Tuesday 16 July 2013

HỘI NGHỊ VĂN HỌC TOÀN CẦU HÓA MỞ RA THÊM NHIỀU VẤN ĐỀ (Phan Tấn Hải - Việt Báo)




07/16/2013

Cuộc Hội nghị văn học 2013 với chủ đề “Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa” tại hội trường Viện Việt Học hôm Thứ Bảy 13-7-2013 đã hoàn tất với nhiều câu hỏi mở ra – vì vấn đề lớn và bao quát tới mức, nhiêù vấn đề còn cần phảỉ khảo sát, và cũng vì, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, những bất đồng trong hội nghị văn học là sinh hoạt bình thường và lành mạnh của các nhà văn hóa đích thực, vì họ không phải đảng phái chính trị để đòi hỏi “nghị quyết chung kết.”

Phần Hội thảo văn học sau khi các diễn giả thuyết trình cũng đã diễn ra sôi nổi – trong đó, nhà văn Trịnh Thanh Thủy chất vấn diễn giả Trần Gia Phụng rằng tại sao lại nói rằng nhiều thi sĩ trong Phong trào Thơ Mới, như Xuân Diệu, là “vô bổ” vì họ thực ra cũng là những người đầu tiên từ đầu thế kỷ 20 đã dùng thơ để tôn thờ phụ nữ và mở đường cho nữ quyền. Trả lời nhà văn nữ họ Trịnh, sử gia Trần  Gia Phụng nói rằng ông dùng chữ “vô bổ” chỉ muốn nói về chính trị, vì chính người Pháp cũng sử dụng thể thao để làm thanh niên quên nỗi đau mất nước trong thời thực dân Pháp ngự trị.

Hội nghị văn học hôm Thứ Bảy có sự tham dự của nhiều người từ xa, qua mạng Internet – cũng là một đặc điểm cuả thời toàn cầu hóa.

Đại diện Viện Việt Học là anh Phạm Vũ và chị Kim Ngân đã giới thiệu các diễn giả, sơ lược tiểu sử các diễn giả. Đặc biệt chị Kim Ngân nói đây là hội nghị lần thứ 3 của Viện Việt Học với tầm vóc lớn của đề tài, và hy vọng Hội nghị văn học này sẽ là bước đầu để lưu tâm và định hướng văn học tương lai.

Bốn diễn giả là: GS Nguyễn Hưng Quốc, Sử gia Trần Gia Phụng, nhà văn Đặng Thơ Thơ, GS Bùi Vĩnh Phúc. Trong phần hội thảo, có thêm nhà văn Phạm Quốc Bảo và nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam được mời tham dự chủ  tọa đoàn.

GS Nguyễn Hưng Quốc nói trước tiên, chủ đề toàn cầu hóa và văn học VN. Ông nhắc lời nhà văn Mai Thảo, một lần nói rằng Mai Thảo đã đi khắp thế giới, kể cả thăm Tân Tây Lan, nơi mà “tôi chưa từng bước tới,” theo lời GS Nguyễn Hưng Quốc, người đang cư ngụ ở Úc và là Giáo sư một đaị học Úc Châu, nơi kế cận Tân Tây Lan. Mai Thảo đã nói, thời Nguyễn Tuân cũng đi nhưng làm sao mà so với thời này được. GS Quốc nói, Nguyễn Tuân đi nhiều, Nguyễn Bính cũng đi nhiều, nhưng vẫn là trong VN. Còn bây giờ người Việt ở khắp thế giới, và không ai xài chữ “tha hhương, lữ thứ” nữa, vì thế giới đã thu hẹp qua FaceBook, email, Skype...

GS Quốc nói, chúng ta đang bị tác động toàn cầu hóa, không ai tránh nổi cơn bão này. Trang phục chúng ta mặc là xuất xứ từ khắp thế giới. Hư máy điện toán ở Úc, nhưng khi điện thoại nhờ công ty sửa, được chuyên viên điện toán từ Ấn Độ truy cập qua đường truyền để sưả từ xa.

GS Quốc nói, Internet là cuộc cách mạng toàn diện. Nhưng tốc độ tác động toàn cầu hóa cũng tùy lĩnh vực: Văn học thay đổi chậm hơn, vì ngôn ngữ có tính truyền thống lớn, nên sức bảo thủ lớn; còn hội họa bao giờ cũng biến đổi nhanh nhất.

Điểm tích cực về toàn cầu hóa là chúng ta nhìn thấy nhiều cái khác hơn, và dễ chấp nhận những cái khác đóm và “mình giàu vì cái khác, khác về ngôn ngữ về cách miêu tả...”

GS Quốc nói rằng, vào năm 1932, Thơ Mới bị chê bai, nói là viết như Tây. Vấn đề bây giờ là, “chúng ta tiếp nhận toàn cầu hóa thế nào,” theo lời GS Nguyễn Hưng Quốc.

Trong khi đó, sử gia Trần Gia Phụng nói rằng dân tộc Việt Nam đã chịu tác động toàn cầu hóa từ cuối thế kỷ 19, khi người Pháp tới đô hộ VN, đặc biệt là từ Hiệp Ước 1884 khi triều đình Huế chỉ còn là trình diễn nghi lễ.

Một người tham dự (trái, đứng gần cửa) nêu câu hỏi, với ban chủ tọa hội thảo ngồi ở 2 bàn.

Cũng cần nên nhắc rằng, thực tế người Pháp đã vào từ nhiều năm trước, từng bước cai trị VN bằng các mạng lưới tay sai tinh vi: hòa ước 1862 và 1874 cắt 6 tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa Pháp; Hiệp ước 1884 chia VN thành 3 kỳ, trong đó Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, Trung kỳ và Bắc kỳ thành xứ bảo hộ của Pháp, nhưng tổ chức hành chính và tư pháp ở hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ cũng khác nhau, và đều do quan Pháp cai trị.

GS Trần Gia Phụng đặc biệt nói rằng quan trọng nhất là chữ viết, năm 1887 Pháp lập Liên Bang Đông Dương, và đầu thế kỷ 20 các kỳ thi chữ Nho bị xóa sổ. Học chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin là điều kiện để ra làm quan, và cụ Phan Chu Trinh cũng vận động dân chúng học chữ quốc ngữ nhằm đẩy mạnh chủ trương Duy Tân.

GS Phụng đặc biệt ca ngợi GS Trần Trọng Kim vì đã viết bộ Việt Nam Sử Lược năm 1920, đã giúp người không biết chữ Nho được học sử VN.

Trong thời Pháp thuộc, các cụ sáng tác chủ yếu là văn chương đấu tranh, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu... Do vậy người Pháp đã đưa văn chương lãng mạn vào để dân VN quên nỗi nhục mà rời bỏ tranh đấu; nhiều nhà Thơ Mới thực ra là “vô bổ” dưới mắt những người kháng Pháp.

Tác động toàn câù hoa tại VN còn một hướng chuyển động khác: ông Hồ Chí Minh lập Đảng CSVN năm 1930, chủ nghĩa CS trở thành một lực tác động lớn, ảnh hưởng tới gần cả thế kỷ kế tiếp.

GS Phụng nói, ảnh hưởng toàn cầu hóa trong văn học là làm văn vần ít dần, văn xuôi nhiều hơn. Bài Tình Già của Phan Khôi là sáng tác Thơ Mới đầu tiên. Tiểu thuyết đầu tiên là năm 1887, tựa đề “Chuyện Thầy Lazaro Phiền” ở Miền Nam.

Năm 1954, chia đôi đất nước, và 2 Miền Nam-Bắc có 2 nền văn học khác nhau. GS Phụng nói, Miền Bắc chỉ phong phú là 1954-56, khi Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện, sau 1957 là “mặt phẩng,” không đáng nói, Năm 1975, văn học VN hải ngoại xuất hiện.

GS Trần Gia Phụng nói, ông đọc “Chiến Tranh và Hòa Bình” về thời nội chiến Nga và “Cuốn Theo Chiều Gió” về thời nội chiến Mỹ, ông vẫn luôn ước mơ sẽ có nhà văn viết một tác phẩm lớn về nội chiến Việt Nam... nhưng bây giờ chưa thấy tác phẩm nào có tầm vóc lớn.

Nhà văn Trịnh Thanh Thủy đã góp ý, nói rằng GS Trần Gia Phụng nói văn chương lãng mạn “vô bổ” là bất công, vì Xuân Diệu hay Đinh Hùng đã thờ phượng người phụ nữ và đã là điểm son cho văn học và cả nữ quyền, “không phải vô bổ.”

GS Trần Gia Phụng nói Tự Lực Văn Đoàn còn yếu tố xã hội tích cực, “nhưng đúng rằng người Phap1 ru ngủ dân tộc VN bằng văn học lãng mạn và cả thể thao. Còn ca ngợi phụ nữ đầu tiên chính là Hồ Xuân Hương từ thế kỷ 19...”

Kế tiếp, nhà văn Đặng Thơ Thơ thuyết trình về “Cảm thức về không gian văn học,” trong đó bà sẽ trình bày về một số nhà văn trong và ngoàì nước có sáng tác trên tạp chí Da Màu; đặc biệt, nhà văn Đặng Thơ Thơ nói về tác động toàn cầu hóa về đặc tính phi lý và phần mảnh ở các nhà văn Nhã Thuyên, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Nhật Minh – mà phổ biến phần lớn chỉ ở trên mạng vì chưa phù hợp để in trong nước – và truyện cuả Phùng Nguyễn, một nhà văn hải ngoại, và cũng là đồng chủ biên Da Màu.

Nhà văn Đặng Thơ Thơ cũng dẫn chứng bằng cách đọc trích đoạn các nhà văn trên. Nhưng hình như nhiều người tham dự không thể bắt kịp, vì văn bản của các nhà văn trên có lẽ thích nghi để đọc bằng mắt, dễ hơn là nghe bằng tai.

Đặc biệt, diễn giả nhắc tới triết gia Pháp Michel Foucault với cái nhìn về toàn cầu hóa rằng chúng ta là những mảnh vụn toàn cầu, là những kinh nghiệm đứt đoạn.

Hàng trên, từ trái: nhà văn Trịnh Thanh Thủy, GS Kim Ngân, nhà văn Đặng Thơ Thơ, BS Trần Ngọc Ninh; hàng dưới, từ trái: GS Phạm Vũ, GS Nguyễn Hưng Quốc, GS Trần Gia Phụng, GS Bùi Vĩnh Phúc. (Photo VB)

Diễn giả thứ 4 là GS Bùi Vĩnh Phúc, nói về “Dịch thuật văn học thời toàn cầu hóa.” Ông nói rằng dịch thuật là thương thảo giữa các nền văn hóa. Ông phân loại nhiều cách dịch, từ cách dịch nguyên văn, trung thành với bố cục cú pháp, cho tới cách chuyển dịch tương đương, và rồi cách “tiếp biến” – mà ông dẫn chứng, như câu của Trịnh Công Sơn: “tình yêu như trái phá” có thể dịch sang tiếng Anh là “Love at first sight” hay sang tiếng Pháp là  “Coup de foudre”...

Trong khi trình bày, GS Phúc đã sử dụng một ngôn ngữ chuyên môn ít gặp,  như “ngữ nguồn” (source language) và “ngữ đích” (target language).

Trong Hội nghị bàn tròn, bên cạnh 4 diễn giả có thêm Nguyễn Hoàng Nam và Phạm Quốc Bảo.

Trong những câu hỏi về tác động toàn cầu hóa thời nội chiến Nam-Bắc VN, sử gia Trần Gia Phụng nói rằng đã có 7 lần chính phủ Sài Gòn đề nghị tấn công ra Miền Bắc VN, nhưng Mỹ bác bỏ và có lúc đã ngăn chận khả năng quân sự của quân đội VNCH bằng cách chỉ cấp xăng cho xe tăng chạy trong 1 ngày thôi, và 5 quả đạn cho một đại pháo, trong khi cắt khẩu phần ăn của lính VNCH – và như thế, có muốn đánh ra Bắc cũng không được.

Điểm đặc biệt, Giáo sư Trần Ngọc Ninh khi được GS Nguyễn Hưng Quốc mời lên nói lời kết thúc Hội nghị đã khiêm tốn nói rằng cụ cảm ơn các diễn giả, rằng cụ tới để học hỏi, để biết thêm.

GS Ninh nói rằng chúng ta không tránh nổi toàn cầu hóa, rằng khi cách mạng kỹ nghệ xuất hiện, Đảng CS ra đời ở Anh, và rồi ảnh hưởng tới cả VN sau này.

GS Trần Ngọc Ninh nói rằng Cải Cách Ruộng Đất ở VN là nhập cảng từ Trung Quốc. Toàn cầu hóa không chỉ về chính trị, mà cả khi dùng Internet những hình ảnh đàn bà bị xem như vật đồ chơi hiện ra trước mắt chúng ta – khoa học không xấu, nhưng kẻ dùng khoa học làm điều xấu, “Tôi đã thấy kỹ thuật tăng tiến. Khi điạ cầu bị tàn phá, giới nhà giàu sẽ lên mặt trăng, Hỏa tinh... còn chúng ta ở đây sống chết với nhau. Kỹ thuật tiến vô lường, nhưng tâm trí chúng ta bất nhân mới là độc hại... Vẫn còn nhiều con người tàn bạo đang làm chủccác nước độc tài, trong đó có VN. Nhà văn hãy lo suy nghĩ để giải quyết vấn đề... mà không văn thơ nào thoát được cái khổ của loài người...”



No comments:

Post a Comment

View My Stats