Thursday 20 June 2013

TÍNH HAI MẶT CỦA TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (Võ Thái - Radio Australia)




Võ Thái - Radio Australia
Cập nhật lúc 19 June 2013, 15:17 AEST

Pháp luật Việt Nam luôn cam kết về tự do tôn giáo. Nhưng trên thực tế nhiều tu sĩ bị cản trở trong việc hành đạo, có vị chức sắc bị giam lỏng, cầm tù và bị khép vào các tội danh khác nhau. 

Điều 70 hiến pháp Việt Nam khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.

Vi phạm từ chính sách

Giải thích về các căng thẳng giữa chính quyền với tôn giáo, bộ Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định: “Việt Nam có chính sách tốt về tự do tôn giáo. Do một vài địa phương chính quyền không tuân thủ đúng nên dẫn đến các vấn đề nghe có vẻ như không có tự do tôn giáo. Và đa số căng thẳng liên quan đến tôn giáo do tranh chấp về đất đai”.

Tuy nhiên, theo linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, phụ trách truyền thông dòng Chúa Cứu Thế: “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo ngay từ chính sách. Pháp lệnh “về tín ngưỡng, tôn giáo” năm 2004 và các Nghị định 22 năm 2005, Nghị định 92 năm 2012 ngay tên gọi đã mất chữ “tự do”. Thực tế các quy định luật pháp đưa ra không phải vì mục đích đảm bảo tự do tôn giáo cho công dân, mà nhằm vào việc quản lý tôn giáo của nhà cầm quyền”.

Linh mục Thanh chỉ ra: “Đào tạo tu sĩ, giáo sĩ là việc nội bộ của tôn giáo, nhưng chỉ nơi nào nhà nước cho phép mới được mở trường. Phải học môn lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam và giáo dục quốc phòng với giảng viên do nhà nước cử đến.”

Đến ứng viên đi học tại các chủng viện phải được công an xét duyệt. Học xong phải được đồng ý có đạo đức tốt mới được phong chức. Ngay cả việc bổ nhiệm các giám mục tòa thánh Vatican cũng phải thỏa thuận với nhà nước Việt Nam. Nếu họ không đồng ý phải thay thế bằng một ứng viên khác.

“Tự do giả hiệu”

Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn trình bày: “Sau biến cố năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị chính quyền chủ trương triệt hạ ngay từ đầu. Các thầy thuộc đội ngũ lãnh đạo chính thống, truyền thừa, kết tinh bị triệt tiêu, nhiều vị bị tù đày, quản chế.

“Dưới chế độ này chỉ có tự do tôn giáo giả hiệu, chứ không có tự do tôn giáo thực sự. Chỉ những ai nghe lời nhà nước mới được cử đến cai quản, coi sóc chùa. Tại chùa họ truyền bá chủ trương của nhà nước đến phật tử và thực hiện lễ nghi tôn giáo. Có vị ngày sinh hoạt tôn giáo, nhưng tối lại sinh hoạt đảng, sinh hoạt đoàn, có chi bộ riêng của chức sắc tôn giáo”.

Hiện nay cán bộ giả vai tu sĩ Phật giáo để ‘đánh’ Công giáo và ngược lại không ít. Mục đích gây nên sự thù nghịch, chia rẽ giữa các tôn giáo. Do vậy, các tôn giáo thực hiện các hoạt động liên tôn, đoàn kết với nhau, tương trợ bênh vực trước sự đàn áp tôn giáo. Vừa rồi chức sắc của 5 tôn giáo cùng ngồi lại với nhau và ra tuyên bố chung để cho chính quyền thấy các tôn giáo không thù ghét nhau.

Lãnh đạo Phật giáo cho rằng nếu Việt Nam có tự do tôn giáo thì nhà nước đã không giam cầm đức đệ tứ tăng thống Thích Huyền Quang đến chết. Đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ hiện đang bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện. Nhiều vị sư đang bị giam lỏng tại chùa như hòa thượng Thích Thanh Quang ở chùa Giác Minh ở Đà Nẵng, hòa thượng Thích Viên Định ở chùa Giác Hoa…

Không thể có tự do khi các chùa của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trên cả nước bị canh gác, cô lập, bao vây, phong tỏa, ngăn cản trong việc hành đạo. Trong những ngày lễ như Phật đản vừa rồi, công an vào chùa quay phim, hăm he làm cho phật tử thấy sợ mà xa lánh chùa.

Làm khó tùy nơi

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo hoặc bỏ đạo. Đây là việc làm bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo báo cáo về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ về Việt Nam trong năm 2012, “nhiều làng xã ở Tây Bắc cán bộ địa phương cố gắng thuyết phục các tín đồ theo đạo Tin lành người H’mông cải đạo. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích các già làng, trưởng bản thuyết phục họ hàng, con cháu của mình bỏ đạo Thiên chúa và quay trở lại với tín ngưỡng truyền thống.”

Các nhóm tôn giáo không đăng ký, hoặc chưa được công nhận luôn đối mặt với các hành động sách nhiễu, cưỡng chế, ngăn cản của chính quyền các cấp. Tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp những tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống thường xuyên bị gây phiền hà. Trong năm 2012 hai cha con ông Bùi Văn Thâm và Bùi Văn Trung đã bị bắt giữ.

Mục sư Nguyễn Công Chính bị cáo buộc “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc” do ông trả lời các hãng truyền thông nước ngoài về các đề tài tôn giáo chính trị đã bị xử 11 năm tù giam. Mới đây tu sĩ Thạch Thoul của Phật giáo Khmer Krom tại Sóc Trăng bị buộc phải hoàn tục. Tu sĩ Thạch Thoul bị kết tội do có quan hệ và gửi các báo cáo về vi phạm nhân quyền cho các tổ chức và truyền thông nước ngoài.

Chính sách tôn giáo tùy địa phương có nơi chính quyền ngầm chấp nhận vào hoạt động của các nhóm không đăng ký, nhưng nơi khác lại bị hạn chế.

Võ Thái



No comments:

Post a Comment

View My Stats