Tuesday, 16 July 2013

BIỂN ĐÔNG VỚI TƯ SANG (Trần Khải)




07/16/2013

Biển Đông vẫn là điểm nóng thế giới trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Bản tin VOA ghi nhận rằng Philiipines đang cảnh giác cao độ trước âm mưu của Trung Quốc rõ ràng muốn tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông, đặc biệt tại một bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Bản tin nói, theo các văn kiện mật của chính phủ Philippines được hãng tin Kyodo của Nhật trích dẫn ngày 14/7, Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực của ít nhất 2 hoặc 3 tàu hải giám và một tàu khu trục nhỏ trong vùng lân cận bãi cạn này để tuần tra giám sát và đánh bắt cá bất hợp pháp.

Philippines nói các hình ảnh thu được cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc hoạt động trong khu vực cùng các tàu đánh cá chất đầy những hải sản thu hoạch từ bãi cạn.

Văn kiện của chính phủ Philippines nói tất cả các hoạt động này đang được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các tàu nhà nước Trung Quốc.

Kể từ tháng 2, quân đội Philippines lưu ý có sự tăng cường của các tàu thực thi luật hàng hải của Trung Quốc cũng như các tàu hải quân của Bắc Kinh trong vùng xung quanh bãi cạn Second Thomas, cách bờ biển tỉnh Palawan của Philippines chừng 105 hải lý.

Đặc biệt, VOA ghi nhận:

“Văn kiện của chính phủ Philippines nói sự hiện diện gây hấn của Trung Quốc khiến Manila lên “một kế hoạch đối với với tình huống bất ngờ” vì e rằng Bắc Kinh có thể tiến tới việc dùng võ lực phong tỏa hay chiếm đoạt bãi cạn này.”

Trong khi đó, bản tin RFI cho biết Nhật Bản có thể quốc hữu hóa hàng trăm đảo chưa có chủ.

RFI nói, trong số báo ra ngày 15/07/2013, tờ Yomiuri Shimbun cho biết là chính phủ Nhật có thể sẽ quốc hữu hóa toàn bộ các đảo chưa có sở hữu chủ nằm trong vùng biển của nước này. Mục đích là nhằm củng cố các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản. Vẫn theo nguồn tin này, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ lập một đội công tác liên ngành để tìm hiểu về các sở hữu chủ và tên của khoảng 400 hòn đảo xa bờ Nhật Bản.

Nếu quyền sở hữu của các đảo nào mà không rõ ràng, chính phủ sẽ đặt tên chính thức và quốc hữu hóa các đảo này. Đội công tác sẽ bao gồm các quan chức từ Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, cũng như đại diện của lực lượng tuần duyên. Dự kiến kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm tới.

RFI ghi thêm:

“Hành động nói trên nằm trong nỗ lực của Tokyo nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, vào lúc mà Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc.“

Mặt khác, bản tin VOA cho biết, Miến Điện sẽ phải đối mặt với vấn đề Biển Đông khi làm Chủ tịch ASEAN 2014.

Bản tin nói, Miến Điện buộc phải có bước đi khôn ngoan giữa việc đương đầu với chấp Biển Đông và giữ vị trí đồng minh thân cận của Trung Quốc khi nắm ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm sau.

Đó là trọng tâm cuộc thảo luận do Bộ Ngoại giao Miến Điện và Tổ chức Hanns Seidel của Đức đồng tổ chức tại Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Miến Điện hôm 12 và 13/7 vừa qua.

Đại sứ hồi hưu Nyunt Maung Shein của Miến Điện cho rằng nước ông không dễ xử lý vấn đề Biển Đông giữa một bên là bang giao hữu hảo với láng giềng Trung Quốc và một bên là cuộc tranh chấp dính líu tới các nước trong đại gia đình ASEAN liên quan đến hải lộ mậu dịch quốc tế mà cộng đồng quốc tế theo dõi sát.

Bản tin VOA viết:

“...theo lời đại sứ Nyunt, Trung Quốc không chịu đối mặt với cuộc tranh chấp tại tòa án quốc tế vì không có một bằng chứng vững vàng trong việc đòi chủ quyền khoảng 85% diện tích Biển Đông.

Đại sứ Nyunt cho rằng giữa lúc Trung Quốc đang đối mặt với các căng thẳng quân sự có thể có với Philippines và Việt Nam, Bắc Kinh có phần chắc sẽ xoay sang giải quyết một cách ôn hòa vì nếu để tranh chấp với 4 nước ASEAN căng thẳng, Bắc Kinh e rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng.

Đại sứ Nyunt đề nghị để xử lý các khó khăn này, Miến Điện không nên dùng áp lực một chiều với chỉ riêng một quốc gia, mà cần phải mở đường cho việc xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các nước.

Trong khi đó, nghiên cứu gia về ASEAN, Moe Thuzar, thì cho rằng Miến Điện chỉ nên ủng hộ các quốc gia ASEAN trong cuộc tranh chấp.”

Như thế, có vẻ như Miến Điện lạnh cẳng?

Trong khi đó, RFI nói rằng Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang nên thuyết phục dư luận Mỹ... Hiển nhiên, chuyện này có vẻ khó.

RFI ghi lời của giáo sư Ngô Vĩnh Long, người thường xuyên theo dõi các vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt trong tương quan với hồ sơ tranh chấp Biển Đông, lúc này, Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để củng cố thêm quan hệ với Mỹ nhằm giải tỏa sức ép của Bắc Kinh, đặc biệt nặng nề trên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.

RFI viết rằng Giáo sư Long đặc biệt lưu ý đến nhu cầu tranh thủ được công luận Hoa Kỳ:

«Tôi nghĩ rằng ông Trương Tấn Sang có thể bàn thêm với Mỹ về hồ sơ nhân quyền, và chứng minh với dân chúng Mỹ - vì đây là cơ hội rất tốt - rằng Việt Nam là một nước tôn trọng nhân quyền.

Bởi vì trong vấn đề ngoại giao, thì ngoài ngoại giao giữa hai nước, còn có ngoại giao nhân dân, mà Mỹ là nước dân chủ, cho nên sức ép hay sự ủng hộ của nhân dân rất quan trọng đối với chính phủ Mỹ trong vấn đề ngoại giao...”

Hà Nội có tin rằng Hoa Kỳ thực sự quan tâm về những người tù lương tâm? Hay Hà Nội vẫn còn niềm tin rằng Mỹ là đế quốc muốn xâm chiếm Biển Đông và chiếm đất VN, chứ không phải kẻ âm mưu thực sự là đàn anh Trung Quốc?

Có thể đây là cơ hội cuối để VN bắt tay thân hơn với Mỹ? Và nếu lỡ cơ hội này, có thể VN sẽ  sớm trở thành một Tây Tạng thứ 2?

Để chờ xem Tư Sang tính gì, và tính được gì.


No comments:

Post a Comment

View My Stats