Saturday 13 July 2013

HÊN XUI ! (Lê Phan)




Hên xui
Lê Phan
Saturday, July 13, 2013 2:06:14 PM

Ðời người ai cũng có vận hên xui, nhưng một dân tộc cũng vậy nhất là khi nói đến lãnh tụ.

Hôm nọ tôi được đọc một bài của một ký mục gia trên nhật báo New York Times. Mang cái tựa đề “Dreaming of Mandela”, Roger Cohen nhớ đến sự may mắn của Nam Phi khi có được một lãnh tụ như Nelson Mandela.

Ông Cohen mà gia đình đã bỏ chạy Âu Châu sang sinh sống ở Nam Phi, viết “Nam Phi là một chỗ tốt cho người Do Thái sinh sống trong thế kỷ thứ 20. Một người bạn của gia đình tôi đa lỡ lời nói lên cảm nghĩ ai cũng cảm thấy nhưng ít khi nói ra ‘Cảm ơn Thượng Ðế cho người da đen. Nếu không có họ thì sẽ là chúng ta.’ Người Do Thái nói chung sống lặng lẽ; tốt hơn hết là cứ im miệng. Bà nội tôi Flossie bỏ phiếu cho đảng Tiến Bộ chống lại chủ nghĩa apartheid của bà Helen Suzman và cầu sao cho đảng Quốc Gia tiếp tục nắm quyền. Không phải chỉ có bà ta mới đạo đức giả.”

Ông giải thích thêm người da đen là một hình thức bảo vệ. Nếu người ta bận rộn đàn áp nhiều chục triệu người da đen thì không còn mấy thì giờ để đàn áp vài chục ngàn người Do Thái. Ðối với người Do Thái ở Nam Phi, biết rõ những hố đầy xác người ở Âu Châu mà họ đã bỏ chạy, thì sự việc có 69 người da đen bị bắn chết ở Sharpeville hồi năm 1960 không phải là một cuộc thảm sát. Hầu hết họ đã làm lơ quay đi nhìn hướng khác. Cuộc sống của người Do Thái ở Nam Phi lúc đó thật thoải mái, nhà đầy người da đen giúp việc. Nhưng lâu lâu cũng sẽ thấy hình ảnh những người da đen bị cùm chở lên xe cảnh sát. Thỉnh thoảng họ cũng nhớ đến những cuộc biểu tình thời thập niên 1950 khi người da đen tràn ra từ khu Alexandra, như một người anh họ ông kể lại “như người Do Thái tràn ra khỏi Ai Cập”. Nhưng chờ đợi họ không phải là giải phóng.

Trong khi đó trên đảo Robben, ông Mandela không nuôi dưỡng hận thù, mà là sức mạnh của sự kiên nhẫn và bền chí. Và ông cũng đã tìm ra là ngay cả một án tù chung thân cũng không làm người ta từ bỏ sự làm chủ linh hồn của mình.

Ông Cohen viết tiếp: “Tôi đã mơ tưởng đến Mandela. Ðến một ý tưởng cũ: Ai đã làm rung động được một con người làm rung động toàn nhân lại. Tôi đã thì thầm tên ông: Ông đã phá bỏ chu kỳ của hận thù và tranh chấp bằng cách đặt tương lai lên trên quá khứ, nhân loại đứng trước trả thù. Ông nhắc cho chúng ta nhớ một điều quý giá nhất trong đạo đức Do Thái: Những gì mà bạn thù ghét, đừng làm điều đó cho người khác, hay là như lời của Moses nhắc lại nhiều lần, hãy đối xử với người lạ cho tốt bởi 'bạn là một người lạ trên một đất lạ'. Hãy hàn gắn thế giới. Hãy là ánh sáng của các quốc gia. Sự thực chúng tôi không đáng có được ông. Chúng tôi cũng không tưởng tượng được ra ông. Nhưng, như tôi đã học được hồi còn trẻ ở Nam Phi, tinh thần con người có thể giúp tránh được hiểm họa tưởng là không tránh nổi.”

Những lời hoa mỹ của ông Cohen đã nói lên được một điều, đó là sự may mắn của Nam Phi hậu kỳ thị chủng tộc khi họ đã có được ông Nelson Mandela. Khi ông từ chối trả thù người da trắng cho bao nhiêu năm đàn áp, đầy ải, hành hạ và bần cùng hóa, ông đã giúp Nam Phi trải qua được một bước ngoặt lịch sử mà chỉ cần một sai lầm có thể trở thành đẫm máu.

Dĩ nhiên nếu có dân tộc hên thì cũng có dân tộc xui. Dân tộc Ai Cập chẳng hạn đã xui tận mạng. Kể từ khi dành được độc lập, thành lập nên nước Ai Cập ngày nay hồi năm 1923, Ai Cập đã có cái xấu số là không có một lãnh tụ nào được như Nelson Mandela. Sau giai đoạn đầu khi một thủ tướng được dân cử lên không làm gì được vì sự can thiệp của Vua Farouk rồi đến cuộc đảo chánh của mấy ông tướng vào năm 1952. Rồi từ đó các ông tướng tiếp nối tự cho mình quyền cai trị đất nước. Từ ông Gamal Abdel Nasser, qua ông Anwar Sadat cho đến ông Hosni Mubarak, các ông tướng thay phiên nhau lên cầm quyền.
Mùa Xuân Ả Rập đã tưởng nở hoa trên vùng đất cổ xưa này và sự lật đổ ông Mubarak qua áp lực của nhân dân, rồi sau đó, việc quân đội để cho bầu cử tự do và lần đầu tiên một tổng thống dân cử đã được bầu lên. Thế giới mừng cho Ai Cập. Ông Mursi được bầu lên với đa số 52%.

Nhưng một năm sau mọi sự khác hẳn. Phải nói chính ông Mursi đã chịu trách nhiệm cho thảm họa đã đổ lên nền dân chủ non trẻ của Ai Cập. Số lượng khổng lồ của các cuộc biểu tình, có dự đoán nói đến 14 triệu người xuống đường, cho thấy đối thủ của ông không phải chỉ là một thiểu số bất mãn. Hầu hết quốc gia có vẻ đã chống lại ông.

Một trong những lý do chính là vì sự thiếu khả năng của ông. Ông không làm gì để cứu nguy nền kinh tế đang trên vực thẳm của sụp đổ. Ðồng bảng Ai Cập và dự trữ ngoại tệ ngày càng sụt giảm, lạm phát gia tăng và thất nghiệp cho những người dưới 24 tuổi lên đến trên 40%. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã bó tay không làm sao có thể đạt được đồng ý để cung cấp một tín dụng lớn mở đường cho những tín dụng khác, giúp cứu nguy nền kinh tế.

Ông đã có những lựa chọn sai lầm, bất lực hay hèn nhát ở mọi hoàn cảnh, coi thường những vấn đề hiến định, thúc đẩy đưa đàn em trong Huynh Ðệ vào các chức vụ quan trọng, một việc càng làm phe thế quyền sợ là đảng của ông sẽ bằng mọi giá Hồi Giáo hóa mọi khía cạnh của xã hội. Họ sợ ông sẽ đưa họ đến một Iran thứ nhì. Ông yên lặng khi những tên côn đồ hay kẻ kỳ thị đe dọa và tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số. Nói tóm lại ông là một nhà cai trị quá dở.
Và lại một cuộc đảo chánh nữa đã xảy ra. Không hiểu lần này Ai Cập có may mắn gì hơn những lần trước không?

Nhưng so với dân tộc Ai Cập thì dân tộc Việt Nam chúng ta cũng chẳng hên gì hơn. Suốt từ giữa thế kỷ 20 đến giờ, chúng ta đã có rất nhiều lãnh tụ nhưng không có ai trong họ là một Nelson Mandela.

Những người cộng sản đã chứng tỏ có những lãnh tụ hữu hiệu hơn và cũng phải nói họ tàn nhẫn hơn các lãnh tụ quốc gia rất nhiều. Nhờ hữu hiệu hơn và có lẽ cũng nhờ vận may hơn nên họ đã chiến thắng trong cuộc nội chiến. Tiếc thay khi lên nắm trọn quyền ở cả hai miền Nam-Bắc họ đã không chọn con đường của Nelson Mandela mà lại chọn con đường trả thù. Việc bắt giam cả triệu quân nhân và công chức cùng nhân sĩ miền Nam đã là một hành động trả thù hèn hạ và hoàn toàn sai mà di sản là kéo dài sự phân chia đất nước thêm nhiều năm nữa.

Rồi những lựa chọn sai lầm về chủ thuyết, về chính sách kinh tế đã tiếp tục làm đất nước lụn bại suy đồi. Nếu không có sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Âu Châu, Liên Xô tan rã, và viện trợ biến mất thì hẳn chính sách Ðổi Mới cũng không ra đời.

Có những lúc nhìn thiên hạ, trông sang ngày chỉ các nước láng giềng ở Ðông Nam Á, thật buồn hết sức. Indonesia, cũng oằn oại nhiều năm dưới một chế độ độc tài quân phiệt, đã tìm được dân chủ và phát triển kinh tế. Miến Ðiện, quốc gia mà tưởng là sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được cũng đã bắt đầu có được một lối thoát. Philippines, nhiều năm là trò cười của thiên hạ nay đã cũng đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất dưới sự cai trị của một vị tổng thống anh minh.

Thật mỉa mai khi một nhà ngoại giao Asean an ủi nói với tôi “Quý vị còn hơn Cambodia”.


No comments:

Post a Comment

View My Stats