Friday, 12 July 2013

CHUYỆN CỦA ANH BÙI VIÊN (Ghi chép của Nghệ sĩ KIM CHI)




Ghi chép của Nghệ sĩ KIM CHI
Thứ năm, ngày 11 tháng bảy năm 2013

             Năm 1959, lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên ra đời ở Hà Nội. Ngày đó thầy dạy chuyên môn cho chúng tôi là thầy Agiđa Ibrađimốp, người Liên Xô. Anh Bùi Viên là cán bộ phòng giáo vụ, anh đồng thời phiên dịch tiếng Nga.

            Năm 1962 chúng tôi thi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đều được phân công về xưởng phim truyện làm việc trong kịch đoàn Điện ảnh. Ngày đó anh Viên dẫn kịch đoàn đi khắp miền bắc biểu diễn, anh cũng tham gia đóng một số vai.

Năm 1964, tôi cùng chồng là nhà quay phim Hồng Sến (sau này anh Sến là đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân) và đoàn điện ảnh vượt Trường Sơn đi chiến Trường.

  Hết chiến tranh đã mấy chục năm qua. Anh chị em lớp diễn viên chúng tôi đều đã lên ông lên bà. Một số anh chị em đã không còn nữa. Chúng tôi kẻ Bắc, người Nam, không có nhiều cơ hội gặp nhau thường xuyên. Nhưng tình nghĩa chúng tôi dành cho nhau vẫn như xưa. Anh Bùi Viên rất quí tôi vì tôi là con gái miền Nam tập kết.

             Những năm gần đây mỗi lần từ Hải Phong lên, anh Bùi Viên thường ghé chơi nhà vợ chồng tôi. Ông xã bây giờ của tôi là nhà giáo Vũ linh, bạn của anh Bùi Viên. Anh em chúng tôi rất quí trọng nhau. Chúng tôi luôn chia sẻ buồn vui và những điều bận tâm với cuộc sống.

            Cuối năm 2012, Hội Điện ảnh tổ chức gặp gỡ anh em ở cung văn hóa Hữu Nghị Việt-Xô. Anh Bùi Viên ở tận Hải Phòng, cũng có mặt như mọi năm.

              Hôm ấy, nhìn thấy tôi, anh bước tới bắt tay. Vẻ mặt anh không vui, anh nói:
- Đáng  lẽ em không nên làm cái việc vừa rồi...

"Việc vừa rồi", tôi hiểu anh nói là việc tôi gửi thư cho Hội Điện ảnh, xin từ chối không làm hồ sơ để được Thủ tướng khen. Tôi hết sức ngạc nhiên và thất vọng. Tôi viện cớ chào hỏi những người khác để không phải tranh luận với anh. Tôi quí mến anh nên không muốn làm cho anh buồn. Nhưng tôi sống có chính kiến của mình.Dẫu ai thân đến mấy cũng không thể làm tôi thay đổi cách sống của mình. Bẵng đi mấy tháng, chúng tôi không liên lạc với anh.Tôi thấy hình như anh nghĩ khác chúng tôi về cuộc sống.

   Chiều 30/4/2013, anh Viên gọi điện cho vợ chồng tôi, anh bảo sáng 1/5 sẽ tới thăm chúng tôi. Anh đã tới đúng hẹn. Nói chuyện với anh, tôi ý thức không nhắc tới câu chuyện bức thư của tôi.

Nhưng rồi anh chủ động nói:
- Anh đến đây là để giải thích với em về điều anh nói với em hôm anh em Điện ảnh gặp gỡ cuối năm.

Tôi nói:
- Nếu anh không thích việc em làm thì mình không nên nhắc tới ...

Anh lắc đầu:
- Không phải vậy. Anh rất phục việc cô làm. Nhưng anh thật sự lo cho em. Chúng nó dễ sợ lắm. Anh nghĩ  anh em mình còn sống có một đoạn nữa thôi. Để cho họ hành hạ thì khổ lắm...
 Rồi anh lặng đi trong giây lát. Sau đó anh kể:

- Câu chuyện này xảy ra từ năm 1970. Ngày đó em và Hồng Sến đang ở chiến trường. Bọn anh hồi đó vẫn còn ở 36-38 Cao Bá Quát. Một hôm anh đi công việc trở về thì thấy có mấy người công an ngồi cùng với mấy anh em điện ảnh. Anh Lý Thái Bảo nói:" Vào đi! Mọi người chờ cậu nãy giờ lâu rôi...".   

 Anh giật mình nghĩ bụng" Sao công an lại chờ mình?". Đoán được ý nghĩ của anh, một cán bộ công an nói ngay:" Chúng tôi có việc cần anh giúp đỡ".

Bây giờ anh phải xin nghỉ phép 10 ngày để đi với chúng tôi. Nhưng anh phải tuyệt đối giữ bí mật. Hai mươi năm sau anh mới được kể lại chuyện này:

... " Lúc đó ông Sáng mập đã đem đến tờ quyết định cho anh nghỉ phép. Anh lấy vội một bộ quần áo đem theo. Cậu công an nói :"Anh lên xe chúng tôi ở đây không tiện. Anh chịu khó đi bộ ra mậu dịch cửa Nam, xe chúng tôi sẽ đón anh ở đó".  Họ không giải thích gì hơn. Anh được đưa tới 85 Trần Hưng Đạo. Họ bố trí một phòng nhỏ hơn chục m2 ở trên lầu. Hàng ngày có một cô đem tới cho anh 2 phích nước sôi, trà, thuốc lá...Ba bữa ăn cũng có người đưa tới tận phòng.

Người ta để sẵn trên bàn một chồng thư gửi đi Nga và một hộp bút chì màu. Người cán bộ chỉ vào chồng thư nói:
- Công việc của anh là đọc những lá thư này... Đoạn nào nói về chính trị thì gạch bút chì đỏ ở bên dưới, đoạn nào xin tiền bạc thì gạch bút chì xanh. Anh ở đây, không đi đâu và cũng không liên lạc với ai...

 Anh gai hết cả người và thấy sốc ...Vậy là người ta buộc anh làm tên chỉ điểm. Anh giận lắm, nhưng không dám chống lại. Nếu anh làm theo lời họ thì những người viết những bức thư này sẽ khốn khổ. Kẻ nặng có khi bị xử chết, nhẹ thì tù mọt gông...

    Hôm sau tình cờ ngó xuống cửa sổ, anh nhìn thấy anh Huy Vân và anh Vũ Huy Cương đang đi dưới đất, trên tay mỗi người bê một đĩa cơm. Anh gọi lớn:" Huy Vân đấy à?". Anh Huy Vân ngó lên :" Bùi Viên cũng ở đây à?...Vào đây khổ lắm, Viên ơi...".  Một công an tới kéo Huy Vân đi. Trên này cô công an cũng nhắc anh không được nói chuyện với bên ngoài.

  Đau đớn, dằn vặt suốt hai ngày. Đêm anh không sao ngủ được. Anh nói " Anh không biết phải làm gì để từ chối việc bị buộc phải làm...".

 Sáng hôm sau, cô công an mang cho anh hai phích nước sôi. Anh chồm qua bàn nhận phích nước. Anh bị tuột tay, phích nước rơi xuống bàn. Kính trên mặt bàn bị vỡ tung, nước tràn lênh láng ... Những lá thư viết bằng mực bị nước làm nhòe hết cả. Những bức thư không còn đọc được nữa. Anh chợt nghĩ Trời Đất đã cứu anh không phải làm một việc thất đức mà lòng anh day dứt, chưa biết phải từ chối ra sao.
Vậy là họ đành phải cho anh về...

 Kể xong câu chuyện, anh nói giọng buồn buồn:
- Ngày đó Huy Vân và Vũ Huy Cương là những trí thức bị qui là phần tử xét lại, chống lại nhà nước. Hai anh đã bị tù vì người ta cho các anh ấy âm mưu lật đổ nhà nước. Anh Huy Vân đã bị đói khát, anh chết rất thảm như một kẻ vô gia cư...

   Riêng tôi không bao giờ quên anh Huy Vân. Ngày chúng tôi học diễn viên thì anh học đạo diễn. Anh là một trong số học sinh đạo diễn xuất sắc. Ra trường anh đã có ngay phim "Một ngày đầu thu" cùng làm với đạo diễn Hải Ninh. Vợ anh là chị Tuệ Minh và chị Trà Giang đóng vai chính.

    Huy Vân là một tài năng. Một tài năng đã không có đất sống khi anh dám nghĩ khác những người có quyền...

      Hà Nội, đầu năm 2013
K.C


No comments:

Post a Comment

View My Stats