Wednesday, 3 July 2013

CHIẾN LƯỢC KHUYẾN KHÍCH VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP (BS Hồ Hải)




Thứ tư, ngày 03 tháng bảy năm 2013

Trước ngày 30/4/1975, ở miền Nam, chương trình người cày có ruộng của Ngô tổng thống rất nhân bản, một nông dân chỉ cần có 3 hecta ruộng có thể làm ruộng lúa nuôi được 10 người con đi du học ngon lành. Đó là hình ảnh của đời ông tôi. Vì hồi đó, cứ 4 bao gạo sọc xanh 100kg giá tương đượng 1 lượng vàng 9.999. Mỗi hecta ruộng làm ra khoảng 3 tấn gạo mỗi mùa. Vị chi mỗi hecta ruộng làm ra 7,5 lượng vàng mỗi vụ. Mỗi năm 2 vụ, mỗi hecta ruộng làm ra 15 lượng vàng 9.999. Hôm nay nông dân mình ra sao?

Mấy tháng nay thông tin nông dân thua lỗ ngay trên cây lúa của mình dồn dập. Tại đồng bằng sông Cửu Long, tổng vốn đầu tư mỗi kg lúa mà không bị thiên tai dịch họa gây ra trung bình khoảng từ 2.740 - 3.000 đồng theo thời giá cách đây 3 năm - 2010.

Với tình hình lạm phát phi mã trong 3 năm, từ 2010 đến 2012, ước tính đồng tiền Việt mất giá ít nhất khoảng 50%. Như vậy, giá vốn một kg lúa bà con nông dân sản xuất ra có vốn trung bình khoảng từ 4.110 - 4.500 đồng mỗi kg. Nhưng các "thương lái" đã ém giá nông dân chỉ còn khoảng 2.700 đồng mỗi kg vào tháng 6/2013. 

Đã lỗ vốn thế nhưng, thương lái vẫn bặt tăm, và thà để lúa cho vịt ăn còn hơn là bán cho thương lái. Giữa tháng 6/2013, chính phủ đã quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa, với giá khoảng 3.900 - 4.000 đồng mỗi kg. Nhưng với giá này theo tính toán trên thì nông dân vẫn còn lỗ vốn, chưa tính công cán một nắng hai sương, xay, giã, dừng, sàng(theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm), chưa tính thiên tai, dịch họa có khi mất trắng. 

Hậu quả cuối cùng là, người nông dân chết đói trên đống thóc của mình. Nước Việt mang tiếng là đất nước sản xuất và xuất khẩu gạo số 1 thế giới sau khi Thái Lan ngưng xuất khẩu để bảo vệ nông dân, thì nông dân Việt là người thua thiệt nhất trên thế giới. Và cái gì đến đã đến, khi mới đây những biện pháp thay đổi giống cây trồng được đặt ra cho nông dân, nhưng vẫn bất khả thi.

Khi nông dân được thương lái nước ngoài mua giá cao, thì báo chí truyền thông lại adua la làng là gian thương nước ngoài bóp chết thương lái trong nước. Thử hỏi, làm ra sản phẩm thì mong có người mua, sao khi có người mua được giá thì những kẻ chỉ ăn bám trên lưng còng nông dân lại bóp chết nông dân?

Khi người nông dân chết đói trên thửa ruộng của mình thì họ phải bỏ ruộng nương lên thị thành kiếm sống - nhờ vào quy hoạch công nghiệp sai lầm - gây ra bao vấn nạn môi trường và xã hội bấy lâu nay.

Một bài toán nông nghiệp của xứ nhiệt đới dễ nuôi trồng, nhưng lại dở trong chính sách chiến lược để thua ngay cả trên sân nhà.

Tất cả những vấn nạn trên là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra. 

Nguyên nhân chủ quan đầu tiên là thương lái được nhà nước đẻ ra làm cai đầu dài bắt chẹt nông dân. Nguyên nhân thứ hai là, nhà nước chưa có chính sách khuyến khích và phát triển nông nghiệp đúng. Nhìn sang Thái Lan, khi có hợp đồng xuất khẩu tốt thì họ mới đưa sản lượng, giống lúa cho nông dân trồng. Còn chúng ta, chạy theo số lượng, các cai đầu dài như Vinafood chỉ chực chờ bắt chẹt nông dân và bán quota xuất khẩu lúa để ăn, mà chưa có chuyện đi tìm khách hàng để phục vụ cho khuyến nông và phát triển nông nghiệp.

Nguyên nhân khách quan là, vài năm gần đây giá lúa thế giới giảm mạnh vì nhiều lý do. Do khủng hoảng kinh tế thế giới làm giảm kiệt sức mua, một phần khác sản lượng lúa toàn cầu gia tăng về cả số lượng và chất lượng, kể cả lúa mì cũng bị giảm giá mạnh. Giá lúa có chất lượng của Thái Lan giảm từ 700usd/tấn xuống còn 540usd/tấn. Trong khi đó, giá lúa Việt kém chất lượng hơn Thái do thiếu kế hoạch và chính sách giảm giá từ khoảng 420usd/tấn còn 370usd/tấn

Như vậy thì, nuôi con gì, trồng cây gì? 

Đó là câu hỏi rất đơn giản của ông cựu thủ tướng Phan Văn Khải, khi còn đương nhiệm, nhưng lại rất khoa học về cả khoa học tự nhiên và xã hội, từ nghiên cứu giống lúa, cây trồng đến đáp ứng thị trường để nông dân sống tốt là không đơn giản.

Theo GSTS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng viện nông nghiệp phía Nam - mới phát biểu sáng nay trên truyền hình VTV, một biện pháp mà bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra là, hướng dẫn nông dân chuyển sang chuyên canh đậu nành - để giảm nhập khẩu loại đậu này lâu nay - là không khả thi. Vì với kỹ thuật và khả năng ở Việt Nam, mỗi hecta ruộng chỉ có thể cho năng xuất khoảng 1,4 tấn đậu nành. Trong khi đó, ở Mỹ, mỗi hecta đậu nành cho ra 6 tấn. Nếu nông dân sản xuất đậu nành thì không có khả năng cạnh tranh với đậu nành nhập khẩu, và còn tệ hơn là sản xuất lúa. Các cây trồng khác cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự.

Trong khi đó, chuyện đầu tư nông nghiệp trong những năm qua chỉ chiếm 10% GDP, nhưng nông nghiệp làm ra và đóng góp đến 20% GDP. Ngược lại, đầu tư cho các nắm đấm thép của nhà nước đến 40% có lúc đến 50% GDP, nhưng chỉ mang lại cho 10% GDP, và nó đã lạm dụng nguồn vốn để đầu tư ngoài ngành gây hậu quả nghiệm trọng cho nền kinh tế khủng hoảng hiện nay.

Làm ăn mà nhìn kết quả đầu tư trên của nhà nước là đau lòng. Vì chỉ số ICOR ai cũng thấy là đầu tư sai chỗ. Động lực nào đã làm cho chính sách sai chỗ, nếu không là lỗi chính trị hỗ trợ cho chính sách kinh tế đưa ra phục vụ cho tham nhũng? Vì đầu tư cho nông dân không thể tham nhũng, chỉ đầu tư cho việc kinh doanh bất động sản mới dễ chấm phết.

Chiến lược nào cho nông nghiệp Việt Nam?

Lâu nay chính phủ luôn đưa ra chiến lược với cái gọi là bình ổn giá cho thị trường. Thực chất chiến lược này là để giải cứu lạm phát do điều hành kinh tế khó khăn từ hậu quả của một nền chính trị sai lầm. Kết quả của bình ổn giá chỉ giúp túi tiền cho các sân sau, thân hữu chính khách làm con buôn kiếm lợi, mà nông dân thì trắng tay vì bị ép giá.

Chính sách mua lúa tạm trữ để giúp nông dân từ lỗ nhiều sang lỗ ít chỉ là cái ngọn của vấn đề khuyến khích và phát triển nông nghiệp. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ khác, chỗ của nhiều lĩnh vực từ chính sách đến kinh doanh, nông nghiệp, khí hậu, môi trường và cả các trường đại học trong cả nước.

Vấn đề chiến lược khuyến khích và phát triển nông nghiệp Việt Nam nằm ở chỗ là nghiên cứu thị trường trong nước và trên thế giới về nhu cầu và yêu cầu các loại nông sản thực phẩm, cập nhật liên tục, đưa ra dự đoán số lượng và cả chất lượng trong nước và thế giới. Giá cả cạnh tranh như thế nào? Các cai đầu dài của nhà nước ăn lương do người dân đóng thuế phải đi tìm thị trường, kiếm hợp đồng xuất khẩu trước khi người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì?

Các nhà khí tượng thủy văn và môi trường phải nghiên cứu, dự báo cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì là tốt nhất, mà không bị ảnh hưởng của khí hậu thiên tai.

Các nhà khoa học phải nghiên cứu giống vật nuôi, cây trồng nào đáp ứng với nhu cầu và yêu cầu của trong nước và toàn cầu.

Các nhà kinh doanh cần phải giữ đạo đức kinh doanh, tìm kiếm thị trường, tham gia vào quỹ nghiên cứu của các nhà khoa học ở các trường đại học. 

Nhiệm vụ kết nối các nhóm trên là việc của các trường đại học có các chuyên ngành liên quan, kêu gọi, ngồi lại với nhau giải bài toán cho nông dân cũng là giải quyết cho mỗi cá nhân dân tộc Việt, chứ không phải của riêng nông dân. Không nên để một đất nước có đến 9.000 giáo sư mà mỗi năm chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ như lâu nay.

Và cuối cùng là nhiệm vụ để có chương trình kết nối các nhóm với nhau làm việc thực thụ cho vấn đề nông nghiệp Việt Nam dài hạn và bền vững là của các nhà hoạch định chính sách, chiến lược quốc gia phải lo, chứ không phải sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về và nghĩ ra những nghị định, nghị quyết dưới luật để tham nhũng!



No comments:

Post a Comment

View My Stats