Wed, 07/10/2013 - 17:27 —
tuongnangtien
Xem như thế mới thấy là nuôi
đám âm binh dưới đất đỡ tốn kém hơn, và cũng an toàn hơn nhiều. Chả phải
trang bị đồng phục, máy móc hay thiết bị gì ráo trọi. Chỉ cần thả rông ra
đường với cái băng đỏ là chúng có thể kiếm ăn suốt ngày bằng cách ... tuýt
còi. Không những chỉ đủ ăn mà còn đủ chia cho bên lực lượng an ninh nữa.
T.N.T
Ở Việt Nam, theo như tôi
biết, có hai loại dân phòng: dưới đất và trên mạng. Trước tiên, xin hãy cùng
nghe sơ về “tiểu sử” và “thành tích” của loại thứ nhất – qua lời những
người dân hiện đang sinh sống nơi Thủ Đô của xứ sở này:
Ông Nguyễn
Tấn Khanh, phố Tôn Đức Thắng bầy tỏ:
“Đây là lực lượng ‘lôm côm’
nhất. Quần áo thì mỗi nơi một vẻ. Họ được tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau,
không được đào tạo, thiếu hiểu biết trầm trọng về văn hóa ứng xử và ‘mù’ về
kiến thức pháp luật nên mới lộng quyền, hống hách như thế.”
Bà Nguyễn
Thúy Hường, phường Hoàng Văn Thụ, nhận xét:
“Cũng tại nhiều người dân không
hiểu rằng dân phòng, dân phố tự quản họ được làm cái gì, làm như thế nào để mà
đấu tranh, thành ra nhiều người cứ ‘dúi’ tí tiền cho đỡ mất thời gian, lâu dần
họ quen thói nên sinh làm bậy.”
Ý kiến này được chia sẻ (tận
tình) bởi ông Nguyễn
Văn Tỉnh, ở quận Hai Bà Trưng:
“Không biết từ đâu người dân ta
hiện quen với kiểu hành xử ‘cứ vi phạm rồi dúi tiền là xong.’ Từ đó, có cái lệ
xấu là: Tự quản, dân phòng không được chặn bắt vi phạm giao thông nhưng cứ tuýt
còi. Mà tuýt là kiểu gì người vi phạm cũng phải mất tiền, không muốn đến kho
bạc cho mất thời gian thì ‘mất’ vào túi riêng cho dân phòng, cho tự quản. Hệ
quả là ở chỗ ấy. Vậy là được anh, được ả, lợi cả hai bên.”
Tôi thiệt tình không thấy
những người bị “tuýt còi” – nghĩa là những kẻ thuộc bên bị móc túi – được lợi
lộc gì ráo trọi nhưng hoàn toàn đồng ý với phương cách “ứng xử tình thế” là
cứ “dúi tiền” cho nó xong đi. Coi như của đi thay người. Chứ bị lôi vào đồn
công an thì chẳng những phải mất thêm tiền mà (không chừng) còn dám mất luôn
cả mạng!
Dân phòng đang tác nghiệp. Nguồn ảnh: RFA
http://www.rfavietnam.com/files/Quần%20Chúng%20Tự%20Phát%205(2).jpg
Tuy nhiên, không phải cứ đụng
chuyện với đám dân phòng rồi cứ “dúi tiền” là yên đâu à nha. Có những trường
hợp lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và lôi thôi lớn – theo tường thuật của ông
Khách Diệu Anh, đọc được trên diễn đàn Dân
Luận, vào ngày 2 tháng 7 năm 2013:
“Tôi xin dẫn chứng một vụ án mà
tôi từng theo dõi trong thời gian trước đây tôi còn làm trong cơ quan pháp luật:
chỉ có một việc cỏn con là dân phòng vô cớ hành hung một ông già, ông già này
đòi chính quyền phải xử lý dân phòng vi phạm pháp luât, nhưng xử dân phòng thì
liên quan đến công an, nếu đưa nó ra tòa thì nó bị án nặng vì đã có nhiều tiền
án tiền sự, thế là cả một hệ thống chính quyền bao che cho nó, lôi nó ra tòa
thì nó bảo làm theo lệnh của công an.
Ông già tức khí nổi khùng vì
thái độ bất công và bao che của chính quyền nên chửi ông chủ tịch phường là ‘đồ
lưu manh’. Thế là công an khởi tố ông già, tức là dùng biện pháp phản đòn để
làm gương cho người khác, đừng có động vào dân phòng là chân tay của công an,
động vào thì rầy rà to...
Rồi còn bắt ông già đeo số như
tù nhân để chụp ảnh, mặc dù tòa án chưa tuyên bố ông già có tội hay không. Lại
còn bắt ông già ký vào biên bản điều tra trước rồi mới đọc biên bản điều tra
sau... Người thụ lý vụ án này là một phụ nữ tên là Thanh Mai, công an quận Cầu
Giấy.”
Vì tính chất “lôm côm” và
“quần áo mỗi nơi một vẻ” nên trong trường hợp phải “xử lý tình huống” thì công
an có thể biến thành dân phòng, và khi cần đến sự “bức xúc của nhân
dân” thì dân phòng lại hoá (ngay) ra ... quần chúng tự phát.
Nguồn tranh biếm họa: Quốc phòng - Defence
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn,
một cư dân ở phường Thuỵ Khuê, cho biết ông đã có chút kinh nghiệm (không
vui gì cho lắm) với giới người này:
“Khoảng 08:25 ngày 23 tháng Ba
năm 2010 khi tôi đang ở nhà một mình, bỗng nhiên có 3, 4 người trung niên lạ
mặt đến nhà tôi, giới thiệu là ở hội cựu chiến binh muốn vào gặp tôi để nói
chuyện, tôi mở cửa và mời mọi người vào phòng khách và bỗng nhiên ồ vào thêm
rất nhiều người nữa ...
Tất cả khoảng 15 người ở độ
tuổi trung niên và một vài người trên 60 hoặc trên 70 tuổi. Ở bên ngoài còn
thêm khoảng 4, 5 thanh niên trẻ lạ mặt đứng, ngồi ở cửa, và ngoài sân. Sau khi
mọi người yên vị, một người khoảng trên 50 tuổi nói là họ thuộc hội cựu chiến
binh chiến trường Tây nguyên, hôm nay đến đây hỏi tôi về một số chuyện liên
quan đến các bài viết của tôi ở trên mạng.
Cuộc nói chuyện kéo dài từ
08:30 đến khoảng 09:35....
Trước khi kết thúc, một vài
người đã nói những câu có tính chất áp đặt và đe dọa tôi với ý là họ sẽ không
để cho gia đình tôi yên nếu tôi còn viết trên mạng như thế và có thể họ sẽ ném
cả “cứt đái” (nguyên văn) vào nhà tôi.”
Phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ
(chắc chắn) đã nhiều lần đạt được “danh hiệu văn hoá” nên lực lượng quần
chúng tự phát chỉ doạ là “có thể” ném “cứt đái” thôi, chứ chưa ném thật. Ở
những địa phương khác thì sinh hoạt của đám người này (có phần) hơi kém lịch
sự hơn chút xíu. Tam Kỳ, Quảng Nam là một nơi như thế, theo như tường trình
của blogger Huỳnh
Thục Vy:
“Nửa đêm ngày 3 tháng 4 năm
2013, lúc cả gia đình đang ngủ, thì ba tôi nghe tiếng xe gắn máy trờ tới trước
nhà, sát chỗ ông ngủ (phòng ngủ ba tôi ngay sát mặt đường làng). Sau đó, là
tiếng ào ào, nước văng tung tóe và một mùi hôi thối kinh khủng bốc lên. Ba tôi
bật dậy và thoáng thấy chiếc xe máy chở hai tên thanh niên rồ ga bỏ chạy.
Cả nhà thức giấc và hiểu ra đó
là trò bẩn thỉu của an ninh mà nhiều người bất đồng chính kiến đã từng phải
chịu trước đây như cụ Hoàng Minh Chính, bà Trần Khải Thanh Thủy… và gần đây là
chị Bùi Hằng...”
Trò “bẩn thỉu” này không chỉ
được sự hổ trợ của đám “an ninh” mà còn được yểm trợ bởi lực lượng dân phòng
trên mạng. Bên dưới bài tường thuật của Huỳnh Thục Vy, trên trang Dân Làm Báo,
có đôi vị đã góp ý một cách vô cùng ... tế nhị và thấu đáo:
- Escalate:
Đúng là khổ thân, nửa đêm thức
dậy mà phải dọn dẹp đống hôi thối đó thì thật là cực. Nhưng để kết luận đó là
do phía an ninh họ làm thì thật chẳng có cơ sở xác đáng nào hết. Vì nếu họ làm
vậy thì khác nào tự ăn cướp rồi tự khai. Đây cũng có thể là hành động của bên
phe nào đó chống chính quyền và muốn vu oan cho họ thì sao. Hay với những hành
động phản kháng của Huỳnh Thục Vy thì đừng nghĩ người dân ai cũng ủng hộ cả...
- Ông
bụt:
Khi chưa có bằng chứng thì
không phải cái gì cũng quy chụp hết cho an ninh cộng sản , vẫn có thể nghĩ đến
khả năng là do hàng xóm ra tay.
Những ý kiến kể trên, xem ra,
đều điềm tĩnh, nhã nhặn và ý nhị. Ít ra thì cũng đỡ dùi đục hơn phản hồi của
(khách viếng thăm) có qúi danh là Bạch Hùng – bên dưới Thư
Kể Về Việc Bị Đánh Đập Trong Tù Của Đỗ Minh Hạnh – đọc được nơi trang
Dân Luận, vào hôm mùng 6 tháng 7 vừa qua:
“Hoàn toàn không có vụ quản
giáo đánh đạp tù nhân. Còn việc các tù nhân khác đánh hay không thì phải có chứng
cớ minh bạch và rõ ràng, và phải yêu cầu đương sự chứng minh được quản giáo
đứng đằng sau.
Còn nếu không chứng minh được ai là người đánh, ai là người ra lệnh đằng sau, không có chứng cớ.... thì mọi lời buộc tội bịa đặt một phía là vô giá trị. Đương sự hoàn toàn có thể bịa đặt bất cứ một chuyện gì, cái này chắc ai cũng biết...”
Còn nếu không chứng minh được ai là người đánh, ai là người ra lệnh đằng sau, không có chứng cớ.... thì mọi lời buộc tội bịa đặt một phía là vô giá trị. Đương sự hoàn toàn có thể bịa đặt bất cứ một chuyện gì, cái này chắc ai cũng biết...”
Và có lẽ người biết rõ nhất
không ai khác hơn là ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội.
Trên báo Lao
Động, số ra ngày 1 tháng 9 năm 2013, giới chức này đã “nêu kinh nghiệm
‘tổ chức nhóm chuyên gia’ đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet
với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.”
Dư Luận Viên.
Nguồn tranh: nguyentandung.org
Nhóm “chuyên gia” này còn có
tên gọi chính xác là ... những dư luận viên. Blogger Trương
Duy Nhất – khi còn ở vị trí của một người tù dự khuyết – đã có bài bài
tường thuật về một cuộc đấu tranh (quyết liệt) giữa những dư luận viên
với các thế lực thù nghịch. Xin ghi lại tóm lược:
“Tòa chưa kết tội, nhưng những
trận ném đá tơi bời trên báo chí đã bắt đầu được lệnh xung phong trút lên đầu
cô nữ sinh Nguyễn Phương Uyên với lối chửi rủa hằn học thô bỉ chưa từng có
...Hãy đọc vài comment điển hình được báo chí chọn lọc đăng tải:
- “Không biết 2 nhóc này ăn gạo
của nông dân mình hay ăn bơ, sữa nước ngoài mà ngu xuẩn như thế ?”
- “...Thiếu, đói, khó khăn thì
phải lao động chứ. Tội gì cho bằng tội chống phá đảng, nhà nước (chống lại nhân
dân)”
- “Thật uổng cơm cha mẹ, chẳng
qua là vừa tham vừa ngu mới bị lừa như thế...”
- “Tội bán dâm kiếm tiền tuy ô
nhục nhưng cũng không nặng bằng tội bán nước, chuyến này khổ rồi em ơi.!!!!”
-“ No cơm ấm áo nên "Rửng
mỡ". Cho ngồi tù rục xương, lao động khổ sai suốt đời cho đáng đời...”
…
Vẫn theo blogger Trương Duy
Nhất, kiểu hướng dẫn dư luận của đám dư luận viên kể trên “không chỉ phản
tuyên truyền” mà còn “vô văn hóa” nữa. Blogger Người
Buôn Gió thì nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác. Có lẽ vì buôn gió không
lãi mấy, và bị túng thiếu thường trực nên ông chỉ chăm chăm lo đến chuyện
... tốn (bộn) tiền của ngân qũi quốc gia:
“Để đấu tranh với bọn tuyên
truyền xấu, bôi nhọ chế độ. Một thành phố lớn thuê 900 dư luận viên để củng cố
niềm tin trong nhân dân rằng chế độ này tốt đẹp và đang ngày một tươi sáng hơn.
Mức lương của một dư luận viên
trong một ngày là bao nhiêu. Tính mặt bằng xã hội thì bèo nhất mỗi dư luận viên
lãnh 100 ngàn một ngày, cộng thêm 100 ngàn phụ phí về trà thuốc, máy móc, thiết
bị, báo chí... thì họ mới có thể tuyên truyền cho tốt được. Vậy mỗi ngày thành
phố bỏ ra 180 triệu đồng chi cho đám này hoạt động, một tháng là 5,4 tỷ đồng.”
Dù vậy, họ vẫn “tuyên truyền
không được tốt” gì cho lắm, nếu chưa muốn nói là ngược lại, theo nhận xét
của blogger Huỳnh
Ngọc Chênh:
“Không biết các dư luận viên được nhà nước trả
lương nầy làm những việc gì trên mạng nhưng sự xuất hiện của họ ngẫu nhiên
trùng hợp với sự xuất hiện của nhiều trang blog nặc danh bậy bạ và bẩn thỉu.
Chúng thường giả danh là yêu nước, là chống cộng, là dân chủ, là hải ngoại...
để viết những bài bịa đặt bôi nhọ những trí thức, nhân sĩ và những blogger tiến
bộ.
Và bây giờ đám âm binh đó lại chỉa mũi dùi vào
chính các vị lãnh đạo của đảng cũng như vào chính anh đấy anh Tư ạ. He he, chơi
âm binh có ngày bị mặc áo giấy là vậy.”
Nhân vật được gọi là “anh Tư”
trong đoạn văn thượng dẫn không ai khác hơn là ông đương kim Chủ Tịch Nước
Trương Tấn Sang, vị lãnh đạo đã trở thành nạn nhân của đám ... âm binh trên
mạng. Ông Sang, tất nhiên, không phải là nạn nhân duy nhất.
Xem như thế mới thấy là nuôi
đám âm binh dưới đất đỡ tốn kém hơn, và cũng an toàn hơn nhiều. Chả phải
trang bị đồng phục, máy móc hay thiết bị gì ráo trọi. Chỉ cần thả rông ra
đường với cái băng đỏ là chúng có thể kiếm ăn suốt ngày bằng cách ... tuýt
còi. Không những chỉ đủ ăn mà còn đủ chia cho bên lực lượng an ninh nữa.
Đám dân phòng dưới đất cũng
không thể theo lệnh của những đồng chí lãnh đạo phe này để ném cứt đái túi
bụi vào mặt mũi của những đồng chí phe kia, như cuộc chiến Ba/Tư đang diễn
ra trong hiện nay – trên mạng.
Tuy biết thế nhưng để đáp
ứng nhu cầu tình thế nên cả hai bên (Ba/Tư) đều đành phải chịu thế thôi.
Gieo gió thì gặt bão. Và cơn bão săp tới sẽ không chỉ đến bởi hai đám dân
phòng.
No comments:
Post a Comment