Thursday 13 June 2013

XUNG ĐỘT SẮC TỘC & DÂN CHỦ MIẾN ĐIỆN (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, June 12, 2013 3:57:13 PM

Hậu quả quốc tế của việc đàn áp dân Hồi Rohingya

Tuần qua, thời sự quốc tế lãng quên hẳn hội nghị Ðông Á của tổ chức World Economic Forum (WEF) được triệu tập tại thủ đô hoang vắng Naypyitaw (xin đọc là nepjiđơ) của xứ Miến Ðiện.

Năm ngoái, người ta còn nhắc đến hội nghị hàng năm, được WEF tổ chức tại Bangkok của Thái Lan. Ðấy là lần đầu tiên có sự tham dự của bà Aung San Suu Kyi để báo hiệu một thay đổi lớn ở Miến Ðiện. Năm nay, hai ngày hội họp vào mùng 6 và mùng 7 không để lại tiếng vang, dù là tại hội nghị WEF, lãnh tụ dân chủ Miến thông báo quyết định sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm 2015. Người ta ít chú ý đến sự kỳ diệu của một nhân vật đang làm nên lịch sử Miến Ðiện khi bà dời đổi từ vị trí lãnh tụ đối lập bị cầm tù qua vai trò một dân biểu phải chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo một quốc gia có quá nhiều vấn đề.

Trong khi các doanh gia, học giả và lãnh tụ chính trị luận đàm về cơ hội đầu tư và phát triển xứ Miến Ðiện giàu tài nguyên thì người ta cũng chẳng mấy quan tâm đến nhiều mảnh vụn của Miến đã văng qua các nước lân bang.
Hôm mùng 9 vừa qua, nhà chức trách Malaysia bắt giữ 54 người đột nhập phi pháp từ Miến Ðiện, chỉ một tuần sau khi cả ngàn người Miến đã bị tống giam. Việc bắt giữ xảy ra sau khi có những xung đột và bạo động có tính chất trả thù giữa hai cộng đồng người Miến trên đất Malaysia, một đàng là dân Phật Giáo, đàng kia là dân Rohingya theo Hồi Giáo...

Hồ Sơ Người Việt sẽ trình bày mâu thuẫn này và hậu quả cho các nước.

Thiểu số Rohingya và Phật Giáo

Rohingya là tên gọi phổ thông của một sắc dân sống tại tỉnh Arakan, nay gọi là bang Rakhine của Miến Ðiện. Bang này nằm bên vịnh Bengal ở phía Tây, tiếp giáp với xứ Bangladesh ở phía Tây Bắc. Xuất xứ của dân Rohingya còn mơ hồ - là cư dân bản địa hay di dân từ Bengale - nhưng họ theo hệ phái Sunni của Hồi Giáo, nói ngôn ngữ khác tiếng Miến Ðiện và hiện có chưa đến một triệu trong 60 triệu người sinh sống tại Miến. Theo Liên Hiệp Quốc, Rohingya là một trong các nhóm thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới.

Khi Miến Ðiện còn tranh đấu giành lại độc lập từ Ðế quốc Anh, năm 1947, các lãnh tụ Rohingya đã lập ra “Ðảng Thánh Chiến” và tổ chức cuộc nổi dậy để đòi quyền tự trị tại Rakhine. Họ trở thành vấn đề cho một quốc gia Miến Ðiện thống nhất quy tụ nhiều sắc dân ngoài đa số là người Miến. Sau đó, phong trào Thánh Chiến giành độc lập bị đẩy lui và tiêu diệt dưới chế độ quân phiệt của Miến.

Nhớ về lịch sử thì một di sản quái ác của hệ thống cai trị của Anh là Miến tộc không được gia nhập quân đội mà chỉ phụ trách hoạt động hành chánh và chính trị. Việc bảo vệ an ninh được trao cho các sắc dân thiểu số ở chung quanh khu vực trung ương để khỏi đe dọa chế độ thực dân.

Chính là vì nghịch cảnh này mà sau khi giành lại độc lập, dân Miến lập tức kiểm soát quân đội dựa trên hậu thuẫn của người Miến Ðiện theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) và rất nghi ngờ những mầm mống ly khai của các sắc dân thiểu số. Trong số này, có sắc dân Rohingya.

Vì chế độ quân phiệt bị quốc tế cô lập và kinh tế bị kiệt quệ bên trong, từ năm 2011, họ nhượng bộ phong trào dân chủ, bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh tụ đắc cử và có uy tín nhất. Nhưng chính là khi quân đội gỡ bỏ gông cùm và hưu chiến với các nhóm thiểu số võ trang ở vòng ngoại biên thì xung đột lại bùng nổ tại Rachine giữa dân Hồi Giáo Rohingya và dân Phật Giáo Miến Ðiện vào năm ngoái. Chúng ta có thể gọi dân Miến theo Phật Giáo là “Phật-Miến” cho gọn.

Tình trạng xung đột chủng tộc và tôn giáo tiếp tục cho đến năm nay và xu hướng Phật Giáo cực đoan đã lập ra “Phong trào 969” - con số họ nói là tượng trưng cho Phật Giáo - với mục tiêu rõ rệt là chống Hồi Giáo và cổ xúy cho tinh thần quốc gia dân tộc của người Miến. Từ đầu năm nay, bạo động lan qua nhiều tỉnh thành khác chứ không chỉ thu hẹp trong bang Rachine.

Bị đàn áp, dân Rohingya túa chạy qua xứ khác, thậm chí đóng bè vượt biển và trôi dạt đến nhiều nơi ở rất xa... Và họ cũng có phản ứng trả thù nhắm vào người Miến theo đạo Phật. Từ mấy tuần qua, đụng độ xảy ra bảy lần quanh khu vực Kuala Lumpur và tỉnh Selangor của Malaysia khiến hai người chết và tám người bị thương, toàn là dân Phật-Miến. Ðầu Tháng Tư vừa qua, chuyện tương tự đã bùng nổ tại một trung tâm nhập cư của Indonesia với kết quả là tám người Phật-Miến bị giết và hơn chục người Hồi Giáo Rohingya bị thương...

Khi vòng đai bị phá vỡ

Trong một giai đoạn khá lâu, đến nửa thế kỷ vì kể từ năm 1962, chế độ quân phiệt muốn bảo vệ nước Cộng Hòa Miến Ðiện Thống Nhất bằng bàn tay sắt. Ngay từ thời độc lập, khái niệm thống nhất là bản năng sinh tồn của một quốc gia đa chủng tộc. Ðường hướng xây dựng của chế độ quân phiệt do Tướng Ne Win lãnh đạo từ năm 1962 là “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Miến Ðiện,” thực chất là chế độ cộng sản qua tên nước được đổi thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Miến Ðiện Thống Nhất.” Vì vậy, xứ Miến Ðiện giàu có của Ðông Nam Á lụn bại dần và trôi vào khủng hoảng.

Năm 1988, Tướng Saw Maung lại tiến hành đảo chánh và lập ra “Hội đồng Vãn hồi Luật pháp và Trật tự” để cai trị Miến Ðiện bằng chế độ thiết quân luật (kỷ luật sắt), dưới tên mới mà cũ là Miến Ðiện Thống Nhất, Union of Myanmar, kể từ năm 1989. Khái niệm “thống nhất” vẫn là động lực quan trọng nhất, dù đường hướng đã xa dần tinh thần xã hội chủ nghĩa. Chế độ mới cũng tiến hành dân chủ hóa với việc tu chỉnh Hiến Pháp và tổ chức bầu cử năm 1990 mà rồi hốt hoảng khi đối lập dân chủ thắng lớn. Bà Aung San Suu Kyi bị tống giam cùng các lãnh tụ của Liên Ðoàn Quốc Gia Cho Dân Chủ.

Phải hai chục năm sau, sự chuyển hóa mới tiếp tục kể từ 2009 và qua bước ngoặt là năm 2011.

Nhưng hậu quả bất ngờ là khi vòng đai sắt được gỡ bỏ thì xung đột chủng tộc lại bùng nổ ở nhiều nơi. Ðáng chú ý nhất là mâu thuẫn gay gắt giữa dân Rohingya Hồi Giáo và dân Phật-Miến khiến gần 200 người thiệt mạng vào năm 2012.

Người ta thấy ra một yếu tố then chốt là mâu thuẫn giữa một thiểu số theo Hồi Giáo với đa số Phật-Miến được nung nấu bởi tinh thần dân tộc. Trong một giai đoạn quá lâu, tư tưởng Phật Giáo và phản ứng quốc gia là điểm tựa cho chế độ quân phiệt và giới lãnh đạo Miến Ðiện không mấy chú ý đến số phận của người theo đạo Hồi. Nhiều khi các tướng lãnh còn khai thác phản ứng kỳ thị Hồi Giáo trong quần chúng để củng cố quyền lực của mình.
Khi hệ thống quyền lực ấy loãng dần, sự quật khởi của dân Hồi Giáo Rohingya lại dẫn đến phản ứng hung bạo của dân Phật-Miến và oán thù lại chuốc thêm oán thù.

Trong hoàn cảnh ấy, chẳng những các tướng lãnh đều có thái độ thụ động mà bà Aung San Suu Kyi cũng giữ im lặng và bị chê trách là không tranh đấu cho nhân quyền, không phê phán tội bạo động của dân Phật-Miến. Ý thức thống nhất và nguyên tắc dân chủ trở thành hai động lực trái ngược và là thảm kịch của Miến Ðiện ngày nay.

Thảm kịch đó nay cũng đã vượt biên ra ngoài.

Hậu quả quốc tế của xung đột Phật-Hồi

Hồ Sơ Người Việt không bàn về giáo lý nhà Phật, dù là Nam Tông hay Bắc Tông, hoặc Ðại Thừa hay Tiểu Thừa. Cũng không xét tới giáo luật của đạo Hồi, theo hệ phái Suni hay Shia hoặc Sufi, v.v... Nội dung ở đây là những mâu thuẫn chính trị và an ninh xuất phát từ khác biệt về tôn giáo và sắc tộc tại Miến Ðiện.

Chính quyền trung ương tại thủ đô Naypyitaw của Miến Ðiện đang gặp bài toán lưỡng nan, cả hai mặt đều khó, nhưng chính là sự thụ động ở bên trong đã gây vấn đề cho các lân bang.

Các quốc gia này đều có thể gặp khó khăn nội bộ về mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo, như Ấn Ðộ, Bangladesh, Thái Lan, Malaysia, hay Philippines và Indonesia khiến họ phải duy trì một chánh sách quân bằng tế nhị và bất ổn giữa nhu cầu thống nhất của trung ương và đòi hỏi dân quyền lẫn tự trị của các sắc dân hay tôn giáo thiểu số.

Ngần ấy quốc gia đều cố gắng phát huy dân chủ và muốn hỗ trợ phong trào dân chủ tại Miến Ðiện. Nhưng khi chính quyền trung ương Miến Ðiện không giải quyết được bài toán hội nhập của mình mà để dân tỵ nạn Hồi Giáo Rohingya túa chạy qua xứ khác thì đấy lại mà mầm bất ổn phụ trội cho các nước láng giềng. Và là cơ hội cho khuynh hướng Hồi Giáo cực đoan ở những nơi xa hơn.

Như năm ngoái, khi bạo động bùng nổ tại bang Rachine, hai lực lượng Hồi Giáo quá khích là Hezbollah tại Trung Ðông và Taliban ở Trung-Nam Á đã ra tuyên cáo lên án Miến Ðiện là thi hành chính sách “thanh tẩy chủng tộc” và hăm dọa sẽ tấn công các cơ sở Miến Ðiện. Dù rằng các nhóm khủng bố này có nhiều ưu tiên cao hơn là đặt bom phá hoại xứ Miến hay các trụ sở ngoại giao của chính quyền Naypyitaw, lập trường quá khích này có thể là nguồn cổ võ cho những phần tử tuyệt vọng và hung bạo nhất trong cộng đồng Hồi Giáo Rohingya.

Tại Ðông Nam Á thì chuyện ấy đã xảy ra.

Ðầu Tháng Năm vừa qua, tòa Ðại Sứ Miến Ðiện tại thủ đô Jakarta của Indonesia bị gài bom. Người ta nghi ngờ bàn tay của giáo sĩ Abu Bakar Bashir. Ðương sự là kẻ chủ mưu vụ khủng bố tại Bali vào Tháng Mười năm 2002, và sau biến động tại Rachine thì kêu gọi dân Hồi Giáo cực đoan xuống đường biểu tình tại Indonesia để mở ra một cuộc Thánh Chiến chống Miến Ðiện!

Người ta cũng không quên rằng nhiều nước Á Rập Hồi Giáo tại Trung Ðông đã tung tiền thành lập trung tâm quảng bá Hồi Giáo theo hệ phái Sunni tại các nước Ðông Nam Á. Trong số này, có nhiều nơi cổ xúy tinh thần ly khai, tự trị và thậm chí nhiều lý luận khá cực đoan của đạo Hồi, chứ không ôn hòa như Hồi Giáo Á Châu.

Ðã vậy, Vương quốc Saudi Arabia còn có gian ý hối lộ các xu hướng cực đoan nhất để họ hoạt động bên ngoài lãnh thổ Saudi và đừng tấn công vào chính quyền của Hoàng Gia Saudi. Osama bin Laden là một điển hình vì là người Saudi đã phát triển cơ sở khủng bố ở nơi khác.

Bây giờ, xung đột chủng tộc và tôn giáo tại Miến Ðiện gián tiếp đẩy ra một thành phần Hồi Giáo bất mãn và tuyệt vọng. Ðấy là nguồn nhân lực cho các nhóm khủng bố hay “dân quân tự trị” theo chủ nghĩa “Thánh Chiến” của đạo Hồi tại Á Châu. Hậu quả gián tiếp là phản ứng phòng thủ của các nước Ðông Nam Á khiến cho Miến Ðiện càng khó mở ra ngoài. Và gây thêm trở ngại cho phong trào dân chủ Miến Ðiện.

Kết luận?

Nếu nhìn lại, người ta thấy ra những khó khăn chồng chất của Miến Ðiện - hoặc của xứ Thổ Nhĩ Kỳ, như Hồ Sơ Người Việt đã đề cập tuần trước.

So sánh thì vấn đề của Việt Nam lại đơn giản hơn nhiều. Vậy mà Miến Ðiện vẫn cố chuyển hóa trong khi lãnh đạo Hà Nội thì cố thủ. Và lui dần vào vòng tay của Bắc Kinh.

---------------------------------------------

CÁC TIN KHÁC  :




No comments:

Post a Comment

View My Stats