Nguyễn
Thanh Văn
Cập nhật: 17/07/2013
Có nhiều định nghĩa về hai chữ “lý tưởng“. Lý tưởng
là ngọn đèn chỉ đường; là ước mơ, hoài bão và luôn muốn biến ước mơ, hoài bão
đó thành sự thật; là những tư tưởng cao cả, tốt đẹp nhất, định hướng cho cuộc
sống của con người; là nguồn động lực, chất xúc tác giúp ta đạt được những gì
mong muốn dù gặp khó khăn nguy hiểm; là mục đích tốt đẹp nhất mà người ta phấn
đấu, đôi khi phải hy sinh hạnh phúc của chính mình để đạt tới…
Khi Quốc Tế Cộng Sản được hình thành vào khoảng đầu
thế kỷ 20, thế giới lúc đó nghe nhiều đến lý tưởng cộng sản. Theo Lênin, trong
giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, đảng viên có lý tưởng cộng sản là những
người trung thành vô giới hạn đối với Chủ nghĩa Cộng sản theo định nghĩa của
Các Mác và Lênin (gọi tắt là Chủ nghĩa Mác-Lê), trung thành với sự nghiệp của
giai cấp vô sản, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của giai cấp vô sản,
phục vụ hết lòng giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Và khi đảng Cộng sản đã
giành được chính quyền, thì đảng viên phải trung thành với "lý tưởng của
Đảng", tức là bằng mọi giá phải xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản tại
từng nơi, rồi tiến lên thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia, không
ai thống trị ai, xã hội thực sự bình đẳng, không còn cảnh người bóc lột người,
và con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu….
Ông Hồ Chí Minh là một trong những người gốc Việt
Nam đầu tiên được đúc theo khuôn mẫu lý tưởng Cộng sản nói trên. Sau đó ông
huấn luyện lại cho thế hệ đảng viên kế tiếp và từng bước biến thành cái gọi là
"đạo đức cách mạng". Trong bài giảng có tên "Đạo Đức Cách Mạng“
vào năm 1958, ông Hồ lập lại đầy đủ những ý niệm của Lênin nêu trên cùng với
các luận cứ phê phán "cá nhân chủ nghĩa" và xem đó là kẻ thù của sự
nghiệp tiến lên chủ nghĩa Cộng sản [1]. Sau đó, trong bài “Tổng Kết 13 năm Hoạt
Động của Đảng CSVN“, năm 1960 [2], ông Hồ cũng lập lại và nhấn mạnh thêm những
điều này. Và còn nhiều tài liệu khác nữa. Tóm tắt là định nghĩa nguyên thủy về
lý tưởng Cộng sản tại Liên Xô được truyền đến Việt Nam không đổi.
Chỉ đến khi hai nước cộng sản đàn anh lớn nhất, Liên
Xô và Trung quốc, trở mặt chống nhau để tranh giành vị trí cầm đầu phong trào
Quốc Tế Cộng Sản, thì niềm hy vọng và mục tiêu "cao cả" xây dựng thế
giới đại đồng theo chủ nghĩa Cộng sản tan thành mây khói. Và cái gọi là
"lý tưởng cộng sản" bắt đầu được các phe trong thế giới Cộng Sản định
nghĩa lại để phục vụ cho lợi ích của phe mình. Có những lãnh tụ như Thống chế
Josip Tito của Yougoslavia chỉ dùng chủ nghĩa Cộng sản để củng cố ghế cai trị
của mình và hành xử khá độc lập, chứ không thiết tha gì đến thế giới Cộng sản
hay các ông anh lớn nữa. Vô số những người Cộng sản trên khắp thế giới kinh
ngạc và bắt đầu hồ nghi các kinh điển Cộng sản khi nhìn các cuộc giao tranh
biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc kéo dài hàng chục năm trời, với những cuộc
chạm súng đẫm máu ở vùng Hắc Long Giang.
Tại Việt Nam, đã có khá nhiều đảng viên Cộng sản lão
thành thú thật rất ít người Việt tham gia đảng Cộng sản vì hiểu chủ nghĩa Cộng
sản là gì hay vì thấy lý tưởng Cộng sản cao đẹp. Trong thời kháng chiến chống
Pháp, rất đông người gia nhập đảng CSVN vì lý tưởng muốn giải phóng đất nước.
Vào thời đó, nhiều người cho rằng đường lối của đảng CSVN có xác suất thành
công cao nhất. Tinh thần này kéo dài qua cuộc chiến chống Mỹ. Nhiều đảng viên
đi theo tiếng gọi của lãnh đạo vì lý tưởng "giải phóng đồng bào ruột thịt
đang bị đàn áp dưới gót giày của đế quốc Mỹ". Chỉ khi vào đến nơi và nhìn
tận mắt xã hội miền Nam năm 1975 họ mới vỡ lẽ và biết mình bị lừa. Có lẽ tiếng
nói mạnh nhất diễn tả tâm trạng này là của nhà văn Dương Thu Hương. Những năm
tháng cai trị ngặt nghèo và liên tục đập bỏ mọi thành tựu đang có tại Miền Nam
để xây dựng CNXH càng làm giật mình những đảng viên Cộng sản chưa một lần ra
Bắc. Đơn giản vì xã hội Miền Nam trước 1975 còn tự do, còn có nhà nước pháp
quyền, và còn tôn trọng con người hơn nhiều. Lý tưởng Cộng sản rớt xuống một
tầng thấp mới. Nhiều đảng viên nhận ra lãnh đạo đảng nhất quyết "giải
phóng" Miền Nam chẳng phải vì người Việt, mà chỉ để biến cả nước thành một
phần của Khối Cộng Sản, rồi lại hãnh diện tình nguyện làm ngọn cờ đầu của Quốc Tế
Cộng Sản đi "giải phóng" tiếp các nước Đông Dương và Đông Nam Á. Tất
cả được trả bằng máu người Việt Nam.
Lý tưởng đưa toàn vùng vào vòng tay Cộng sản đó -
được ghi rõ trong bài bản học tập của đảng viên các cấp - chỉ khựng lại vào
khoảng giữa thập niên 1980, khi ngân khố Liên Xô cạn kiệt. Đến năm 1989 khối
Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, rồi Liên Xô cũng sụp đổ luôn. Gần cả tỉ con người vứt
bỏ chủ nghĩa Mac-Lê và bắt đầu xây dựng thể chế dân chủ tự do. Giữa cơn hoang
mang, bơ vơ lạc lõng, và loay hoay tìm phương hướng mới của giới lãnh đạo đảng
CSVN, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ chính trị, đề nghị một lý tưởng mới - lý
tưởng trở về với dân tộc, bỏ con đường mòn bám chân các anh lớn Cộng sản. Ông
đề nghị cải cách chính trị, chấp nhận đa nguyên, dân chủ hóa xã hội hầu đáp ứng
khát vọng của dân tộc và để đất nước đi theo xu thế chung của thời đại.
Nhưng thay vì can đảm hướng theo lý tưởng đặt dân
tộc trên hết của ông Trần Xuân Bách, giới lãnh đạo đảng lúc đó lập tức cho đó
là âm mưu chính trị của những "thế lực phản động quốc tế" nhằm xóa sổ
đảng CSVN như đã xóa đảng Cộng sản Liên Xô. Họ tước ngay mọi chức vụ và thẳng
tay trừng phạt ông Trần Xuân Bách. Cùng lúc, để cứu đảng, Bộ chính trị làm 2
việc: Khoác lên mình lá cờ dân tộc và đi tìm chỗ dựa mới. Để khoác áo dân tộc
và thay thế các ông thần Cộng sản rước về từ Liên Xô, họ bắt đầu thôi coi các
anh hùng dân tộc chỉ là sản phẩm của chế độ phong kiến; và khởi động việc phát
minh món "hàng nội hóa" mới có tên là "tư tưởng Hồ Chí
Minh" bất kể khi còn sống ông Hồ đã xác nhận công khai nhiều lần ông không
có tư tưởng nào khác ngoài các tư tưởng của Mác-Lênin-Stalin-Mao. Và để tìm chỗ
dựa mới thay thế cho khoảng trống Liên Xô, ngày 3/9/1990 Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, và Cố vấn Phạm Văn Đồng lặn lội qua Thành Đô, Trung
Quốc xin nối lại mối bang giao đã bị cắt đứt kể từ năm 1979 và xin Bắc Kinh bảo
trợ. Họ dư biết Bắc Kinh chẳng cho không điều gì, đặc biệt sau 10 năm đánh nhau
đầy cay đắng. Họ cũng biết tâm địa của Bắc Kinh đối với chủ quyền Việt Nam vì
chính họ đã in sách liệt kê đầy đủ các chứng cớ và thủ thuật quỉ quyệt của Bắc
Kinh, đặc biệt là cuốn SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM -TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA
do Nhà xuất bản Sự Thật phát hành vào tháng 10/1979. Rõ ràng kể từ thời điểm
này lý tưởng Cộng sản là giữ đảng bằng mọi giá, dù giá đó là chủ quyền quốc
gia.
Lý tưởng bỏ nước giữ đảng được tiến hành từng bước
liên tục từ đó đến nay, từ các hiệp ước dâng nhượng đất trên bộ mà các bản đồ
đến nay lãnh đạo đảng vẫn không dám tiết lộ, đến hiệp ước dâng nhượng lãnh hải
trong vịnh Bắc Bộ, đến mấy chục khu rừng đầu nguồn, rừng biên giới, đến
"mái nhà Đông Dương", v.v... kéo dài đến 10 thỏa ước mà Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang vừa ký kết vào tháng 6/2013. Giới lãnh đạo đảng có vẻ tin tưởng
và chấp nhận giải pháp để cho Bắc Kinh chiếm từ từ chủ quyền Việt Nam như đang
thấy, vì như vậy đảng vẫn cai trị được vài chục năm nữa mới mất hết.
Với lý tưởng mua thời gian đó, các đảng viên cao cấp
bắt đầu đua nhau làm giàu. Trước hết, họ bán tất cả những gì có thể bán được,
từ khoáng sản đến cô dâu. Kế đến họ giành trọn mọi cửa ngỏ buôn bán với nước
ngoài cho gia đình và phe cánh, từ xuất nhập cảng trong mọi ngành nghề đến toàn
bộ hệ thống ngân hàng. Và sau hết, họ cướp luôn tài sản của nông dân, và tiếp
tay các công ty nước ngoài trấn áp công nhân. Tóm lại, đảng của giai cấp
công nông đã biến mất mà chỉ còn tập đoàn tư bản đỏ ngồi ghế cai trị. Và lý
tưởng của đảng viên ngày nay là được ngồi vào những chiếc ghế đó.
Hiển nhiên, những chiếc ghế càng béo bở càng có
nhiều đảng viên thèm thuồng. Thực tế này không chỉ dẫn đến những đấu đá chí
mạng để giành ghế mà còn tạo hiện tượng kiếm ăn cực kỳ gấp rút và bất chấp mọi
tác hại trong thời gian đang giữ ghế. Vì khối tiền thu được sẽ giúp làm 3 việc:
Dùng để mua vây cánh bảo vệ ghế hiện tại; dùng để tranh những ghế béo bở lớn
hơn; và dùng để mua bảo hiểm cho ngày hạ cánh an toàn. Tiền đã trở thành sức
mạnh vô địch, mạnh hơn cả quyền lực Bộ chính trị. Đối với nhiều đảng viên, sau
kết quả Hội nghị Trung Ương 6 và 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là tấm
gương thành công về cách làm ra cũng như sử dụng đồng tiền hiệu quả. Vì vậy,
lý tưởng Cộng sản ngày nay còn bao gồm quyết tâm cào thật nhanh và giữ cho được
khối của cải riêng. Theo các thống kê quốc tế, hàng ngàn đảng viên Cộng sản
nay đã lên hạng có tài sản riêng ở mức vài trăm triệu đến vài tỷ mỹ kim.
Nên nếu phải mô tả thật ngắn gọn, người ta có thể
tóm tắt lý tưởng Cộng sản tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 21:
- Thà mất nước chứ không mất đảng.
- Thà mất đảng chứ không mất ghế.
- Thà mất ghế chứ không mất của.
Nhưng đó là sai lầm khủng khiếp ngay từ điểm khởi
đầu vì MẤT NƯỚC LÀ MẤT TẤT CẢ — từ "đảng" đến "ghế" đến
"của", và vận tốc xâm lược sẽ tăng vọt theo từng bước lũy thừa. Bài
học này đã lập lại quá nhiều lần trong lịch sử Việt Nam và tại nhiều nơi trên
thế giới.
- - -
[1] Hồ Chí Minh Tuyển Tập ấn bản Anh Ngữ, nhà xuất
bản Thế Giới, Hà Nội phát hành năm 1994, trang 195-208; (Ho Chi Minh Selected
Writings 1920-1968, Thế Giới Publishers, Hanoi 1994).
[2] Sách đã đẫn, trang 230-247.
No comments:
Post a Comment