạy loạn lên để xin ý kiến.
Có mỗi việc xác nhận chưa nhận được đơn của anh Điếu
Cày mà xem chừng khó hơn cả “rặn đẻ”. Thấy chúng tôi bức xúc, anh chánh văn
phòng bèn mời chúng tôi vào phòng, uống chè xanh “hạ nhiệt”. Trong lúc Blogger
JB Nguyễn Hữu Vinh phản ánh về thái độ xấc ngược với dân của một tay kiểm sát
viên, hai bên tranh luận một số việc về chuyện dân đóng thuế để nuôi nhà nước.
Anh chánh văn phòng (CVP) có vẻ hoài nghi về việc này, vặn lại bằng một câu
nghe quen quen:
- Đừng hỏi Tổ quốc làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã
làm gì cho Tổ quốc.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh bẻ lại ngay:
- Anh đừng nhầm lẫn. Nhà nước không phải là Tổ quốc.
Anh CVP vội né, từ chối tranh luận. Câu chuyện ngắt
quãng bởi những cú điện thoại. Khi cuộc chuyện trò được tiếp tục thì anh CVP
lại nêu câu hỏi khác:
- Thử hỏi không có nhà nước này, thì làm gì có độc
lập, tự do?
Chúng tôi ai nấy đều kinh ngạc về nhận thức của “đám
đày tớ”. Mặc dù tôi rất nhẹ nhàng lái anh ta vào cuộc đấu lý, nhưng anh ta lại
một lần nữa lẩn như trạch, từ chối tranh luận. Chúng tôi cũng không kỳ vọng gì
ở anh CVP, vì chung quy anh ta cũng chỉ là con tốt. Việc chính của chúng tôi là
việc của anh Điếu Cày.
Mãi vẫn chưa có được cái giấy xác nhận là Viện KS
chưa nhận được đơn, chúng tôi kéo nhau lên tầng 4, vào phòng quản lý trại giam
gì đó. Tay trưởng phòng xác nhận cách đây 10 ngày, có đến thăm anh Điếu Cày.
Chúng tôi hỏi ông có tìm hiểu nguyên nhân anh Điếu Cày tuyệt thực không, thì
ông ta trả lời lúc ấy đã hết giờ, nên chỉ hỏi thăm bình thường thôi !!!
Một ông trưởng phòng quản lý về trại giam, nghe tin
tù nhân tuyệt thực hai chục ngày, đi sáu bảy chục cây số đến trại chỉ để hỏi
thăm bình thường rồi về? Và hôm nay, nghe tin người tù ấy đã tuyệt thực sang
ngày thứ 30, trong khi người thân và bạn bè lo lắng cháy ruột cháy gan thì cả
giọng nói lẫn vẻ mặt của ông ta hoàn toàn dửng dưng, bình chân như vại.
Vô cảm trước sinh mạng của người khác cũng là tội
ác. Tôi nghĩ sự độc ác của những con người này thật không có giới hạn, lẽ ra
bọn họ mới là những kẻ phải ngồi trong xà lim thì đúng hơn.
Sự ề à của tất cả bọn họ đều có vẻ cố tình câu giờ. Vì
yêu cầu của mẹ con chị Tân rất đơn giản, nhận đơn của gia đình và xác nhận
không nhận được đơn của anh Điếu Cày. Sau khi thấy cù nhầy mãi không được, họ
đành phải ký vào đơn yêu cầu xác nhận của mẹ con chị Tân.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, đến với anh Điếu Cày.
Lời
kết còn bỏ ngỏ
Con đường hơn sáu chục cây số đến nhà tù trại 6 mất
non nửa là ổ trâu. Nhờ có người dẫn đường nên chúng tôi đỡ vất vả hơn. Đến
trước nhà tù trại 6 là gần 2 giờ chiều. Chúng tôi đợi đúng đến 2 giờ mới cùng
mẹ con chị Tân đến cửa ra vào. Chỉ có hai cậu lính gác mặt non choẹt, không đeo
biển hiệu đứng gác. Mẹ con chị Tân yêu cầu cho vào gặp lãnh đạo nhà tù thì được
trả lời chưa đến giờ làm việc. Hỏi mấy giờ làm việc thì họ trả lời mười lăm
phút nữa!
Chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp nhưng cậu lính gác
ngăn lại, chỉ biển báo khu vực cấm quay phim chụp ảnh. Hỏi phạm vi cấm bao
nhiêu mét, từ chỗ nào đến chỗ nào thì cậu lính không trả lời. Nom họ cứng đờ
như hai súc gỗ. Hỏi bất cứ điều gì cũng không trả lời, một mực im lặng và vác
mặt lên giời.
Mười lăm, hai mươi phút trôi qua vẫn chẳng thấy ai
ngoài hai cậu lính gác. Chúng tôi gay gắt yêu cầu họ báo cho lãnh đạo nhà tù.
Không khí nóng lên cả về hai nghĩa. Mãi rồi một bộ mặt mới cũng xuất hiện bên
trong ô cửa, nhưng viên trung úy này cũng không khá hơn hai cậu lính kia. Mặc
chúng tôi trình bày, chất vấn, thậm chí nổi xung lên, tay trung úy vẫn nhất mực
im lặng ngoài việc nói đã báo cáo lãnh đạo.
Tiết thu oi ả, ngột ngạt. Vài thân nhân đi thăm tù
cũng bảo, đã đợi vạ vật ngoài cổng từ sáng mà chưa được vào. Hơn 3 giờ, rồi 3
rưỡi, mẹ con chị Tân vẫn phải chờ đợi bên ngoài.
Con trai anh Điếu Cày và blogger Nguyễn Tường Thụy trước cổng nhà tù trại
6
https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-prn1/p480x480/74911_385487098219766_81853113_n.jpg
Một tay trung tá đi xe máy từ ngoài vào liền bị
chúng tôi chặn lại ở cổng, dứt khoát không cho vào. Yêu cầu ông ta phải can
thiệp, hỏi cho ra nhẽ tại sao khi sức khỏe của tù nhân Nguyễn Văn Hải đang rất
nguy kịch, thân nhân của ông Hải đã vượt hàng ngàn cây số đến đây để yêu cầu
gặp lãnh đạo nhà tù, lại phải chờ đợi suốt cả buổi chiều mà không ai tiếp họ?
Rốt cuộc tay trung tá phải bỏ xe ở ngoài cổng và đi
vào bên trong. Một gã mặt non choẹt đứng bên trong, cầm máy quay chúng tôi. Tôi
tiến đến trước mặt gã, nhìn thẳng vào ống kính thì gã bỏ đi.
Gần 4 giờ mẹ con chị Tân mới được mời vào. Nhưng chỉ
hơn mươi phút đã thấy hai mẹ con quay ra, nói họ không cho gặp anh Điếu Cày vì
đã hết tiêu chuẩn gặp mỗi tháng 1 lần, rằng anh Điếu Cày không hề tuyệt thực,
rằng đơn anh Điếu Cày tố cáo không đúng sự thật nên họ chả gửi đơn của anh đi
đâu cả.
Thế đấy! Láo khoét. Dối trá. Vô lương tâm. Ngu xuẩn.
Họ thực sự không biết mình là ai. Sẵn sàng ngồi xổm lên pháp luật. Với những
con người như thế, số phận những người tù khốn khổ lại tròng thêm một án tù vô
hình khác. Ở nơi heo hút này, ai là người quan tâm đến những bất hạnh của họ?
Đã gần hết ngày, thân nhân tù lặn lội vào cái nơi xa
xôi này để rồi ngồi chờ đợi trong vô vọng. Chúng tôi hiểu trường hợp anh Điếu
Cày hẳn đã vượt quá thẩm quyền của nhà tù trại 6. Có thể có một sự chỉ đạo ngầm
nào đó từ bên trên, chứ chắc những người ở đây có gan giời cũng chả gánh nổi
trách nhiệm nếu để anh Điếu Cày chết. Xét về tình cảm, nếu chúng tôi không ở
bên anh Điếu Cày lúc này là không đành. Nhưng ở đây với những bức tường câm
lặng này cũng chẳng ích gì.
Cuộc đấu tranh vì
Điếu Cày còn dài. Khi chúng tôi trở về Hà Nội, được biết mẹ con chị Tân
hôm sau lại lên Viện kiểm sát tỉnh, nhưng họ cứ để mẹ con chị ngồi đó cho đến
hết giờ làm việc. Khi tôi kể lại sự việc này, cuộc tuyệt thực của anh Điếu
Cày đã bước sang ngày thứ 34. Thật khó lời nào tả nổi cảm xúc trong tôi lúc
này. Cái đói bỗng quặn lên, đau nhói trong dạ.
No comments:
Post a Comment