Chủ nhật 26 Tháng Năm 2013
Tác hại của nhiều loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con
người và hệ sinh thái tại Việt Nam là điều từ nhiều năm nay đã được các nhà
khoa học, báo chí và nhiều tổ chức thuộc xã hội dân sự lên tiếng cảnh báo.
Trách nhiệm của Nhà nước ra sao trong lĩnh vực này ?
Về vấn đề này, RFI đặt câu hỏi với Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Sau đây là một số nhận xét của nhà nông học.
Nghe
(07:32) : Giáo sư Võ Tòng Xuân 26/05/2013
RFI : Xin chào Giáo sư
Võ Tòng Xuân, hôm qua 25/05/2013, trên toàn thế giới, có hàng loạt cuộc biểu
tình để phản đối các cây trồng biến đổi gen của công ty Monsanto Hoa Kỳ, xin
giáo sư cho biết sơ qua về cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam.
Võ Tòng Xuân : Hiện nay
Monsanto mới đưa qua mấy cái giống để thử nghiệm thôi, mấy giống bắp, đậu tương
– đậu nành. Riêng chính phủ Việt Nam thì rất là dè dặt (…).
RFI : Về tác hại của
một số loại thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật, ở Việt Nam hiện nay được nhìn
nhận thế nào ?
Võ Tòng Xuân : Thuốc trừ sâu
thì mình có rất nhiều công ty. Đông nhất là những công ty của Trung Quốc, mà
hiện nay thuốc trừ sâu, trừ bệnh cây của Trung Quốc tràn đầy. Thuốc của Mỹ cũng
có, từ Monsanto, một số hãng khác của Châu Âu, như Bayer bên Đức, của Thụy Sĩ…
Tất cả các hãng thuốc này đều quảng cáo rất mạnh. Các công ty phân phối hoặc là
bán các thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh cây, họ hoạt động rất mạnh, để cho nông
dân họ biết được xem mỗi loại thuốc là cái gì, để mà họ bảo vệ đồng ruộng cho
nó tốt. Nhưng mà qua đó họ cũng tốn rất nhiều tiền.
Mặt khác, thì sự an toàn của thuốc trừ sâu, thuốc trừ
bệnh không có nhất quán. Mình biết là thuốc của Mỹ và của Âu Châu được thử
nghiệm rất nhiều, hoặc của Nhật, được thử nghiệm nhiều lần, nhiều năm. Họ rất
là kỹ trong việc khuyến cáo cho nông dân.
Nhưng mà khi nông dân sử dụng, thì họ nhiều khi không
theo khuyến cáo. Khi nhiều sâu bệnh quá, thì họ thấy nóng ruột, họ sử dụng
nhiều hơn cái đô (liều lượng) đáng lẽ theo (hướng dẫn của) nhà sản xuất. Trong
khi đó các loại thuốc của Trung Quốc thì mình rất là nghi ngờ, tại vì họ cũng
có thử vậy, rồi khi mà đưa sang Việt Nam, thì bộ Nông nghiệp cũng cho thử coi
xem nó có an toàn hay không. Nhưng khi dùng, nông dân cứ dùng theo khuyến khích
của các đại lý. Khi đại lý họ đưa cái gì, thì nông dân xài cái ấy, mặc dầu là
trên đài, trên báo chí, hoặc tài liệu tuyên truyền, thì cũng nói kỹ. Nhưng mà
khi người nông dân sử dụng, thì cái gì ở đại lý đưa ra thì họ phải sử dụng, họ
không có sự chọn lựa, tại vì phần lớn họ phải mua chịu, mua thiếu của đại lý,
cho nên họ rất là tùy thuộc vào quyết định của đại lý. Do đó, chúng ta thấy sự
áp dụng các loại thuốc trừ sâu, các thuốc trừ bệnh cũng rất là nguy hiểm.
Nhưng mà cũng có một cái may là, cũng có rất nhiều người
làm thuốc giả, cho nên cái độ độc của thuốc không nhất thiết trăm phần trăm
đúng theo nhà sản xuất. Vì lý do đó, nên người ta sử dụng rất nhiều, nhưng sự
độc hại lưu vào trong đất, trong nước cũng có giới hạn thôi.
RFI : Về việc kiểm tra
tác hại của thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật nói chung, có cơ sở nào tại Việt Nam
làm chuyện này ?
Võ Tòng Xuân : Bộ Nông nghiệp
có nhóm kiểm soát thuốc trừ sâu, trừ bệnh ở khắp các tỉnh. Nhóm đi kiểm tra
chất lượng này thì ít người, kinh phí cũng không có nhiều, cho nên họ làm không
xuể. Cho nên chúng ta thấy, rõ ràng là thuốc giả, phân bón giá đầy rẫy. Cho nên
người nông dân bị thiệt thòi ở chỗ này. Cũng không có ai để bảo vệ họ.
RFI : Và dường như các
hiệp hội, các tổ chức của xã hội dân sự cũng ít có tiếng nói trong lĩnh vực này
?
Võ Tòng Xuân : Họ cũng có
kêu, nhưng mà thực ra, chính bản thân họ cũng không có đủ các số liệu rất là cụ
thể để họ nói thật mạnh. Vì nói chung chung vậy, nếu nói cụ thể, đâu có tiền
đâu mà thử nghiệm. Thử mỗi mẫu thuốc mất cả triệu bạc. Không có thử được !
Thành ra tiếng nói của các tổ chức của xã hội dân sự cũng rất giới hạn.
RFI : Do phương tiện,
do khả năng ?
Võ Tòng Xuân : Phương tiện,
tài chính không có... Bây giờ may mắn lắm, thì những nơi làm việc được với một
số, thí dụ như là các tổ chức phi chính phủ, họ tài trợ một số kinh phí, để
chúng ta có thể lấy mẫu, phân tích. Nhưng mà cái này cũng là hiếm.
RFI : Thưa giáo sư, có
lẽ như giáo sư nói, và cũng như một số phương tiện truyền thông cho biết, lĩnh
vực này cho đến nay bị thả nổi, có phải không ?
Võ Tòng Xuân : Thả nổi thì
không đến mức như thế. Nhưng có thể nói chính xác hơn là, Nhà nước chúng ta,
nhất là bên Bộ Nông nghiệp, vì không có đủ người, không đủ kinh phí, cho nên họ
quá dễ dãi với các nhà phân phối thuốc, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như là phân
bón. Vả lại, mỗi lần có hội họp, hội thảo, thì họ cũng nhờ mấy công ty này tài
trợ tiền. Cho nên họ cũng “nể nang”. Cho nên, chừng nào có sự cố xẩy ra
thì mới lo đi lấy mẫu phân tích, thì nó là trễ rồi.
Tôi thấy rằng bây giờ phần lớn các công ty về bảo vệ thực
vật, công ty phân bón đều xuất thân từ những bộ phận của Nhà nước. Đáng lẽ ra
là phải có vai trò giống như là các đơn vị giúp cho Nhà nước và Nhân dân cùng
điều khiển được, quản lý được tình trạng sâu bệnh hại cây trồng, với một cái
giá phải chăng thôi.
Bởi vì mình mang tiếng là đất nước “Xã hội chủ nghĩa”,
nhưng mà thực ra cũng tính tiền cho nông dân cũng cao như là..., có khi cao hơn
là tiền thuốc ở một số nước khác xung quanh mình. Điều này rất đáng tiếc. Đáng
lẽ ra họ phải lấy tiền lời vừa phải thôi, để mà người nông dân không tốn kém
quá nhiều trong công việc đồng áng của họ, để họ có thêm tiền lời, trong khi
giá bán ra sản phẩm của họ quá thấp.
Tôi cũng mong sao là, tới đây Nhà nước phải chỉ đạo thế
nào khác. Các tổ chức từ Nhà nước thoát thai ra thì phải quản lý cái giá cho nó
tốt, để mà họ kềm lại cái sự giá bán quá cao của những công ty tư nhân thực sự.
Bởi vì nếu các công ty Nhà nước này mà bán với cái giá phải chăng, thì công ty
tư nhân không thể nào bán giá cao được. Có như thế thì nông dân mới sống nổi.
Như thế mình mới gọi là “Xã hội chủ nghĩa”.
RFI : Xin chân thành
cảm ơn Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Tin bài liên quan :
Bệnh Parkinson và phương pháp kích thích não sâu (có phần
nói về liên hệ giữa thuốc trừ sâu và bệnh Parkinson)
No comments:
Post a Comment