Friday 14 June 2013

VÌ SAO GIỚI CAI TRỊ QUÂN SỰ MIẾN ĐIỆN SẮP TRAO QUYỀN LỰC CHO NHÂN DÂN (The Economist)




Why Myanmar’s military rulers are giving power to the people
The Economist, 25/5/2013

14/06/2013

Quá trình chuyển tiếp của Myanmar [Miến Điện] diễn biến từ trên xuống. Hơn bất cứ điều gì khác, chính điều này khiến sự thay đổi này khác hẳn những biến động khác gần đây chẳng hạn như các cuộc cách mạng “quyền lực nhân dân” của mùa xuân Ả rập, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu và việc lật đổ Tổng thống Suharto của Indonesia. Vào những thời khắc trọng yếu, mối đe dọa của những cuộc phản kháng quần chúng đã đẩy nhanh quá trình này. Các cố vấn chính phủ [Myanmar] thú nhận rằng năm 2011 họ lo sợ một mùa xuân Ả rập nổ ra trên các đường phố Yangon. Quân đội đã tàn nhẫn trấn áp các cuộc phản kháng chẳng hạn như “cuộc cách mạng màu vàng [áo cà sa]” của giới sư sãi bị bỏ dở vào năm 2007, và cuộc khởi nghĩa vì dân chủ vào năm 1988 mà nhờ đó bà Suu Kyi lần đầu tiên được cả nước biết tới. Những cuộc phản kháng năm 1988 đã dẫn tới kỳ bầu cử năm 1990 với thắng lợi thuộc về Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD), nhưng chính phủ hủy bỏ kết quả. Tuy vậy, nhìn chung hiện nay Myanmar là một ví dụ hiếm hoi về một chế độ chuyên quyền đang tự thay đổi từ bên trong.

Đầu những năm 2000 có thể thấy rõ là một vài thập niên thực hiện “Con đường Miến Điện tiến tới Chủ nghĩa Xã hội” của [thủ tướng] Ne Win, cộng thêm vài thập niên theo chủ nghĩa tư bản bè phái của [tướng] Than Shwe đã đưa đất nước từng thịnh vượng vào cảnh bần hàn. Năm 2003, chính phủ phác thảo “lộ trình bảy bước tiến tới dân chủ”. Một hội nghị toàn quốc được tổ chức để dự thảo một hiến pháp mới, được thông qua đúng bài bản trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 2008. Kỳ bầu cử theo quy định của hiến pháp mới diễn ra năm 2010 và nhìn chung đã bị dàn xếp. Tổng thống mới, Thein Sein, nhậm chức vào tháng 3/2011. Thein Sein được chính người tiền nhiệm Than Shwe (có lẽ là người tàn nhẫn nhất trong các nhà độc tài quân sự của Myanmar) lựa chọn. Léon de Riedmatten, một công dân Thụy Sĩ từng làm việc cho nhiều tổ chức quốc tế ở Myanmar trong suốt những năm 2000, nói “chẳng có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, tất thảy đều theo đúng kế hoạch. Rõ ràng Than Shwe là kiến trúc sư của nền dân chủ hiện tại”.

Tuy nhiên, kiểu dân chủ mà Than Shwe và các phó tướng của mình hình dung lại khá khác biệt với cách phương Tây hiểu thuật ngữ này. Giới cai trị quân sự gọi phiên bản của họ là “nền dân chủ có kỷ cương” – một phiên bản trong đó quân đội vẫn nắm giữ nhiều quyền lực bất luận kết quả ra sao trong các kỳ bầu cử. Ý đồ của họ là cho phép người dân có tiếng nói chỉ vừa đủ để tranh thủ sự ủng hộ của những người chống đối quân đội trong nước và ở nước ngoài để tái thiết nền kinh tế điêu tàn của đất nước.

Thein Sein thực ra có công lớn khi nhận ra rằng quyền tự do bị hạn chế nghiêm ngặt sẽ không thuyết phục được Mỹ và Châu Âu bỏ cấm vận, mà cũng không giành được sự ủng hộ của bà Suu Kyi; vì vậy, khi lên nắm quyền ông đã đẩy mạnh các cải cách dân chủ nhiều hơn Than Shwe từng dự tính. Nhu cầu đã quá cấp bách. Ngay từ thời 1962, Myanmar, với nguồn tài nguyên dồi dào khoáng sản, gỗ giá tỵ, dầu khí, và lúa gạo, đã là một trong những nước giàu nhất trong khu vực, với lợi tức bình quân đầu người khoảng 670 Mỹ kim, gấp hơn ba lần so với Indonesia và gấp đôi Thailand. Tới năm 2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Myanmar có GDP bình quân đầu người thấp nhất Đông Nam Á (xem biểu đồ).


Đất nước này đã tụt hậu khá xa ngay trong giai đoạn những nước khác ở Châu Á có mức tăng trưởng kỷ lục. Sự tương phản giữa Myanmar và các nước láng giềng đã trở nên quá rõ rệt đến nỗi không thể không nhận thấy ở cả trong lẫn ngoài nước. Thein Sein rốt cuộc công khai công nhận rằng “vẫn còn có quá nhiều người vật vã với kiếp sống đói nghèo, làm không đủ ăn”.

Nhưng để tái thiết nền kinh tế, đất nước này cần phương Tây chấm dứt cấm vận. Myanmar đã trở nên phụ thuộc đến mức quá nguy hiểm vào Trung Quốc khát tài nguyên; khi phương Tây xa lánh Myanmar, Trung Quốc nhảy vào cuộc, thừa nước đục thả câu. Các công ty Trung Quốc xây đập nước, đường sá và đường ống dẫn dầu ở Myanmar, thường với mục đích duy nhất là vì lợi ích của giới tiêu thụ tại Trung Quốc.

Sau khi được tự do hành động trong thời gian dài, Trung Quốc bị sốc hồi tháng 9/2011 khi Thein Sein đột ngột đình chỉ đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ Mỹ kim ở bang Kachin, công trình xây dựng lớn nhất nước. Dường như ít ai ngờ vị tổng thống 68 tuổi, với vóc dáng hơi lom khom và hoàn toàn không có vẻ là một lãnh tụ có sức lôi cuốn mạnh, là một nhà tư tưởng độc lập, nhưng quyết định của ông về đập Myitsone khiến ông nổi bật hẳn so với vị tiền nhiệm Than Shwe (hiện nay ẩn mình, ít xuất hiện trước công chúng). Thein Sein muốn chấm dứt việc đất nước quá phụ thuộc vào Trung Quốc, và ông đã bắt đầu lắng nghe sắc dân Kachin, những người kịch liệt phản đối đập nước này.

Zhu Feng, giáo sư quốc tế học tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét rằng sự đổi ý về đập Myitsone “đã rung hồi chuông báo động” trong chính phủ Trung Quốc. Myanmar trở nên khó bảo, và chính Mỹ ở thế hưởng lợi nhiều nhất từ nỗi bất tiện của Trung Quốc khi chính phủ tương đối mới khi đó của Mỹ có vẻ như sẵn sàng hơn trong việc tái bang giao với nhà nước [Myanmar] bất hảo.

Chúng tôi nới lỏng, các anh nới lỏng

Những chính quyền trước đây của Mỹ từng gọi Myanmar là mối nguy cho hòa bình thế giới. Nhưng khi Barack Obama trở thành tổng thống, ông hứa sẽ “nới lỏng” nắm đấm của Mỹ nếu những chế độ cứng đầu nhất của thế giới cũng chịu “nới lỏng” – một chiến lược chẳng có tác dụng với Iran và Bắc Hàn, nhưng đã vô cùng công hiệu với Myanmar. Ngay sau khi nhậm chức vào đầu năm 2009, chính quyền Obama đã ra lệnh xem xét lại chính sách của Mỹ đối với Myanmar. Mỹ thử đi vài nước cờ bang giao cẩn trọng, giữ các lệnh cấm vận nhưng mở hướng đối thoại. Ban đầu, cách này dường như chẳng ích gì. Nhưng từ khi Thein Sein lên cầm quyền, Derek Mitchell, hiện là đại sứ Mỹ tại Myanmar, nhận xét “chúng tôi thấy ông này khác hẳn”, và ông là người mà Mỹ có thể đối thoại.

Kể từ, nhiều đời đại sứ Mỹ nối tiếp nhau đã hứa nới lỏng cấm vận và giảm mức độ cô lập của Myanmar với điều kiện phải cải tổ chính trị, nhất là thả các tù nhân chính trị. Thein Sein thực hiện tất cả những gì ông được yêu cầu. Hồi tháng 11 năm ngoái, ông nhận được tín hiệu tán thành cao nhất cho những nỗ lực cải tổ của đất nước ông khi tổng thống Obama thăm Yangon.

Có người cho rằng phương Tây quá nóng vội khi tái bang giao với nhà nước trước đây bị xem là bất trị. Có lẽ vậy, nhưng điều đó cũng tạo ưu thế đáng kể cho bà Suu Kyi, lãnh tụ đối lập, vì người Mỹ chẳng bao giờ đi một bước trước khi được bà chấp thuận. Tháng 8/2011, Thein Sein mời bà tới dinh tổng thống ở thủ đô, Naypyidaw, vì biết rằng ông cần được bà chấp thuận nếu muốn người Mỹ ủng hộ các cải tổ. Tình hình đã diễn ra như vậy.

Vào lúc Mỹ nói chung đang chuyển hướng sang Châu Á, việc tái bang giao với Myanmar là khía cạnh bên ngoài đáng chú ý nhất của quá trình chuyển tiếp của đất nước này. Giới diều hâu ở Bắc Kinh xem đây là bằng chứng nữa cho thấy Mỹ có những nỗ lực hiếu chiến ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc. Kéo Myanmar dù chỉ một phần về với phương Tây chắc chắn là một nước cờ ngoạn mục của tổng thống Obama, nhưng điều đó không tự động dẫn tới một “cuộc cờ đại chiến” mới ở Myanmar giữa hai cường quốc kình địch. Đại sứ Mitchell nhận định rằng “có một cuộc cạnh tranh [ở Châu Á] về giá trị và quy tắc, nhưng không nhất thiết là chống Trung Quốc”.

Liệu những người lính già có thể rút lui dần dần?

Những lý giải kinh tế, đối nội và chiến lược về quá trình chuyển tiếp của Myanmar đều cho thấy đất nước này có thể thành một quốc gia dân chủ bình thường, nhưng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào quân đội. Trong mấy chục năm qua, cái thể chế với 350.000 quân này đã thống lĩnh mọi mặt của đời sống ở Myanmar. Nếu muốn có thay đổi thực sự, quân đội không chỉ cần phải ngừng đánh nhau với dân Kachin và các sắc dân khác, mà còn phải tháo bỏ gọng kìm kiểm soát quốc hội và nền kinh tế.

Đây chính là chỗ bộc lộ rõ những hạn chế của tiến trình [thay đổi] từ trên xuống. Hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo và trao cho quân đội nắm toàn bộ quyền lực hoàn toàn phi dân chủ để bảo đảm quân đội giữ quyền kiểm soát quá trình chuyển tiếp. Trắng trợn nhất là quân đội tự trao cho mình một phần tư số ghế không cần qua bầu cử trong tổng số ghế ở các quốc hội mới cấp quốc gia và cấp tiểu bang để hiến pháp không thể thay đổi nếu không được quân đội chấp thuận. Quân đội cũng có quyền tối cao đối với các vấn đề của quân đội cũng như có tiếng nói lớn trong một số bộ dân sự. Toàn bộ các bộ trưởng hiện nay, kể cả Thein Sein, đều là cựu sĩ quan quân đội.

Trong hình hài hiện đại, quân đội được thành lập bởi Aung San, cha của bà Suu Kyi và là người dẫn dắt Myanmar đến nền độc lập thoát khỏi ách cai trị của Anh Quốc. Quân đội tự xem mình là thể chế duy nhất có thể gắn kết đất nước Myanmar dễ tan vỡ trong một “liên bang”, đúng như tên gọi chính thức của quốc gia này. Điều này cho thấy quân đội sẽ chặn đứng bất cứ nước đi nào hướng tới một tổ chức mang tính liên bang hơn và hướng tới dân chủ cao hơn; cả hai điều đó sẽ bao gồm trao quyền lực cho người Karen, Kachin, và các sắc dân khác, và, theo quan điểm của quân đội, giải thể “liên bang”. Những thay đổi như vậy cũng sẽ giảm tầm quan trọng của quân đội, và vì thế giảm cả ngân sách của quân đội.

Nhiều người cũng nghĩ rằng quân đội và đảng đại diện cho họ trong quốc hội, Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP), có đặc quyền đặc lợi trong việc chống lại việc tự do hóa kinh tế mạnh hơn nữa vì điều đó sẽ gây phương hại tới những độc quyền kinh doanh của các cựu sĩ quan quân đội. Đặc biệt, hai tập đoàn đầu tư vốn khổng lồ của quân đội, Tổng Công ty Kinh tế Liên bang Myanmar (UMEHL) và Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC), có chân rết ở khắp mọi nơi, từ khách sạn tới hãng hàng không, từ trại nuôi gà tới mỏ ngọc bích.

Từng đường đi nước bước người ta đã phải chuẩn bị đối phó với phản ứng tiêu cực của các quân nhân theo đường lối cứng rắn có nhiều lợi ích về thể chế và kinh tế nhất nếu giữ nguyên hiện trạng, nhưng điều đó đã không xảy ra, hay chí ít là chưa xảy ra. Vả lại, khi các cuộc cải tổ được tranh luận ở quốc hội và trong ngành hành pháp, phe bảo thủ cứng rắn thường thua về lý luận và mất phiếu. Richard Horsey, một chuyên gia tư vấn dày dạn kinh nghiệm ở Myanmar, nhận xét cho tới nay quân đội đã chấp nhận những thay đổi như các giới khác. Quân đội đã không chống lại yêu sách đòi UMEHL và MEC đóng thuế, và hai tập đoàn đầu tư này đã mất độc quyền đối với các hàng nhập cảng béo bở như xe, dầu ăn, thuốc lá và bia. Ông Horsey nói: “Đó là những thay đổi rất lớn”.

Thậm chí có thể có những thay đổi lớn hơn sau đợt xem xét lại hiến pháp; điều này được xem là không tưởng chỉ mới cách đây một năm, nhưng hiện nay được chính đảng USDP đề xuất. Điều đó có thể lay chuyển chính những nền tảng của quyền lực chính trị của quân đội – và thậm chí có thể giúp bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống.

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Nguồn: Democracy on prescription – Why Myanmar’s military rulers are giving power to the people, The Economist, 25/5/2013

(Bản dịch tiếng Việt đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 5/6/2013.)


No comments:

Post a Comment

View My Stats