Saturday 1 June 2013

XỬ PHÚC THẨM THANH NIÊN CÔNG GIÁO & TIN LÀNH : GIẢM ÁN hay VÔ TỘI ? (Huyễn Trang - VRNs)




Huyền Trang, VRNs
Đăng bởi lúc 2:20 Sáng 2/06/13

VRNs (02.06.2013) – Sài Gòn – Theo Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, C.Ss.R cho biết, việc giảm án tại phiên tòa phúc thẩm, nhà cầm quyền cố tình tạo cảm giác rằng các TNCG và TL là những người có tội và nhà cầm quyền đang thực hiện một chính sách nhân đạo là giảm án cho 4 anh Lê Sơn, anh Xuân Anh, anh Văn Oanh và anh Văn Duyệt. Nhưng đúng với bản chất là phải thả họ ngay tại tòa và phải đền bù danh dự cho họ vì đã giam giữ họ trong một thời gian dài. Phải đền bù chứ không phải là vấn đề giảm án. Những bản án này chỉ có thể thực sự được thay đổi, được tuyên các anh TNCG và TL là vô tội khi chính sách của nhà cầm quyền thay đổi về cách lãnh đạo đất nước và khi chính sách của nhà cầm quyền thay đổi trong mối tương quan với nhân dân.

Phiên tòa phúc thẩm của các anh TNCG và TL vào ngày 23.05.2013 vừa qua, gồm có 8 anh kháng án, trong đó 4 anh vẫn y án là anh Đức Hòa, anh Đình Cương, anh Minh Nhật và anh Văn Dung, và 4 anh được giảm án anh Lê Sơn, anh Xuân Anh, anh Văn Oanh và anh Văn Duyệt.

Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Phóng viên VRNs với Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, C.Ss.R. Hoặc Quý vị có thể nghe cuộc phỏng vấn trong Chương trình VNTQ của Truyền Thông Chúa Cứu Thế.

VRNs: Thưa Cha, Cha đánh giá như thế nào về kết quả bản án của các anh TNCG và TL?
Lm Antôn Lê Ngọc Thanh: Tường thuật của luật sư Vương Thị Thanh và luật sư Hà Huy Sơn từ phiên tòa cho thấy, bầu khí tổ chức tố tụng có vẻ thoải mái hơn, các luật sư được quyền tranh luận nhiều hơn. Tuy nhiên, các bản án là điều mà các luật sư không đồng tình vì tất cả các luật sư điều thấy thân chủ của mình vô tội, nhưng tòa án vẫn kết án là có tội. Tôi thấy nhận xét của các luật sư như vậy là chính xác.

VRNs: Thưa Cha, việc làm của các anh TNCG và TL là vô tội, việc giam giữ các anh TNCG và TL dù chỉ một ngày cũng vi phạm đến pháp luật, vậy việc nhà cầm quyền giảm án cho các anh Lê Sơn, Văn Duyệt, Xuân Anh và Văn Oanh nhằm mục đích gì?
Lm Antôn Lê Ngọc Thanh: Vấn đề giảm án có hai điều chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất, khi nhà cầm quyền giảm án thường là, họ thấy họ xử sai để kết án sai, thì bây giờ họ xử cho đúng hơn và giảm án. Đó là một cách thức rất bình thường của một phiên tòa, của một tiến trình tố tụng. Nhưng vấn đề lớn ở đây là những hành vi được gọi là hành vi cấu thành tội phạm theo điều 79, là tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Xét về các hành vi của các anh TNCG và TL do chính bản cáo trạng của viện kiểm sát đưa ra, thì đến giờ phút này tôi thấy không có tội. Bởi vì, tất cả các lý do đưa ra ví dụ như, các anh TNCG và TL có tham gia một khóa đào tạo về đấu tranh bất bạo động. Đã nói là bất bạo động thì làm sao nói là lật đổ chế độ được. Hoạt động bất bạo động là hoạt động ôn hòa, là hoạt động cả thế giới khuyến khích nên không thể kết tội được.
Thứ hai, nhà cầm quyền nói, mấy anh TNCG và TL tham gia Đảng Việt Tân hoặc một tổ chức chính trị nào đó, thì theo Hiến pháp 69 công dân có quyền tự do hội họp và lập hội, tức là công dân được quyền tham gia. Ở VN không có luật về Đảng nhưng Hiến pháp có quy định về điều này, nên không có luật vẫn được quyền theo Hiến pháp mà làm. Vì thế, nhà cầm quyền nên thay đổi cách suy nghĩ. Hiến pháp là điều quan trọng nhất và ràng buộc mọi người phải làm, còn luật pháp là có thể cụ thể hóa của một điều nào đó trong Hiến pháp. Nếu trong trường hợp không cụ thể hóa nó thì Hiến pháp đó tự nhiên phải thực hiện đúng như vậy và được quyền làm đúng như vậy.
Do đó, việc giảm án tại phiên tòa vừa rồi, nhà cầm quyền cố tình tạo ra một cái cảm giác rằng, những người này có tội. Nhưng đúng với bản chất là phải thả họ ngay tại tòa và phải đền bù danh dự cho họ vì giam giữ họ trong thời gian quá lâu. Phải đền bù chứ không phải là vấn đề giảm án. Tôi nghĩ là như vậy.

VRNs: Thưa Cha, trong những ngày vừa qua, cộng đồng mạng quan tâm đến việc giảm án cho 4 anh TNCG và TL, đặc biệt là anh Paulus Lê Sơn. Có người cho rằng đó là hợp lý, hoặc có người cho rằng việc đó không hợp lý và gây ra sự hoang mang. Thưa Cha, điều này có ý nghĩa như thế nào dưới góc độ truyền thông?
Lm Antôn Lê Ngọc Thanh: Điều thứ nhất, việc giảm án cho Lê Sơn theo bản án vừa rồi từ 13 năm xuống còn 4 năm, tức giảm 9 năm, điều này gây ngạc nhiên cho mọi người. Ngạc nhiên, bởi vì, tại sao người ta có thể làm sai đến mức độ như vậy, nếu được gọi là một bản án có tội thì một hình phạt từ 4 năm mà có thể độn lên 13 năm. Một tòa án như thế này thì khủng khiếp lắm! Một sự oan sai rất khủng khiếp! Ai mà rớt vào trường hợp này chỉ có mà chết thôi!
Điều thứ hai, trong hoàn cảnh của Lê Sơn, anh tham gia một khóa huấn luyện về an ninh điện tử và anh có tham gia một hoạt động nào khác, mà tôi chưa kiểm chứng được chỉ nghe luật sư Hà Huy Sơn nói là anh có tham gia Đảng Việt Tân. Nhưng cho đến khi anh Sơn bị bắt thì chưa bao giờ anh Sơn nói cho tôi biết là anh Sơn có tham gia Đảng Việt Tân. Giả sử nếu anh Lê Sơn có tham gia Đảng Việt Tân và anh tham gia một khóa học về an ninh điện tử, thì cả hai điều này đều không có tội. Nên việc giảm án cho Lê Sơn là một cách thức nhà cầm quyền nói với mọi người rằng, anh Sơn có tội và bây giờ nhà cầm quyền đang thực hiện một chính sách nhân đạo. Nhưng đứng về mặt luật pháp là sai. Nhân đạo, nhà cầm quyền có thể giúp người ta cách khác chứ không thể giảm án. Một người không có tội mà nhà cầm quyền cố gắng quy kết cho một án có tội, để hợp thức hóa việc giam giữ trái phép của nhà cầm quyền. Đây là tình trạng không thể chấp nhận được.
Về dư luận, có người cho rằng việc giảm án là đúng và có người cho rằng giảm án là sai. Tôi nghĩ rằng, những người cho giảm án là đúng thì họ có một cái nhìn hơi thiên về vấn đề và cho rằng đây là những người có tội. Thật ra các anh TNCG và TL này không có tội. Những người phản ứng chống lại bản án, có thể chia ra làm hai nhóm nhỏ. Có nhóm nói rằng các anh TNCG và TL này không có tội, nên không thể kết án và không có chuyện giảm án thì nhóm này là đúng. Có nhóm nói là có tội nhưng giảm án như thế này là quá nhiều. Những người đó là những người không chịu nghiên cứu kỹ về pháp luật, để hiểu rõ giá trị và quyền làm người của chúng ta với tư cách là công dân tại VN. Nên, đây có thể xem như là một cách thức hợp thức hóa một bản án sai trái của nhà cầm quyền, nhưng những người tham gia trên mạng đã không tỉnh táo để nhận thấy điều này và bắt đầu trở nên những cuộc tranh luận đối đầu với nhau là giảm án nhiều hay giảm án ít, đúng ra phải là một cuộc tranh luận tại sao vẫn còn án mà không trắng án. Mới là điều quan trọng!

VRNs: Thưa Cha, vào ngày 22.05.2013, 4 tổ chức NGO đã ký tên Bản kiến nghị yêu cầu trả tự do cho các anh TNCG và TL và gửi đến chính phủ VN, thì nó tác động như thế nào đến phiên tòa phúc thẩm của các anh TNCG và TL?
Lm Antôn Lê Ngọc Thanh: Thật ra việc làm của 4 tổ chức NGO là kêu gọi thả tự do ngay cho các anh TNCG và TL tại Nghệ An và nhiều tổ chức khác cũng lên tiếng như Tổ chức Nhà báo Không Biên Giới đã có tác động rất lớn về mặt thay đổi chính sách của nhà cầm quyền, bởi vì nhà cầm quyền biết rằng việc làm sai trái của nhà cầm quyền được nhiều người biết và được nhiều người lên tiếng. Nhưng cụ thể trong việc tác động như thế nào vào bản án thì tôi cho rằng là không có tác động trực tiếp vào bản án, bởi vì những bản án này chỉ có thể thực sự được thay đổi, được tuyên là vô tội khi chính sách của nhà cầm quyền thay đổi về cách lãnh đạo đất nước và khi chính sách của nhà cầm quyền thay đổi trong mối tương quan với nhân dân. Hiện nay, đảng cầm quyền đang duy trì một hệ thống độc đảng duy nhất, mặc dù Hiến pháp công nhận có sự tồn tại và quyền tự do của công dân được tham gia các đảng phái khác, thậm chí lập các đảng phái khác, nhưng nhà cầm quyền vẫn lờ đi, coi như việc đó không có. Vì vậy, các Tổ chức này và nhiều tổ chức khác đang lên tiếng, đang tác động rất mạnh với nhà cầm quyền, để nhà cầm quyền nhận ra rằng nhà cầm quyền đang làm sai và cái làm sai trái của nhà cầm quyền không còn dấu đằng sau lưng, mà bắt đầu được trưng ra cho mọi người trên thế giới đã thấy.

VRNs: Thưa Cha, các tổ chức NGO và các tổ chức khác có nên tiếp tục lên tiếng trong trường hợp của các anh TNCG và TL cũng như các trường hợp tương tự không?
Lm Antôn Lê Ngọc Thanh: Tôi nghĩ rằng, rất cần có sự lên tiếng, bởi vì sự lên tiếng của các tổ chức cho các trường hợp cụ thể có thể mang lại tác động cho các trường hợp cụ thể này rất nhỏ, nhưng nó sẽ tác động vào công cuộc chung để thay đổi nền tư pháp và thay đổi tầm nhìn chính trị ở VN rất cần. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của các tổ chức quốc tế và các tổ chức NGO trong nhiều trường hợp vừa qua đã lên tiếng. Những lần lên tiếng như vậy đã làm cho chính những người công an cho đến chính những người của viện kiểm sát và tòa án, khi họ cứ hành xử như trước đây thì họ cảm thấy rằng họ đang hành xử một cách bất minh và không có bình an, vì họ biết rằng họ đang làm sai. Điều này là điều thành công và có giá trị rất lớn của các tổ chức quốc tế và NGO đã lên tiếng cho vấn đề bảo vệ những người bị tù vì tội đấu tranh cho nhân quyền, vì những tội dấn thân cho hoạt động bảo vệ tổ quốc chống lại Trung Quốc.

VRNs: Xin cám ơn Cha.

Huyền Trang, VRNs




No comments:

Post a Comment

View My Stats