Tuesday 23 July 2013

CHỦ TỊCH VN TỚI HOA KỲ, CÁC DÂN BIỂU MỸ LÊN TIẾNG (Nguyễn Trung - VOA)




Nguyễn Trung   -   VOA
23.07.2013

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm nay đã lên đường sang Mỹ trong khi các dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đặt vấn đề nhân quyền lên ưu tiên hàng đầu.

Báo chí trong nước đưa tin, ông Sang cùng với một đoàn đại biểu cấp cao gồm giới chức các bộ ngành rời Hà Nội hôm nay.

Cùng ngày tại Quốc hội Mỹ, một số dân biểu quan tâm tới tình hình ở Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp báo, kêu gọi chính quyền của ông Obama đặt trọng tâm vào vấn đề nhân quyền khi trao đổi với nhà lãnh đạo Việt Nam.

Dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân chủ cho biết bà cùng các đồng nghiệp khác phải lên tiếng vì tình trạng nhân quyền đang xuống cấp tại Việt Nam.

Bà Sanchez nói: “Hơn 50 nhà bất đồng đã bị bắt giữ tại Việt Nam từ đầu năm cho tới nay. Theo chúng tôi, rõ ràng là Hà Nội tiếp tục trấn áp người dân. Hà Nội còn bịt miệng tiếng nói của dân chúng. Tôi thấy rất đáng ngại là Hà Nội tiếp tục kiểm duyệt việc sử dụng mạng Internet của người dân. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải cho Quốc hội, Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao biết về tình trạng xuống cấp đó’.

Tuần trước, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã gửi một lá thư tới Tổng thống Obama, viết rằng chuyến thăm Washington của ông Sang là một ‘cơ hội có một không hai để truyền cảm hứng cho những người Việt Nam mong mỏi tự do’.

Trả lời VOA Việt Ngữ bên lề cuộc họp báo hôm nay, ông Royce cho rằng hiện có một chiến dịch mang tính hệ thống nhằm đàn áp các quyền tự do tôn giáo cũng như quyền bày tỏ ý kiến trên Internet và chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần phải sử dụng ưu thế của nước Mỹ trong cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng trong vấn đề nhân quyền, chính quyền Hoa Kỳ có một ưu thế vô cùng lớn nếu quyết định lên tiếng về vấn đề này và khẳng định rằng nó buộc phải là một phần của cuộc đối thoại vì Việt Nam hiện nay mong muốn có một mối quan hệ gần gũi với Mỹ. Đó là điều kiện tiên quyết mà chính quyền tiếp tục bỏ qua. Ví dụ như Việt Nam cần phải đưa trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) nhưng chính quyền lại đưa nước này khỏi danh sách đó".

Ông Royce nói thêm: "Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chính quyền Hoa Kỳ có ưu thế và phải sử dụng đó trong cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam, đồng thời trực tiếp liên hệ vấn đề này với các điều luật mà Mỹ đã thông qua liên quan tới tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo liên quan ở Việt Nam”.

Chủ tịch Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động tại Mỹ trong chuyến thăm 2 ngày tới Mỹ. Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp đón ông Sang tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 25/7 và hai bên dự kiến sẽ thảo luận về việc tăng cường quan hệ đối tác về các vấn đề chiến lược khu vực cũng như về việc hợp tác với ASEAN.

Thông cáo chính thức của Tòa Bạch Ốc nêu rõ rằng bên cạnh các vấn đề như biến đổi khí hậu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Obama cũng sẽ đề cập tới vấn đề nhân quyền.

Dân biểu Chris Smith nói với VOA Việt Ngữ rằng Tổng thống Obama không thể bỏ lỡ cơ hội để lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng về vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp với ông Sang.

Ông Smith cho rằng vấn đề TPP không nên được thảo luận nếu chưa có sự cải thiện về nhân quyền tại Việt Nam.

Dân biểu thuộc phe Cộng hòa nói: “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ được kỳ vọng sẽ đem lại một thời kỳ mới cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhưng đã không thành hiện thực. Vấn đề nhân quyền đã tồi tệ đi ngay từ khi hai bên đạt đồng thuận về thương mại song phương. Tôi cho rằng Hoa Kỳ không nên bị lừa bịp một lần nữa rằng sự hợp tác thêm nữa về thương mại hay hợp tác về một vấn đề nào đó sẽ dẫn tới các cải thiện cho các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam”.

Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh Mỹ chuyển dịch trọng tâm sang châu Á và Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, vấn đề tranh chấp tại vùng biển này nhiều khả năng sẽ nằm trong nghị trình thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Việt – Mỹ.

Chuyến công du của ông Sang là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần thứ hai của người đứng đầu Việt Nam sau gần hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ.

Trong mấy ngày qua, các hội đoàn của người gốc Việt tại Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi thực hiện các cuộc biểu tình phản đối chuyến công du của ông Sang.

Ngoài ra, nhiều tổ chức thúc đẩy nhân quyền nhân quyền như Human Rights WatchKý giả không biên giới đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Barack Obama nêu bật vấn đề nhân quyền cũng như tự do tôn giáo trong cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam.

Tổ chức Human Rights Watch hôm 22/7 ra thông cáo, nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama ‘cần đề cập tới tình trạng đàn áp giới bất đồng chính kiến đang ngày một xấu đi ở Việt Nam’.

Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng các khác biệt của hai nước về vấn đề nhân quyền là điều ‘thực tế’.

Nhà ngoại giao này cho hay, một số đại diện tôn giáo ở Việt Nam sẽ tháp tùng ông Sang tới Mỹ, và sẽ trao đổi với các tổ chức, ‘kể cả những tổ chức xưa nay vẫn có cái nhìn thiên lệch về dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam’.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ việc làm này cho thấy Việt Nam đang ngày càng cởi mở hơn nhằm cải thiện nhân quyền, dân biểu Chris Smith nói với VOA Việt Ngữ rằng ông không nghĩ vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA Việt Ngữ mới đây, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Joseph Yun nói rằng nhân quyền luôn là một thành tố quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ.

Ông cho hay Washington muốn thấy Việt Nam có được tiến bộ về quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tôn giáo và mọi quyền tự do khác.






No comments:

Post a Comment

View My Stats