Thursday, 20 June 2013

VIỆT NAM : LÀNG BÁO & NHỮNG RỐI RẮM (Radio Australia)




Cập nhật lúc 20 June 2013, 15:23 AEST

Ở Việt Nam báo chí vẫn nằm trong tay nhà nước. Tuy nhiên làng báo đang lùng nhùng với việc vi phạm bản quyền, nhiều công ty đứng ra làm báo và chú trọng thông tin giật gân.

Ở Việt Nam người viết báo luôn phải biết tự mình kiểm duyệt (Credit: ABC) 

Những rối rắm trong làng báo trong nước có nguyên nhân từ kẻ hở của phát luật, luật pháp không được tôn trọng, tuân theo chỉ thị miệng, v.v… và sự phát triển nhanh của công nghệ.

Cạnh tranh trong làng báo

Khoảng hơn chục năm về trước, khi các trang thông tin điện tử (TTĐT) ra đời, chúng đã được nhiều tờ báo hoan nghênh vì họ làm tăng lượng người biết về thông tin, tăng uy tín của tờ báo.
Khi một tin mới xuất hiện có tính nóng các trang TTĐT thực hiện ngay copy, hoặc điểm tin. Chính nhờ lượng thông tin rất phong phú được copy, dẫn nguồn từ nhiều báo, nên nhiều trang thông tin thu hút lượng người đọc lớn hơn các báo chính thống. Gần đây nhiều báo đã phản đối hành động trên và dọa sẽ đưa nhau ra tòa. Tuy nhiên vẫn chưa có vụ kiện nào diễn ra. Và nếu có bị phạt cũng quá nhỏ so với lợi nhuận họ mang về được.

Ông Ngô Văn Hải, tổng biên tập báo điện tử VTC News nói: “Để tờ báo hoạt động phải đầu tư hàng chục tỷ đồng duy trì đội ngũ phóng viên, biên tập viên sản xuất tin bài. Phóng viên vật lộn bằng mồ hôi, trí tuệ mới có được sản phẩm. Thực chất đây là hành động ăn cắp.”

Thạc sĩ Phan Văn Tú, giảng viên khoa báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh giải thích: “Nhiều trang TTĐT dành thông tin cho việc dẫn nguồn quá khiêm tốn. Can thiệp biên tập lại bài theo hướng bạn đọc như do chính mình sản xuất. Quan trọng nhất là các trang này đã khai thác quảng cáo cạnh tranh trực tiếp với các báo và câu chuyện trở thành việc sao chép.

Theo Thạc sĩ Tú: “Các trang TTĐT làm cho thông tin lan tỏa về mặt nào đó cũng làm cho báo chí phát triển, nhưng niềm tin của công chúng vào báo chính thống yếu đi. Tuy nhiên, các trang này buộc các tờ báo lớn tiếp cận gần hơn với xu thế báo chí tư nhân và tìm cách để khẳng định tên tuổi của mình.”

Báo nhà nước ‘bán mình’ cho tư nhân

Việt Nam khẳng định rõ ràng không cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Tuy nhiên thực tế hiện nay điều này đã không thể đúng. Các trang TTĐT ban đầu chỉ lấy lại tin bài, dần lấn sang biên tập, tổng hợp tin bài theo hướng của mình và cuối cùng đầu tư vào các báo để sản xuất tin tức.
Để thuận tiện trong việc sản xuất tin bài, năm 2012, ‘đại gia’ 24h.com.vn, thuộc Công ty cổ phần quảng cáo 24h đã đầu tư vào tạp chí Khám Phá của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Từ một tạp chí xuất bản mỗi tháng một số in, Khám Phá đã nhanh chóng biến thành tờ báo mạng nhiều người biết.

Thái Ngọc, một phóng viên đã có thời gian làm việc tại đây kể: “Mang danh phóng viên của Khám Phá, nhưng việc phỏng vấn, trả lương, nhuận bút đều do đơn vị chủ quản trang 24h chi trả. Việc nộp báo cáo, chỉ đạo sản xuất tin bài đều do phòng nội dung của trang 24h chỉ đạo. Người phụ trách nội dung công ty 24h được bổ nhiệm những chức danh cao trong tờ báo. Tòa soạn thực tế nằm tại 24h. Tin, bài đưa cùng lúc lên hai trang khampha.vn và 24h.com.vn, nhưng tại trang 24h luôn có được dẫn nguồn ‘khampha.vn’.”

Giấy giới thiệu phóng viên của tạp chí Khám Phá dễ dàng được cấp tại tòa soạn Khám Phá, hoặc văn phòng công ty 24h bất cứ lúc nào. Hằng tuần ngoài những tin bài phục vụ cho trang 24h, phóng viên cũng phải thực hiện ‘nghĩa vụ’ một số tin bài khoa học cho Sở Khoa học và Công nghệ. Sự hợp tác này đôi bên cùng có lợi, từ tờ báo ‘nghèo’ thông tin trở thành tờ báo có lượng thông tin phong phú, nhiều người biết đến. Chủ đầu tư cũng chủ động hơn việc sản xuất tin tức sử dùng cho trang TTĐT của mình.

Đây cũng là cách làm mà trang ‘news.zing.vn’ đang thực hiện với báo Bưu Điện, với trang báo điện tử ‘infonet.vn’, của Bộ Thông tin và Truyền thông. ‘Soha.vn’, ‘kenh14.vn’, ‘cafef.vn’, ‘afamily.vn’ của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam đầu tư vào báo điện tử Tri Thức Trẻ (ttvn.vn), của Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam.

Dễ làm đến mức một ‘đại gia’ khác trong ngành phát hành báo chí tại Sài Gòn cũng đang đầu tư vào nhiều tờ báo và tạp chí nhà nước để kinh doanh, bán báo. Nhà đầu tư chỉ thuê vài nhà báo giỏi chỉ đạo sản xuất thông tin theo hướng ‘cướp, hiếp, giết, sốc, tò mò, sex, sao’... Có đến hàng chục tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình nhà nước đã ‘bán mình’ theo các này.

Tự do kiểu Việt Nam

Cả nước đang có 812 cơ quan báo in, với 1084 ấn phẩm, 336 mạng xã hội, 1174 trang thông tin điện tử tổng hợp, 67 đài phát thanh, truyền hình. Gần 17.000 người được cấp thẻ làm báo. Các cơ quan chức năng, lãnh đạo của Việt Nam, thường đưa ra con số này để nói về tự do báo chí của mình. Trong khi đó các cơ quan báo và những người làm báo đang hoạt động như thế nào lại không được nói đến.

Hằng tuần các lãnh đạo tòa soạn, văn phòng đại diện tại Hà Nội và Sài Gòn phải có cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy, Bộ Thông tin-Truyền thông và cơ quan an ninh.

Thực tế những cuộc họp này có tính định hướng thông tin tuyên truyền có lợi cho đảng, Nhà nước. Điều này được khẳng định rõ, “báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng và nhà nước”. Báo nào làm tốt thì biểu dương, sai phạm tùy mức độ mà nhắc nhở hay xử phạt. Tạp chí Khám Phá sau khi ‘bán mình’ cho 24h nhiều lần đã bị ‘thổi còi’ vì thông tin ‘lá cải’ hóa, chú trọng vào sex, sao, giật gân trong các cuộc họp này.

Những cuộc họp giao ban có tính bảo mật cao, tuy nhiên thỉnh thoảng thông tin vẫn bị lọt ra ngoài. Như trước phiên tòa xét xử Cù Huy Hà Vũ có chỉ đạo “không đưa học vị tiến sĩ và luật sư khi nhắc đến ông”, không đưa việc diễn viên Hồng Ánh tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hay không được đề cập đến nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận…

Cùng với hoạt động chỉ đạo đó, những lãnh đạo các tờ báo Việt Nam không lạ với chỉ đạo từ những cuộc điện thoại, tin nhắn và cả những văn bản không con dấu, không người ký.


No comments:

Post a Comment

View My Stats