Wednesday 10 July 2013

KHI TRUNG QUỐC LUÔN LÀ CẠM BẪY (Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-07-08

Giữa lúc TQ ngày càng công khai hành động xâm lấn lãnh hải trong khi tiếp tục âm thầm xâm nhập mọi ngõ ngách của quê hương VN, thì GS Trần Khuê từ trong nước lên tiếng với Đài ACTD:
Cái nguy cơ từ phương Bắc thì thường trực từ mấy nghìn năm nay rồi. Và bây giờ nó càng rõ hơn. Cho đến nay, từ nhân dân, trí thức, nói chung là mọi tầng lớp xã hội, đều xót ruột lắm ! Và người dân Việt thấy nguy cơ là vận mệnh đất nước bị đe doạ cùng với sự toàn vẹn lãnh thổ…

Ký một lúc 10 văn kiện

Theo cuốn Hồi ký Trần Quang Cơ, thì “Ngày 29.8.1990, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Trương Đức Duy xin gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười, chuyển thông điệp của Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và chủ tịch Quốc vụ viện Lý Bằng mời Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 3.9.1990 để hội đàm bí mật về Campuchia và vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước”.

Như vậy là “biến cố Thành Đô” ấy – mà nhà báo David Thiên Ngọc gọi là “Chiếu chỉ Thành Đô” - đã diễn ra trong vòng bí mật mà Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ cho “đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại” của Hà Nội; chính cố vấn Phạm Văn Đồng lúc ấy cũng phải thốt lên rằng “…đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước được hậu quả…”; Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần phải nhìn nhận rằng “Mình bị nó lừa nhiều cái quá…TQ luôn là cạm bẫy!”.

Lần này, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “bệ kiến Thiên Triều” tại Bắc Kinh, tác giả David Thiên Ngọc qua bài tựa đề “Chiếu Chỉ Thành Đô II” lưu ý rằng:
Trong lịch sử ngoại giao từ xưa nay trên toàn thế giới chưa có một ai đại diện cho một nước nào cho dù là nhỏ bé, thiếu độc lập, thiếu tự chủ cũng chưa có một lãnh tụ nào trong một cuộc tạm gọi là bang giao vừa bước chân xuống miền đất khách chưa kịp tẩy trần mà ký một lúc 10 văn kiện như ông Trương Tấn Sang và tập đoàn… theo đuôi! Ở đây xin nói thẳng ra rằng các văn kiện đó, "Họ" đã viết sẵn theo chủ ý và âm mưu của họ theo kịch bản của quân sư mà kẻ ký chỉ biết hạ bút và không được phép biết nội dung nó là gì?

Khi báo động về “Văn kiện đầu hàng”, blogger Bùi Tín khẳng định rằng “Mọi người Việt Nam yêu nước không thể không bàng hoàng và phẫn nộ khi đọc kỹ văn kiện nói trên, không thể không nhận định đây là một văn kiện tuyên bố đầu hàng bọn bành trướng và xâm lược phương Bắc”, nhất là, theo nhà báo Bùi Tín, Bản tuyên bố chung VN-TQ “Không hề có một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một yêu cầu nào về việc bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân VN trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái lưỡi bò phạm pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ. Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất, còn hơn anh em ruột thịt”.

Nhà báo Bùi Tín nhận xét tiếp về “Biến cố Thành Đô II” này:
Đọc thật kỹ bản Tuyên Bố Chung, có thể dễ dàng nhận ra nó được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn không được đóng góp hay thay đổi gì hết. Bản Tuyên Bố Chung hoàn toàn phản ánh tham vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu của Trung Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, với sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng cực.

Blogger Bùi Tín nêu lên câu hỏi rằng đây có phải là một cạm bẫy do nhóm lãnh đạo mới Trung Nam hải giăng ra để “nhử ông Trương Tấn Sang chui vào tròng”, buộc ông Sang phải “nhận cả gói, không sửa đổi, du di gì được, dù một li” ? Vẫn theo nhà báo Bùi Tín, sau khi đọc Kỹ văn bản ấy, Ông có cảm giác như VN đã “hội nhập vào trong lòng TQ. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng chí bền chặt nhất vậy”.

Báo Tổ Quốc báo động rằng “Họ đem đất nước vào hẳn quỹ đạo của TQ”. Tờ báo tin chắc là ông Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh để “chính thức hoá những gì đã được quyết định từ trước và do TQ áp đặt”, và lưu ý:
Ai cũng biết quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam là một quan hệ lệ thuộc nhưng sự lệ thuộc đó đã trở thành toàn diện và triệt để sau những gì mà ông Sang vừa ký, bởi vì nó còn được "thúc đẩy", "mở rộng", "tăng cường" và "làm sâu sắc thêm". Đặc biệt nghiêm trọng là Việt Nam đã cam kết "điều phối" và "phối hợp" với Trung Quốc, nói cách khác, nhận mệnh lệnh của Trung Quốc trong các quan hệ đối với thế giới, kể cả với Liên Hiệp Quốc. Chúng ta mất chủ quyền. Và chúng ta cũng có nguy cơ mất cả lãnh thổ bởi vì chính quyền CSVN đã chấp nhận để bảy tỉnh biên giới Việt Nam "hợp tác" và "cùng phát triển" với các khu tự trị của Trung Quốc ở biên giới…

TQ "thuần hóa" VN

Tổng Bí thư Đỗ Mười (P) cùng với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (T) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 14/7/1997. AFP photo

Blogger Nguyễn Văn Huy lưu ý về “thời gian thảo luận những vấn đề hệ trọng liên quan đến tương lai đất nước trong vài ngày chắc chắn là không đủ”, và tin chắc rằng “nội dung của những thỏa thuận đã được hai bên trao đổi và thảo luận từ lâu”. Do đó, theo blogger Nguyễn Văn Huy,  chuyến Hoa du của ông Trương Tấn Sang “chỉ là để ký kết những gì đã đồng ý từ trước”.

Khi thắc mắc về “ Một sự im lặng khó hiểu”, tác giả Nguyễn Văn Huy đặt ra một số câu hỏi, chẳng hạn như:
-Ông Trương Tấn Sang được ai hay định chế nào cho phép hoặc ủy quyền ký những văn bản hệ trọng liên quan đến tương lai Việt Nam ?
- Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã có những nhận xét nào về nội dung bản Tuyên bố chung ?
-Những đại biểu quốc hội, có bao nhiêu người được hỏi ý kiến về những văn kiện vừa được ký kết ?

Và tác giả nhận xét tóm tắt rằng:
Qua Tuyên bố chung này, khó có thể biện bạch Việt Nam là một quốc gia độc lập với Trung Quốc, nếu không muốn nói chính quyền cộng sản Việt Nam đang chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước sang tay người Trung Quốc. Theo nội dung của bản Truyên bố chung, Trung Quốc có quyền tham gia vào tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt chính trị và kinh tế của Việt Nam, trong khi đó phía Việt Nam không thể và cũng không đủ điều kiện để tham gia ngược lại.

Khi báo động về tình trạng TQ đã “thuần hoá” VN, nhà báo Vi Anh nhận xét rằng Chủ Tịch Nước Trương tấn Sang “đi sang Tàu triều cống, diện kiến Tập cận Bình như thần tử diện kiến long nhan, tái xác nhận thái độ thần phục Thiên Triều”. Ông Trương Tấn Sang tuyên bố “nhất trí, đồng tình, hồ hởi, phấn khởi”, giải quyết vấn đề Biển Đông trên nguyên tác song phương do phương Bắc đề ra, chứ tuyệt đối không cho nước thứ ba nào bên ngoài can dự vào. Vẫn theo nhà báo Vi Anh, “Giải quyết những tranh chấp tay đôi giữa con sói và con trừu, thì Biển Đông và đảo của VN coi như từ chết tới bị thương, bị kẻ mạnh nuốt hết !”.

Blogger Gò Cỏ May thì lưu ý rằng mặc dù hai nước CS anh em Việt-Trung từ lâu đã bình thường hoá bang giao và hợp tác chặt chẽ, không ngừng nâng mối quan hệ chiến lược giữa 2 đảng, 2 nhà nước lên “tầm cao mới”, nhưng “ thật lạ kỳ, cứ mỗi đợt gặp gỡ cấp cao như thế là Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động gây căng thẳng trên các vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền “không tranh cãi”. Phía Trung Quốc thì hành động. Còn phía Việt Nam lại chỉ cho Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao  lên tiếng phản đối, chứ giới chóp bu thì đều bị cái vòng kim cô ‘đại cuộc’ mang tên ý thức hệ kiềm tỏa, ngậm tăm”.

Trong khi nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn báo động rằng “Việc ông Trương tấn Sang công du Trung quốc lần này với những cam kết về một sự ‘hợp tác chiến lược toàn diện’ trên tinh thần ‘đồng chí anh em’ chỉ đẩy đất nước lún sâu hơn vào hiểm họa lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc mà thôi”, thì nhà báo Bùi Tín lưu ý “ Nước cờ này đã đẩy đảng CSVN đang núng thế thụt sâu thêm xuống hố suy thoái”.

Khi nêu lên câu hỏi rằng có phải “ VN thiếu vắng lãnh tụ ?”, tác giả Phạm Dzũng nhận định rằng “ Trong cuộc chiến Tàu-Việt từ ngàn xưa tới nay, sách lược muôn đời của Tàu vẫn là tàn hại nguyên khí của dân Việt, và chúng ra tay rất sớm -‘tiên hạ thủ vi cường’ ”. Vẫn theo tác giả thì “Hiện tượng bế tắc tương lai và suy yếu toàn diện vừa về lãnh đạo, vừa về văn hóa, xã hội, kinh tế và quốc phòng của Việt Nam chứng tỏ rằng TQ đã thành công trong sách lược làm Việt Nam suy thoái triệt để. Mối nguy hiểm lớn nhất là ở chỗ bọn xâm lược không cần phải trực tiếp ra mặt, mà lại sai khiến được chính nhà cầm quyền Việt Nam…”.

Tác giả Phạm Dzũng nhận thấy hành động của giới cầm quyền trong nước liên tục trấn áp dân và liên tiếp nhượng bộ phương Bắc một cách vừa lén lút, vừa công khai chứng tỏ rằng Bắc Kinh đã nắm được giới cầm quyền Hà Nội, mà nổi bật nhất hiện nay là bộ máy công an… Như vậy, theo tác giả, “chính là Tàu đang cai trị VN”. Và mọi phản đối máy móc, chiếu lệ của nhà cầm quyền VN đối với hành vi xâm lược, ngang ngược của TQ ở biển Đông và biên giới phía Bắc chỉ là để “che mắt thiên hạ nhằm chuẩn bị giao hết căn nhà VN cho chủ mới….”.

Tuy nhiên, tác giả bày tỏ tin tưởng rằng “bên này biên giới mong manh của sự bi quan” trước nguy cơ mất nước vào tay phương Bắc, thì phong trào chống đối ngày càng lớn mạnh của tuổi trẻ cùng người dân trong nước trong bối cảnh ngày càng dân chủ hóa toàn cầu, người dân Việt vẫn có thể tin vào tiền đồ của một dân tộc đã chiến đấu mấy ngàn năm để tồn tại.



No comments:

Post a Comment

View My Stats