Monday, 24 June 2013

TIỀN BẠC : THƯỢNG ĐẾ THỰC SỰ CỦA CON NGƯỜI ? (Nguyễn Hoài Vân)




Nguyễn Hoài Vân
6/23/2013 10:26:00 AM

Khi Nietzsche tuyên bố « Thượng Đế đã chết », ông chỉ đề cập đến một Thượng Đế trừu tượng, mà có lẽ đã không muốn bàn đến đấng Thượng Đế thực sự toàn năng, thực sự trị vì toàn thế gian...


Thờ bò vàng :

Thánh Kinh kể chuyện người Do Thái lấy vàng làm nên một vị Chúa mang hình dạng một con bò, rồi tôn thờ vị chúa ấy, thay vì thờ phượng Đấng đã cứu họ thoát khỏi đời sống nô lệ trên đất Ai Cập và hàng ngày nuôi dưỡng bảo vệ họ trong sa mạc. Để đàn áp sự thờ cúng này, Moshe (Moïse) đã phải huy động nhân sự thuộc bộ lạc Levi, tàn sát 3000 nhân mạng, trước khi Thiên Chúa giáng xuống đầu dân mình một thảm họa “thiên nhiên”, giết thêm một mớ nữa (Exode – 32:1-35).

Từ câu chuyện ấy, người ta không còn thắc mắc khi thấy vàng bạc rất thường được phô trương nơi các Thánh Đường, Đền Điện, Chùa Chiền, cũng như được lấy để tạo nên các tượng thờ và dụng cụ tế tự, trong đại đa số tôn giáo. Không khác nào Phật, Chúa, trừu tượng, không đủ quyền uy nên các tôn giáo luôn phải mượn thêm uy danh của Thượng Đế Vàng Bạc để thu hút tín đồ !

Con người đã hiểu là với tiền bạc người ta có thể có được tất cả mọi sự vật trên thế gian này. Với tiền bạc, người ta cũng có thể chinh phục mọi thứ quyền hành, trên mọi lĩnh vực. Giá trị toàn năng, có khả năng cung cấp mọi sự vật, đem lại mọi quyền lực, khiến tiền bạc mang những chức năng rất gần với Thượng Đế.

Khả năng khai phóng của tiền bạc :

Không thể phủ nhận những đóng góp của tiền bạc trong sự phát triển xã hội. Với tiền bạc như trung gian, sự trao đổi hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tiền bạc cho phép so sánh những món hàng với nhau một cách đơn giản, để sự trao đổi có thể diễn ra trên một địa bàn rộng lớn hơn, một cách quy mô và đa dạng hơn. Nó cũng khiến cho người ta có thể mua bán những món hàng trước khi chúng được sản xuất, nguồn gốc của tín dụng, một động cơ quan trọng của việc gia tăng sản xuất, đưa đến kỹ nghệ hóa, đem lại vô số tiện ích cho con người.

Trên phương diện cá nhân, với tiền bạc như trung gian trao đổi giữa hàng hóa và sức làm việc, con  người có thể bán một phần thời gian sống của mình, để tranh thủ sự tự do sử dụng phần thời gian còn lại theo ý riêng của mình. Đó là một sự khai phóng lớn lao, đã đóng góp rất nhiều cho tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do cạnh tranh trong sáng tạo, trong hiểu biết, phát triển các lãnh vực giải trí, thể thao, nghệ thuật, triết học, khoa học, v.v...

Có lẽ con người vốn tôn thờ vị Thượng Đế Tiền Bạc phần nào là do ở khả năng khai phóng vừa nói.  Như thể có niềm tin mãnh liệt vào một vùng “đất hứa” mà Thượng Đế Tiền Bạc sẽ ban cho họ, trong đó, họ được tự do sinh sống, xây dựng gia đình, cộng đồng, xã hội ... như họ mong muốn. 

Tiền Bạc và thời gian :

Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, đất hứa bao giờ cũng là ảo ảnh ... Bên cạnh khả năng khai phóng, đem lại cho con người một phần thời gian để sống theo ý mình, thì tiền bạc cũng có tác dụng xóa mờ hiện tại, tức cái khoảnh khắc mang giá trị thực tế cao nhất trong dòng đời.

Lý do vì viễn tượng thu gặt lợi nhuận khiến cho người ta quên đi giây lát hiện tại, thậm chí hy sinh nó đi, để tập trung vào một tương lai trong đó người ta sẽ có được món tiền mong muốn. Vì cuộc sống là sự nối tiếp của những giây phút hiện tại, nên thái độ này đồng nghĩa với hy sinh cuộc đời, chạy theo những lợi nhuận chỉ tích lũy được trong một tương lai giả định.

Mặt khác, tiền bạc cũng có khả năng làm gia tăng tốc độ của thời gian. Người ta chẳng từng nói : “thời gian là tiền bạc” hay sao ? Trong việc quản lý công nghiệp, trị giá sản xuất của một món hàng tùy thuộc số lượng thời gian làm việc để tạo ra nó. Nếu thu nhỏ thời gian làm việc để tạo ra cùng số mặt hàng (tức làm ra nhiều mặt hàng ấy hơn, trong cùng đơn vị thời gian), thì trị giá sản xuất bớt đi, và lợi nhuận có thể tăng lên (nếu duy trì được một giá bán nào đó). Nói cách khác, người công nhân phải sống một tốc độ thời gian nhanh hơn, để làm tăng lợi nhuận cho xí nghiệp.

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào một nghiệp vụ, thì người ta chờ đợi một khoản lợi nhuận sẽ gặt hái được trong một thời gian ước định. Đương nhiên là ai cũng có khuynh hướng làm tăng lợi nhuận ấy, tức là làm giảm cái thời gian cần thiết để thu về món lợi nhuận mong muốn. Tức là lại có hiện tượng làm gia tăng tốc độ thời gian. Vấn đề là đến một lúc nào đó, bắt buộc sẽ có một sự điều chỉnh, nhiều khi đột ngột và thô bạo, để đem thời gian và sự lợi nhuận về đúng chỗ của nó. Đó là những giai đoạn khủng hoảng. 

Căn bệnh tích lũy :

Thực tế là người ta cần tiền để sống, để dưỡng nuôi, giáo dục con cái, chưa kể việc giúp đỡ bà con quyến thuộc, bạn bè, những người cùng khổ, hay tạo nên những tiện ích cho cộng đồng, xã hội ...  Tuy nhiên, khi có tiền, thì người ta lại muốn có thêm, rồi thêm nữa, không bao giờ đủ. Ám ảnh tích lũy tiền bạc trở thành một căn bệnh, một sự điên khùng, như từng được nhận xét bởi nhiều nhà tư tưởng, từ Aristote, qua thánh Thomas d’Aquin, cho đến Freud và J.M.Keynes ở thời hiện đại. Tiền bạc không khác gì ma túy : càng có tiền thì người ta lại càng nghiện tiền, càng cố công tích lũy, tích lũy để tích lũy, một cách vô lý !

Với  sự phát triển của đầu cơ tài chính, sinh ra những phú hữu ảo, được bơm phồng lên một cách giả tạo, thì hiện tượng tích lũy càng trở nên trầm trọng. Nó gần như không còn giới hạn. Người ta tích lũy, tái đầu tư, rồi lại tích lũy,  lại đầu tư ... không ngừng nghỉ. Vì các khối lượng vốn liếng tư bản kịch liệt cạnh tranh với nhau trong việc sinh ra lợi tức, nên nhu cầu tái đầu tư càng trở nên thúc bách, bất kể điều ấy có gắn liền với việc gia tăng sản xuất hay không. Cách đây ít lâu, đầu tư còn lệ thuộc vào nhà máy, nhân công, nguyên liệu, thị trường và nhiều yếu tố thực tế khác, khiến cho nó nhanh chóng vấp phải những hạn chế cụ thể. Ngày nay người ta có thể đầu tư vào những lĩnh vực tài chính thuần túy, với những món tiền lưu chuyển khắp thế giới, từ tài khoản này sang tài khoản khác, quay vòng một cách hư ảo, tạo nên cảm tưởng không còn giới hạn. Ít ra là cho đến khi kinh tế thật áp đặt quy luật của nó trên kinh tế ảo, trong một giai đoạn khủng hoảng. 

Nhu cầu ảo và giá trị ảo :

Căn bệnh tích lũy đưa đến việc tạo ra những “nhu cầu” giả tạo. Nhà tư bản cần biến một phần vốn liếng tài chính trừu tượng của họ thành những vật dụng hay dịch vụ thực sự hiện hữu. Qua nghệ  thuật quảng cáo, họ tạo nên những hình ảnh trừu tượng như trung gian của sự biến hóa này. Một món hàng không hiện lên trong đầu óc người tiêu dùng như “nó là”, mà như một hình ảnh được kỹ nghệ quảng cáo vẽ lên. Những hình ảnh ấy mang rất ít chức năng thông tin về món hàng liên hệ. Chúng được nhồi nhét vào đầu những người tiêu dùng qua mọi phương tiện truyền thông, từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh lớn, sách báo, radio, không kể các bảng quảng cáo tràn ngập phong cảnh, từ thành thị đến nông thôn.

Người tiêu thụ bị cuốn hút vào những chi tiêu hoàn toàn không cần thiết, không liên hệ gì đến nhu cầu thực sự của mình. Hàng hóa được tôn thờ như những vị thần, vị thánh, những nàng tiên quay quanh Thiên Chúa Tiền Bạc. Với một khác biệt là những thần thánh ấy thay hình đổi dạng, biến hóa rất nhanh, vì, như mọi thần thánh, mọi nàng tiên, chúng chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.

Giá trị của hàng hóa không còn gắn liền với giá trị thục dụng của nó, mà lệ thuộc hình ảnh mà người ta tạo nên cho nó. Giá trị ấy hoàn toàn hư ảo, lên xuống tùy theo các “chiến dịch” quảng cáo, tách rời khỏi nhu cầu của đời sống thật. Người tiêu thụ bị chìm trong một thế giới thần tiên, giữa những hình ảnh vô cùng quyến rũ, với những thần thánh và tiên nữ, hóa thân của Thiên Chúa Tiền Bạc. Không đủ tiền để được hội nhập vào thiên đường tiêu thụ ấy, thì không khác gì rơi vào địa ngục ! 

Thay đổi tương quan xã hội :

Trong một xã hội tiêu thụ, khi người ta thần thánh hóa những mặt hàng được đánh bóng bởi quảng cáo như vừa nói, thì đồng thời người ta cũng bỏ quên các vấn đề gắn liền với sự sản xuất ra các món hàng ấy. Khi cầm một cái smart phone, mấy ai nghĩ đến những bóc lột phi nhân trong việc chế tạo ra nó ? Vốn liếng tư bản, trong bản chất, thể hiện tương quan xã hội. Nó vạch ra một lằn ranh giữa người có vốn, đầu tư sinh lợi, và người không có vốn, bán sức làm việc của mình để kiếm tiền sinh sống. Dù rằng người làm công cũng có thể để dành tiền, tạo vốn đầu tư, nhưng điều này không thay đổi tương quan sản xuất trong căn bản của nó.  Sản xuất, cũng như đầu tư, trong một xã hội tư bản, luôn được tổ chức quanh một thực thể phi dân chủ, phi nhân và phi lý, là thị trường.

Phi lý vì tiêu phí năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để làm ra vô số mặt hàng không cần thiết, tạo ra những nhu cầu giả tạo, gây nên những ô nhiễm vô cùng tai hại cho thiên nhiên. Phi lý cũng vì hành vi luôn chạy theo sự tích tụ một cách mù quáng, dù biết không bao giờ có thể thụ hưởng được tất cả những gì mình tích tụ, tức là tích tụ chỉ để tích tụ, tiền bạc cũng như hàng hóa.

Phi dân chủ, vì sức mạnh toàn cầu của thị trường lấn át những quyết định của các cơ chế dân chủ được người dân bầu lên. Thị trường không có biên giới, trong khi các cấu trúc dân chủ đều bị hạn chế bởi lằn ranh phân định một lãnh thổ. Chính sách của một quốc gia, dù cho có dân chủ cách mấy đi chăng nữa, cũng vẫn phải lệ thuộc mệnh lệnh của thị trường, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng.

Phi nhân vì thị trường đè bẹp con người, biến con người hoặc thành những công cụ sản xuất, với ít nhiều bóc lột, hay thành những chiếc máy tiêu thụ, được điều kiện hóa, được “lập trình” bởi các phương tiện truyền thông, qua nghệ thuật quảng cáo. Trong chu kỳ : tiền bạc, đầu tư vào sản xuất, cho ra hàng hóa được tiệu thụ, đem lại tiền bạc, rồi tiền bạc lại được đầu tư, lại sản xuất, tiêu thụ, v.v... rốt cuộc, các yếu tố “trung gian” sẽ biến mất, chỉ còn tiền bạc. Yếu tố “con người”, đàng sau sự sản xuất, và đàng sau sự tiêu thụ, cũng biến mất, cùng với môi trường của con người ấy, bao gồm môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, và môi trường tâm lý.

Tóm lại :

Tiền bạc là một đấng Thượng Đế toàn năng đã mang lại cho nhân loại những tiện ích vô cùng lớn lao, góp phần khai phóng xã hội, đưa con người đến một trình độ văn minh chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên nó cũng đưa con người rời xa bản tính nguyên thủy hòa hợp với thiên nhiên, đã làm  cho nhân loại sống còn và phát triển. Nó khiến con người cắt đứt với thực tại, chạy theo những giá trị giả tạo, phản bội các môi trường thiên nhiên, xã hội và tâm lý, vốn từng nuôi dưỡng mình. Nó đẻ ra một lý lẽ mới, một lý lẽ hoàn toàn vô lý, phá hủy nền nếp tư duy đã xây dựng nên các giá trị Nhân Bản.

Có thể nói : Thượng Đế Tiền Bạc được con người tạo nên, nhưng lại thống trị con người, được con người thờ phượng, để đổi lấy một Thiên Đường tha hóa. 

Nguyễn Hoài Vân
22 tháng 6 - 2013 




3 comments:

  1. đây là một chủ để đã được bàn bạc rất nhiều rồi và có lẽ còn rất lâu sau nữa nó sẽ vẫn tiếp tục được tranh cãi, tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi thì tôi thì tôi không thực sự ủng hộ quan điểm này, tiền quan trọng nhưng tiền không phải là tất cả

    ReplyDelete
  2. tiền quan trong thật đấy nhưng tiền không phải là tât cả, tôi khẳng định đấy, có rất nhiều thứ mà tiền, thậm chí là rất nhiều tiền cũng không thể mua được, nó vậy thì là coi trọng đồng tiền quá ,tôi thì tôi không đồng ý quan điểm này cho lắm

    ReplyDelete
  3. nếu một người mà xác đinh tiền là tất cả thì thực sự đó làm một sai lầm rất lớn, tiền đúng là quan trọng thật nhưng nó không phải là tất cả nếu một người xác định chỉ sống vì đồng tiền thì sẽ không bao giờ thành công được, mà ngược lại, sẽ rất dễ bị sa ngã

    ReplyDelete

View My Stats