Thứ bảy 22 Tháng Sáu 2013
Quốc hội Việt Nam khóa XIII đã kết thúc kỳ họp thứ 5 chiều hôm qua
21/06/2013. Những điểm đáng chú ý trong kỳ họp lần này, bên cạnh việc lấy phiếu
tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt, là việc Quốc hội hoãn thông qua Luật Đất đai
sửa đổi.
Có đến 292/348 đại biểu Quốc hội đề nghị lùi thời hạn
thông qua Luật Đất đai sửa đổi dời sang kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng
10 tới. Quốc hội cũng thông qua ba nghị quyết, trong đó có “Nghị quyết kéo dài
thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và làm muối
của hộ gia đình, cá nhân”. Như vậy, những người đang sử dụng đất nông nghiệp có
thể tiếp tục khai thác ổn định đến khi Quốc hội có quyết định mới.
Có thể nói đây là một nhượng bộ tạm thời trước áp lực của
dư luận, trong lúc tình hình đang nóng bỏng với nhiều vụ tranh chấp đất đai
trên khắp cả nước. Luật Đất đai sửa đổi vẫn khẳng định “đất đai là sở hữu toàn
dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.
Bên cạnh đó, Nhà nước có thể quyết định thu hồi đất không
chỉ để dùng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, mà còn cho các
dự án kinh tế xã hội. Chính điểm này đã gây ra nhiều vụ xung đột, giữa nông dân
bị mất đất và các tập đoàn lợi ích được sự hỗ trợ của chính quyền địa
phương.
Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 1993 thì thời hạn sử dụng
các loại đất nông nghiệp nói trên chỉ là 20 năm. Như vậy nếu không gia hạn theo
nghị quyết vừa nêu, thì nhiều nông dân sẽ khốn đốn vì năm nay đã hết hạn được
giao quyền sử dụng đất.
Theo nhận định của luật gia Lê Hiếu Đằng, thì nếu kỳ họp này Quốc hội vẫn cứ thông qua Luật Đất đai sửa đổi, thì có
nguy cơ chế độ sẽ sụp đổ vì sự phẫn nộ của nông dân, mà vụ Đoàn Văn Vươn hay
Văn Giang chỉ là một loài chim báo bão. Xin mời quý thính giả theo dõi toàn bộ
phần trả lời của luật gia Lê Hiếu Đằng trong phần phỏng vấn ở cuối bản tin.
Thụy My
- RFI
Thứ bảy 22 Tháng Sáu 2013
Như chúng tôi đã loan tin, Quốc hội Việt Nam khóa XIII kỳ
họp thứ 5 đã quyết định hoãn việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời
thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. RFI Việt ngữ đã
phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp
luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này.
Nghe
(07:27) : Luật gia Lê Hiếu Đằng 22/06/2013
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, ông có
nhận xét như thế nào về sự kiện Quốc hội vừa qua đã hoãn lại việc thông qua
Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp lần tới ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người nông dân là người
chịu rất nhiều thiệt thòi, và đã hy sinh rất nhiều. Trong hai cuộc chiến tranh
đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hứa hẹn và dùng khẩu hiệu « Người cày có ruộng »
để phát động quần chúng tham gia cuộc kháng chiến. Nhưng có điều hết sức nghịch
lý: Sau khi đã giành được độc lập, thống nhất đất nước rồi, thì Nhà nước lại
lấy lại đất của dân, và không công nhận quyền sở hữu đất đai cho họ.
Tôi cho đây là sự phản bội rất lớn đối với người nông
dân. Bởi vì nói đến đất đai, thì đại bộ phận là nông dân. Thành ra đây là một
vấn đề làm cho người nông dân rất bất bình. Do đó diễn ra rất nhiều cuộc đấu
tranh. Mà không chỉ người nông dân, nói chung là vấn đề đất đai lại đang trở
thành vấn đề nóng. Một vấn đề rất là vô lý, đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích
của quần chúng.
Nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không nghe ý kiến của
nhiều chuyên gia, trí thức và kể cả không thấy hậu quả nghiêm trọng trong những
cuộc có thể nói là nổi dậy của người nông dân, như của Đoàn Văn Vươn, ở Văn
Giang hay nhiều vùng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là mối đe dọa cho sự
tồn vong của chế độ.
Nhưng tôi rất ngạc nhiên là một vấn đề hiển nhiên như
vậy, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không thấy. Vẫn khăng khăng đưa vào
Hiến pháp sửa đổi mới đây trình trước Quốc hội, là vẫn không công nhận quyền sở
hữu về đất đai, mà vẫn là sở hữu toàn dân, đất đai do Nhà nước quản lý. Còn tệ
hơn nữa, là công nhận việc giải tỏa đền bù đối với các dự án kinh tế. Đó là một
bước thụt lùi rất lớn đối với Luật Đất đai mà hiện nay các vị đại biểu Quốc hội
không thông qua - chưa thông qua.
RFI : Có một thực tế là đại biểu Quốc hội Việt Nam hầu
hết là đảng viên, nhiều người chỉ tham gia một cách hình thức …
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Thật ra đây không phải là đại biểu Quốc hội, nhưng rõ ràng từ ý nguyện của
người dân, và nó phản ảnh qua một phần nào đó thôi. Bởi vì có thể nói Quốc hội
Việt Nam bây giờ vẫn là Quốc hội hình thức, mà chúng tôi thường nói với nhau
đây là Quốc hội "minh họa" - minh họa cho đường lối chủ trương của
Đảng. Nhưng cũng có những lúc nào đó, cái sự thật hiển nhiên đó, là đất đai
phải thuộc về tay người dân, đã làm cho một số đại biểu Quốc hội phải suy nghĩ,
phải công nhận cái thực tế đó. Và họ thấy rằng nếu thông qua Luật Đất đai, thì
nguy cơ lớn nhất của chế độ có thể sụp đổ vì sự phẫn nộ, bất bình của nông
dân.
Bởi vì dù có công nghiệp hóa thì hiện nay ở Việt Nam đại
bộ phận là nông dân, hoặc con em của họ đi ra thành thị học ở các trường đại
học cũng có nguồn gốc nông dân. Đa số nhân dân đều dính dáng tới vấn đề đất đai
cả, thành ra vấn đề này nếu không giải quyết thì trước sau gì cũng có những
cuộc bùng nổ, mà Đoàn Văn Vươn, Văn Giang hay nhiều nơi khác chỉ là một loài
chim báo bão. Báo một cơn bão sẽ ập đến nếu mà không giải quyết một cách triệt
để.
Do đó buộc lòng Quốc hội phải tạm thời chưa thông qua, để
mà còn tính toán nữa. Mặc dù dự thảo về Luật Đất đai là Đảng và Nhà nước đã
thông qua rồi, bộ máy cầm quyền đã thông qua rồi. Nhưng bây giờ Quốc hội đề
nghị ngưng lại, thì đó cũng là một điều phản ảnh được rằng, đứng trước áp lực
dư luận xã hội, Đảng và Nhà nước phải suy nghĩ và phải dựa trên những cơ sở mà
các đại biểu của người dân – tuy là hình thức – nhưng họ cũng phải e dè. Vì vậy
họ có chủ trương tạm ngưng lại, không thông qua trong kỳ họp này.
Tôi nghĩ đó là một điểm phản ánh tình hình là ở Việt Nam
đang dần dần hình thành một xã hội công dân, một xã hội dân sự, trong đó các tổ
chức, các đoàn thể, Quốc hội…của Nhà nước, hay là những tổ chức « ngoài luồng
», báo chí « lề phải », « lề trái »… tạo thành sức mạnh.
Ví dụ như kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức về việc sửa
đổi Hiến pháp, hay của 40 người phản đối dự thảo Hiến pháp – mà tôi cho kiến
nghị của 40 người rất là triệt để, nói rất thẳng thắn. Rõ ràng hình thành một
khối công dân dám đứng lên nói tiếng nói trung thực của mình. Cái xã hội công
dân mới manh nha đó có tác động đến Quốc hội. Nó làm cho cái thành phần - có
thể nói cũng tiến bộ trong Quốc hội - có những ý kiến khác với ý kiến của Đảng
và Nhà nước, mặc dù những đại biểu đó cũng là đảng viên.
Thành ra tình hình hiện nay là ngay trong Đảng cũng có
nhiều người phản đối lại các chủ trương chính sách hiện nay không hợp lòng dân,
đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Tôi cho đó là hiện tượng rất
đáng mừng, và dù sao cũng ghi nhận một cách công bằng là, việc Quốc hội vừa rồi
không thông qua cũng là một điểm son. Nó đánh dấu một điều rằng nếu Quốc hội
dựa trên nguyện vọng, ý chí của người dân để thẩm định những luật, những dự án
của chính phủ, thì sẽ có tác động rất tốt đến đời sống xã hội.
RFI : Như vậy theo ông, cho dù đây chỉ là một bước lùi
tạm thời để hạ nhiệt tình hình, thì vẫn là một điểm tích cực phải không ạ ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Đúng rồi. Ví dụ như dự thảo Hiến pháp lần thứ tư trình ra Quốc hội rất là
bảo thủ, tệ hại hơn cả ý kiến mà chính phủ và Mặt trận Tổ quốc đưa qua, có thể
nói là không tiếp nhận gì hết mà thậm chí còn lạc hậu hơn cái cũ. Điều đó chứng
tỏ trong bộ máy Đảng và Nhà nước hiện nay, những thế lực bảo thủ không muốn
thay đổi, và không đặt lợi ích đất nước, lợi ích của tổ quốc lên trên, mà đặt
lợi ích nhóm, gia đình và cá nhân của họ.
Trong tình hình như vậy thì việc Quốc hội không thông qua
Luật Đất đai tôi cho cũng là điều đáng mừng. Nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác
là, đôi lúc đứng trước công luận như vậy, thì có thể những người bảo thủ trong
Đảng và Nhà nước có một bước lùi, nhưng mà biết đâu cũng như dự thảo Hiến pháp
vừa rồi, họ sẽ vẫn cứ giữ những điều đó. Thành ra chúng tôi nghĩ là nhiệm vụ
của xã hội công dân, của nhân sĩ trí thức, của các đại biểu Quốc hội hiện nay
là đấu tranh chống lại khuynh hướng bảo thủ - khuynh hướng luôn đi ngược lại
lợi ích của đất nước, của tổ quốc chúng ta.
RFI : Xin cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng đã vui lòng nhận
trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.
No comments:
Post a Comment