Friday, 14 June 2013

QUỐC GIA NGHĨA TỬ VIỆT NAM CỘNG HÒA KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP (Nguyên Huy - Người Việt)




Nguyên Huy/Người Việt
Thursday, June 13, 2013 7:42:34 PM

WESTMINSTER, California (NV) - Cơ sở Giáo Dục Quốc Gia Nghĩa Tử VNCH là một ngôi trường trung học lớn tọa lạc trên đường Võ Tánh, Gia Ðịnh, trong một khu đất rộng 5 mẫu, khoảng giữa Lăng Cha Cả và Ngã Tư Bẩy Hiền.

Ðược thành lập do Sắc Luật số 3/62 của Chính Phủ VNCH, ngày khánh thành được chính Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến cắt băng vào cuối Tháng Tám năm 1963 thể hiện tấm lòng của ông với những con em của các Quân Cán Chính VNCH đã hy sinh vì tổ quốc.

Một sinh hoạt trong ngày mãn khóa. (Hình tài liệu QGNT).

Ngôi trường đã bị bức tử và mất tên sau 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng hàng ngàn cựu nam nữ sinh của ngôi trường thân yêu này vẫn còn giữ mãi trong tim hình ảnh ngôi trường cũ và những tháng năm cùng đèn sách trong vòng tay của chính quyền Quốc Gia Việt Nam, cụ thể qua hàng trăm giáo sư và các nhà mạnh thường quân giáo dục.

Năm nay số cựu học sinh đó, từ khắp nơi đã thống nhất tổ chức một đại hội Kỷ Niệm 50 Năm ngày thành lập ngôi trường Quốc Gia Nghĩa Tử liên tiếp trong nhiều ngày tại miền Nam California.

Theo ban tổ chức cho biết, đại hội sẽ diễn ra trong ba ngày cuối tuần Thứ Sáu 21, Thứ Bảy 22, Chủ Nhật 23 Tháng Sáu. Ngày Thứ Sáu là Tiền Hội Ngộ, tiếp đón thầy cô, ân nhân và anh chị em từ các nơi xa về. Thứ Bảy vào lúc 4 giờ chiều, Ðại hội chính thức sẽ tại Westminster Rose Center số 14140 đường All American Way, Westminster, CA 92683, bên cạnh công viên Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Chủ nhật sẽ có buổi cắm trại Picnic tại Mile Square Park, Fountain Valley.

Ðặc biệt, sau đó từ Thứ Hai 24 đến Thứ Sáu 28 Tháng Sáu tất cả sẽ họp mặt trên du thuyền “Carnival Cruise” để du ngoạn Mexico trong 4 ngày 4 đêm. Ðiểm khởi hành là cảng Long Beach, California.

Chưa hết, lại còn có các cuộc du ngoạn tới San Francisco, San Jose, Las Vegas và Los Angeles nữa.

Sở dĩ cuộc Hội Ngộ Kỷ Niệm 50 Năm ngày thành lập Cơ Sở Giáo Dục Quốc Gia Nghĩa Tử được kéo dài như vậy vì “anh chị em và thầy cô đều mong mỏi từ lâu nay một cuộc gặp gỡ không chỉ thoáng chốc trong một bữa tiệc hay trong một buổi vui chơi ngoài trời.” Như lời một Quốc Gia Nghĩa Tử trong ban tổ chức nói.

Với những cựu học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử, tình nghĩa thầy trò và bạn hữu không chỉ là tình thầy trò, bạn học xưa mà nó còn là cả một dịp để được sống lại với nhau trong tình gia đình. Hầu hết anh chị em khi ấy là những cô nhi của Quân Cán Chính VNCH đã hy sinh vì Tổ Quốc nên họ thường thiếu tình cha mẹ từ nhỏ. Mái ấm gia đình của họ là ngôi trường Quốc Gia Nghĩa Tử, là những căn phòng nội trú trong Cơ Sở Giáo Dục Quốc Gia Nghĩa Tử, là những mạnh thường quân đã góp công của xây dựng cơ sở và thường xuyên đến chăm sóc, là những thầy cô đã hết lòng dậy dỗ, hướng dẫn anh chị em cả về giáo dục, đức dục lẫn lý tưởng quốc gia. Vì thế, nếu chỉ gặp gỡ nhau qua một buổi tiệc, một buổi cắm trại sẽ không đủ thời gian để trò chuyện với nhau, từng người, từng niên khóa giữa những anh chị em từng có một thời gian khá dài trong thời niên thiếu được sống trong sự đùm bọc của chính thể VNCH mà cụ thể là các thầy cô và những ân nhân đã đóng góp công của trong việc xây dựng và duy trì cơ sở Giáo Dục Quốc Gia Nghĩa Tử trong suốt 12 năm trời.

Một buổi lễ chào cờ đầu tuần vào ngày Thứ Hai tại trung học Quốc Gia Nghĩa Tử. (Hình tài liệu QGNT)

Cũng theo ban tổ chức cho biết thì qua 12 năm trường Quốc Gia Nghĩa Tử đã thu nhận khoảng 16 ngàn học sinh tại cơ sở giáo dục này.

Niên học đầu tiên (1963-1964) mới chỉ có được 500 học sinh. Trong thời gian đầu, trường chỉ có chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH. Ðến năm 1966, cơ sở có thêm trường Kỹ Thuật QGNT mục đích đào tạo kỹ năng thực dụng cho con em khi ra trường. Ðến năm 1968, trường được cải tiến, áp dụng chương trình giáo dục tổng hợp cho một trường, thay vì chia các lớp trung học thành Ðệ I Cấp và Ðệ II cấp thì gom cả hai cấp lại. Các ban không chia thành 4 ban như các trường khác, mà chia thành 8 ban gồm có ban A khoa học, ban B, toán học, ban C, sinh ngữ, ban D, cổ ngữ, ban E, doanh thương tổng quát, ban F, công kỹ nghệ, ban G, kinh tế gia đình và ban H, canh nông.

Việc phân chia lại các ban học như trên cho thấy trung học Quốc Gia Nghĩa Tử giống như các trường trung học của Hoa Kỳ, nó đi về thực dụng nhiều hơn là phổ thông như các trường khác chỉ có 4 ban theo các chương trình giáo dục của Pháp cũ.

Mô hình này cũng đã được trải rộng thành một hệ thống trường học tại Huế vào năm 1967, Ðà Nẵng 1968, Biên Hòa 1969, và Cần Thơ, 1971. Tính chung thì hệ thống Quốc Gia Nghĩa Tử có trên 400 giáo sư, trên 10 ngàn học sinh từ tiểu học đến hết trung học. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp đã được học bổng đi du học hoặc tiếp tục học vấn bậc đại học của VNCH.

Nhìn lại, chính thể VNCH trước năm 1975 quả là một chính thể phục vụ cho người dân, nhất là những người đã hy sinh vì đất nước. Bao nhiêu cô nhi đã được đùm bọc trong mái ấm của Ðại Gia Ðình VNCH trong đó nhiều người khi ra trường đã trở thành những nhân tài trong quân đội cũng như trong hành chánh.

Trong mối cảm hoài ân tình đã nhận được từ chính quyền VNCH, những người con của đất Việt trong Nghĩa Tử Quốc Gia đã cùng nhau tổ chức một đại hội với tầm vóc khá lớn mà ít cựu học sinh các trung học khác có thể tổ chức được trong một thời gian dài như thế.

Ðược biết đại diện ban tổ chức gồm có QGNT Ngô Chí Thiềng (714) 724-2403, QGNT Ninh Vi (817) 703-8272, QGNT Nguyễn Hà (714) 390-1096.
___

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com



No comments:

Post a Comment

View My Stats