Saturday 22 June 2013

QUYỀN LỰC (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, June 22, 2013 4:44:48 PM

Từ mấy tuần nay, hai nền dân chủ của hai quốc gia đang lên đã đụng độ với chính dân chúng của mình. Từ Thổ Nhĩ Kỳ ở bên lề Âu Châu đến Brazil ở Châu Mỹ La Tinh, các lãnh tụ dân chủ, được người dân bầu lên, đã chứng kiến một sự phản đối lan rộng của chính người dân mà họ đại diện. Và cả hai nơi đều đã chứng minh quyền lực có thể làm hại đến mức nào.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người dân xuống đường, nguyên thủy, để bảo vệ một trong những công viên hiếm hoi của thành phố Istanbul, công viên Gezi, khỏi bị xe bulldozer của Thủ Tướng Recep Tayyip Erdogan san bằng để xây dựng thêm một kiến trúc theo ý muốn của ông. Người dân xuống đường vì thủ tướng, đã chế ngự chính trị Thổ từ 11 năm nay, và vẫn được sự hưởng ứng của nửa nước Thổ bảo thủ và sùng đạo, đã bóp nghẹt đối lập. Dùng những thủ đoạn như luật thuế, ông Erdogan đã uy hiếp báo chí và đối lập để làm họ im tiếng.

Nhưng ông Erdogan quên mất là ông đang sống trong Thế kỷ 21. Khi đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ sợ hãi không dám tường thuật về cuộc biểu tình ngay bên ngoài phòng tin của họ, chiếu phim về loài chim penguins, thanh niên Thổ đã dùng Twitter và Internet để thay thế lập nên một hệ thống tin tức độc lập. Khi các vị dân cử đối lập thu mình sợ sệt, thanh niên đã biến Công viên Gezi và Quảng trường Taksim thành một thứ quốc dân nghị viện và từ đó họ nay đã trở thành đối lập thực sự.

Và trong cái thế giới thông tin của thế kỷ này, những giới hạn cổ truyền đã bị san bằng. Những thanh niên xuống đường, những nhà trí thức đang đứng im lặng biểu tình phản đối, đã đòi hỏi một điều mà ông Erdogan đã quên mất kể từ ngày lên nắm quyền. Họ đòi chính quyền phải đối thoại với người dân, tham khảo ý kiến của dân, chứ không phải chỉ ngồi trên ra lệnh. Thủ tướng, sau hơn một thập niên cai trị đã quên mất phải làm gì khi có người từ chối tuân lệnh ông.

Hơn thế, ngày nay khi ông nói sai sự thật, ngay lập tức đã có đính chính. Khi ông Erdogan dở luận điệu bài ngoại, chỉ trích những kẻ “dạy đời” ông về sự đàn áp người dân, bảo là cuộc đàn áp phong trào chiếm đóng Wall Street đã làm cho 17 người thiệt mạng vì hơi cay, ngay lập tức Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Ankara tweet bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Thổ là không có ai chết vì hành động của cảnh sát trong các vụ chiếm đóng.

Ðiều đáng buồn là sự kiêu căng, độc đoán của ông đã làm hoen ố điều mà đáng lẽ là một thành tích lãnh đạo nổi bật. Ông và đảng Hồi Giáo quá khích của ông đã cải thiện hệ thống y tế, nâng lợi tức cá nhân, xây dựng hạ tầng cơ sở, cải thiện việc cai trị và đẩy được quân đội ra khỏi quyền lực. Nhưng thành công đã làm ông say men chiến thắng. Ông bắt đầu giới hạn quyền của người dân, buộc họ chỉ được uống rượu nơi nào và khi nào ông cho phép, và một phụ nữ chỉ được quyền có ba đứa con, đòi cấm phá thai, cấm việc sinh nở giải phẫu Caesarean, và ngay cả đến những phim truyện mà người dân được quyền xem. Hôm Thứ Hai, Nhật báo Zaman xuất bản cuộc thăm dò dư luận cho thấy 54.4% dân Thổ nói chính quyền đã can thiệp vào cuộc sống cá nhân.

Và thanh niên, lớn lên trong hình ảnh của các quảng trường ở Ai Cập, Tunisia, đã không còn sợ hãi nữa. Họ đã đổ xuống đường để bảo cho ông Erdogan biết là ông phải nhường bước. Một kỹ sư không gian bảo với một nhà báo Tây phương một câu thật chí lý “Họ đang tìm cách làm luật lệ về tôn giáo và ép mọi người phải theo. Dân chủ không phải chỉ là về những gì đa số muốn. Dân chủ còn là về những gì thiểu số muốn nữa. Dân chủ không phải chỉ là về bầu cử.”

Ở Brazil, mọi sự bắt đầu với những vé xe bus đã leo thang vì các lãnh tụ cũng đã mất liên hệ với dân chúng của mình.

Cách đây hơn một tuần, Ðô Trưởng Fernando Haddad của Sao Paulo đã không có mặt ở thành phố khi nó bùng nổ. Ông đang ở Paris để vận động tổ chức World Fair 2020, chính những biến cố quốc tế tốn kém và phi lý mà dân chúng của ông đòi hỏi chấm dứt. Tuần này, ông Haddad, 50 tuổi, đã trốn trong phòng của mình trong khi bên ngoài những người biểu tình đập bể cửa kiếng, tức giận vì ông đã từ chối không gặp họ chứ đừng nói nhượng bộ yêu cầu của họ, hủy việc tăng giá xe bus.

Ðiều đáng nói hơn nữa là ông Haddad đang được coi là một ngôi sao đang lên của đảng cầm quyền, người đang có những đồn đoán có thể là ứng cử viên tổng thống tương lai của đảng cánh hữu đã lên nắm quyền nhờ những cuộc biểu tình phản đối trước đây. Việc ông và toàn thể chính phủ và đảng cầm quyền không đọc đúng được sự bực tức của dân chúng đã chứng tỏ là giữa một chính phủ tự hào về những chính sách được hưởng ứng rộng rãi và một đa số ngày càng tăng trong dân chúng đã mất liên hệ.

Ðảng Công Nhân, lên cầm quyền nhờ đáp ứng ước vọng dân chủ của người dân, nay lại đang phải đối diện với một làn sóng chống đối khổng lồ vì dân chúng đã chứng kiến với ngày càng nhiều bất bình tham nhũng gia tăng, giáo dục, hạ tầng cơ sở, y tế ngày càng tệ hại trong khi chính phủ vẫn còn đuổi theo giấc mơ làm sao nâng cao vị thế của Brazil trên trường quốc tế qua việc đăng cai tổ chức World Cup 2014 và Thế Vận Hội 2016.

Sự thất vọng của dân chúng lộ rõ khi bên ngoài một sân vận động vừa mới xây nơi đang có cuộc đua vòng loại của Cúp Confederation, những người biểu tình mang biểu ngữ đòi trường học và bệnh viện “theo tiêu chuẩn FIFA”. Và càng lộ rõ hơn khi người biểu tình leo lên tòa nhà Quốc Hội để nhảy múa hô khẩu hiệu phản đối các vị dân cử bên trong là tham nhũng và hối mại quyền thế.

Với sự ủng hộ cho phong trào biểu tình ngày càng tăng, khi một cuộc thăm dò mới cho thấy 77% dân chúng Sao Paulo ủng hộ biểu tình, hai ông đô trưởng của Sao Paulo và đô trưởng của Rio de Janeiro thuộc đảng đối lập, thụt lùi rút lại việc tăng giá xe bus.

Nhưng giá xe bus chỉ là cái cớ để diễn tả sự bực tức ngày càng gia tăng của dân chúng. Và phản ứng mãnh liệt của họ đã làm chính phủ sửng sốt. Một phụ tá cao cấp của Tổng Thống Dilma Roussef đã phải công nhận là “Chúng ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra.”

Vấn đề như Giáo Sư Marcos Nobre giải thích cho The New York Times “Ðảng Công Nhân nghĩ là họ đại diện cho mọi thành phần tiến bộ trong nước, nhưng họ đã nắm quyền một thập niên nay rồi. Họ đã làm được rất nhiều, nhưng nay họ thành cơ chế và thẩm quyền, không còn là của người dân nữa.”

Với tăng trưởng kinh tế vốn đã thúc đẩy tham vọng quốc tế của Brazil nay đang chậm hẳn lại và lạm phát, vốn đã là vấn nạn của nhiều thập niên cho đến giữa năm 1990, lại ngóc đầu lên lại tạo lo ngại cho người dân.

Nhưng hơn tất cả là điều mà các nhà chính trị học gọi là “cuộc cách mạng của những trông đợi ngày một gia tăng” (revolution of rising expectation). Nhờ chính phủ thành công giảm thiểu bất bình đẳng, nâng mức sống, số sinh viên đại học đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Thất nghiệp vẫn còn ở mức thấp kỷ lục, nhưng các sinh viên mới tốt nghiệp đòi hỏi không những công ăn việc làm mà còn công ăn việc làm tương xứng với học lực và kỳ vọng của họ, nhất là khi họ thấy các lãnh tụ chính trị ăn lương quá cao và tham nhũng tràn lan.

Sự cứng rắn của ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo thêm bất mãn để rồi sẽ có ngày tức nước vỡ bờ. Sự nhượng bộ của các chính trị gia ở Brazil có lẽ quá trễ để làm dịu dư luận. Vấn đề là ở cả hai nơi, các chính trị gia dân chủ đã quên mất lắng nghe và đối thoại với dân mình.



No comments:

Post a Comment

View My Stats