Thứ sáu 26 Tháng Bẩy 2013
Theo AFP, hôm qua 25/07/2013, trong cuộc nói chuyện tại
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and
International Studies – CSIS), có trụ sở tại Washington, Chủ tịch nước Việt Nam
Trương Tấn Sang tuyên bố bác bỏ đòi hỏi chủ quyền với yêu sách « đường 9 đoạn »
của Trung Quốc trên Biển Đông, còn gọi là « đường lưỡi bò ». Về việc Philippines kiện Trung
Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Việt Nam từ chối đưa ra bình luận.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ,
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã có tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền
đường lưỡi bò, bao gồm gần như toàn bộ vùng Biển Đông và nhiều đảo gần bờ biển
các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines… Chủ tịch Việt Nam giải thích
: « Chúng tôi không tìm
thấy bất cứ cơ sở pháp lý hay khoa học nào đối với một đòi hỏi như thế và như
vậy chủ trương của Việt Nam bác bỏ đòi hỏi chủ quyền theo đường 9 đoạn của
Trung Quốc tại Biển Đông là hợp lý ».
Tuy nhiên, ông Trương Tấn Sang
từ chối đưa ra bình luận về khả năng Việt Nam sẽ liên kết với Philippines trong
việc đưa các tranh chấp với Trung Quốc ra trọng tài quốc tế để xét xử dựa trên
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, như Manila đã khởi sự từ tháng
1/2013. Chủ tịch Việt Nam khẳng định : « Là một thành viên của Liên Hiệp
Quốc, Philippines có toàn quyền theo đuổi vụ kiện như họ muốn ».
Trên thực tế, Việt Nam và
Philippines đều thường xuyên chỉ trích các yêu sách ngày càng quyết đoán của
Trung Quốc tại Biển Đông. Dù sao, quan hệ giữa từng nước với Trung Quốc có phần
khác nhau. Quan hệ Philippines - Trung Quốc đặc biệt căng thẳng trong thời gian
gần đây, với việc Trung Quốc duy trì sự kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough
(bãi cạn này được Philippines đặt tên là Panatag, trong khi phía Trung Quốc gọi
là Hoàng Nham), mà Philippines vẫn khẳng định chủ quyền, sau hai tháng tranh
chấp giữa hai bên hồi hè năm ngoái. Ngày 22/01/2013, Manila tuyên bố buộc phải
đưa vụ việc này ra trước tòa án quốc tế, vì « đã sử dụng gần như toàn bộ các
biện pháp ngoại giao và chính trị để có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa
bình với Trung Quốc ».
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam
– Trung Quốc có phần dịu lại với chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam hồi
cuối tháng 6/2013, hai bên đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng để phòng ngừa
các biến cố bất ngờ gây xung đột. Tuy nhiên, ngay sau chuyến công du của Chủ tịch
nước Việt Nam, đầu tháng 7/2013, lại diễn ra các vụ tàu Trung Quốc tấn công,
cướp phá các tầu cá Việt Nam đang khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa.
Trước cuộc nói chuyện tại Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Chủ tịch Việt Nam đã có cuộc hội
đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Hoa
Kỳ ra tuyên bố chung kêu gọi « giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình
» và tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tại
Biển Đông, gọi tắt là COC, nhằm hóa giải các tranh chấp. Chủ tịch nước Việt Nam
nói :
« Vấn đề Biển Đông cũng đã được
bàn bạc tới một cách thấu đáo. Chúng tôi hết sức hoan nghênh chính phủ Hoa Kỳ
ủng hộ lập trường Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN là giải quyết
những tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật
pháp quốc tế, DOC tiến đến COC và cam kết bảo đảm tự do hàng hải trên Biển
Đông. Tôi cũng bày tỏ sự hoan nghênh Hoa Kỳ cũng như các nước khác hết sức quan
tâm, chăm sóc sự nghiệp hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở Biển Đông nói riêng
cũng như trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương ».
Về phần mình, Tổng thống Obama
cho biết : « Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực
nhằm giải quyết một cách hòa bình những vấn đề hàng hải đang nổi lên tại Biển
Đông và những nơi khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đánh giá
rất cao cam kết của Việt Nam làm việc với ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á nhằm đạt
được một bộ quy tắc ứng xử cho phép giải quyết các vấn đề này một cách hòa
bình và công bằng ».
Trong Hội nghị các Ngoại trưởng
của khối ASEAN tại Brunei hồi đầu tháng 7/2013, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên
bố chấp nhận đàm phán với các nước ASEAN về bộ quy tắc COC kể từ tháng 9/2013.
Tuy vậy, một số nhà quan sát cảnh báo thái độ của Trung Quốc không thành thực,
mà chỉ là một thủ pháp nhằm hóa giải chiến lược xoay trục của Mỹ, đang ngày
càng giành được sự ủng hộ của nhiều nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép.
---------------------------------
Posted by adminbasam on July
27th, 2013
Vậy là tấm màn nhung đã khép
lại cho một màn, chưa phải là cuối, của vở kịch tay ba Mỹ-Trung-Việt. Bình
luận, thắc mắc cũng đã nhiều, nên chỉ xin ghi lại vài dấu hiệu đã góp phần làm
nhạt nhòa đi vở diễn mà có vẻ như diễn viên nào cũng thấy mình được chút gì đó.
Trước hết, không biết có phải
do khéo chọn từ phía VN cho thời điểm diễn ra chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, mà hôm
nay, 27/7 – Ngày Thương binh liệt sĩ (với nhiều phóng sự báo đài, các hoạt động
kỷ niệm luôn đậm nét “chống Mỹ cứu nước” từ nhiều ngày qua) cũng là ngày tạm hạ
màn vở kịch. Tối qua, trên VTV1, sau bản tin có hình ảnh 2 ông CTN Trương Tấn
Sang và TT Obama chỉ khoảng nửa giờ đồng hồ, là cuốn phim tài liệu kiểu “tố cáo
tội ác Mỹ-Ngụy” rất ấn tượng ở Nhà tù Côn Đảo, kéo dài hơn nửa giờ. Và có lẽ
vẫn chưa đủ say xỉn cho cuộc tiệc tùng tưng bừng quá khứ vẻ vang, sáng nay,
cũng sau phần thời sự chừng nửa tiếng, cuốn phim “Biệt động Sài Gòn” được dâng
lên bàn tiệc.
Cũng trong chỉ chiều qua, hai
bản tin liên tiếp về những cuộc thăm viếng qua lại “hữu hảo Việt-Trung”, đều
rất ấn tượng. Một
là của đích thân người nắm trong tay tư tưởng, phát ngôn của hơn 80 triệu
dân Việt, một là của một
viên tướng công an – biên phòng Trung Quốc, báo hiệu sẽ có những “hợp tác”
tích cực với phía VN để đối phó với những người biểu tình yêu nước, khi le lói
khả năng họ noi gương và đoàn kết với nhân dân Philippines, hoặc sẽ là sự “hợp
tác” sao cho ngư dân Việt biết điều mà đánh bắt cá ngoài khu vực … “lưỡi bò”,
còn nếu có bị bắt thì cũng biết điều mà câm như hến.
Rõ ràng kẻ được hưởng lợi nhiều nhất trong vở kịch nhiều màn này là phía
Trung Quốc. Kể cả trong màn cuối Việt-Mỹ
này, người TQ cũng sẽ thấy mát lòng mát dạ. Một cuộc viếng thăm tạm gọi là “cấp
nhà nước” như vậy mà khó có thể được tổ chức “khiếm tốn”, thậm chí luộm thuộm
hơn. Cái “luộm thuộm” cũng khá là … “kịch” khi người phiên
dịch cho TT Obama tỏ ra quá kém, đến độ không khỏi đặt dấu hỏi nghi ngờ đó
là sự sắp đặt cố ý.
Những người đấu tranh cho dân
chủ, nhân quyền của VN, từ Quốc hội, các tổ chức nhân quyền ở Mỹ, cho tới nhiều
người VN, cũng được an ủi chút ít. Đó là, có thể họ sẽ không diễn giải không
khí nhạt nhòa ở Hoa Thịnh Đốn theo cách nhìn của người TQ, rằng không phải chỉ
VN, mà cả Mỹ cũng phải nể sợ sức mạnh của đại Hán Bắc Kinh, để có một cuộc thăm
viếng, tiếp đãi bị hạ thấp cấp đến như vậy. Họ sẽ tự thỏa mãn cho những thành
quả tranh đấu của mình, với lý giải rằng Obama đã biết tiếp bước 2 người tiền
nhiệm, Clinton và Bush, biết quan tâm nhiều tới nhân quyền cho VN, chứ không
như những nghi ngại lâu nay.
Còn ở VN, lực lượng bảo thủ
trong ĐCS, chính quyền, và cả trong những lớp cựu binh, cựu quan chức còn vấn
vương với cuộc chiến tranh VN trước 75’ cũng thấy sung sướng vì những gì đã
được nói tới ở trên. Nhưng, “đối trọng” với lực lượng này, những nhân vật bao
năm nay vẫn âm thầm cố gắng, mong mỏi cải thiện quan hệ với Mỹ, hạn chế ảnh
hưởng nguy hiểm của TQ, thì vẫn có một “giải an ủi”.
Cái “giải an ủi” cho họ, cho
tất cả những ai, những bên, từ VN cho tới ASEAN, … suốt bao năm cứ nín thở chờ
một nhà lãnh đạo nào đó của VN dám noi gương Ngoại trưởng, Tổng thống
Philippines mà lên tiếng về chủ quyền biển đảo trên diễn đàn quốc tế, nay đã
được bổ sung lần cuối với cú xuất thần quá hiếm của ông
Chủ tịch nước VN, bằng tuyên bố “Chúng tôi không thấy có nền tảng pháp
lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố [chủ quyền của Trung Quốc] và do vậy
chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối kế hoạch đường chín đoạn của
Trung Quốc“.
Thế nhưng, ngay cả cái sự kiện
khá hy hữu, quý giá trên, cũng được thể hiện sao cho làm vừa lòng những ai
không thích nó, trong đó rất quan trọng là những cặp mắt cú vọ từ tòa Đại sứ TQ
tại Hà Nội, khi trên VTV-Thời sự sáng sớm nay, câu nói của ông CTN đã không hề
được nhắc tới trong bản tin đề cập bài phát biểu của ông tại Trung tâm Nghiên
cứu Chính sách và các vấn đề Quốc tế (CSIS).
Để kết thúc, xin nhắc lại ý đầu
tiên trong năm gợi ý mà chúng tôi đã nêu ra trong phần
bình luận 3 ngày trước, đó là với Obama-người Mỹ, lợi ích riêng, nhất là
kinh tế, vẫn phải được đặt lên hàng đầu trong màn kịch này.
No comments:
Post a Comment