Thứ sáu 31 Tháng Năm 2013
Các báo Pháp hôm nay khá quan tâm đến thời sự tại châu Á. Báo Le Monde có bài viết : « Miến Điện
dựa vào Nhật Bản để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ». Sau chuyến công
du ba ngày của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tokyo sẽ xóa nợ cho Miến Điện và cam
kết tài trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chuyến công du vừa qua minh chứng cho việc Nhật Bản muốn
quay trở lại giúp đỡ Miến Điện đang trong thời kỳ khôi phục sau nhiều thập niên
chìm đắm trong chế độ độc tài quân sự. Đây chính là mối quan hệ đôi bên cùng có
lợi. Miến Điện cần sự hỗ trợ của Nhật Bản để phát triển kinh tế và tiến hành
cải cách. Ngược lại, Nhật Bản cũng cần đến Miến Điện để chống lại ảnh hưởng to
lớn của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Với tham vọng trở
thành đối tác số một của Miến Điện, Nhật Bản khẳng định xóa 2,9 tỷ đô-la tiền
nợ (2,24 tỷ euro) cho Miến Điện. Đồng thời, Nhật còn tài trợ nửa
tỷ đô-la cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng khu công
nghiệp và cảng Thilawa, cách Rangoon 25km về phía nam.
Giàu tài nguyên, giá cả nhân công rẻ nhất khu vực, Miến
Điện thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Từ sau ngày Miến Điện giành độc lập cho
đến những năm 1980, Nhật Bản là nhà tài trợ hào phóng nhất của Miến Điện và là
một trong những quốc gia đầu tiên công nhận cuộc đảo chính tại Miến Điện. Mặc
dù sau đó, Miến Điện bị cắt các khoản viện trợ khác, chỉ còn mỗi viện trợ nhân
đạo, nhưng, Nhật Bản vẫn duy trì mối quan hệ thương mại với Miến Điện để tránh
cho đất nước này rơi vào tay thao túng của Trung Quốc. Từ năm 2003, trái với
Hoa Kỳ và châu Âu, Tokyo chưa bao giờ áp đặt trừng phạt lên Miến Điện.
Tuy nhiên hiện nay, về mặt đầu tư, Nhật Bản đứng xa sau
Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Thậm chí, sau khi giỡ bỏ trừng phạt vào năm
2013, số lượng các doanh nhân Nhật Bản đến Miến Điện làm ăn cũng chỉ đạt hơn
4000 người/tháng theo tổ chức ngoại thương Nhật.
Nhật tăng cường sự hiện diện tại Miến Điện giúp đất nước
này giảm thiểu phần nào ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Hiện
nay, Trung Quốc đầu tư 14 tỷ đô-la vào Miến Điện và nhiều vấn đề đã bắt đầu nảy
sinh : Thiếu minh bạch, vấn đề xã hội và tác hại đến môi trường. Bài báo lấy ví
dụ việc khai thác đồng tại Miến Điện với sự hợp tác của Trung Quốc đã dẫn đến
nhiều cuộc biểu tình phản đối hồi tháng 11 vừa rồi và sau đó, đã bị trấn áp.
Bài báo kết luận, việc Nhật có tiếp tục nhận được ưu ái
của Miến Điện hay không còn phụ thuộc vào lợi nhuận mà Nhật mang lại cho dân
chúng địa phương. Nhận định của báo cánh tả Nhật Asahi như sau : Nhật không nên
chỉ làm việc với các quan chức lãnh đạo, mà còn phải quan tâm đến người dân,
trong một đất nước đang trong quá trình dân chủ hóa.
Dân Bắc Triều Tiên vượt biên bị Lào và Trung Quốc trả về
Vẫn trong dòng thời sự tại châu Á, báo Công giáo La Croix
có bài viết cho biết 9 người « đào ngũ »Bắc Triều Tiên trong độ tuổi từ 15-23
đã chạy trốn khỏi đất nước để đến Lào. Hai hôm trước, họ đã bị cưỡng bức hồi hương
và có nguy cơ phải vào trại cải tạo và lãnh án tử hình.
Hiện nay, có 25 000 người tị nạn bắc Triều Tiên tại Hàn
Quốc. Cũng giống như đồng hương của mình, từ nhiều tháng nay, 9 người này đã
chạy trốn sang biên giới Trung Quốc bằng đường bộ. Sau đó, họ cố đến một nước
thứ 3 như Mông Cổ, Việt Nam, Lào, Cambốt hay Thái Lan) để cuối cùng chạy sang
Séoul.
Lào được xem như một quốc gia quá cảnh khá chắc chắn cho
những người «đào ngũ » Bắc Triều Tiên. Việc Trung Quốc gửi trả những người này
về nước làm cho giới bảo vệ nhân quyền bức xúc. Theo ông Phil Robertson,
phó-chủ tịch phục trách khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch: « Lào và
Trung Quốc đã thể hiện vẻ dửng dưng trước việc cho chính phủ Bắc Triều Tiên
buộc 9 người này hồi hương mà không cho họ tị nạn ».
Lào cho phép những người này quá cảnh, nhưng Trung Quốc
lại xem đây là những người di cư kinh tế chứ không phải là tị nạn chính trị.
Tùy thuộc vào lợi ích, vào từng thời điểm khác nhau mà Trung Quốc cho phép dân
Bắc Triều Tiên cư trú trên lãnh thổ của mình (dự tính có ít nhất 200 000 cư dân
bất hợp pháp). Thế nhưng, thỉnh thoảng, Trung Quốc cũng tung ra các chiến dịch
cưỡng bức hồi hương nhằm đe dọa và giảm thiểu số lượng dân Bắc Triều Tiên ùa
sang Trung Quốc.
Những nhà bảo vệ nhân quyền tại Bắc Triều Tiên đã thể
hiện sự phẫn nộ vào hôm qua và cho rằng Séoul đã không bảo vệ họ. Tại Hàn Quốc,
bộ Ngoại giao đang chịu nhiều sức ép và bị chỉ trích gay gắt, bởi vì vào thời
điểm Lào buộc 9 người này hồi hương, đại sứ Hàn Quốc tại Vientiane có biết
chuyện.
Một khi bị gởi trả về nước, 9 người này có nguy cơ nặng
nhất là lãnh án tử hình nếu như chứng cứ có thể chứng minh là họ cố tìm đến
lánh nạn tại Hàn Quốc.
Trung Quốc : « khát khao » thâu tóm các công ty trên thế
giới
Báo Les Echos hôm nay thông báo Trung Quốc muốn mua lại
công ty kinh doanh du lịch Club-Med của Pháp với bài viết : « Club-Med : Có nên
lo sợ con rồng Trung Quốc ?». Báo Le Monde trong mục Kinh tế cũng có bài viết
cho biết tập đoàn Song Hối (Shuanghui) của Trung Quốc mua lại công ty chế biến và
kinh doanh thịt lợn lớn nhất của Mỹ Smithfield Food, đồng thời cũng là lớn nhất
thế giới, với giá 7,1 tỷ đô-la.
Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng
thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tập đoàn Song Hối
của Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Kông, đã thông báo vào ngày 29-5 cho biết đã ký
hợp đồng mua lại Smithfield Foods
với giá 4,7 tỷ USD. Song, nếu tính cả các khoản nợ hiện nay của Smithfield
Foods thì tổng giá trị của hợp đồng chuyển nhượng lên tới 7,1 tỷ USD. Đây chính
là vụ thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc tại vùng Bắc Mỹ, sau vụ
mua lại công ty dầu khí Nexen của
Canada vào tháng 7/2012 với giá 15,1 tỷ USD.
Nhập khẩu của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng thịt
lợn của Mỹ trong thập niên qua đã tăng gấp 7 lần. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ số một
thịt lợn trên thế giới với 40 kg/người/năm. Việc công ty Song Hối mua lại công
ty hàng đầu của Mỹ cũng không xóa đi tai tiếng của một loạt các vụ bê bối trong
ngành thực phẩm tại Trung Quốc. Trong tuần này, 5 người đã bị buộc tội nặng vì
đã tiêm một hóa chất độc hại sử dụng trong thú y vào thịt lợn.
Vào năm 2011, cái tên Song Hối cũng đã bị nêu lên trong
một vụ gian lận thực phẩm và Tổng giám đốc của công ty đã có lời xin lỗi trước
công chúng. Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc không ngừng gia tăng, kèm theo
một nhu cầu cao về thịt lợn. Thứ Tư vừa rồi, tổng giám đốc của công ty Song Hối
đánh giá việc mua lại công ty của Mỹ nhằm « đáp ứng nhu cầu thịt lợn cao cấp
ngày càng cao của dân Trung Quốc ». Để kết thúc, bài báo nêu lên nguy cơ về an
toàn thực phẩm có thể xảy ra cho người tiêu dùng Mỹ.
Pháp-Đức : tình hữu nghị quay trở lại.
Về thời sự châu Âu, các báo Pháp đều có bài nói về quan
hệ Pháp – Đức, nhân chuyến công du Paris, ngày hôm qua của thủ tướng Angela
Merkel.
Đối với Le Monde, “cặp Pháp Đức quay trở lại làm việc ».
Tờ báo nhận định, sau nhiều tháng “căng thẳng hữu nghị”, một sự tin tưởng lẫn
nhau đã dần dần được tái lập giữa hai vị lãnh đạo. Trước, đó, ngày 22/05, vào
lúc chủ tịch châu Âu chuẩn bị khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh, sự kiện hiếm thấy
là tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã không dự và gặp riêng với nhau để thảo
luận về một số chủ đề châu Âu.
Một trong những điểm đáng chú trong chuyến sang Paris lần
này của thủ tướng Đức, theo báo kinh tế Les Echos, là “bà Angela Merkel chấp
thuận (quan điểm) về chính phủ kinh tế cho khu vực đồng euro”.
Cách nay chưa đầy 8 ngày, nhiều thông tin nói đến những
khó khăn trong quan hệ Pháp Đức, thì giờ đây, hai bên đã tìm được những đồng
thuận mới trong việc quản lý khủng hoảng và về tương lai của khu vực đồng euro.
Les Echos nhận định, nội dung chính của cái gọi là “đóng
góp chung” mà Pháp và Đức đưa ra ngày hôm qua, tại Paris, chỉ là việc thủ tướng
Angela Merkel ngả theo ý tưởng của Pháp về một chính phủ kinh tế cho khu vực
đồng euro. Bà Merkel tuyên bố rằng để giúp tránh tình trạng thâm hụt ngân sách
hiện này thì việc chỉ dựa vào Hiệp ước ổn định là không đủ. Theo lãnh đạo Đức,
cần phải có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa các chính sách kinh tế bên trong khu
vực đồng euro.
Nói tóm lại, theo Les Echos, Pháp Đức đồng thuận về
phương hướng kinh tế chung cho khu vực đồng euro và cần phải theo ý tưởng xây
dựng một chính phủ kinh tế, thì cần phải có một chủ tịch chuyên trách để chủ
trì các cuộc họp thường xuyên hơn của các bộ trưởng thành viên eurozone.
Trong khi đó, Le Figaro thì mỉa mai là « Hollande và
Merkel làm giả bộ đồng thuận hữu hảo ». Lần đầu tiên, tổng thống Pháp và thủ
tướng Đức ra được một thông cáo chung, trước cuộc họp sắp tới của Hội đồng châu
Âu sẽ được tổ chức vào tháng Sáu. Qua đó, Paris và Berlin muốn thể hiện các
đồng thuận chung cho dù vẫn tồn tại các điểm bất đồng giữa hai bên.
Theo Le Figaro, tuyên bố chung Pháp Đức, gồm 8 trang, có
nội dung “củng cố sự ổn định và tăng trưởng của châu Âu”. Mục đích của văn bản
này là chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, được tổ chức trong các ngày
27 và 28 tháng Sáu, với trọng tâm là tạo việc làm cho giới trẻ.
Tờ báo đánh giá rằng việc Pháp và Đức cùng nhau soạn thảo
bản “đóng góp chung” không có gì là mới mẻ vì nó giống như dưới thời tổng thống
Nicolas Sarkozy. Vào thời điểm đó, Paris và Berlin thường xuyên tham khảo nhau
trước khi có các Thượng đỉnh châu Âu. Le Figaro nhắc lại là trong quá trình vận
động tranh cử tổng thống, ông Hollande đã từng tuyên bố sẽ đoạn tuyệt với
phương cách phối hợp này.
Đối với Le Figaro, sau những căng thẳng trong quan hệ
song phương, cuộc gặp ngày hôm qua tại Paris giữa ông Hollande và bà Merkel có
mục đích làm dịu tình hình. Cho dù hai bên muốn thể hiện những đồng thuận,
nhưng các bất đồng giữa Paris và Berlin về chủ đề chính vẫn tồn tại: Đó là làm
thế nào để thúc đẩy tăng trưởng ? Đức muốn Pháp đẩy nhanh và mạnh các cải tổ.
Còn Paris muốn Berlin thể hiện rõ hơn “tình đoàn kết châu Âu”. Xét trên góc độ
này, bản tuyên bố chung giữa hai nước không mang lại điều gì mới. Đức không cam
kết gia tăng hỗ trợ tài chính để khuyến khích các đối tác châu Âu thực hiện
những cải cách được đánh giá là tốn kém và không được lòng dân. Nhượng bộ duy
nhất của thủ tướng Merkel là bản tuyên bố chung đề cập đến những cơ chế liên
đới, bao gồm những biện pháp khuyến khích tài chính, nhưng có giới hạn và có
điều kiện để cùng hỗ trợ các nỗ lực của các nước thành viên.
Máy tính bảng lên ngôi, máy tính bàn thất thế ?
Chỉ gần 3 năm từ khi tập đoàn Apple của Mỹ cho ra đời
chiếc Ipad đầu tiên vào năm 2010, người ta vẫn chưa thực sự biết được công dụng
của nó. Thế nhưng, chiếc « đá tảng » điện tử này đã nhanh chóng xâm nhập vào
các hộ gia đình và giờ đây đã có mặt trên thị trường chuyên nghiệp. Báo Le Monde
trong mục Kinh tế-doanh nghiệp có bài viết mang tựa : « Máy tính bảng lên ngôi,
máy tính bàn hết chiếm ưu thế ».
Theo kết quả điều tra của cabinet IDC vừa đăng thì máy
tính bảng đang chiếm ưu thế hơn máy tính để bàn. Ước tính là vào năm 2015 sẽ
bán ra 332 triệu máy tính bảng trong khi đó chỉ có 322 triệu máy vi tính để
bàn. Máy tính bảng có các đặc tính tiến bộ hơn máy để bàn như nhẹ hơn, nhanh
hơn và bây giờ, người ta cũng sử dụng nó ngay cả trong công việc. Ngoài hãng
quả táo, Samsung cũng là nhà sản xuất chiến lược mặt hàng này, bên cạnh đó còn
có Amazon và Google. Trong khi đó, các trụ cột sản xuất PC như Microsoft, HP,
Dell đang gặp khó khăn. Các công ty này cũng thử vận may thâm nhập thị trường
máy tính bảng, nhưng cho tới lúc này vẫn không thành công. Lợi nhuận của Intel đã giảm 25% vào quý đầu năm này. Bài báo đặt câu hỏi : liệu PC
còn có tương lai chăng ? Một số đang tưởng tượng ra chiếc máy tính trong tương
lai sẽ là dạng lai giữa máy để bàn và máy tính bảng.
No comments:
Post a Comment