Wednesday,
June 5, 2013
Một
câu hỏi thường trực trong tâm trí nhiều người là sức khỏe kinh tế thực sự đang
ra sao mà thấy sao có nhiều dấu hiệu trái ngược nhau quá. Nhìn quanh, ai cũng
nói chuyện doanh nghiệp tư nhân rơi rụng đến con số hàng chục ngàn, thậm chí cả
trăm ngàn, ai cũng có quen biết với một người vừa mới thất nghiệp và ai cũng
thấy làm ăn ngày càng khó khăn, thậm chí đến chỗ bế tắc. Các đại biểu Quốc hội
than nghe còn bi đát hơn như “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”.
Nhưng
lùi lại một chút, nhìn vào các chỉ số quan trọng thì thấy tình hình đang cải
thiện: lạm phát được kềm chế, tỷ giá ổn định, cán cân thương mại tương đối cân
bằng, xuất khẩu tăng trưởng tốt, và đặc biệt thị trường chứng khoán đang ấm dần
lên.
Tìm
đâu ra một góc nhìn khách quan, có thể tin cậy được!
Trong
một tài liệu bằng tiếng Anh tôi được đọc qua, Chương trình giảng dạy kinh tế
Fulbright kết hợp với Trung tâm Ash thuộc trường Harvard Kennedy School lại một
lần nữa đưa ra những nhận định sắc bén, phân tích thẳng những vấn đề của nền
kinh tế.
Trước
hết bản báo cáo cho rằng Việt Nam vừa thoái khỏi một tình hình nguy cấp, nền
kinh tế suýt đổ vỡ cách đây khoảng 12 tháng. Nhưng nền kinh tế không phải đang
phục hồi mà đúng hơn là rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài. Muốn thoái khỏi
tình trạng này, Việt Nam phải dọn dẹp hệ thống ngân hàng, tiếp tục cải tổ khối
doanh nghiệp nhà nước và hồi sức cho khu vực tư nhân trước khi thành tựu của 14
năm qua bị xóa sạch.
Tuy
nhiên dường như không ai muốn hành động gì, không muốn thay đổi hiện trạng vì 5
nhầm tưởng (myths) khá phổ biến trong giới lãnh đạo.
-
Nhầm rằng: Khủng hoảng đã qua, tình hình đang dần cải thiện (nên không
cần làm gì cả);
-
Nhầm rằng: Giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng không cần phải dùng
đến ngân sách Chính phủ (nên vốn VAMC chỉ có 500 tỷ đồng);
-
Nhầm rằng: Các tập đoàn, tổng công ty có thể tự tái cấu trúc bằng các kế
hoạch do chính họ soạn thảo (theo kiểu tự mình nắm đầu tóc kéo lên khỏi bùn);
-
Nhầm rằng: Có thể phục hồi khu vực tư nhân bằng các biện pháp tài khóa
(giảm thuế) và tiền tệ (giảm lãi suất) (trong khi thực tế các thành tựu của
Luật Doanh nghiệp đang gần như bị xóa sổ dần);
-
Nhầm rằng: Khu vực nông nghiệp có thể tiếp tục là tấm đệm, giảm sốc cho
nền kinh tế, thu nhận hết lượng lao động công nghiệp bị mất việc (thực tế nền
nông nghiệp rất dễ bị tổn thương, môi trường đang ô nhiễm, sức nông dân đã
cạn).
Khác
với lần khủng hoảng cuối thập niên 1990, lúc đó Việt Nam đã đưa ra những cải
cách mạnh mẽ, nhất là việc cho ra đời Luật Doanh nghiệp năm 2000 nên kinh tế
phục hồi nhanh chóng và bền vững trong nhiều năm liền, lần này chính sách chỉ
thấy xoay quanh hai chuyện “nới lỏng” và “thắt chặt” nên nền kinh tế cứ giật
cục, tăng trưởng cao thì lạm phát nhiều, kềm chế lạm phát thì kinh tế trì trệ.
Ba chương trình cải cách lớn về doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và
đầu tư công hầu như chưa triển khai được gì cụ thể. Nợ xấu mà giải quyết theo
cách như hiện nay chỉ là tạm thời khoanh nó lại, chuyển sang tương lai.
Nếu
cứ để yên như thế này thì nền kinh tế sẽ chỉ còn tăng trưởng khoảng 3%, khó
khăn kéo dài, doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phá sản, thất nghiệp tiếp tục lan
rộng.
Riêng
tôi chỉ bổ sung thêm một ý: Nền kinh tế Việt Nam trước nay phát triển chủ yếu
nhờ yếu tố vốn. Nay tín dụng không tăng thì làm sao có tăng trưởng? Tín dụng
chắc chắn sẽ không tăng mạnh vì ngân hàng đang lo dọn dẹp lại bảng cân đối tài
chính cho lành mạnh, doanh nghiệp cũng không còn sử dụng đòn bẩy nợ mạnh mẽ như
trước, sức lực cũng không còn để đi vay chịu rủi ro. Nợ xấu mà giải quyết theo
cách kéo dài trong năm năm thì ngân hàng càng không có sức lực hay động lực đâu
để cho vay. Trong bối cảnh đó, như một quy luật bù trừ về khoản trống vốn,
nhiều lãnh vực quan trọng của nền kinh tế tiếp tục rơi vào tay đầu tư nước ngoài,
kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
No comments:
Post a Comment