May
22, 2013
Hôm nay cầm tờ Sài Gòn Tiếp thị trên tay, nhẹ bẫng. Xót
xa quá. Tờ báo chỉ có 3 trang quảng cáo, mỏng và nhẹ chưa từng thấy. Chắc là lỗ
lắm.
Sài Gòn Tiếp thị
từng quy tụ những cây bút tên tuổi nhất, mỗi số đều được mình đón đọc, cho dù
đôi khi những bài chính luận, phân tích kinh tế sắc sảo bị chìm lẫn giữa những
sạp tạp hóa với cách trình bình báo không liên quan cho lắm giữa các nội dung.
Bây giờ, những cây bút đó tản mát đi hết cả. Họ vẫn tìm
được thu nhập của mình, lối ra cho mình, nhưng tờ báo thì không dễ. Tờ báo đó
đang gặp rất nhiều khó khăn, những khó khăn mà cách nay vài năm, những người
bạn mình có hiểu biết về kinh tế và điều hành đã dự đoán trước.
Khủng hoảng mà Sài Gòn Tiếp thị đang vấp phải chắc hẳn là
một bài học lớn cho những người làm quản trị doanh nghiệp và các chủ bút. Kinh
doanh báo chí không dễ, nhất là báo chí nghiêm túc, nhất là ở Việt Nam.
Ai sẽ thiệt thòi? Mình nghĩ xã hội và độc giả. Chúng ta
cần thật nhiều tờ báo, cần thật nhiều tiếng nói đa dạng để có một xã hội đa
dạng, phục vụ những đối tượng khác nhau. News of the world
từng là một tờ báo lá cải rất bị ghét, nhưng khi bị đóng cửa, người ta cũng kêu
gào vì xã hội mất đi một tiếng nói.
Cái gì tồn tại cũng có lý do của nó.
Những tờ báo có thể sống được (vô cùng ít ỏi ở Việt Nam)
cũng chưa nên vội mừng. Những lãnh đạo của các tờ báo như vậy cũng chẳng có gì
đáng để tự hào. Công bằng mà nói, nếu vứt ra cạnh tranh sòng phẳng, thì chưa
biết mèo nào cắn mỉu nào.
Nhìn rộng ra, Việt Nam đang chứng kiến một nền báo chí èo
uột, đầy những thứ buôn chuyện, triệt hạ không thương tiếc đối tượng của bài
viết, để câu view. Không có bất kỳ một loại tiêu chuẩn nghề nghiệp nào đã được
áp dụng cho những bài viết như vậy, và lẽ dĩ nhiên, những người viết cũng chẳng
phải chịu trách nhiệm gì về luật pháp. Chỉ có những người bình thường trong xã
hội phải chịu thiệt thòi.
Lâu rồi tôi không đọc 1 tờ báo online từng rất nổi tiếng
ở Việt Nam. Lâu rồi tôi cũng không đọc một số tờ báo in nổi tiếng, vì thấy
quảng cáo trá hình chen vào nhiều quá. Quảng cáo không có lỗi, nhưng chúng ta
hãy sòng phẳng và minh bạch. Lâu rồi tôi cũng ít xem thời sự trên TV. Tôi không
thấy mình có thêm được kiến thức, giá trị gì từ những thứ đó.
Nhưng điều đáng sợ với tôi là, tôi sẽ có tin tức tử tế từ
đâu, làm thế nào để tôi có thể có những quyết định tốt cho mình? Quyết định tốt
chỉ có khi người ra quyết định có đầy đủ thông tin. Trách nhiệm báo chí, truyền
thông là rất lớn. Có khi nào, những người làm nghề này suy nghĩ về những gì họ
viết? Ích gì cho xã hội? Tốt hơn cho ai?
Cho đến khi những người làm nghề thực sự nghiêm túc, hiểu
nghề có vai trò lớn hơn trong nền báo chí hiện nay, thì tôi không thấy lối ra
cho nền báo chí đang chứng kiến cuộc
chạy đua xuống đáy này. Ít nhất trong tương lai gần.
No comments:
Post a Comment