Thursday 11 July 2013

"BỤI ĐỜI CHỢ LỚN" & HIỆN TRẠNG XÃ HỘI (Nguyễn Ngọc Già - RFA)




Nguyễn Ngọc Già gửi RFA từ VN
2013-07-08

Trước tiên, tôi chân thành xin lỗi nhà sản xuất và đoàn làm phim "Bụi Đời Chợ Lớn" vì đã coi... "cọp". Không những thế, tôi coi đến 2 lần, dù ông Charlie Nguyễn cho biết đó là bản nháp. Theo ông, nó như là "món ăn chưa nấu chín" [1].
Tôi đã từng xem "Dòng Máu Anh Hùng" và "Bẫy Rồng" của cùng đạo diễn Charlie Nguyễn, tất nhiên coi chính thức, nghĩa là mua vé.
Khi "Bụi Đời Chợ Lớn" râm ran ngày phát hành trên mạng, tôi đã định bụng khi nào chiếu chính thức sẽ tiếp tục mua vé để xem, nhưng rất tiếc, sau đó nghe phim bị cấm chiếu.
Tôi cũng không nghĩ sẽ được xem bộ phim này cho đến khi nó bị rò rỉ trên mạng. Thú thật, xem vì tò mò và vì nghe số tiền đầu tư gần cả triệu đô la Mỹ (thấy cũng buồn và tiếc rẻ cho nhà đầu tư) hơn là hào hứng. Song song đó, cũng nhằm tìm xem, nguyên nhân nào mà bộ phim bị cấm chiếu vĩnh viễn như thế.
Tôi xem cũng không phải vì mong tìm "món ăn đã nấu chín" và "phù hợp khẩu vị" với đông đảo khán giả hay không mà xem để gắng tìm ra những "nguyên vật liệu" nào và đoàn làm phim "chế biến" ra sao để đến nỗi "món ăn" bị từ chối đem ra phục vụ cho công chúng.

Theo thông tin trước đây không lâu, phim bị cấm chiếu vì lý do: đâm chém, máu me quá nhiều, người ta nói nó vi phạm vào luật điện ảnh, trong đó không cho phép những bộ phim kích động bạo lực, hận thù phổ biến gây ảnh hưởng đến tinh thần, văn hóa người dân.
Một số ý kiến của những người nắm quyền cho phép phát hành nói rằng: giữa trung tâm thành phố, chứ không phải trong cánh rừng già nào đó, lực lượng "công an" ở đâu mà để băng nhóm hoành hành bá đạo, trả thù đẫm máu như chốn không người. Các chức danh "công an khu vực", "dân phòng", "tổ dân phố" v.v... ở đâu mà tỏ ra bất lực và hoàn toàn vắng bóng trong cuộc hỗn chiến đông người như thế, trong khi lực lượng "còn đảng còn mình" vẫn túc trực trên các nẻo đường từ xa lộ cho đến nội ô.
Nó vô tình vẽ ra một xã hội loạn lạc, vô chính phủ. "Luật pháp" vẫn đang phủ bóng "nghiêm minh" trên toàn cõi hình chữ S, không tài nào cho phép những cuộc loạn đả đầy máu như thế xuất hiện công khai và rộng rãi(!).
Lý luận trên được giới truyền thông trong nước xem là hợp lý và đúng luật để những người nắm quyền cho phép phát hành, thực thi quyền hạn một cách "văn minh" và "nhân bản" nhằm bảo vệ "tinh thần nhân ái" người Việt Nam không bị sứt mẻ, bằng cách dứt khoát từ chối cho bộ phim công chiếu.

"Bụi" thì một chút còn "Đời" thì chưa

"Bụi đời" vốn là "đặc sản" của người miền Nam trước 1975. Thời bấy giờ, cụm từ này ám chỉ những thanh thiếu niên nam nữ bỏ nhà "đi hoang" (cũng gọi là "đi bụi") vì nhiều lý do: bất mãn gia đình, cha mẹ không hạnh phúc, thích nổi loạn, chứng tỏ bản thân v.v... Cụm từ này cũng không phân biệt thành phần xuất thân của những thanh niên bỏ nhà "đi bụi"; nó có thể là những chàng trai, cô gái sống trong nhung lụa nhưng nhàm chán cuộc sống vương giả, tẻ nhạt trộn lẫn thói đạo đức giả diễn ra đầy trong gia đình quyền thế, danh vọng; nó cũng có thể là những người bị cha mẹ bỏ rơi, không quan tâm, lớn lên như cây cỏ dại v.v...
Tất cả họ đều chán ghét và khinh khi người lớn "nói không đi đôi với làm" và quyết tụ lại để ra đi tìm một đời sống mà theo họ là hào hứng, tự do và khoáng đạt hơn, tựa như những chú chim được xổ lồng bay lên cao tìm một chân trời mới. Trong quá trình "đi bụi", các thành viên tiếp tục tăng lên và có khi giảm đi, tùy theo "chủ trương", "đường lối" của từng nhóm "bụi".
Do đó, những thanh thiếu niên lúc bấy giờ dù nổi loạn nhưng trong họ vẫn còn chất khí khái, hào hiệp, dám làm dám chịu, đặc biệt họ hầu như không bao giờ "ăn hiếp" dân nghèo, kẻ yếu hơn.
"Đời sống bụi" rày đây mai đó, không có chỗ ở nhất định dường như cho thanh thiếu niên bấy giờ một khoảng lặng nhìn lại gia đình, xã hội mà chiêm nghiệm bản thân cùng những hoài niệm, nhung nhớ khi họ còn sống trong một mái nhà với gia đình. Nói không quá, "bụi đời" có nét đáng yêu của nó từ những chàng trai, cô gái ngổ ngáo và có cá tính nổi trội hơn chúng bạn.
Trong đó, không thiếu những người tài hoa ở một vài lĩnh vực nào đó như: âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh v.v... mà từ chốn "bụi trần" họ có thể thấm đẫm triết lý nhân sinh hơn để trở về cuộc sống đời thường với những trải nghiệm sâu lắng.
Sau quãng thời gian "bụi đời", có người "tỉnh mộng" trở về gia đình tiếp tục học hành hay công việc dở dang, cũng có người sa ngã và đi theo con đường trộm cướp chuyên nghiệp. Có thể nói "bụi đời" như một lúc "trở trời", "trái tính trái nết" của thanh thiếu niên thời chiến với những bất an, trăn trở, bế tắc khi cố tìm cho mình một hướng đi hay một cuộc sống mà họ cho rằng có ý nghĩa hơn.

Tóm lại, "bụi đời" đã chết từ lâu ở miền Nam, và chưa bao giờ có ở miền Bắc, nơi mà "có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn đảng ta", thì phải(!).

Do đó cũng nên phân biệt "bụi đời" với "bảo kê" hay "trộm cướp". Như vậy, với tựa phim, đạo diễn có vẻ đã nhần lẫn và làm méo mó hình ảnh "bụi đời" vốn dĩ không phi nhân tính, nhẫn tâm và tàn ác, lạnh lùng như bộ phim đặc tả.

Charlie Nguyễn được biết là một Việt kiều [3]. Khi Sài Gòn "giải phóng", ông tròn 7 tuổi, sau đó định cư tại Mỹ lúc 14 tuổi vào năm 1982. Ông đã thiếu chất "đời" một cách khách quan do thời gian và không gian sống tại Việt Nam khá ít, nó không có chỗ cho ông thấm đẫm "bụi đời" như thế nào mới đúng chất của nó. Do đó, dù có chỉnh sửa bộ phim cỡ nào đi nữa thì "hồn nào xác đó" là khó tránh khỏi. Đặc biệt, những chiếc nón bảo hiểm xuất hiện trong bộ phim là hình ảnh biểu trưng cho xã hội hiện nay tại Việt Nam, rất khó xóa hết để thay bằng hình ảnh biểu trưng khác trong một phim hành động mà ngoại cảnh cần nhiều hơn nội cảnh.
Giả sử loại bỏ những cảnh rượt đuổi, đâm chém máu me đầy mình, chiếm trên dưới 80% thời lượng của bộ phim dài gần 90 phút, quả là nội dung chẳng có gì để nói ngoài hai chữ: "Cũ" và "Mòn". "Cũ và Mòn" trong "mô-típ": "Tình - tiền - tù - tội", "ân oán giang hồ", "tranh giành lãnh địa", "ăn năn sám hối", "làm lại từ đầu" với mong muốn giản dị của kiếp người xấu số trong "băng đảng" sau thời gian ê chề, thấm thía và mệt mỏi từ những màn đâm chém, dù trước hay sau "lưng chiến sĩ" cùng với những món tiền dù rất lớn nhưng vẫn đầy đủ nghĩa "hư ảo" một khi những tên cướp chết đi, bất chấp đó là tên giết người khét tiếng và hung tợn nhất.
Thật khó tìm đủ "bụi" đầy hào sảng qua những tình tiết nhỏ mọn, vụn vặt, hơi "bẩn" và có chút gì đó đê hèn, khốn nạn, nhẫn tâm của những tay "anh chị" làm trùm băng đảng, phân chia và giành giật địa bàn lẫn nhau bằng cách cài bẫy "mỹ nhân kế". Rất tiếc, thủ pháp "cài bẫy" và "gỡ bẫy" quá cũ với cách "bẫy người" tỏ ra khá ngô nghê so với sự dạn dày của anh em Hùng – Lâm (2 nhân vật trong phim) sau nhiều năm lăn lộn chốn "giang hồ".
Nếu có thể tạm gọi về chất "bụi" của bộ phim, nó chỉ gói gọn tình "đồng chí...cốt" trong băng nhóm với nhau, khi sẵn sàng chịu đâm chém đến chết để cản đường cho "anh em" thoát thân hay chung tay nhau vạch kế hoạch đánh trả với một lực lượng mỏng và yếu để... "chết chung" còn hơn "bỏ bạn" (!). Có vẻ nó là chất "hảo hán" theo kiểu "Lý Quỳ" đầy lỗ mãng hơn là những tay trùm "băng đảng" lọc lõi và đầy mưu chước khôn ngoan.
Các diễn viên theo đó, chưa tỏ ra đủ thần thái của một tay "đại ca" đáng trọng và đáng sợ, thay vào đó họ chỉ chứng minh như là những tay "bảo kê", "giành gái", "tranh phần", tuy nhiên không đạt tới nổi cái "thần" của Năm Cam, không dám so với những huyền thoại tướng cướp Bạch Hải Đường hay Đại Cathay ngày xưa.
Vai diễn của họ chỉ dừng lại chỗ: làm cho người xem thấy những cuộc chém giết lãng nhách và hơi... ngu ngốc của những tên "đá cá lăn dưa", lưu manh hơn là những "anh hùng mã thượng" mà có vẻ đạo diễn mong muốn như thế khi đặt tên "bụi đời" cho bộ phim?
Một vài tình huống hài hước đã được đạo diễn đưa vào (như đã từng xuất hiện trong "Bẫy Rồng" với cây cười Hiếu Hiền khá duyên dáng) nhằm làm cho bộ phim nhẹ nhàng hơn. Tiếc là nó không hiệu quả lắm về góc độ "duyên cười" mà Hiếu Hiền đã làm được trước đây.

Lý do máu me nhầy nhụa, đâm chém hỗn loạn làm bộ phim bị cấm chiếu không thuyết phục nổi khán giả, một khi so với phim "xã hội đen" Hongkong hay Mỹ.
Những kỹ xảo, "mảng miếng" trong võ thuật của bộ phim có lẽ phải gọi những bộ phim HongKong, Mỹ là... "sư phụ" về sự kinh hoàng.
Nỗi sợ hãi không chắc đến từ hình ảnh "lòi ruột" hay "nát phèo", đôi khi chỉ một vết thương bị nhiễm trùng, lở lói với côn trùng bu đầy còn làm người ta kinh khiếp hơn nhiều lần. Do đó, có phân cảnh, một diễn viên trong vai "đàn em tiểu tốt" bị ói khi thấy một đồng bọn bị đâm chết thật khá buồn cười. Tôi ngẩn ra một chút: "À! đạo diễn muốn nói với khán giả thông qua diễn viên trong vai "Ói": thằng chết làm em thấy gớm quá (nên bị ói)!".
Những tình tiết, trường đoạn trong phim, cùng những pha rượt đuổi trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn, khiến tôi buộc phải nói nó thuộc hàng... nhãi nhép so với Mỹ, Hongkong.
"Ngôn ngữ điện ảnh" vẫn không thoát khỏi lối mòn bao năm qua của Việt Nam, với "trời xanh mây trắng", "biển hiền hòa ngút tầm mắt", "gió mơn man" trong khung cảnh chàng trai (Lâm) ngồi lặng yên và hồi tưởng quá khứ, nhằm đặc tả tâm trạng nhân vật sau khi bỏ lại cánh cửa trại giam để quyết làm lại cuộc đời sau 10 năm tù vì tội giết người!
Phần "hành động" được chăm chút hơn so với cốt truyện hời hợt và nhạt nhẽo.
Phim thuần "mua vui cũng được một vài trống canh". Thế thôi.

"Hội đồng duyệt phim quốc  gia"(!)

Tên gọi rất "uy nghi" nhưng nếp nghĩ không được như thế.
"Hội đồng duyệt phim quốc gia" hầu như là người lớn tuổi và sinh trưởng ở phía Bắc, nên có thể họ không có cơ hội "giáp mặt" với "dân bụi đời" cùng thế hệ để hiểu và đánh giá đúng, bởi "cội rễ" mà các thành viên này được "lưu cữu" lâu năm khi nhìn dân miền Nam trước đây hầu hết là "tàn dư Mỹ - Ngụy", "đồi trụy" v.v... như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết:
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục, ăn chơi
“Hiện sinh - buồn nôn - phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc...
(Tạ lỗi với Trường Sơn - 1982)

Những người duyệt phim tỏ ra "yếu bóng vía" khi không cho phép bộ phim phát hành rộng rãi, có lẽ vì ngay chính họ cũng thiếu hẳn "đời" khi ngồi trong căn phòng máy lạnh chạy êm ru trên những chiếc ghế nệm mượt mà? Hay cuộc sống êm ả, sung túc và ngoan ngoãn bấy lâu nay trong một thể chế "đã có đảng và nhà nước lo" (hết rồi) làm họ chùn tay, nếu để bộ phim ra rạp, có thể trở thành mối đe dọa hiển hiện đối với mấy cái ghế vừa oai vừa "êm ái" đó?
Chỗ ngồi nào rồi cũng đổi. Dù đó là ghế cẩm lai hay ghế nhựa. Vấn đề là thời gian thôi.

Tuy nhiên, sau khi xem xong 2 lần, mấu chốt có thể bật ra ở chỗ: vai trò "công an" hầu như không có gì ngoài vẻn vẹn cảnh đầu và cảnh cuối không quá vài phút, với 2 viên công an (do diễn viên Đức Thịnh và Thái Hòa thủ vai) mờ nhạt, không có đất diễn, dù họ là những diễn viên có ít nhiều tên tuổi.
Tuy vậy, với vẻ bề ngoài: khô, cứng, lạnh và không "đẹp mã" cho lắm, Đức Thịnh và Thái Hòa hoàn toàn phù hợp với sự "góp mặt". Điều này cũng chỉ ra, đạo diễn khá tinh tế khi chọn nhân vật (dù rất phụ).
Đặc biệt, có vẻ trong mắt "hội đồng duyệt phim quốc gia", bộ phim đáng sợ ở chỗ bộc lộ những băng nhóm tội phạm có... "tổ chức" - điều quá kinh hãi cho người cộng sản, bởi nó như điềm báo xã hội hiện nay có lẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của chế độ mất rồi? Nỗi ám ảnh đeo đẳng rất lớn kể cả trong giấc ngủ, giữa bộn bề trái ngang "thù trong giặc ngoài"?
Người cộng sản ngày nay dễ bị hoang mang do mê tín dị đoan nấp dưới khoa học tâm linh lung lạc và gieo rắc, chứ không phải từ tôn giáo.

Cấm chiếu, vì sao?

Nhớ lại phim "Bẫy Rồng", đạo diễn đã đưa hình ảnh một viên công an trà trộn vào băng đảng và trở thành nhân vật chính xuyên suốt bộ phim, hoàn toàn làm chủ tình hình.
Johnny Trí Nguyễn trong vai công an trá hình dưới vỏ bọc một tên cướp lành nghề, đã vẽ ra hình ảnh "công an nhân dân" không thua "điệp viên 007", với mã ngoài nam tính, võ nghệ cao cường, tài bắn súng hoàn hảo cùng mối tình với cô gái chịu kiếp trầm luân; đặc biệt cảnh kết "khá đắt": sau khi diệt gọn băng nhóm tội phạm, viên công an trở về nhà, trút bỏ lớp áo ăn cướp, đứng trước bàn thờ cha mình (cũng là một công an) để thắp nhang báo công, có phải đã làm cho bộ phim "thuyết phục tuyệt đối" với hội đồng duyệt phim, dù phim này máu me, sát khí không kém "Bụi Đời Chợ Lớn"?
"Bẫy Rồng" và "Bụi Đời Chợ Lớn" cùng một đạo diễn. Hình như Charlie Nguyễn vội quên tình tiết "đắt giá" nói trên, khi trong hành trang "dâng" phim đi duyệt, ông đã lơ đễnh bỏ qua?
Việt Nam không có sự sáng tạo nào được phép vượt "khuôn" định sẵn của ĐCSVN. Càng không được phép bỏ sót và xem nhẹ vai trò "bạn dân" trong những màn đâm chém?
Giá như trong "Bụi Đời Chợ Lớn", kịch bản cũng xử lý tương tự tình huống trong "Bẫy Rồng" để đẩy vai trò "công an nhân dân" lên "tầm cao" như thế, thậm chí hình ảnh viên công an sau những màn chém giết ly kỳ và trước khi ngã xuống mới bộc lộ thân phận sẽ càng nâng cao "phẩm chất" và "khí tiết" của người "chiến sĩ" bảo vệ cuộc sống "an bình" cho người dân? Lúc đó hình ảnh "hy sinh liệt oanh" trở thành chiếc khiên chắc chắn, giúp bộ phim "Bụi Đời Chợ Lớn" "đỡ" những "nhát dao" oan nghiệt của "hội đồng duyệt phim quốc gia"?
Hóa ra, không chắc đánh giết khốc liệt hay máu me lai láng mà do đâm chém không tính đến "số má" công an nhào vào dự "phần khí phách" như trong "Bẫy Rồng", nên bộ phim hơn 16 tỉ bạc phải chết tức tưởi?

"Bụi Đời Chợ Lớn" đơn thuần là phim giải trí với những tình tiết kém logic và những diễn biến tâm trạng nhân vật khá mâu thuẫn. Cớ gì đến nỗi phải cấm chiếu? Một sự lãng phí xã hội không đáng, bởi số tiền bỏ ra nghe đâu lên đến 16 tỉ bạc! Sao không cho chiếu để nhà sản xuất có cơ may thu hồi vốn mà rút kinh nghiệm cho những bộ phim về sau? Không cho chiếu vì lo sợ thanh niên "bắt chước"? Không thuyết phục nổi với hàng loạt vụ giết người còn ghê rợn hơn nhiều so với "Bụi Đời Chợ Lớn" và nếu nói ảnh hưởng thú tính nổi dậy trong con người thì những "nhà duyệt phim" trả lời thế nào trước người dân khi phim Mỹ, Hongkong đầy bạo lực, rùng rợn đến thót tim vẫn kiêu hãnh bước vào tất cả các rạp hiện nay?
Như một lời đáp trả ngẫu nhiên từ "trời cao đất dày" đối với lập luận của những người nắm quyền "sống chết" bộ phim "Bụi Đời Chợ Lớn", cuộc thanh toán đẫm máu vừa mới xảy ra tại Phú Yên vì tranh giành địa bàn khai thác nghêu [3], có cả trăm người tham gia tàn sát lẫn nhau với "kết quả": 3 người mất tích trên sông, 8 người khác được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Lực lượng "bạn dân" ở đâu? Xin thưa (trích nguyên văn):
Ông Hoàng Văn Tuyến, Phó Công an xã Hải Châu cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền hai huyện đã phối hợp với cán bộ Biên phòng đã có mặt tại hiện trường tìm kiếm tung tích những người mất tích và đưa người bị thương đi cấp cứu. Cho đến 19 giờ chiều cùng ngày công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn đang được tiếp tục tuy nhiên chưa tìm thấy được nạn nhân nào”.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
"Cơ quan chức năng" cứ tiếp tục "làm rõ", trong khi người dân có quyền "miệt mài" đặt "niềm tin" vào giới cảnh sát trong việc duy trì "an ninh nội địa" dù một người dân oan có tên Đỗ Thị Thiêm vừa bị tưới acid với những vết phỏng rất nặng [4], thông tin cho biết là vài viên công an đến bệnh viện có "nhã ý" cắt cử người bảo vệ cho nạn nhân (?!).
Vụ đâm chém tập thể nói trên không phải xuất hiện trong phim, nhưng nó tô đậm một bức tranh hỗn độn của trường phái "hiện thực tả chân" còn ghê gớm hơn nhiều lần những màn giết người đẹp mắt nhưng cho... vui trong "Bụi Đời Chợ Lớn"!
Dân chúng sẽ tiếp tục nghĩ như thế nào đây giữa hỗn mang ngày một hiện rõ đến bàng hoàng chết lặng?
"Hội đồng duyệt phim quốc gia" có suy nghĩ gì khi biết hung tin này?

(còn nữa)





---------------------------------------------------


Nguyễn Ngọc Già
Thứ năm, ngày 11 tháng bảy năm 2013

Phật đã dạy: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc" để loài người hiểu sự vô thường trong trời đất mà ngộ đạo nhằm giảm dần "tam độc" (tham, sân, si) luôn hàm chứa trong mỗi thân xác phàm tục.
Ở đời, đôi khi "Được" cũng là và sinh ra "Mất". Ngược lại, "Mất" cũng là và tái sinh ra "Được". Tùy mỗi chúng ta đứng từ góc độ, vai trò, vị trí nào trong xã hội để chiêm nghiệm.

"Bụi Đời Chợ Lớn" và người dân bơ vơ lăn lóc.

Những khuôn hình cuối cùng để chấm dứt bộ phim, tuy không mới, cũng làm người xem dịu lòng hơn một chút sau những màn chém giết hơi quá đà.

Tuy phần "ngôn ngữ điện ảnh" biểu đạt khá "mòn", nó vẫn chuyên chở tấm lòng của đoàn làm phim đến với khán giả qua hình ảnh Lâm -  nhân vật duy nhất sống sót sau trận huyết chiến từ hai phe "Tài Nhớt" và "Hùng Chợ Lớn" - ngồi lặng lẽ, trầm ngâm bên hàng dương trước biển hiền hòa để suy ngẫm về quá khứ sau khi ra khỏi nhà tù và mơ ước đến tương lai.

Xa xa là người chị dâu (vợ Hùng Chợ Lớn - diễn viên Thanh Trúc thủ vai) đã mất chồng nhìn theo buồn bã.

Phần chuyển cảnh quá đột ngột, từ vô cùng náo động sang khá êm ả, trầm tư có vẻ không phù hợp với "mạch" của bộ phim vốn dĩ là "Bụi Đời Chợ Lớn". Có thể nói là hơi "sốc". "Sốc" ở đây không có nghĩa  làm điều người ta choáng váng, ngộp thở mà sốc như thể từ thân nhiệt 40 độ rồi hạ bất thần xuống 37 độ bách phân. Giảm "sốt" như thế, đôi khi nguy hiểm tính mạng. Rất may đây là... phim.
Ở đời, chúng ta cũng nên nghi ngại khi ai đó vừa chém ta suýt chết lại ngay lập tức vỗ về ta. Đây cũng là "thủ pháp đan xen" mà đạo diễn thường dùng để nêu bật sự bỉ ổi của những tên thủ ác, tưởng chỉ có trong phim, nhưng nó đã xuất hiện trên thực tế.

Hình ảnh người dân oan Đỗ Thị Thiêm vừa bị tạt acid xong, dù chưa biết rõ thủ phạm, nhưng vài chú "công an" "ân cần" đến chia sẻ và đề nghị cắt cử người "trông nom" là một ví dụ sống động. Làm sao có thể không nghi ngờ, nếu không nói là khá lộ liễu, vì trong những năm sau này "công an" mà biết thương dân, quả là vô cùng... hiếm!
Độc giả nào băn khoăn về "tình yêu" của lực lượng luôn tuân thủ "6 điều bác Hồ dạy công an"  đối với dân, có thể cảm nhận ngay câu chuyện chàng trai có tên Vũ Hữu Huấn [1], người đã nhảy từ lầu 3 xuống đất để trốn khỏi những đòn khảo tra dã man với thương tật nghiêm trọng. Sau nhiều ngày chăm sóc tại Hà Nội, khi Huấn được chuyển về bệnh viện Ninh Bình, hơn 50 công an viên đã lũ lượt kéo đến vây quanh. Để làm gì? Chắc là để "chăm... bẵm" kẻ "chống người thi hành công vụ"(?). Trước đó, bà ngoại nạn nhân vốn mù chữ đã tố cáo công an ép bà "điểm chỉ" vào một tờ giấy.
Giá như đoạn kết trong phim, thay vì 2 viên công an "lóng tai" nghe chuyện đời của Lâm, được đổi thành khung cảnh ồn ã, bát nháo tại một bàn billard mà sau khi ra tù, Lâm đã quay trở lại với công việc anh trai mình để lại, có lẽ tình tiết này sẽ "đời hơn" và thuyết phục hơn.
Từ không gian, "mùi vị" "chợ" như vậy, những "cơ thủ" tiếp nối "đời" ăn thua sát phạt, gian lận rồi...gây gổ và dẫn đến ẩu đả. Lâm lúc đó - với vai trò ông chủ - bước ra ôn tồn can gián, đồng thời kêu người phục vụ gọi điện cho... "công an" đến giải quyết, trong khi hai phe "đời mới" vẫn xáp vào nhau và... hãy bỏ ngỏ tình tiết như thế, biết đâu trở thành một nét chấm phá mới cho kịch bản? Cũng biết chừng đâu, chi tiết đó sẽ cứu được cả bộ phim thoát khỏi "lưỡi hái" của các "nhà duyệt phim"?
Hơn thế, với cái kết mở như vậy, đạo diễn đã để cho khán giả suy nghĩ thêm "luật Nhân - Quả" đặt trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương với luật pháp và các công cụ bảo vệ nó chưa bao giờ làm đến nơi đến chốn trách nhiệm, mặc dù hàng tháng họ vẫn lãnh lương và nhận... "lậu"?
Hãy khoan nổi nóng, dù là các ông (bà) "duyệt phim" hay các "ông" công an, nếu các ông (bà) nhớ lại vụ án "Đoàn Văn Vươn" với mấy năm trường mòn mỏi cậy nhờ luật pháp hay cuộc đâm chém tập thể trên sông Yên - Thanh Hóa [*] vừa rồi, người dân cho biết, mâu thuẫn đôi bên từ lâu, đơn đã gởi đến cơ quan chức năng [2] nhưng khổ nạn của dân chưa bao giờ được giải quyết đến tận cùng công lý!
Luật pháp vẫn là "hàng mã" trong xã hội độc đảng toàn trị. Cớ gì, những băng đảng - mệnh danh sống ngoài vòng pháp luật - cần đến?

Ai đã vô trách nhiệm đến vô tư lự trước những mâu thuẫn của người dân mà kết cuộc bi thảm là những cái chết cùng thương tật nặng nề và những án tù trước mặt, từ những cuộc hỗn chiến kinh hoàng trên sông Yên - Thanh Hóa, sau khi người dân đã gởi đơn?

"Hùng Chợ Lớn" đang trên con đường hoàn lương bằng bàn billard kiếm sống với người vợ mang thai cùng đám đàn em dường như cũng muốn đoạn tuyệt quá khứ đâm chém. Họ sẽ làm gì, cho dù biết được mưu mô "Tài Nhớt"? Báo công an chăng? Chỉ tổ "chọc quê" khán giả một khi chi tiết này đưa vào phim và lúc đó, Charlie Nguyễn chắc không còn chỗ đứng trong "giới giang hồ" điện ảnh.
Trong phim có lời thoại: "Nhiều lúc con người ta phải tranh đấu mới có được sự bình an". Một lời thoại khó dành cho giới "anh chị" nhưng nó khá "mẫn cảm" khi gắn với "xã hội đỏ" hiện nay. Đó có thể là một "điểm chết" của bộ phim như "trái mắt mèo" chà xát vào thân thể làm cho "nhà duyệt phim" cảm thấy rất "ngứa" trong khi đôi tay họ bị trói chặt bao năm qua bằng sợi dây đỏ mang tên "Mác-Lê-Hồ"? Hình ảnh "ngứa ngáy" đến "lăn lộn" như thế này có phải làm cho họ không còn đủ bình tĩnh để có quyết định văn minh hơn đối với bộ phim?

"Được", "Mất" của diễn viên.

Diễn viên ngày nay hình như ít dành thời gian để đọc sách báo và thâm nhập thực tế [**] nhằm làm giàu tâm hồn và cũng để nâng cao tay nghề chuyên môn? Có lẽ vì thế, những vai diễn của họ cứ nhàn nhạt trôi như từng "cánh bèo" trên "dòng sông lơ đãng".
Dù sắm vai chính diện hay phản diện; dù vai hài hay vai bi, dường như họ cứ "thế mà làm" theo khuôn của đạo diễn định sẵn cho nhân vật.

"Nghệ thuật thứ bảy" khác hẳn với các nghệ thuật khác, đặc biệt khác với kịch - loại hình ngỡ tương tự.
Các diễn viên Việt Nam hiện nay rất hiếm diễn viên nào diễn "kịch ra kịch", diễn "phim ra phim". Lỗi một phần từ chính bản thân họ, không thể hiện đầy đủ trách nhiệm và tình yêu với nghề. Trong khi những diễn viên thế hệ trước, dù xuất thân "tay ngang", họ đã ít nhiều để lại thiện cảm trong lòng khán giả như: Thúy An, Việt Trinh, Hồng Ánh v.v...
Nói không quá, đa số các diễn viên trẻ hiện nay đã tạo một phiên bản tài tử... "liên hiệp quốc" với "hồn Tàu, xác Hàn, phong cách Tây, nói tiếng Việt". Người xem thật khó tìm thấy "người Việt" thông qua vai diễn từ những kịch bản thiếu chiều sâu gắn với "đời".
Biết đâu, qua "tai họa" này, họ suy ngẫm và dành ít thời gian cho việc đọc và chiêm nghiệm?

Dù "Bụi Đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu, nhưng nhờ "hiệu quả" đó mà người xem có lẽ nhớ đến họ hơn từ sự cố này, chứ không phải từ vai diễn mang lại. Đó cũng là một cái "Được". Cũng từ đây, khán giả biết Long Điền (vai Hùng Chợ Lớn) từng là vô địch Taekwondo [3] tại Seagames 2003.
Hy vọng  bộ phim bị cấm chiếu làm họ suy nghĩ nhiều hơn, chịu thâm nhập thực tế và đọc sách báo trong vai trò diễn viên để có được những vai diễn sâu sắc hơn sau này?

"Được", "Mất" của nhà sản xuất và đạo diễn.

Mất số tiền bỏ ra đầu tư hơn 16 tỉ.
Toàn bộ công sức của nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, quay phim v.v... cũng đổ sông đổ biển sau nhiều đêm thức trắng, cuối cùng không đến được một cách "đàng hoàng" với khán giả.
Lòng tin và cách nhìn của đoàn làm phim đối với những "nhà thông thái" duyệt phim cũng vì thế mà mất đi.

Chưa hết, họ đau lòng và bất lực nhìn tài sản của mình bị mất cắp mà không làm gì được. Nói hơi tệ, tựa như "đứa con" bị cướp và đang bị thiên hạ rao bán [4] khắp hang cùng ngỏ hẻm. Hành vi phát tán đĩa lậu cũng là một tội ác!
Dưới góc độ kinh doanh, Thiên Ngân và Chánh Phương đã bị một vố thua trắng tay và trắng mắt trước những "tay buôn" "sang trọng".

Không biết các ông (bà) trong "hội đồng duyệt phim quốc gia" có cảm thấy đau đớn nếu những đồng tiền của chính mình bị người khác giật trên tay và ném qua cửa sổ để "ông đi qua bà đi lại" tha hồ... lụm?! Nếu không như thế, thì những sản phẩm do chính "hội đồng duyệt phim" làm ra bằng tiền túi của họ, cuối cùng bị xếp xó vì bị những tư duy "cũ mèm" ngăn trở họ có uất ức không nhỉ?
Đau hơn, không những bị mất của, Thiên Ngân và Chánh Phương đang bị quy trách nhiệm [5] theo kiểu... "đổ thừa" rất... tệ!

Tuy nhiên, cái "Được" của nhà sản xuất và đạo diễn đó là bài học nhớ đời?
Dù là một phim hành động giải trí đơn thuần, có lẽ họ nghĩ không liên quan chính trị thì chẳng có gì quá lo để dốc vốn đầu tư? Có phải việc cấm phát hành phim làm họ chợt hiểu ra: văn hóa nghệ thuật vốn chưa bao giờ tách rời khỏi đời sống và càng khó tách rời khỏi thời cuộc Việt Nam đang xoay vần và nghiêng ngả?

"Chính trị" xa xôi và khô cằn? Không, việc cấm phim ra rạp chính là lời hồi đáp cho những nghệ sĩ, nhà sản xuất dù trong hay ngoài nước càng thấm thía thêm nền chuyên chế độc đoán trong một đất nước độc đảng toàn trị. Nó luôn đi liền với túi tiền của mọi người và "tiền thì liền khúc ruột".

"Được", "Mất" của "Hội đồng duyệt phim quốc gia".

"Hội đồng duyệt phim quốc gia" có hai "tên tuổi lớn" trong giới: ông Bùi Đình Hạc và bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, cùng một số vị có "tăm" nhưng hình như thiếu "tiếng" trong làng điện ảnh thông qua chuyên môn.
Ông Hạc - 79 tuổi, được biết là một đạo diễn [6], với "di sản cổ" - "Đường về quê mẹ" [7] - do nghệ sĩ Lâm Tới (đã mất) thủ vai chính. Bộ phim được sản xuất cách đây chỉ... 42 năm! Ông đã "rửa tay gác kiếm" gần 30 năm qua với danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân" được phong tặng vào 1984.
Bà Ngát - 63 tuổi, xuất thân là một diễn viên chèo cổ [8]. Sau đó du học tại  trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh - Mátxcơva - Liên Xô cũ. Từ mảnh bằng loại ưu, bà về làm cho hãng phim truyện Việt Nam. Số lượng tác phẩm của bà Ngát khá nhiều nhưng chất lượng hình như không được bàn tán sôi nổi lắm trong giới. Bà từng là giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam và chức vụ cao nhất bà "kinh" qua là Cục phó Cục điện ảnh trước khi nghỉ hưu.

Thay vì nổi tiếng từ những kịch bản, bà Ngát được nhiều người biết đến "tên tuổi" qua hai "sự kiện":
- "Mời gọi" nghệ sĩ Kim Chi làm đơn xin tặng bằng khen gì đó của Thủ tướng Việt Nam, nhưng bà Kim Chi đã xổ toẹt.
- "Phát kiến" về quan hệ "Dân - Đảng" được bà xoay quanh tục ngữ "con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo" khi trả lời đài ABC - Úc. Sau đó blogger Đinh Tấn Lực có bài bình luận "Mối tương quan mất dạy" [9] để nhận định "giá trị" tư tưởng thâm sâu của bà Ngát. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Ngát tự nhận bản thân là một... "con chuột túi" [10] không bao giờ "bỏ con". Qua hai chi tiết này, bà tỏ rõ là "diễn viên lành nghề", biến hóa tài tình giữa  "vai mẹ" và "vai con" trong... đời thực (!).
Người già thường đi kèm cao huyết áp và nhiều bệnh lão khác nên bác sĩ hay khuyên, không nên cho họ giải trí với những trò nguy hiểm dù là "đu quay", "tàu siêu tốc" hay phim bạo lực.

Có lẽ vì vậy, nhạc sĩ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu ở tuổi 89, dù tự nhận ham vui và cho biết "từ ngưỡng cửa âm phủ về đây để chấm thi..." [11] cho cuộc tranh tài "Tiếng hát mãi xanh", vốn dành cho những người lớn tuổi với nhạc êm dịu. Điều này có lợi cho sức khỏe của ông cũng như người lớn tuổi khác.
Có lẽ như thế, nên cuộc thi "The Voice" diễn ra 2 năm qua, nhà tổ chức mời Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Trần lập, Quốc Trung làm huấn luyện viên cho thí sinh thay vì mạo hiểm mời Trung Kiên, Thu Hiền, Trung Đức, Tô Lan Phương, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn v.v... ngồi ghế nóng như thế. Họ hiểu, phải bảo đảm sức khỏe cho những "cây đa cây đề" trong làng âm nhạc, tránh những âm thanh giậm giật, kích động của Hard Rock, Jazz, R&B, Hiphop v.v... vì tổn hại sức khỏe cho các vị và chắc cũng để tránh... mang tiếng (!).
Theo đó, Bộ VH - TT - DL cũng nên xét lại sức chịu đựng của những vị "lão làng", "gạo cội" trong "hội đồng duyệt phim quốc gia" khi người thì là diễn viên chèo luống tuổi, người đã hom hem gần đất xa trời, lại buộc họ ngồi coi đám thanh niên chém giết, máu me tung tóe như thế, có phải quá... tàn nhẫn đối với người già mang trong mình tâm hồn thanh cao cùng "trái tim pha lê"... dễ vỡ (!).
Ngoài ra, Charlie Nguyễn được biết là tốt nghiệp đạo diễn tại trường danh tiếng UCLA - Mỹ quốc, phong cách làm phim Mỹ như thế cũng khó phù hợp với những người được đào tạo chính quy tại... Liên Xô (đã sụp đổ hơn 20 năm rồi).
Chỉ có mấy tay Ronald Wilson Reagan hay Arnold Schwarzenegger, dù già ngắc khú đế, vẫn xách súng, mang dao chạy ầm ầm chơi trò "beng beng", chứ làm sao bảo những diễn viên chèo cổ hay "nghệ sĩ nhân dân" đạo mạo, vốn thích hợp với cây "ba toong" lại nhào ra coi mấy cái trò nhí nhố của đám trẻ!
Đặc biệt trong xứ sở tươi đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như Việt Nam, dứt khoát không được dung túng cho những bộ phim sắt máu như "Bụi Đời Chợ Lớn" (?!).

Nghệ thuật mà tách rời ý thức hệ là mất lập trường. Mười sáu tỉ đổ sông đổ biển để giữ vững "lập trường cách mạng" là cái giá quá ưu đãi đối với Thiên Ngân và Chánh Phương.
"Được, "Mất" của "hội đồng duyệt phim quốc gia" cũng cho thấy "đỉnh cao trí tuệ" "đảng ta" đang "Mất" rất nhiều sau nhiều sự việc trong ngoài nước, trong khi cái "Được" lại vô cùng ít ỏi.
Ý nghĩa hàm chứa từ việc ngăn cấm bộ phim ra rạp, không chỉ dừng lại ở sự "độc hại" "tiêm nhiễm" vào thế hệ trẻ mà cần nhìn nhận ở "tầm cao" như thế.

Những gì còn lại...

Thay kết thúc vừa "bi" vừa "thảm" cả nghĩa bóng và nghĩa đen của "Bụi Đời Chợ Lớn" cũng như nhắn gởi đến các nhà sản xuất và các ê-kíp làm phim khác, người viết mạn phép bày tỏ mấy lời:

- Quý vị đang rất hạnh phúc trong nghề nghiệp chuyên môn, bởi quý vị đang sống trong một môi trường đầy chất liệu đời thực dành cho phim ảnh. Quanh quý vị, những dân oan mất đất, những cái chết oan uổng do công an gây ra, những mảnh đời bần cùng từ thành thị đến miền núi, những cuộc thanh toán băng nhóm, chống người thi hành công vụ dã man, giết người chặt khúc, đốt thành tro phi tang, tạt acid, những thân phận đáng thương của các cô gái bị lừa đảo đưa vào con đường mại dâm trên xứ người v.v... tất cả tình tiết ghê rợn này dày đặc trong tầm mắt và tầm tay quý vị. Quý vị chỉ cần để mắt đến và gia giảm một ít cũng đủ tạo ra kịch bản hay với những cao trào hồi hộp, rùng rợn, bi, hài nhất.

- Từ những kịch bản như vậy, quý vị chỉ cần thêm câu "Dựa trên câu chuyện có thật" (như phim Mỹ hay đưa vào sau này), nó dễ dàng giúp cho quý vị tạo ra những bộ phim vừa sát với đời thực, vừa đỡ tốn kém, vừa rất hấp dẫn để kéo khán giả ào ạt đến rạp. Do đó, đừng đi tìm ý tưởng kịch bản xa xôi, kém thực tế chi cho mất công.

- Tuy nhiên, để không bị cấm chiếu như vừa qua và để đảm bảo lợi nhuận, nhất định phim phải hòa quyện giữa bộ ba: tâm lý xã hội - hành động - kinh dị và đặc biệt không được phép xem nhẹ hay bỏ sót vai trò "bạn dân" xuất hiện mọi lúc mọi nơi với quan điểm "ta nhất định thắng, địch nhất định thua" là điều nằm lòng mà quý vị đừng lơ đễnh. Quý vị cũng thấy trong nhiều bộ phim "xã hội đen" Hongkong hay Mỹ, sau khi các băng đảng quần nhau chí tử và cuộc huyết chiến gần như ngã ngũ thì lực lượng cảnh sát rầm rộ, mau chóng kéo vào, sao có thể quên áp dụng những phân cảnh hay như thế?

- Những bộ phim phản ánh sâu sắc hiện trạng xã hội Việt Nam sẽ trở thành  niềm an ủi, lời khích lệ đối với người dân. Nó giúp những phận đời đang bơ vơ lăn lóc "đầu đường xó chợ" có thêm một điểm tựa, tiếp tục dấn bước trên con đường đòi công lý. Chị Dậu, anh Pha, lão Hạc, Chí Phèo v.v... thời hiện đại đang đầy trước mắt quý vị, chẳng lẽ người dân không có quyền nghĩ đến Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao v.v... cũng thuộc... thời hiện đại?

- Cuối cùng, các nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, tài tử màn bạc hãy cho chúng tôi một niềm tin: Tại sao người Việt Nam không có quyền mơ ước một giải Oscar trong tương lai, xuất phát từ một phim rất đời, đặc quánh hiện thực xã hội, với những thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, thậm chí hay hơn cả "Slumdog Millionaire" - bộ phim Ấn Độ giành 8 giải Oscar?

Nguyễn Ngọc Già
_______________

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Thanh-nien-nhay-lau-chuyen-vien-Cong-an-vay-kin-BV-DK-Ninh-Binh/306447.gd [1]
[*] Cáo lỗi cùng độc giả và đài RFA chi tiết này, trong phần 1, người viết đã nhầm lẫn địa điểm tại Phú Yên.

http://laodong.com.vn/Phong-su/Song-Yen-khong-yen-binh/126621.bld [2]
[**] Như diễn viên Phương Thanh với vai "Hiền Cá Sấu" đã thâm nhập vào trại tù để hiểu tâm lý nhân vật phục vụ cho vai diễn. http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200907/20090214121233.aspx.
Tuy vai diễn của bà chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng chấp nhận được trong bối cảnh Việt Nam những năm đầu "giải phóng" (1978), lúc mà các cô gái bán thân, nghiện ngập còn sợ "cách mạng" một phép(!)



No comments:

Post a Comment

View My Stats