Wednesday, 19 June 2013

SUÝT BỊ ĐÁNH VÌ CHỐNG ĂN THỊT CHÓ MÈO (BBC)





BBC
Cập nhật: 16:01 GMT - thứ ba, 18 tháng 6, 2013

Bà Michele Brown (phải) trong một lần giải cứu mèo ở Hy Lạp năm 2011

Nhà hoạt động người Úc chống ăn thịt chó mèo, Michele Brown, nói khó khăn lớn nhất trong công việc của bà là nạn tham nhũng, và những người làm thịt chó 'hung dữ'.
Bà là một nhà báo chuyên làm điều tra về thói quen ăn thịt chó mèo và buôn bán chó mèo trái phép ở các nước châu Á.
Bà cũng là người sáng lập của tổ chức Thế giới bảo vệ Chó mèo trong các hoạt động buôn bán thịt, và đang thực hiện chiến dịch No to Dog meat (Nói không với thịt chó).

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 18/06 từ Úc, bà Michele nói bà "luôn cố gắng nghe câu chuyện từ cả hai phía. Ở Việt Nam, tôi có mối quan hệ với cả những người sống bằng nghề làm thịt chó và cả phía chính quyền, để có thể hiểu được toàn bộ quá trình đó."
Một phim ngắn sáu phút do bà Michele Brown thực hiện về buôn bán thịt chó ở Việt Nam mang tên 'Bokdays hidden in the land of morning calm' tháng trước được chiếu tại liên hoan phim Cannes, Pháp.

Phim ngắn về buôn bán thịt chó ở Việt Nam và châu Á của bà Michele Brown

BBC:Thưa bà, tình hình buôn bán thịt chó ở Trung Quốc như thế nào, có giống Việt Nam không?
Michele Brown : Ở Trung Quốc tình trạng ăn thịt chó trải trên khắp cả nước, mà ở diện lớn hơn Việt Nam vì đây là đất nước rất lớn, có dân số đông.
Và số chó mèo bị giết thịt nhiều kinh khủng vì dân số đông. Có một số tỉnh đã nói là sẽ dừng việc ăn thịt chó nhưng ở các nơi khác vẫn phổ biến.
Các nhà hoạt động gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc do tham nhũng nặng nề. Chuyện các tình nguyện viên bị đánh đập không phải hiếm, đôi khi còn có những vụ đánh trọng thương.
Và thường chuyện đó xảy ra ngay trước mắt cảnh sát, cảnh sát đứng xung quanh chiếc xe tải, bảo vệ cho những người chở chó trái phép.
Hay việc các nhà hoạt động bị côn đồ tấn công, vì cảnh sát được trả tiền để làm ngơ.
Mới đây một phụ nữ người Mỹ lái xe hơn 220 cây số tới đại sứ quán Trung Quốc ở Washington gửi thư kiến nghị nhằm phản đối lễ hội ăn thịt chó kéo dài ba ngày ở Ngọc Lâm.
Nhưng sứ quán Trung Quốc từ chối tiếp bà ta và đóng cửa lại ngay trước mặt bà, sứ quán Trung Quốc ở London cũng từng hành xử y như vậy.

Nhóm tình nguyện viên giải cứu hơn 500 con chó ở Trung Quốc, năm 2011

BBC:Thưa bà, có trường hợp tương tự về tham nhũng ở Việt Nam không?
Michele Brown : Có chứ. Cô biết đấy, tham nhũng ở Việt Nam tồn tại ở bao nhiêu cấp khác nhau.
Đất nước nào thì cũng có chuyện tham nhũng thôi, đó là thực tế, nhưng Việt Nam thì khá nổi trội về vấn đề này.
Tôi từng phỏng vấn từ công an hải quan cho tới những người giết mổ chó, thấy tham nhũng có ở mọi khâu, ngay từ lúc vận chuyển.
Việt Nam cũng là nơi cực kỳ nguy hiểm đối với các nhà bảo vệ động vật. Bản thân tôi từng suýt bị đánh vài lần.
Lần cuối tôi ở Việt Nam, mới vài tháng trước, khu vực tôi tới không có du khách nước ngoài, chỉ dành cho dân địa phương, nhưng tôi thuê một người hướng dẫn riêng và một lái xe đưa tôi đến khu chuyên bán thịt chó.
Tôi bỗng nghe thấy người hướng dẫn hét lên, “chạy đi, chạy đi”. Tôi quay lại, thấy anh ta đang co giò chạy thật nhanh.
Tôi quay lưng lại thì có một toán người xông đến, và chỉ còn xíu nữa là tôi bị đánh. Người lái xe cũng lái xe chạy mất, và nhất quyết không chịu quay lại gần đó.
Cả hai người này đều rất sợ, và sau đó kể với tôi là có phóng viên người Việt Nam đến đây, bị đánh rất dã man, máy ảnh, máy quay phim bị đập vỡ hết, không lâu trước khi tôi đến.
Tôi chưa từng bị tấn công khi quay phim chụp ảnh bò, hay gà, nhưng khi ghi hình thịt chó thì khác hẳn, người ta trở nên rất hung dữ, rồi người ta còn chửi bới, lăng mạ chúng tôi.
Chứng tỏ là chính họ cũng cảm thấy có điều gì đó không đúng về mặt đạo đức nên mới hành xử như thế.

BBC:Chuyện đó xảy ra ở đâu, Hà Nội hay Sài Gòn?
Michele Brown : Ở khắp nơi, cả Hà Nội cả Sài Gòn và những địa phương khác. Tôi đã từng đi khắp Việt Nam và chuyện đó cũng xảy ra.
Ở Hà Nội thì người ta ít bạo lực hơn, ít hung dữ hơn, nhưng người ta lại chửi bới, hò hét rất nhiều. Còn ở Sài Gòn, theo trải nghiệm của tôi, họ có vẻ thiên về chân tay hơn.

BBC:Bà có làm việc với giới chính quyền ở Việt Nam chưa, và bà có đưa họ đến những chỗ giết mổ chó này không?
Michele Brown : Tôi từng phỏng vấn công an hải quan về vận chuyển chó trái phép, chúng tôi đã trao đổi hàng giờ liền, nhưng nói chung, họ muốn nói với tôi rằng không có chuyện buôn bán thịt chó ở Việt Nam, và rằng tôi mới chỉ đến có một chỗ thôi. Tôi biết những điều họ nói là không chính xác.
Và họ ra dấu ám chỉ chuyện nhận tiền, không phải gợi ý tôi phải đưa tiền cho họ, nhưng để nói là có chuyện đó, và tất cả bọn họ cùng phá lên cười.
Tóm lại thì họ không nói gì mới mẻ mà tôi chưa biết cả, và nhiều điều họ nói không chính xác chút nào.

'Tra tấn tàn bạo'

BBC:Có người Việt Nam nói thịt chó là đặc sản truyền thống, và phương Tây không nên áp dụng giá trị của họ lên văn hóa châu Á, bà nghĩ sao?
Michele Brown : Theo những nghiên cứu của tôi dưới góc độ một nhà báo điều tra, và tôi cùng làm việc với những người đi đầu trong lĩnh vực này trong suốt 30 năm qua, và họ là người châu Á.
Họ nói rất rõ rằng, thịt chó, mèo được ăn trong thời kỳ đói kém và chiến tranh, thời không ai có thức ăn, và thành thật mà nói, điều này xảy ra ở rất nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Nhưng chiến tranh đi qua, và các loại thực phẩm đã trở nên đầy đủ hơn, dễ kiếm hơn, và thời đó, những người ăn thịt chó thịt mèo thấy rất xấu hổ. Nhưng đến giữa thập niên 80, thời kỳ bùng nổ kinh tế, những người liên quan tới đường dây tham nhũng để vẫn chuyển động vật trái phép muốn tìm cách làm tiền, và thuyết phục mọi người rằng, ăn thịt chó rất bổ, rất tốt, rằng đây là món ăn truyền thống.
Ở thời đại này, thực phẩm đã đầy đủ hơn, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là ở Việt Nam, chúng ta không cần phải ăn thịt chó, thịt mèo.
Nhưng quan trọng hơn, họ không cần phải tra tấn, đánh đập chúng, bởi điều đó là tàn ác.

BBC:Thế nếu có trang trại chuyên nuôi chó để thịt, như trại nuôi gà, lợn, và đảm bảo vệ sinh nữa?
Michele Brown :  Trước tiên, chó và mèo không phải là loại động vật trang trại.
Nói cụ thể về trường hợp Việt Nam, Việt Nam không có tiêu chuẩn về mổ thịt như ở các nước khác trên thế giới.
Hồi tôi ở Việt Nam, tôi chứng kiến cảnh sáu, bảy con lợn chân chổng lên trời bị buộc chặt trên chiếc xe máy phi trên đường.
Ở rất nhiều nước khác bạn không thể thấy cảnh đó bởi quy định về cách đối xử dã man với động vật.
Bên cạnh đó, chó mèo là động vật sống chung với con người, không phải động vật nông trại.
Ở các lò mổ, chẳng hạn như ở Úc, động vật lấy thịt được nuôi sao được sống thoải mái nhất, để có thịt mềm hơn.
Thế nhưng ở Việt Nam, mọi người thích ăn thịt chắc, và để thịt chắc, người ta tra tấn động vật rất rùng rợn, động vật trước khi chết phải trải qua sợ hãi để tăng lượng adrenalin để thịt chắc hơn.
Có các trại nuôi chó lấy thịt ở Việt Nam, nhưng điều kiện sống cực kỳ tồi tệ, chúng bị đối xử dã man, sống bẩn thỉu.
Tôi nghĩ nếu mọi người biết nguồn gốc loại thịt mà họ đang ăn, chắc không ai dám ăn nữa. Rất nhiều chó bị bệnh, đầy vi trùng vi khuẩn, giun sán vì không được tẩy giun, tiêm thuốc. Và những loại này có thể lây sang người ăn thịt.
Rồi bệnh dại, đặc biệt là những năm trước đây, từng là vấn đề lớn ở Việt Nam, và rất nhiều bệnh khác nữa mà nguồn gốc là do ăn thịt chó bệnh.

BBC:Vậy điều gì có thể thay đổi cách suy nghĩ của người Việt Nam về thịt chó thưa bà, nhất là khi cả giới làm luật, có quyền ở Việt Nam cũng nhiều người thích ăn thịt chó?
Michele Brown :  Tôi hy vọng là với thế hệ trẻ hơn lớn lên trong thời đại công nghệ và internet sẽ thấy rằng, những gì vốn được coi là bình thường ở đây thực ra lại khác biệt với những người ở các quốc gia còn lại trên thế giới suy nghĩ.
Tôi cũng mong là với giáo dục và hiểu biết ngày càng rộng hơn, người ta sẽ nhận ra rằng, chó mèo có thể làm bạn của người. Thực ra, chúng là thú cưng của con người, nhưng có thể nhiều người hiện nay vẫn chưa có khái niệm về thú cưng.
Và chúng tôi tin rằng, với tiếng nói của cộng đồng quốc tế, từ người dân, từ những người yêu quí động vật có thể tác động tới chính phủ và yêu cầu họ hành động.
Tôi cũng muốn nói là các bạn không nên nghĩ rằng tôi ghét Việt Nam. Tôi chỉ căm ghét sự tàn bạo. Ở Úc hay ở bất kỳ nơi nào khác cũng thế. Sự tàn bạo là một phần tính cách của loài người, đó không phải là vấn đề dân tộc, không liên quan tới chuyện màu da. Tôi chỉ phản đối cách con người đối xử tàn bạo với động vật.


Các bài liên quan




No comments:

Post a Comment

View My Stats