Thursday, 4 July 2013

DO DỰ TRONG VIỆC ĐÁNH GIÁ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM, EU KHÔNG TÔN TRỌNG CAM KẾT CỦA MÌNH (FIDH & VCHR)




FIDH | 3.7.2013 |

Bản dịch của Lê Thiên Hà  (Defend the Defenders)

Ngày 30.4.2013, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã gửi một bức thư ngỏ tới Liên minh Châu Âu (EU), nêu bật mức độ tai hại của việc thiếu vắng một bản đánh giá tình hình nhân quyền trong bối cảnh quá trình thương thảo hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam đang diễn ra. Trong bức thư hồi âm mà chúng tôi nhận được ngày hôm nay, Uỷ ban Châu Âu khẳng định rằng bản Đánh giá Tác động Nhân quyền (HRIA) không bao gồm trong văn bản hiệp định. Như vậy, EU không tôn trọng cam kết mà họ đã đưa ra trong bản Khuôn khổ Chiến lược và Kế hoạch Hành động về Nhân quyền và Dân chủ (Strategic Framework and Action Plan on Human Rights and Democracy) tháng 6.2012 là “đưa nhân quyền vào tất cả các bản đánh giá tác động”.

Ngày nay, người ta hiểu rõ rằng hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế có thể ảnh hưởng tích cực đến nhân quyền, song nó cũng thường góp phần làm xói mòn việc bảo vệ và hiện thực hoá nhân quyền cũng như làm xấu đi tình hình chính trị – kinh tế – xã hội – dân sự của người dân, đặc biệt là ở những nước đang phát triển với mức độ tham nhũng cao và mức độ minh bạch thấp.
Cách thức để đảm bảo rằng các đối tác thương mại tôn trọng cam kết quốc tế của họ và các hiệp định thương mại của EU mang lại lợi ích đồng thời không gây tác hại cho nhân quyền là ghi nhận những rủi ro tiềm tàng và lèo lái việc thương thảo để cân nhắc và giảm bớt những rủi ro như thế. Đó chính là quan điểm của Olivier de Schutter, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về quyền tiếp cận lương thực (right to food), người từng tuyên bố năm 2010 rằng: “Đã đến lúc phải hành động. Phương pháp luận để tiến hành Đánh giá Tác động Nhân quyền (HRIA) đã có. Quyết định triển khai HRIA chỉ là vấn đề thuộc về ý chí chính trị.”[1]

FIDH và VCHR kêu gọi Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Liên minh Châu Âu hối thúc Uỷ ban Châu Âu bắt tay vào việc thực hiện bản Đánh giá Tác động Nhân quyền theo như yêu cầu.

“Các thiết chế trên cần đảm bảo rằng nhiệm vụ của việc thương thảo sẽ được điều chỉnh để xử lý những thách thức ở Việt Nam và rằng bản hiệp định sẽ chứa đựng những công cụ bảo vệ và bảo đảm hữu hiệu hướng tới mục đích đó”, bà Karim Lahidji, Chủ tịch FIDH, phát biểu. “Vấn đề then chốt là Hội đồng Liên minh Châu Âu và Nghị viện Châu Âu đảm bảo là họ nhận được thông tin đầy đủ khi cuộc đàm phán diễn ra cũng như khi nhất trí thông qua bản Hiệp định Thương mại Tự do.”

Theo Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái: “Kể từ năm 2009, ít nhất 160 nhà hoạt động ôn hoà đã bị tuyên án tổng cộng 1.052 năm tù giam trong một chiến dịch trấn áp khốc liệt của chính quyền, bất chấp những cam kết mà Việt Nam đưa ra trong cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát năm 2009 của nó.”

Tài liệu tham khảo:


[1] Xem: Berne Declaration, the Canadian Council for International Co-operation, Misereor, Report: Human rights impact assessments for trade and investment agreements, June 23-24, 2010 Geneva, Switzerland, p. 4.


Nguồn: FIDH



-------------------------------------------------

THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 4.7.2013
FIDH & UBBVQLNVN (VCHR) | Quê Mẹ
2013-07-04

BRUSSELS, Thứ tư 3.7.2013 – Liên Đoàn Quốc tế Nhân Quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) đã viết Thư Ngỏ gửi Liên Âu hôm 30.4.2013 gióng lên tiếng trống về việc Liên Âu không Định giá Tác động nhân quyền gây phương hại trong bối cảnh đang thương thảo Hiệp ước Mậu dịch song phương Liên Âu – Việt Nam.

Hôm nay chúng tôi nhận được thư hồi âm của Hội đồng Châu Âu xác nhận rằng Định giá Tác động Nhân quyền (HRIA, Human Rights Impact Assessement) không được áp dụng. Điều này cho thấy Liên Âu đã không tôn trọng lời cam kết được khẳng định trong Khung Chiến lược và Kế hoạch Hành động cho Nhân quyền và Dân chủ công bố tháng 6 năm 2012 là sẽ “lồng nhân quyền vào trong mọi Tác động Định giá”. (Ghi chú của Quê Mẹ : Theo Khung Chiến lược năm 2012, thì trước khi ký kết Hiệp ước Mậu dịch Tự do với nước đối tác, Liên Âu phải thực hiện việc Định giá Tác động Nhân quyền của nước này).

Ngày nay ai cũng biết rằng mậu dịch quốc tế và đầu tư có thể đóng vai trò tác động tích cực cho nhân quyền, nhưng nhiều khi cũng đóng góp làm giảm khinh sự bảo vệ và thực hiện nhân quyền, làm xấu đi tình trạng xã hội, kinh tế, dân sự và chính trị cho người công dân, đặc biệt cho những ai sống trong các nước đang phát triển hay tại các quốc gia mà nạn tham nhũng tràn lan và sự minh bạch thiếu vắng.

Điều làm cho các đối tác mậu dịch tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế, và việc Hiệp ước mậu dịch Liên Âu hưởng lợi mà không gây hại cho Nhân quyền là gom góp tư liệu về những khả năng nguy hại cũng như điều chỉnh những cuộc thương thảo để xét lại hay làm giảm nhẹ những nguy hại này. Đây là quan điểm của ông Olivier de Schutter, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm quyền lương thực, đã tuyên bố từ năm 2010 rằng : “Đã đến lúc phải hành động. Phương pháp chỉ đạo đã có trong Định giá Tác động Nhân quyền. Phải có ý chí chính trị mới quyết định việc thực hiện Định giá Tác động Nhân quyền”.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Quốc hội Châu Âu và Hội đồng Liên Âu thúc đẩy Hội đồng khởi động sự yêu cầu áp dụng việc Định giá Tác động Nhân quyền.

Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Karim Lahidji nói rằng : “Những thiết chế này cần bảo đảm sự ủy thác việc điều chỉnh trong cuộc thương thảo để giải quyết những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, mà trong hiệp ước đã chứa đựng các điều khoản hữu hiệu cho việc an toàn và bảo đảm mục tiêu này. Điều thiết yếu cho Hội đồng Châu Âu và Quốc hội Châu Âu là họ phải được thông tin đầy đủ về tình hình nhân quyền trước khi chấp nhận Hiệp ước Mậu dịch Tự do”.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, thì nhấn mạnh rằng :

“Liên Âu cho biết không cần thực hiện việc Định giá Tác động Nhân quyền mới, vì đã thực hiện vào năm 2009, và từ đó đến nay chưa có gì thay đổi.

Thế nhưng từ năm 2009 đến nay, có ít nhất 160 nhà hoạt động ôn hòa bị kết án tổng cộng lên tới 1052 năm tù giam qua những cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền, mặc những điều Việt Nam cam kết tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện tại LHQ trong cùng năm 2009. Chủ trương Định giá Tác động Nhân quyền cần cấp tốc thực hiện để bảo đảm rằng Hội đồng Châu Âu và Quốc hội Châu Âu đã chu toàn mọi sự kiện”.


Xin đọc hai tài liệu sau đây để nắm vững vấn đề :

- Thư Ngỏ của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam viết gửi Liên Âu ngày 30.4.2013

- Về Khung Chiến lược và Kế hoạch Hành động cho Nhân quyền và Dân chủ : The EUs Strategic Framework and Action Plan on Human Rights and Democracy – one year after its adoption, 24 June 2013.



2 comments:

  1. tại sao các nước như Mỹ lại có quyền can thiệp vào Việt Nam, khi công ước quốc tế đã ghi rõ như vậy. Thật là vô lý và trái với luật pháp quốc tế. Ở Việt Nam chúng ta nhân quyền vẫn được đảm bảo, không vấn đề gì xảy ra. Vậy thì có cần gì phải thay đổi.

    ReplyDelete
  2. Các tổ chức xưng danh nhân quyền như Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR)viết thư kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép với Việt Nam trong các vụ xét xử những kẻ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha...trước khi ký hiệp định tự do thương mại với VN. Với hành động đó, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam không còn là một tổ chức hoạt động đúng nghĩa vì sự phồn thịnh của dân tộc. Chỉ những kẻ phản động mới muốn dân tộc mình không ký được hiệp định tự do thương mại với EU. VCHR là một tổ chức phản động đang trú chân ở Mỹ chứ chẳng hề có chút tình yêu nước nào hết.

    ReplyDelete

View My Stats