Thursday 4 July 2013

ĐỂ NHẬN BIẾT MỘT NHÀ BÁO (AFR Dân Nguyễn)




AFR Dân Nguyễn 
04-07-2013

Trong bài Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 2) bài  nhà báo Đoan Trang đề cập tới những blogger (còn gọi là nhà báo tự do- những người viết blog, hay còn gọi là viết báo Lề Trái. Không ai trả lương cho họ, hơn nữa họ còn luôn phải đối diện với hiểm nguy từ phía nhà cầm quyền…bởi nhà cầm quyền không thừa nhận họ), và những người có thẻ nhà báo ( họ là những người làm báo của đảng, phục vụ cho mục đích tuyên truyền của đảng, hoạt động trong sự chỉ đạo chặt chẽ của đảng, dĩ nhiên!). Bài báo trích dẫn một đoạn về những gì Đức Hiển viết trên facebook của mình thế này: “Vấn đề của một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua”.

Đức Hiển quan niệm về một người phải hay không phải một nhà báo như vậy!

Liệu quan niệm như thế có hời hợt, phiến diện quá không?

Nếu quan niệm nhà báo chỉ là người đưa tin, thì chỉ với quan niệm như thế cũng đã là quá hời hợt, (vì có cả rừng TIN. Đưa TIN nhảm nhí là TIN lá cải, giống như các kênh TV lan tràn truyền bá phim Trung Quốc, trong khi một kênh dành cho đối thoại giữa các nhà trí thức yêu nước với đảng và chính quyền thì không), chứ đừng nói là ngoài chức năng đưa tin, nhà báo còn có những chức năng khác quan trọng hơn, cao cả hơn, đó là bình luận, chỉ ra căn nguyên của sự việc, mổ xẻ thông tin để hướng dư luận có cái nhìn chính xác, nhận chân của vấn đề…

Thông tin hả?

Đâu nhất thiết cứ phải có mặt tại phiên họp Quốc Hội để lấy tin mới là TIN. Đâu nhất thiết cứ phải có mặt trong phiên tòa, chớp máy ảnh, chạy lăng xăng, rồi giật cái tít giật gân mới là TIN. Nếu cứ trông chờ vào việc tiếp cận với đại biểu QH, hay lọt được vào trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, QH, vào bên trong những phiên tòa để lấy tin, thì quả thật khó quá cho các blogger, vì ai mời mấy cha vô QH mà chụp hình nghị sỹ ngủ gật, hay bằng cách nào để vượt qua tầng tầng lớp lớp cảnh sát đồng phục, thường phục để lọt được vào bên trong phiên tòa được chính quyền công bố là tòa công khai…

Tất cả mọi vấn đề xảy ra hằng ngày quanh ta, được gọi là gì, nếu không phải là TIN? Một vụ cướp tiệm vàng, một vụ hiếp dâm, một vụ trẻ đuối nước tập thể, một vụ tai nạn giao thông, một vụ hỏa hoạn mà bạn chứng kiến, một vụ nữ sinh tự tử thương tâm xảy ra nơi địa phương…không phải là TIN à? Và cơ hội để những tin này đến với công chúng nhanh nhất, có khi blogger lại làm tốt hơn nhà báo lề đảng.

Đó cũng chưa phải điều đáng nói. TIN không nhất thiết chỉ đơn thuần là những gì xảy ra mà mắt ta thấy, tay ta sờ, nghĩa là những gì ta có thể cảm nhận bằng trực giác. TIN còn là những bình luận, nhận xét, đánh giá về TIN. Đó mới là điều quan trọng. Vậy có nhất thiết cứ phải vào bên trong phiên họp QH, được mời dự tòa, mới có TIN không? TIN đẻ ra TIN. Và có TIN sạch, có TIN bẩn. Có tin nguy hại cho nhận thức, cho dư luận, cho xã hội. Ấy là nguồn tin bẩn (hay những tin ngụy tạo). Có tin bẩn, thì cũng có tin sạch, cũng như có báo lề phải, (hay còn gọi lề đảng), lại có báo lề trái (còn gọi báo lề dân). Vấn đề là XỬ LÝ TIN.

 Để chỉ ra kẻ phá nhà anh Vươn, hòng cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, Ông Đỗ Trung Thoại bảo dân bức xúc phá nhà anh Vươn đấy. Đó là TIN(1). Đại tá Đỗ Hữu Ca ca ngợi trận đánh dân của liên quân gồm công an nhân dân, quân đội nhân dân phối kết hợp, tuyệt vời tới mức có thể viết thành sách. Đó là TIN. (1). Kỳ họp thứ 5, QH khóa 13, vì bận nhiều việc quan trọng nên chưa thể thảo luận hay thông qua Luật biểu tình. Đó là TIN (1). Tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra trên CÙNG MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG trong một thời gian ngắn, gây ra cái chết thương tâm cướp đi sinh mạng nhiều người vô tội, được giả thích là do lái xe ý thức tham gia giao thông kém. Đó cũng là TIN…Bệnh viện quá ư là quá tải, bệnh nhân hai, ba người một giường, chui cả xuống gậm giường để nằm chờ được điều trị, được giải thích là do thiếu kinh phí và do người dân có xu hướng thích lên tuyến trung ương khám và điều trị cho yên tâm. Đó là TIN (1).

Nhưng từ TIN dân bức xúc nên phá nhà anh Vươn, lại có TIN rằng quan chức địa phương chính là những kẻ phá nhà anh Vươn đấy, rằng bảo dân phá nhà anh Vươn là “hắt tội vào dân”, là gắp lửa bỏ tay người.(2). TIN QH kỳ này có nhiều vấn đề quan trọng cần thảo luận, nên chưa thảo luận về luật biểu tình, lại có TIN, Có thật QH có nhiều vấn đề quan trọng hơn việc thông qua luật biểu tình không, hay đảng không muốn thông qua luật biểu tình vì lý do nào khác? Chẳng lẽ 70 năm nay QH bận thảo luận “nhiều vấn đề quan trọng” tới mức luật biểu tình vẫn chỉ nằm trên giấy giữ vai trò duy nhất trang trí cho HP thôi sao? (2). TIN vì thiếu kinh phí nên bệnh viện quá tải, lại cũng có TIN, có thật nhà nước thiếu kinh phí hay tiền nhà nước ném vào bất động sản, vào những “quả đấm thép” hết rồi; và quá tải thật đấy nhưng bệnh viện nào cũng dành ra nhiều phòng “tự chọn” phục vụ những ai sẵn tiền, giá của nó thì những ai qua bệnh viện thì đều biết rồi (2)…Từ TIN những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của VN diễn ra ở HN và SG, là gây rối, là do các thế lực thù địch, là bọn phản động lợi dụng (1)… lại cũng có TIN khẳng định đó là những cuộc biểu tình tự phát, do các trí thức yêu nước lãnh trách nhiệm tiên phong. Diễn ra trật tự, kỷ luật, chính quyền chưa hề bắt được một tên phản động hay thế lực thù địch nào ngoài những người biểu tình ôn hòa, bất bạo động, thể hiện tinh thần yêu nước.(2)


Như vậy, TIN đẻ ra TIN.

Người ta dễ dàng nhận ra rằng, những TIN (1), được tung ra xã hội, được đến với công chúng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nghiã là nó được Show trên VTV, được publish trên báo đảng, được post trên cổng điện tử CP…và các TIN như thế được biên tập và đưa bởi những người mà, theo Đức Hiển, là có cơ hội để “tiếp cận thông tin”. Và cũng theo Đức Hiển, họ mới chính là các nhà báo!?

Người ta cũng không phải khó khăn để nhận ra rằng, những TIN (2) được xuất hiện trên các trang mạng xã hội (hay blog). Nó, đương nhiên được viết từ những blogger, hay còn gọi những nhà báo tự do-những ngươi đang hàng ngày hàng giờ đối mặt với sự đàn áp từ nhà cầm quyền!

Và cũng không mấy khó khăn cho độc giả nhận ra đâu là nguồn TIN BẨN, đâu là nguồn TIN SẠCH, đâu là nguồn tin bóp méo sự thật, ngụy tạo,đâu là nguồn TIN đem lại cái nhìn khách quan, biện chứng, và từ đó để biết đâu là TIN độc hại, đâu là TIN lành…

Như thế, một người được xem là một nhà báo chân chính, không thể đơn thuần chỉ là người chuyên đi lấy tin và đưa tin, hay là người phải “…có khả năng hay cơ hội tiếp cận thông tin”!???

Người được coi là nhà báo chân chính, không nhất thiết phải có những khả năng hay những cơ hội mà ĐH đặt ra như trên, cũng không nhất thiết phải có thẻ nhà báo do nhà cầm quyền cấp và kiểm soát, điều khiển hoạt động…

Nhưng người được coi là nhà báo cũng như những người cầm bút chân chính, lại nhất thiết phải có TÂM (lương tri), có lòng dũng cảm, đấu tranh cho lẽ phải, không vụ lợi, không uốn cong ngòi bút. Sứ mạng vẻ vang và nặng nề của nhà báo nói riêng, người cầm bút nói chung, phải là những người đại diện cho tiếng nói của Nhân Dân, là cơ quan ngôn luận của Nhân Dân, thuộc về Nhân Dân.

Chứ đâu cần phải có cơ hội hay khả năng tiếp cận thông tin, nhất là thông tin do đảng cung cấp.

Ngoài ra, không đưa những tin tức mà đáng ra nó phải được phổ biến tới công chúng, (còn được gọi là lấp liếm thông tin, hay bưng bít thông tin),cũng là một nét làm nên “Tự do báo chí kiểu Việt Nam”.

Chúng ta vui mừng vì thấy sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của báo lề dân.

Nó được viết và quản trị bởi những người có cả Tâm và Tầm, đầy trách nhiệm với đọc giả.

Nó đích thị là bóng dáng ngày càng hiện hữu của nền báo chí nước nhà trong tương lai không xa.

   July/4th/2013

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


No comments:

Post a Comment

View My Stats