Sunday 2 June 2013

TỰ DO INTERNET: CÁC HÃNG CÔNG NGHỆ NÊN THÚC ĐẨY DÂN CHỦ (Amol Mehra – Mike Lally)




Tác giả: Amol Mehra – Mike Lally, ngày 8/5/2013

Bản dịch của  Nguyễn Thành   (Defend the Defenders)

Tiếp cận Internet là chìa khóa của sự phát triển, giới doanh nhân cần phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và thúc đẩy một môi trường web cởi mở.
Trong một thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn thông qua Internet và công nghệ, các chính quyền cũng từng bước gia tăng các nỗ lực của họ nhằm kiểm soát thông tin, kể cả cả các nguồn tin lẫn nội dung thông tin. 

Bức “vạn lý trường hỏa thành” và chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc kiểm soát được luồng thông tin tới hơn một tỷ người. Trong suốt thời kỳ cao điểm của các cuộc biểu tình chống Tổng thống Hosni Mubarak lên cao điểm, Ai Cập đã ngắt hoàn toàn mạng Internet. Syria cũng đã trải qua tình trạng phong tỏa Internet “không được giải thích” trùng hợp với thời điểm các cuộc biểu tình dâng lên, và Hoa Kỳ thì tìm cách kiểm duyệt các chương trình truyền hình cáp liên quan đến Wikileaks.

Nhưng các chính quyền không thể tiến hành theo dõi, giám sát và kiểm duyệt một mình. Các công ty phương Tây thường đồng lõa với các hoạt động bất chính này thông qua các dịch vụ và hàng hóa mà họ cung cấp.

Nhiều nỗ lực nhằm giải quyết thách thức này đang được tiến hành. Ví dụ, Sáng kiến xếp hạng các quyền kỹ thuật số đang xếp hạng các hãng công nghệ thông tin và truyền thông để đánh giá xem họ bảo vệ quyền riêng tư của người dung thế nào, cũng như cam kết của họ về một môi trường mạng cởi mở và phi kiểm duyệt  như là phương tiện của sự tự do biểu đạt.

Một tổ chức khác, Quỹ Biên giới điện tử (EFF), đang phân loại các công ty theo cách họ vạch trần các yêu cầu cung cấp dữ liệu. Ở Hoa Kỳ, hiện không có quy định nào bắt buộc các công ty công khai khi chính phủ yêu cầu cung cấp dữ liệu mà họ thu thập về người dùng và các khách hàng. Chiến dịch “ai sau lưng bạn” của EFF yêu cầu các công ty “minh bạch về việc ai yêu cầu cung cấp thông tin và họ đang làm gì với những thông tin đó”. Nói theo cách của EFF, “theo dõi là một ngành đang phất lên: tất cả các báo cáo hiện tại đều cho thấy sự gia tăng số lượng các yêu cầu của các chính quyền về dữ liệu người dùng. Google và Dropbox đều đã và đang vạch trần các hoạt động này và gần đây Microsoft cũng tham gia. Đó là một tin tốt lành.

Nhưng cuộc chiến chưa kết thúc, nhất là khi các chế độ phi dân chủ cũng dính líu vào. Năm 2004, nhà báo Trung Quốc Shi Tao gửi một email nặc danh qua Yahoo với một nhóm ở Hoa Kỳ về chi tiết các lệnh kiểm duyệt mà chính phủ ban hành liên quan đến lễ kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn sắp diễn ra. Ông nhanh chóng bị bắt và bị buộc tội làm lộ “bí mật nhà nước”. Phán quyết của tòa tuyên bố các bằng chứng được cung cấp bởi Yahoo. Shi Tao vẫn còn bị giam cho đến nay.

Trong một diễn biến khác, một đơn kiện của Liên đoàn nhân quyền quốc tế (FIDH) cho rằng công ty Amesys của Pháp đã và đang cung cấp cho chế độ Muammar Gaddafi phần mềm theo dõi thông tin liên lạc và thiết bị giám sát trong thời kỳ nội chiến ở Libya. Theo đơn kiện này, thiết bị trên được cho là đã giúp cho các cơ quan thông tin của Lybia sử dụng vào mục đích bắt giữ và tra tấn thường dân Lybia. Cáo buộc này đã bị Amesys phủ nhận.

Dù kết quả kiện tụng thế nào, việc giữ cho các công nghệ này tránh xa tầm tay của các nhà độc tài và các chế độ áp bức phải là một chính sách ưu tiên của cộng đồng quốc tế. Quốc hội Hoa Kỳ đang tìm cách giải quyết thách thức này bằng cách đệ trình dự luật tự do trực tuyến toàn cầu (GOFA) vào ngày 4-2-2013. Nếu được thông qua, GOFA sẽ buộc Bộ ngoại giao phải đánh giá mức độ tự do và độ mở của Internet ở các nước và ban hành một danh sách hàng năm về những nước có biểu hiện hạn chế Internet một cách có hệ thống. Các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ sẽ có nghĩa vụ phải nộp các báo cáo hàng năm cho Ủy ban chứng khoán và hối đoái để công khai các chính sách của họ đối với việc các chính quyền đề nghị họ cung cấp dữ liệu, cũng như  các chính sách điều tra nghiên cứu về nhân quyền của họ. Và GOFA sẽ bắt buộc duy trì một danh sách các hãng công nghệ có thể hỗ trợ cho các chế độ độc tài bằng các cơ chế kiểm duyệt và giám sát, và sau đó ngăn các hoạt động xuất khẩu của các hãng này tới các quốc gia hạn chế internet đó.

Một phần trách nhiệm tập thể của người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nhân là thúc đẩy dân chủ và phát triển các xã hội sôi động nơi mà việc trao đổi cởi mở các quan điểm và thông tin là một tiêu chuẩn. Một môi trường Internet tự do có ý nghĩa thiết yếu đối với một xã hội như vậy. Các công ty sẽ không được, dù vô tình hay cố ý, hỗ trợ các chính quyền đe dọa các nguyên tắc này, và minh bạch là cách tốt nhất để bảo đảm điều đó.

* Amol Mehra là giám đốc và Mike Lally là trợ lý chương trình tại Hội nghị bàn tròn về trách nhiệm quốc tế của doanh nghiệp, một liên minh của các tổ chức hang đầu về nhân quyền, phát triển, môi trường và lao động, hoạt động nhằm bảo đảm rằng các doanh nhân phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào họ gây ra. 



No comments:

Post a Comment

View My Stats