Wednesday, 12 June 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP NHÀ NƯỚC: “CHỦ THUYẾT PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH” (Tâm Sự Y Giáo)




Thứ tư, ngày 12 tháng sáu năm 2013

Ngày 9-6-2013, mục Khoa học của báo Nhân dân đăng bài Nghiệm thu đề tài khoa học về Chủ thuyết phát triển của Việt nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Qua bài báo, được biết tên đầy đủ của đề tài cấp nhà nước này là: “Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và vận dụng chủ thuyết đó trong những năm thập kỷ đầu thế kỷ XXI (hướng tầm nhìn tới năm 2020 và 2045)”.

Đề tài này được triển khai từ năm 2008, do PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư làm chủ nhiệm; GS, TS Hoàng Chí Bảo là phó chủ nhiệm chuyên trách; Hội đồng lý luận trung ương là cơ quan thường trực.

Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu ngày 9-6 vừa qua tại Hà Nội. Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài do GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đã bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt mức xuất sắc.

Vì không rõ nội dung cụ thể của đề tài cấp nhà nước này là gì, nên nhà em chỉ dám chia sẻ với bà con vài điều suy nghĩ nho nhỏ sau đây:

Về tên của đề tài

Hiển nhiên tên của đề tài nói về chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tương lai mà các tác giả gọi là “thời đại Hồ Chí Minh”.

Sự lấn cấn ở đây chính là cụm từ chỉ thời gian: “thời đại Hồ Chí Minh”. Từ trước đến nay chưa thấy ai khẳng định thời đại Hồ Chí Minh bắt đầu từ đâu và sẽ kết thúc vào thời gian nào. Vì vậy yếu tố thời gian trong tên của đề tài thực sự không rõ ràng. Một đề tài khoa học bắt đầu bởi tên của nó, mà đã có sự không rõ ràng như thế thì có đảm bảo tính khoa học không?

Nhưng điều quan trọng hơn lại là bản chất của khái niệm “thời đại”. Thông thường, một giai đoạn lịch sử của một quốc gia có những biến cố quan trọng được gọi là thời kỳ mang tên vị lãnh tụ của quốc gia trong giai đoạn đó, còn “thời đại” là thuật ngữ chỉ một giai đoạn quan trọng nào đó mang tính toàn cầu. Ví dụ: thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại đồ sắt, thời đại nguyên tử, thời đại công nghệ thông tin, thời đại internet…

Nếu lấy tên lãnh tụ một nước để đặt tên cho cả một thời đại thì e rằng hơi … quá sức. Ta như thế thì Trung Quốc phải có thời đại Tần Thủy Hoàng, thời đại Thành Cát Tư Hãn, thời đại Mao Trạch Đông; Liên Xô thì phải có thời đại Lenin, thời đại Gorbachov; Lào phải có thời đại Xu-pha-nu-vông; Cam pu chia phải có thời đại Xi-ha-núc; Ấn độ phải có thời đại Nê-ru, Đức phải có thời đại Hitler; Libya phải có thời đại Gaddafi; Iraq phải có thời đại Hussein… Nếu vậy, tình hình có vẻ … hơi loạn về thời đại!

Về sự phổ biến đề tài

Điều làm cho nhà em hết sức bất ngờ là việc nghiệm thu một đề tài có nội dung cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển hay thụt lùi của cả một đất nước, một dân tộc, ảnh hưởng tới mọi người dân Việt Nam như thế, lại chỉ được mỗi một mình báo Nhân dân đăng tải. Thật vô lý quá! Các báo lớn của Nhà nước đâu cả rồi? Vì sao không đăng bản tin quan trọng như vậy? 

Đây là đề tài cấp nhà nước, kéo dài suốt 5 năm trời với đội ngũ các nhà lý luận hùng hậu như thế chắc phải tốn tiền tỉ, thậm chí rất nhiều tỉ đồng.

Đề tài nghiên cứu về chủ thuyết phát triển của Việt Nam, được nghiệm thu với kết quả đánh giá là xuất sắc. Thế thì khả năng đề tài này được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống là rất cao.

Vì vậy mọi người dân, với tư cách là những người đóng thuế cho Nhà nước và một phần không nhỏ tiền thuế đó được chi cho việc thực hiện đề tài này, với tư cách là những người trong tương lai sẽ được (hay là bị?) ảnh hưởng bởi đề tài này, có quyền được biết và dứt khoát phải được biết nội dung cụ thể của đề tài.

Do vậy đề nghị các cơ quan chức năng cần phổ biến nội dung của đề tài này đến từng người dân, giống như đã làm trong đợt góp ý hiến pháp vừa qua.

Dưới góc độ khoa học, đề nghị các cơ quan chức năng cho dịch nội dung đề tài này ra làm 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung, nếu cần thì thêm cả Tây Ban Nha nữa, rồi cho đăng lên internet, để các nhà khoa học xã hội trên toàn thế giới hiểu và chia sẻ về kiến thức khoa học, tầm nhìn và điều kiện làm việc của nhóm tác giả. Điều quan trọng nhất là để họ biết được những nhà lý luận hàng đầu của Việt Nam hiện nay đang nghiên cứu cái gì, có khác người lắm không? Qua đó thế giới mới có sự thông cảm cho những nét “đặc thù” trong con đường "đi lên" của Việt Nam.

Những suy nghĩ của nhà em trên đây là để giao lưu học hỏi và rút kinh nghiệm, rất mong nhận được sự chỉ giáo của bà con gần xa. Nhà em rất chi là cảm ơn!



No comments:

Post a Comment

View My Stats