Wednesday 3 July 2013

LỚP HUẤN LUYỆN CỦA PHẠM HỒNG SƠN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, July 02, 2013 7:49:23 PM

Các tù nhân trong khu K1 trại giam Xuân Lộc đã đấu tranh bất bạo động phản đối cai tù đối xử vô nhân đạo. Trong trại này đang cầm giữ Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, nhạc sĩ Việt Khang, một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và nhiều người khác, họ bị tù chỉ vì yêu nước chống Trung Cộng và tranh đấu đòi sống tự do. Dù ở chỗ tù đày, anh chị em vẫn bền chí phấn đấu. Tạ Phong Tần, Ðiếu Cày, các cháu Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha nghe được tin này chắc cũng thấy nức lòng.

Ở bên ngoài nhà tù, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn mới gửi đi khắp nơi một “tài liệu huấn luyện;” ông gọi là “27 ghi chú dành cho những Tù nhân Lương tâm Dự khuyết.” Gọi là “Dự khuyết,” vì họ đang sẵn sàng bước vào tù; khi lương tâm không cho phép họ im lặng!

Rất nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, sẽ còn lên tiếng phản đối Trung Cộng xâm lấn, đè nén, khinh thường dân tộc Việt. Nhiều người Việt Nam sẽ còn nổi giận, không thể lặng im trước cảnh đồng bào bị cướp ruộng đất để các tham quan thu lợi. Họ có thể sẽ bị bắt khi lên tiếng. Họ cần được chuẩn bị trước khi nếm mùi tù ngục cộng sản.

Ðọc những điều “ghi chú” của Phạm Hồng Sơn càng thấy ấm lòng. Mỗi lời căn dặn trong 27 điều “ghi chú” chứa đựng cả tấm lòng thiết tha trìu mến của tác giả đối với những bạn trẻ yêu nước nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Anh muốn giúp các tù nhân tương lai tự chuẩn bị. Họ cần chuẩn bị cách cư xử, thái độ cần thiết, cách sống hàng ngày trong hà tù, nếu mai mốt họ bị bắt, như tác giả đã trải qua. Những lời dặn dò cho thấy tình thương yêu của Phạm Hồng Sơn dành cho những người yêu nước.

Ðọc “27 điều ghi chú” của Phạm Hồng Sơn, chúng ta càng tin tưởng. Những người yêu nước, yêu tự do, dù không trong một tổ chức nào chung, cũng phải nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Cho nên, cần nhắc nhở cho nhau những gì cần chuẩn bị khi bước vào nhà tù của các chế độ độc tài; dù họ đang sống ở Campuchia, Syria, Bắc Hàn hay Việt Nam. Trong những tháng năm sắp tới, sẽ còn hàng trăm, hàng ngàn người theo gót Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Phương Uyên, Nguyên Kha, vân vân. Họ cần được chuẩn bị sẵn sàng, mang sẵn một hành trang để có thể bền bỉ đấu tranh.

Ðọc 27 điều ghi chú thấy Phạm Hồng Sơn rất thực tế. Thí dụ, Ðiều số Sáu anh căn dặn các bạn tù là: “Ðừng bao giờ tin lời nói, lời hứa, kể cả cam kết (bằng chữ), của điều tra viên (nhà chức trách). Ðừng bao giờ trở thành nguồn tin [cung cấp thông tin] cho họ (dù họ đã biết hay chưa). Cũng đừng bao giờ sững người khi họ nói đồng đội của bạn đã phản bội bạn.” [Các chữ trong ngoặc vuông do chúng tôi viết thêm].

Ðiều số Bẩy: “Ba điểm cần nhớ nằm lòng khi làm việc (đi cung, đi thẩm vấn, “đi làm” hay gặp gỡ bất kỳ nhân vật nào thuộc chính quyền): 1. Nói nhiều không có lợi. 2. Nổi nóng, khiếm nhã không có lợi. 3. Nhượng bộ hay coi thường đối thủ đều là nguy hiểm.” Ðiều 17 rất cụ thể, “Cảnh giác với ba loại thời tiết dễ làm bạn không còn là bạn: nóng quá, lạnh quá và đặc biệt tiết trời u ám, ẩm thấp (như tiết Tháng Ba miền Bắc).”

Ðiều số 20 cũng cụ thể, cho thấy Phạm Hồng Sơn đầy đủ kinh nghiệm và rất lo lắng tới sức khỏe của các người bạn cùng chí hướng: “Ba cách đơn giản giúp tăng cường sinh lực và sức dẻo dai cho cơ thể: 1. Chạy (hoặc đi bộ) ngay tại chỗ hoặc trong khoảng cách 2m. 2. Chống đẩy (hít đất), đứng lên ngồi xuống nhiều lần. 3. Làm dẻo các khớp từ cổ đến chân, xoa bóp cơ thể.” Nếu có thể, xin Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn chú ý tới mấy phương pháp tập luyện thân thể đồng thời rèn tâm trí, như các phép tập theo Hồng Gia Việt Nam. Các phép tập dưỡng sinh này không đòi hỏi chỗ rộng rãi trong nhà tù vẫn tập được; có thể làm hàng trăm lần không mỏi, giúp điều hòa các khớp xương, tim, phổi và toàn thể nội tạng được khỏe mạnh. Thí dụ: Ðứng một chỗ xoay mình qua lại, bằng cách dùng bộ eo xoay chuyển, còn thân thể và tay chân buông lỏng lẻo (Xoay Âm Dương). Hoặc: Ðứng tấn lưng thẳng, vận động các xương sườn, xương lồng ngực, kéo theo vai và các bắp thịt bụng, hay cánh tay buông lỏng vận chuyển theo (Sư Tử Hí Cầu). Các tù nhân vì lương tâm cũng nên bắt chước các cựu tù nhân như Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Viết Khánh, dùng phương pháp tọa thiền hoặc khí công để bảo vệ thân, tâm bình an, không sợ, không giận, không lo âu.

Rải rác trong 27 điều ghi chú có nhiều câu đáng học thuộc lòng: Ðừng quá thành kiến với công an. Nhưng phải cảnh giác khi họ tử tế. Người ác nhất vẫn có lúc tử tế nhưng hãy nhớ công an là công cụ của chế độ độc tài toàn trị - chế độ không bao giờ muốn tính thiện con người trỗi dậy có lợi cho bạn (Ðiều số 9). Chính kẻ thẩm vấn cũng có nỗi hoang mang của riêng họ. Họ sợ không khuất phục được bạn. Họ hồi hộp sẽ không moi tin thêm được từ bạn (số 10). Khi nỗi nhớ thương gia đình (con cái, cha mẹ, vợ chồng) trào dâng, nên nghĩ đến ba điều... (13).

Nhìn lại tất cả 27 “điều ghi chú” của Phạm Hồng Sơn, thấy giống như mới dự một bài giảng trong một khóa huấn luyện dành cho những ai “sắp vào tù.” Có thể đặt tên lớp huấn luyện này là “Khóa Phạm Hồng Sơn.” Khi ghi lại 27 điều này, Phạm Hồng Sơn cho thấy anh đang nhìn tương lai và tin tưởng. Cuộc tranh đấu của dân ta sẽ ngày càng lan rộng và mạnh mẽ hơn. Sẽ còn rất nhiều người, nhiều bạn trẻ sẵn sàng bước vào tù. Vì họ yêu nước; vì họ muốn dân Việt được sống trong tự do dân chủ.

Sau “khóa giảng” chuẩn bị vào tù này, chắc Phạm Hồng Sơn sẽ còn tiếp tục các “khóa giảng” khác, cùng các nhà tranh đấu khác, cùng đóng góp vào cuộc vận động dân chủ của dân Việt. Những người tranh đấu cần chuẩn bị tinh thần; nhưng cũng cần chuẩn bị cả một hành trang lý luận khi phải đối phó với các cuộc hỏi cung, nhất là giới trẻ chưa đủ kinh nghiệm. Chuẩn bị thân, tâm để sống trong tù, nhưng cũng phải chuẩn bị lý trí, kiến thức, để sẵn sàng giải thích tại sao mình tranh đấu, sẵn sàng bước vào tù. Hơn nữa, cần nối kết các cuộc tranh đấu đòi tự do và chống xâm lược với cuộc vận động của các người lao động lương không đủ sống, các nông dân đang bị cướp đất ruộng, và các ngư dân đang bị tàu thuyền Trung Cộng tấn công. Ðồng bào tranh đấu vì các nhu cầu thiết thực; nhưng họ cũng cần hiểu tại sao dân tộc Việt phải được sống tự do dân chủ. Vì chỉ trong cuộc sống tự do dân chủ thì mới có cơ hội giảm bớt những nỗi khổ của đồng bào.

Tại sao người nông dân bị cướp đất? Tại sao họ không được đền bù xứng đáng? Tất cả chỉ vì bọn tham quan ăn cướp, ăn chặn. Tại sao nhiều tham quan ô lại như vậy? Tại sao chúng hoành hành mãi như vậy? Vì có một nhóm người độc tài lạc hậu, dốt nát ngồi trên đầu trên cổ người dân suốt bao nhiêu năm nay. Tại sao các ngư dân vẫn tiếp tục bị “tàu lạ” đuổi bắn, bị cướp bóc ngay trong biển nước mình? Vì có một chế độ nhu nhược không cương quyết phản đối công khai, cũng không dám thưa kiện ra trước các tòa án và dư luận quốc tế! Tại sao họ lại hèn yếu, nhu nhược như vậy? Vì họ bị ràng buộc bởi một thứ chủ nghĩa lỗi thời, vì thế mà kết tình “đồng chí anh em” với bọn xâm lăng. Cuối cùng, chỉ vì một chế độ độc tài nên các nông dân đã bị cướp đất, các ngư dân cứ tiếp tục bị cướp nguồn sống ngoài biển. Muốn thoát các nỗi khổ đó, phải chấm dứt chế độ độc tài, cho dân tộc Việt được sống tự do dân chủ.

Ðầu tiên, phải thi hành đầy đủ những quyền tự do, như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, được chính thức ghi ngay bản Hiến Pháp hiện nay. Người dân phải được quyền làm chủ đất, ruộng, nhà ở, chứ không để cho một đảng Cộng sản tiếp tục vai trò một địa chủ vĩ đại, còn nhân dân thành bọn mướn đất, làm thuê, cấy rẽ. Phải xóa bỏ chế độ hộ khẩu đang tước bỏ các quyền công dân của những nông dân lên thành phố tìm việc làm.

Muốn đạt được những đòi hỏi trên, tự nhiên phải xóa bỏ điều số 4 trong Hiến Pháp dành độc quyền thống trị cho riêng các đảng viên Cộng sản. Phải thi hành quyền tự do hội họp để mọi người được tự do lập công đoàn độc lập, các hiệp hội nông dân, các giáo hội, hội từ thiện, cho tới các đảng chính trị. Phải sửa đổi luật bầu cử để mọi người dân trưởng thành được tự do ứng cử, bỏ phiếu kín; những người nắm quyền hành pháp, lập pháp đều phải do dân tự do bầu lên. Quyền tư pháp phải độc lập, không bị một phe đảng nào thao túng.

Cần phải cung cấp những lý luận trên đây trong các “Khóa huấn luyện Phạm Hồng Sơn.” Phải chuẩn bị một hành trang đầy đủ cho các bạn trẻ đang dấn thân trên con đường mà bao người đi trước đã mở ra. Những Tạ Phong Tần, Ðiếu Cày, các cháu Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, vân vân, đang sống trong tù, cũng chỉ theo cùng một chí hướng như ông cha chúng ta trước đây, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, vân vân.

Chúng ta đang chứng kiến cuộc thức tỉnh của một thế hệ mới. Ngày nay, những người tranh đấu không cần phải xuất ngoại, cũng không cần phải “lập hội kín.” Họ lại có thể sử dụng một trang bị tối tân là mạng lưới Internet. Cho nên chúng ta có thể những “mở khóa huấn luyện” công khai hoàn toàn mở cửa, cho tất cả các bạn trẻ tham dự. Phạm Hồng Sơn đã khai giảng lớp huấn luyện đầu tiên. Mọi người phải giúp anh tiếp tục.


No comments:

Post a Comment

View My Stats