Thursday 20 June 2013

TRUNG QUỐC ĐÓI ĂN & KHÁT NƯỚC (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, June 19, 2013 4:59:11 PM

Trước khi đòi vượt Mỹ, Trung Quốc phải giải quyết chuyện đói khát

Nhân thượng đỉnh Mỹ-Hoa tại California vừa qua, truyền thông báo chí Hoa Kỳ đã có nhiều bài viết về sức nặng kinh tế của Trung Quốc, một cường quốc đông dân nhất Ðịa cầu.

Tại một hội nghị trước đó ở Chicago, Sáng hội “Giao Dịch Mỹ-Hoa” (China-US Exchange Foundation) còn công bố phúc trình “Quan hệ Mỹ-Hoa Trong Mười Năm Sắp Tới” (US-China Relations in the Next Ten Years). Hai đồng chủ tịch của hội nghị là Thị Trưởng Chicago Rahm Emanuel và Ðổng Kiến Hoa, cựu hành chánh trưởng quan của đặc khu hành chánh Hương Cảng, đã hết lời ca tụng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, với sự phụ họa của Tiến Sĩ Henry Kissinger, nhân vật quen thuộc trong giới kinh doanh Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Nói chung, đa số dư luận có quan tâm đều cho rằng kinh tế Trung Quốc với một tỷ 300 triệu dân sẽ sớm vượt kinh tế Hoa Kỳ kể về sản lượng, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã dự báo (và còn xác định thời điểm qua mặt đó là năm 2016). Ðiều ấy có thể đúng, nếu ta so sánh sức sản xuất của 1.350 với 330. Cũng vì vậy, tùy lập trường lạc quan hay bi quan, giới quan sát thường nêu ra hai loại giả thuyết.

Một là Trung Quốc sẽ chuyển hóa qua hợp tác với Hoa Kỳ và quan hệ gọi là G-2 giữa hai nước sẽ góp phần ổn định một thế giới thịnh vượng hơn. Hai là Trung Quốc không thể chuyển hóa trong tinh thần biết điều và sự lớn mạnh của Trung Quốc là vấn đề của thế giới, nên Hoa Kỳ phải quan tâm đề phòng. Cả hai kịch bản đều dựa trên một dự báo là kinh tế Hoa lục sẽ vượt Hoa Kỳ.

Hồ Sơ Người Việt không nói về dự báo đó mà tìm hiểu hai yếu tố cụ thể của sức mạnh kinh tế là thực phẩm và nước ngọt. Trước khi nói đến ngày vượt Mỹ, Trung Quốc phải tự túc về lương thực và tìm đủ nước ngọt cho người dân, là loại vấn đề mà người Mỹ không có - và cũng chẳng cần biết.

Tự túc lương thực

Chúng ta đều biết rằng chưa đầy 10 năm sau khi thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Mao Trạch Ðông đã gây ra một trận đói kinh hoàng trong bốn năm, từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1961. “Bước Nhảy Vọt Vĩ Ðại” hay Ðại Dược Tiến của Mao để kỹ nghệ hóa xứ sở một cách chủ quan duy ý chí đã khiến 36 triệu người chết đói và 40 triệu người không sinh ra đời. Với dân số khi đó là khoảng 500 triệu, số “tổn thất” khoảng 76 triệu người vẫn là một vấn đề, và là vấn đề không xảy ra vì chiến tranh hay thiên tai như động đất, bão lụt hay mất mùa.

Các thế hệ lãnh đạo sau đấy đều ý thức được vấn đề và ngày nay họ đều đề ra mục tiêu chiến lược là làm sao có đủ lương thực cho toàn dân. Nhiều quốc gia trên thế giới có thể gặp hoàn cảnh địa dư bất lợi nên phải nhập cảng lương thực bằng cách sản xuất và xuất cảng các phẩm vật khác trong một hệ thống giao dịch tự do với các nước.

Vốn dĩ đa nghi, hoặc có ẩn ý, lãnh đạo Bắc Kinh không tin vào quy tắc tự do và muốn là phải hoàn toàn tự túc về lương thực để khỏi bị người khác bắt bí. Không nói về cái lẽ đúng sai của lý luận ấy, Hồ Sơ Người Việt chỉ tìm hiểu về tính chất khả thi của mục tiêu này.

Trước hết, hôm mùng 6 vừa qua, hai cơ quan OECD và FAO (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Lương nông Quốc tế) vừa công bố dự báo về tình hình canh nông toàn cầu, trong đó có cả sản lượng và lề lối tiêu thụ nông sản của Trung Quốc từ nay cho đến năm 2022. Họ dự đoán rằng Trung Quốc có thể tự túc về lúa nước và lúa mì, nhưng vẫn phải nhập cảng đậu nành và sẽ còn nhập cảng ngô bắp nhiều hơn trước. Ðại lược thì tổng số tiêu thụ vẫn vượt qua sản lượng từ nay cho đến năm 2022.

Một cách khái quát thì ta biết rằng với sự thăng tiến của mức sống, con người ta không chỉ cần ăn đủ no mà còn muốn ăn ngon hơn, tức là ngoài ngũ cốc như gạo mì, ngô đậu, v.v... người ta còn muốn có thêm thịt thà. Muốn có thịt gia súc thì phải nuôi và chính yếu thì nuôi bằng thực phẩm gốc nông sản, thí dụ như ngô đậu... Tùy theo loại thịt (gà vịt hay heo bò), muốn có thêm một ký thịt thì phải mất từ năm đến tám ký ngũ cốc.

Do đó, số cầu về thực phẩm gốc nông sản của Trung Quốc sẽ chỉ có tăng. Số cầu này càng tăng mạnh khi lãnh đạo phải giải quyết một bài toán chính trị là san bằng sự dị biệt về lợi tức giữa 1) nông thôn và thành thị trong từng tỉnh duyên hải ở miền Ðông và các tỉnh nội địa ở miền Tây và 2) giữa hai khu vực Ðông Tây mà ta tạm gọi là ngoài và trong.

Tiêu chuẩn gọi là “tự túc về lương thực” của Trung Quốc có nghĩa là phải sản xuất được 95% nhu cầu tiêu thụ về gạo, mì và bắp. Theo dự báo của FAO và OECD, tiếp tục Trung Quốc nhập cảng đậu nành (10 triệu tấn năm 2000, 59 triệu tấn năm 2012 và gần 83 triệu vào năm 2022. Số nhập cảng về ngô bắp thì đã bắt đầu từ năm 2009 và sẽ còn tăng mạnh hơn trong những năm tới.

Chính sách nông nghiệp

Một cách rất khái quát, người ta phải trở lại tìm hiểu chánh sách nông nghiệp của Trung Quốc.

Từ thời “lập quốc” của Mao Trạch Ðông năm 1949, xứ này tập trung việc thu mua và phân phối lương thực mà không có chính sách khuyến nông để tăng gia sản xuất và lại còn trưng thu lợi tức của nông dân tại thôn quê để nâng đỡ công nhân (giai cấp tiên tiến) tại thành thị trong nỗ lực công nghiệp hóa và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hậu quả là sản lượng sụt và dân bị đói.

Khi tiến hành cải cách từ năm 1979, Ðặng Tiểu Bình áp dụng chế độ khoán về nông nghiệp trong các hộ gia đình, cụ thể là khuyến khích sản xuất và cho phép bán sản lượng dư thừa sau khi đạt chỉ tiêu thu mua của nhà nước ở cấp tỉnh. Trong hai chục năm sau đó, Bắc Kinh lập thêm kho dự phòng để thu mua lương thực hầu đáp ứng cung cầu ở từng nơi. Từ năm 1995, họ tiến xa hơn một bước với chế độ khoán cho từng tỉnh: các tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát hạn ngạch để cân bằng cung cầu. Nhưng chỉ dăm ba năm sau thì Bắc Kinh bãi bỏ chế độ khoán cho cấp tỉnh để trung ương kiểm soát và giải quyết việc cung cấp cho các tỉnh bị khan hiếm lương thực.

Ðến năm 2001, khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO thì Trung Quốc phải giải phóng các thị trường, kể cả thị trường nông sản, lương thực. Mà chưa giải quyết được nhu cầu của mình. Hơn ba chục năm cải cách có giúp Trung Quốc nâng sản lượng ngũ cốc từ hơn 300 triệu tấn lên tới gần 600 triệu tấn (trong khoảng thời gian 1979-2012) và giảm được tỷ lệ “suy dinh dưỡng” là thiếu ăn theo tiêu chuẩn của FAO, từ 21% dân số xuống 12%.

Nhưng dù có sản lượng lương thực lớn nhất thế giới nhờ cải tổ chánh sách và cải thiện phương tiện sản xuất, Trung Quốc vẫn chưa đủ ăn. Chúng ta hãy tạm gác qua một bên những nguyên nhân sâu xa của chuyện này mà nhìn sang một sản phẩm chiến lược khác là nước ngọt.

Nước ngọt cho cơ thể và nhà máy

Chúng ta hãy tạm hiểu chữ “nước” ở đây là nước ngọt, có thể uống được và xuất phát từ sông ngòi, ao hồ, giếng, hay mưa hoặc tuyết. Trên mặt Ðịa cầu, Á Châu là lục địa ít nước nhất nếu so với dân số quá đông. Trong các nước Á Châu, Trung Quốc là xứ ít nước nhất mặc dù có lãnh thổ bát ngát là 10 triệu cây số vuông (tương tự Hoa Kỳ) và đang kiểm soát phần lớn khu vực Hy Mã Lạp Sơn, phát nguyên của những con sông lớn nhất Châu Á.

Với dân số rất cao và công cuộc kỹ nghệ hóa, Trung Quốc cần nước cho rất nhiều nhu cầu sinh hoạt như tiêu tưới cho nông nghiệp, năng lượng cho kỹ nghệ (thủy điện) hoặc làm sạch và làm nguội nhà máy, v.v... Họ giải quyết nhu cầu đó như thế nào? Thời sự tuần qua có một tin nhỏ mà lớn vì liên quan đến nhu cầu đó.

Hôm mùng 10 vừa qua, Trung Quốc đã “đưa vào sản xuất” một dự án trù tính từ năm 1952 (60 năm trước), gọi là “Nam thủy Bắc điều công trình,” nôm na là dẫn nước từ Nam lên Bắc. Cụ thể là chuyển gần 50 tỷ thước khối nước từ sông Dương Tử (cũng gọi là Trường Giang) lên sông Hoàng Hà ở phía Bắc để cung cấp nước cho Bình nguyên Hoa Bắc. Năm xưa, Mao Trạch Ðông từng ôm giấc mơ trị thủy và đào kinh dẫn nước của vua Ðại Vũ mà không thành.

Ngày nay, dự án đã bắt đầu hoạt động, với kinh phí dự trù là hơn 60 tỷ đô la, cao gấp hai dự án xây đập Tam Hiệp. Một dự án vĩ đại xứng tầm Trung Quốc. Chi tiết ấy chỉ cho chúng ta thấy một bài toán của xứ này: các tỉnh miền Bắc đều thiếu nước, nhưng là nơi tập trung dân số rất cao, là khu vực canh tác ngô, gạo, đậu và một trung tâm công nghiệp chiến lược của quốc gia. Bao trùm lên thành phố Bắc Kinh và vùng phụ cận, khu vực gọi là Hoa Bắc bình nguyên tập trung một phần tư dân số và sản lượng kinh tế mà chỉ có 8% lượng nước nên thường xuyên bị đe dọa.

Nước sông Hoàng Hà không thể cung cấp cho nhu cầu và trung bình bị hạn chừng 230 ngày một năm nên lãnh đạo xứ này phải dẫn nước sông Dương Tử để tiếp vận.

Ðiều ấy không chỉ di dời 350 ngàn dân được lệnh “giải phóng mặt bằng” mà chi phối cuộc sống của cả trăm triệu dân trên lưu vực Dương Tử và ảnh hưởng đến các dòng sông của nhiều xứ khác. Lãnh đạo Bắc Kinh có thể gạt qua một bên lời phàn nàn của quốc tế về tình trạng lạm thác đỉnh tuyết Hy Mã Lạp Sơn và thượng nguồn các con sông nuôi sống nhiều nước lân bang, kể cả sông Mekong. Nhưng họ không thể không quan tâm đến rủi ro về môi sinh - chẳng hạn một tai họa từ đập Tam Hiệp sẽ hoạt động từ năm 2015 - và những bài toán nan giải với các dự án trên sông Trường Giang, từ tỉnh Giang Tô đến Sơn Ðông và Hà Bắc, từ sông Hán Thủy (hay Hán giang) qua Thiểm Tây và Hồ Bắc.

Dư luận thế giới chỉ nói đến sức mạnh kinh tế của một quốc gia đông dân nhất Ðịa cầu nhưng lại ít chú ý đến loại vấn đề sinh tử cho lãnh đạo Bắc Kinh xuất phát từ địa dư hình thể của một xứ có diện tích canh tác chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu và đang thiếu nước trầm trọng.

Trường Giang và trường kỳ khát nước

Ba chục năm sau khi cải cách và lấy bàn đạp từ 15 tỉnh duyên hải miền Ðông để đẩy mạnh xuất cảng, Trung Quốc đang bị nhiều bài toán nan giải. Xuất cảng sẽ không thể tăng, mà dị biệt giàu nghèo giữa các tỉnh bên ngoài với các tỉnh bên trong lại cứ đào sâu trước sự bất lực của trung ương. Thế hệ lãnh đạo mới đang cố gắng giải quyết bài toán đã được thấy từ hai chục năm trước, là phải phát triển khu vực nội địa nếu không thì xứ sở sẽ bị nội loạn và phân hóa như đã từng bị.

Nhưng cho dù trung ương có thể vượt qua sức cản của các đảng bộ địa phương, cải tổ chế độ hộ khẩu và dồn thêm phương tiện cho các tỉnh lạc hậu ở trong - chuyện không đương nhiên - lãnh đạo Trung Quốc còn gặp bài toán của thiên nhiên là thiếu nước. Mà càng muốn công nghiệp hóa thì càng phải có nước. Khi ấy, bài toán Dương Tử lại được đặt ra: nước sông Trường Giang là nhu yếu phẩm cho công cuộc phát triển các tỉnh nội địa, không có thì không được.

Xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng và chảy ra Ðông Hải, con sông dài hơn 6,400 cây số là huyết mạch nối liền mà cũng chia cắt các địa phương. Ngoài yếu tố vận chuyển, nước sông còn là điều kiện không thể thiếu cho việc phát triển các tỉnh, từ thượng nguồn xuống đến vùng châu thổ, từ Tứ Xuyên đến Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô và Chiết Giang cùng các thành phố lớn như Vũ Hán, Trường Sa, Tô Châu hay Hàng Châu và cả Thượng Hải, chưa kể Trùng Khánh trên thượng nguồn với 31 triệu dân.

Bây giờ 10% của nguồn nước Trường Giang lại được rót vào Hoàng Hà để tiêu tưới mạn Bắc!

Kết luận ở đây là gì?

Người Mỹ thường ít quan tâm đến địa dư và lịch sử. Họ được ưu đãi nhờ một lãnh thổ vuông vức với lưu vực của sáu con sông lớn mà tài sáng tạo của họ đã biến thành khu vực phì nhiêu trù phú.

Trung Quốc không được như vậy. Lãnh đạo xứ này gặp nan đề của địa dư đã trải dài trong lịch sử mấy ngàn năm. Hệ thống chính trị hiện hành không thể giải quyết nổi các nan đề ấy.

Việc Trung Quốc vượt Hoa Kỳ cần được xét từ mấy tiêu chuẩn căn bản này. Còn lâu!



CÁC BÀI VIẾT KHÁC :






No comments:

Post a Comment

View My Stats