Friday, 21 June 2013

VIỆT NAM KHÁC VỚI PHI VÀ NHẬT, NẾU TRUNG -VIỆT KIỂM SOÁT ĐƯỢC VA CHẠM TRÊN BIỂN THÌ NAM HẢI[i] SẼ RẤT KHÓ LÒNG BỊ LÀM RỐI (Mạng quân sự Trung Quốc)





Người dịch: XYZ
Posted by basamnews on June 22nd, 2013

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Trung Quốc đã trở thành cơ hội quan trọng khơi thông vấn đề Nam Hải cùng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước ở tầng cấp cao. Thông cáo báo chí về cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Trương Tấn Sang cho thấy, lãnh đạo hai nước đã đi đến một vài sự đồng thuận, khả năng Trung Quốc và Việt Nam giải quyết tranh chấp lãnh thổ được một cách hòa bình là có thật.   

Trung Quốc hiện đang có va chạm trên biển với cả Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, phạm vi lãnh thổ liên quan tới tranh chấp Trung-Việt trong đó là lớn nhất, tổng cộng có 29 hòn đảo cùng vùng biển có liên quan.  Mà trong số 3 nước này, Việt Nam lại là nước tốt nhất để cùng với Trung Quốc mở ra cơ sở đàm phán chính trị. Nếu như Trung-Việt có thể làm giảm bớt và cuối cùng kiểm soát được cường độ và phạm vi va chạm trên biển, nhằm hình thành nên một xu thế không thể nghịch chuyển về việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thì Philippines sẽ rất khó lòng làm rối Nam Hải thêm được nữa, tình hình tranh chấp trên biển xung quanh Trung Quốc sẽ xuất hiện một cục diện mới. 

Trở ngại lớn nhất cho việc giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình giữa Trung Quốc và Việt Nam là sự khác biệt tương đối xa trong nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, cả hai nước đều khó lòng đưa ra sự nhượng bộ thực chất. Song điều kiện có lợi cũng vẫn có một cách rõ ràng, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất trên thế giới ở cạnh nhau, đang đối mặt với cùng một nhiệm vụ mở cửa cải cách, phát triển kinh tế nhà nước. Những nan đề và rủi ro chính trị chủ yếu của Trung Quốc và Việt Nam cũng hết sức giống nhau, nhu cầu về sự chặt chẽ trong quan hệ thương mại, về sự hợp tác chiến lược, đặc biệt là nhu cầu phải dựa dẫm vào Trung Quốc về mặt chính trị của Việt Nam, lâu nay vẫn lớn hơn sức mạnh phân cắt mối quan hệ hai nước trong tranh chấp lãnh thổ.

Việt Nam mấy năm qua đã bộc lộ động hướng “lôi kéo Mỹ kiềm chế Trung Quốc”, song chiến lược này của Việt Nam không thể đi được xa giống như Philippines và Nhật Bản. Việt Nam đối với Mỹ chỉ có thể là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau, Việt Nam không dám và cũng không có cách gì lao vào vòng tay của Mỹ được một cách hoàn toàn.  

Trung Quốc và Việt Nam vừa phát sinh xung đột trên biển, lại vừa từng có chiến tranh biên giới, những ký ức này đều tác động đến sự suy xét của Việt Nam về hơn thiệt trong chính sách đối với Trung Quốc. Mấy năm qua, Việt Nam không hề có sự đối lập ngoại giao toàn diện với Trung Quốc giống như Philippines, mà luôn kiên trì “hữu hảo với Trung Quốc”, những nguyên nhân nằm trong đó là hết sức phong phú và cũng ổn định.      

Thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam trong những năm này là luôn tìm kiếm một sự cân bằng giữa vị thế có lợi trong tranh chấp lãnh thổ với việc duy trì hòa bình với xung quanh, chính sách cân bằng như vậy chắc hẳn sẽ phải duy trì lâu dài. Môi trường quốc tế của Trung Quốc đã khác xa với thập kỷ 70-80 thế kỷ trước, chúng ta lớn mạnh hơn, song môi trường tâm lý quốc tế phải đối mặt cũng trở nên mong manh hơn. Năng lực kỹ thuật kiềm chế kẻ tranh chấp lãnh thổ mạnh lên rất nhiều, song những rủi ro chính trị quốc tế mà chúng ta phải đối mặt vì thế cũng trở nên chưa từng có.

Nhìn chung, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có nguyện vọng và nhu cầu kiểm soát những va chạm trên biển giữa hai bên, cải thiện bầu không khí quan hệ giữa hai nước, gia tăng sự hợp tác thực sự. Mặc dù độ khó trong việc làm tốt sự tương tác như vậy giữa hai nước là rất cao, song nguyện vọng chiến lược nói trên trước tiên cần trân trọng lẫn nhau, làm mạnh lẫn nhau đã rất là quan trọng. Những thử nghiệm và nỗ lực như vậy là rất có giá đối với cả hai nước Trung-Việt.

Hãy nhìn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, diện tích tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước là rất lớn, Ấn Độ lại là cộng đồng thông đồng bén giọt trong truyền thông về tình cảm dân tộc, song sự kiểm soát va chạm của Trung Quốc và Ấn Độ tương đối thành công. Giữa Trung Quốc và Việt Nam lẽ ra đã có đủ điều kiện tốt hơn trong việc dùng đàm phán hòa bình để thay thế cho va chạm trên biển.

  Người Trung Quốc trước tiên phải biết giữ sự tự tin về việc chúng ta có quyền chủ động trong xử lý tranh chấp Nam Hải, ngoài ra, chúng ta nhất thiết phải làm rõ xem rút cuộc chúng ta muốn gì xung quanh vấn đề Nam Hải, nó có quan hệ như thế nào với Chiến lược quốc gia tổng thể của Trung Quốc, đồng thời cần làm rõ sự sắp xếp chiến lược các mục tiêu và nguyện vọng của mình, hơn nữa cần vạch rõ được đường đáy mà chúng ta sẽ phá vỡ sự sắp xếp này và dùng việc leo thang một vấn đề làm nổi rõ mục tiêu của quốc gia.    

  Vấn đề xung quanh Trung Quốc cực kỳ phức tạp, đó chính là vì sự can thiệp tới tấp của các nước lớn như Mỹ… Xét về quan hệ Trung-Việt, điều quan trọng nhất của Trung Quốc là giữ cho mình hoàn toàn tỉnh táo, đồng thời vận dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sự tỉnh táo cho Việt Nam. Nam Hải là thực lực của Trung Quốc, đồng thời cũng là đất dụng võ cho trí tuệ ngoại giao của Trung Quốc, chỉ có phối hợp sử dụng cả hai, thì Trung Quốc mới có thể trở thành “kẻ chiến thắng” ở Nam Hải và trong biến cục phức tạp của lực lượng toàn cầu.   


Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013 



[i]   Tức Biển Đông.



No comments:

Post a Comment

View My Stats