Khi
được hỏi “Tại sao các chiến hạm Trung Quốc lại tuần tra ở biển Đông Trung
Hoa và Nam Trung Hoa [tức biển Đông]?”, người cầm đầu phái đoàn Trung quốc,
Phó Tổng tham mưu Quân đội Trung quốc, Trung tướng Thích Kiến Quốc –từng tham
chiến trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979- đã trả lời rõ ràng trước
khoảng 400 chính khách, nhiều bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, sĩ quan cao cấp
và chuyên viên chiến lược hàng đầu của nhiều nước và nhiều kí giả của các hãng
thông tấn quốc tế có mặt trong “Đối thoại Shangri-La 2013” (từ 31.5 tới
2.6 ở Singapore):
“Lập
trường của chúng tôi đối với các biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa là chúng
thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đó là lập trường rất rõ ràng.”
“Do
đó các tàu chiến Trung Quốc và các hoạt động tuần tra của chúng tôi là hoàn
toàn hợp pháp và không có gì phải tranh cãi.” (1)
Đây
chính là ngôn ngữ ngoại giao, nhưng là ngôn ngữ ngoại giao của kẻ mạnh bất chấp
dư luận thế giới và công pháp quốc tế về biển. Trước diễn đàn quốc tế quan
trọng này đại diện của Bắc kinh đã tận dụng khai thác dư luận thế giới, ngang
ngược coi biển Đông như cái ao của Trung quốc và coi việc chiếm đóng quần đảo
Hoàng sa của VN bằng võ lực là chuyện đã xong.
Trong
khi đó Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của chế độ độc tài toàn trị ở VN đã nói gì và
trong phần giải đáp các câu hỏi đã trả lời như thế nào?
Nhiều
tuần trước ông Dũng đã thông báo rất trịnh trọng cho dư luận VN và quốc tế
biết, tại “Đối thoại Shangri-La 2013” ở Singaporevào 31.5 ông sẽ có bài
phát biểu quan trọng về vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông hi vọng qua đó sẽ đánh
bóng được bộ mặt và vị thế của mình không được tốt trong cuộc “lấy phiếu tín
nhiệm” tại kì họp hiện nay của Quốc hội. Vì thời gian qua ông đã bị chính
các đồng liêu trong Bộ chính trị chế diễu đặt tên là “Đồng chí X”!
Trong
diễn văn mở đầu cuộc Đối thoại này ông Dũng đã nêu tiền đề chính là phải giữ “lòng
tin cậy lẫn nhau” giữa các nước trong khu vực với Trung quốc. Nhưng chính
ông cũng nhìn nhận rằng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn
phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang
tính áp đặt và chính trị cường quyền.” (2) Rõ ràng ở đây ông đã ám
chỉ tới nhà cầm quyền Bắc kinh đã có những hoạt động quân sự trong thời gian
qua để nhằm thực hiện sách lược xâm lấn các hải đảo của VN và một số nước Đông
Á và Đông nam Á, nhưng ông đã không dám nêu đích danh và để hiểu như là “kẻ
lạ”! (3)
Nhưng
tại sao trước một cử tọa đông, kiến thức cao đại diện của nhiều nước và tổ chức
quốc tế Nguyễn Tấn Dũng đã không dùng ngôn ngữ ngoại giao bình thường nhưng rõ
ràng để chỉ đúng người đúng việc, mà lại chỉ nói là “đâu đó” chứ không dám nói
thẳng đó nhà cầm quyền Bắc kinh? Ông cũng không dám dẫn chứng cụ thể một số đòi
hỏi phi lí và hành động trái với luật pháp quốc tế của Bắc kinh đối với VN trên
biển Đông? Điều này hoàn toàn trái ngược với thái độ xác nhận công khai trắng
trợn của Trưởng phái đoàn Trung quốc, tướng Thích Kiến Quốc, như trình bầy ở
trên cũng trong cuộc Hội thảo này. Thái độ tránh né trong diễn văn của Nguyễn
Tấn Dũng không dám nói thẳng những hành động của Bắc kinh là vi phạm chủ quyền
của VN và vi phạm luật biển quốc tế đã làm cho nhiều giới quan sát phải ngạc
nhiên.
Câu
hỏi trọng tâm khác liên quan tới mục tiêu chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,
tài nguyên và sinh mệnh của hàng ngàn ngư dân VN trong diễn văn ngày 31.5 của
Nguyễn Tấn Dũng. Trong diễn văn trên 3700 chữ ông Dũng đã lập đi lập lại tất cả
17 lần cụm từ “chiến lược xây dựng niềm tin” để kêu gọi Trung
quốc và Hoa kì trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Ở đây người ta thừa
hiểu Washington không phải là đối thủ mà có thể trở thành đồng minh. Nhưng có
thể “xây dựng niềm tin”, chờ đợi lòng tốt của Bắc kinh được không? Nếu có
tầm nhìn và ý thức trách nhiệm thực sự thì với tư cách Thủ tướng, tại sao
Nguyễn Tấn Dũng lại có thể đặt niềm tin với phía đang ngang ngược từng bước
thôn tính hải đảo, xâm phạm tài nguyên và thậm chí thường xuyên xua đuổi và bắn
giết ngư dân của mình? Một sách lược đối ngoại xây dựng trên cơ sở như vậy có
phải là hão huyền không tưởng hay không?
Chỉ
một ngày sau diễn văn “chiến lược xây dựng niềm tin” của Nguyễn
Tấn Dũng, chính Trưởng phái đoàn Trung quốc, tướng Thích Kiến Quốc đã trả lời
rất rõ ràng trước cuộc Hội thảo Quốc tế này là, như đã trình bày ở trên, những
điều ông Dũng nói ra chỉ là mơ tưởng:
“Lập
trường của chúng tôi đối với các biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa là chúng
thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đó là lập trường rất rõ ràng.”
“Do
đó các tàu chiến Trung Quốc và các hoạt động tuần tra của chúng tôi là hoàn
toàn hợp pháp và không có gì phải tranh cãi.” (4)
Điều
đáng lưu ý là chính tướng Thích Kiến Quốc đã vừa hội đàm với tướng Nguyễn Chí
Vịnh trong cuộc “Đối thoại an ninh-quốc phòng Trung-Việt” vừa tổ
chức ở Bắc kinh ngày 5.6. Trong đó ông Vịnh đã lập lại chủ trương xây dựng “lòng
tin chiến lược” trong quân đội giữa hai nước, điều mà tướng Quốc đã bỏ
ngoài tai!(5)
Sau
phần thuyết trình một số chuyên viên đã đặt câu hỏi với Nguyễn Tấn Dũng. Ông
Christian Le Miere, học giả cao cấp về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Viện
nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) của Anh đã hỏi, trong diễn văn ông Dũng
đã nói tới tình hình căng thẳng ở biển Đông, vậy Việt Nam có “đồng ý với
việc Philippines kiện Trung quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển?” Nguyễn
Tấn Dũng viện cớ “để tiết kiệm thời gian của quý vị và các bạn, tôi xin
không nhắc lại.” (6) và yêu cầu đọc lại Tuyên bố của bộ Ngoại giao VN ngày
26.4.13 về việc này. Mặc dù mọi người biết Tuyên bố này tránh né việc trả lời
có đồng ý với việc làm của Phi luật tân hay không.
Khi
nữ Thiếu tướng Yao Yun Zhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung-Mỹ, Học
viện Kỹ thuật Quân sự Trung quốc hỏi: “Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã đề
cập đến các thách thức an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có
thách thức có thể làm gián đoạn tự do hàng hải, hoạt động thương mại quốc tế.
Ngài cũng đề cập một vài cường quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xin Ngài đưa ra
các ví dụ về cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào, qua
đó làm gián đoạn tự do hàng hải?” Nhưng ông Dũng trong tư cách là Thủ tướng
VN, cũng đã ấp úng không dám trả lời trực tiếp, nhưng đã nói vòng vo:
“Hòa
bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng cũng như an ninh, an toàn, tự
do hàng hải là lợi ích, là mong muốn, là mục tiêu chung của khu vực và thế
giới. Những nhân tố đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn, tự do
hàng hải tôi đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Và những diễn biến gần đây
trên thực tế, thì mọi người chúng ta có mặt tại đây đều đã biết.”
Rồi
ông kết luận với câu “Tôi xin không nhắc lại!” (7)
Tiếp
đó khi ông Lee Chung Min- Đại học Yonsei - Hàn Quốc hỏi: “Trong bài phát
biểu, Thủ tướng đã nhiều lần đề cập vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược. Vậy
Ngài có thể cho biết đánh giá của Việt Nam về lòng tin đối với Hoa Kỳ và Trung
Quốc hiện nay?” Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại câu “Tôi không nhắc
lại” và nói:
“Về
vấn đề lòng tin đối với Hoa kỳ và Trung quốc, tôi đã đề cập trong bài phát biểu
của mình. Tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh là: Hoa kỳ và Trung quốc là hai
cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của
chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung
của khu vực và thế giới.” (8)
Đúng
ra trong tư cách là Thủ tướng thì ông Dũng phải thấy, đây là dịp thuận lợi để
dư luận thế giới hiểu rõ lập trường của VN đối với tranh chấp ở biển Đông đang
rất gay gắt. Ông Dũng vẫn có thể dùng ngôn ngữ ngoại giao để nói cho thế giới
biết rõ, nhà cầm quyền Bắc kinh đã vi phạm như thế nào tới chủ quyền lãnh thổ,
tài nguyên của VN và sinh mạng của ngư dân VN trong các năm gần đây. Thái độ
như thế vẫn diễn ra công khai giữa các nước độc lập và có chủ quyền trong các
vấn đề tranh cãi giữa hai bên. Trái lại ông Dũng đã tìm cách tránh né đến ba
lần không dám nêu đích danh nhà cầm quyền Bắc kinh, mà lại rất ấp úng ngại
ngùng chỉ nói “Tôi xin không nhắc lại.” để không dám nêu đích
danh “kẻ lạ”, một ngôn ngữ trở thành rất thông dụng trong báo chí
“lề đảng” hiện nay khi nói tới những hành động xâm lấn ngang
ngược của Bắc kinh trên biển Đông.
Khi
ngồi đối diện với những người cầm đầu Bắc kinh thì ông Dũng vẫn hết lời ca tụng
người bạn láng giềng “bốn tốt” và “16 chữ vàng”.
Tại cuộc Đối thoại quốc tế ông Dũng lại gọi họ là “Đâu đó” và khi
người ta chất vấn “Đâu đó” là ai và đang làm gì nguy hiểm cho VN,
ông Dũng lại rất lúng túng chỉ nhắc lại tới ba lần “Tôi xin không nhắc
lại”! Thực ra thái độ và cách nói thay đổi của Nguyễn Tấn Dũng cũng là một
cử chỉ và một loại ngôn ngữ ngoại giao. Nhưng không phải là thái độ và ngôn ngữ
ngoại giao của một nước có chủ quyền và của một chính khách đảm lược, mà đúng
là thái độ và ngôn ngữ ngoại giao quỵ lụy của một người chỉ biết cúi đầu tùng
phục, sợ hãi là ông chủ có thể đuổi đi bất kì lúc nào!
Chính
sách đối ngoại của một chế độ chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội của chế
độ đó,
trong đó khả năng kinh tế và sự hậu thuẫn của nhân dân là căn bản. Nếu kinh tế
phát triển mạnh và được sự ủng hộ của gần 90 triệu nhân dân, đi đầu là các giới
trí thức, chuyên viên và thanh niên thì đây chính là nền tảng cho một chính
sách đối ngoại công khai rõ ràng làm cho bạn bè quốc tế kính nể và đối thủ phải
thận trọng. Đây mới chính là “lòng tin chiến lược” dựa trên các thực
lực. Nhưng nếu đàn áp trí thức, chuyên viên, thanh niên và coi thường các
nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì chính quyền bị cô lập ở trong nước,
không được nhân dân ủng hộ, khi đó phải đi nhờ vả bên ngoài và bị khinh thường!
Đây
là trường hợp của chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở VN. Trong khi Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng vênh váo cao ngạo kết án các góp ý chân thành của nhiều giới
về Dự thảo Hiến pháp 1992 là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống” và ra lệnh cho cấp dưới phải ra tay “xử lí” (9)
bằng cách cho báo đài xuyên tạc và chụp mũ, biến Quốc hội tiếp tục đóng trò
gật. Trong khi ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại phóng tay để bộ máy công an mật
vụ cấm thanh niên biểu tình chống Trung quốc xâm lấn, bỏ tù nhiều nhà báo tên
tuổi và để tòa án kết án nặng nề các thanh niên can đảm yêu nước. Không những
thế, vì lợi ích nhóm dựa trên quyền-tiền cho nên họ còn đang chống phá lẫn
nhau rất tàn bạo và ti tiện suốt mấy năm qua, tạo ra một cuộc khủng hoảng
nghiêm trọng nhất trong giới cầm đầu chế độ toàn trị.
Trong
khi ấy các sinh hoạt kinh tế đang bị tê liệt, các tập đoàn và tổng công ty Nhà
nước đang bị phá sản, hàng trăm ngàn xí nghiệp tư nhân phải đóng cửa, nợ công
ngày càng cao…Hiện nay nhập siêu từ Trung quốc đã lên tới khoảng 16 tỉ USD/năm.
Trung quốc không chỉ đứng đầu trong giao thương với VN mà còn nắm nhiều công
trình kinh tế quan trọng ngay tại VN. Vì thế sự lệ thuộc kinh tế và chính trị
vào Bắc kinh của chế độ toàn trị đã tới mức cực kỳ nguy hiểm, khiến nhiều
chuyên viên và cán bộ cao cấp cũng phải báo động. Cho nên thái độ cúi đầu trước
Bắc kinh từ Nguyễn Phú Trọng tới Nguyễn Tấn Dũng trong nhiều dịp là một điều
tất yếu.
Tóm
lại, dùng “Chiến lược xây dựng niềm tin” bằng cách gởi trọn niềm
tin vào đế quốc Bắc kinh của Nguyễn Tấn Dũng trong vấn đề tranh chấp biển Đông
rõ ràng là cách “trao trứng cho ác”. Một chế độ mà những người cầm đầu
chỉ biết thờ quyền-tiền, đàn áp dân, khinh rẻ trí thức thì tất yếu phải cầu
mong sự che chở của bên ngoài, đứng đầu là tân đế quốc phương Bắc cực kì nguy
hiểm đang âm mưu thực hiện “Giấc mơ Trung quốc” (10) là mục
tiêu chiến lược hàng đầu của tân Tổng bí thư Tập Cận Bình, tức là tìm cách phục
dậy thời kì Trung quốc coi các nước chung quanh chỉ là chư hầu. Tinh thần và
thái độ quỵ lụy này đã toát ra cả trong diễn văn và cả trong cách trả lời của
Nguyễn Tấn Dũng tại “Đối thoại Shangri-La 2013”! Nhưng “Giấc mơ
Trung quốc” của Tập Cận Bình và “Chiến lược xây dựng niềm tin”
của Nguyễn Tấn Dũng khác nhau như mặt trăng với mặt trời, tuy biết vậy nhưng
ông Dũng vẫn gởi trọn niềm tin vào “kẻ lạ” ở “đâu đó” !
7.6.13
_________________________________
Chú
thích:
(1). BBC 2.6
(2). Nguyên văn diễn văn
của Nguyễn Tấn Dũng xem http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-phat-bieu-khai-mac-Doi-thoai-ShangriLa-2013/20135/169968.vgp
(3). Xem: Khi “Đồng chí X
chỉ trích “kẻ lạ” trước diễn đàn quốc tế, DC&PT, http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/dcpt16.htm
(4). Như (1)
(5). Có lẽ Tướng
Nguyễn Chí Vịnh là một trong những tác giả chính của bài diễn văn cho Nguyễn
Tấn Dũng tại “Đối thoại Shangri-La 2013”. Chính tướng Vịnh có trong phái đoàn
của ông Dũng và tại đây đã có cuộc hội đàm với tướng Quốc.
Xem
đài Bắc kinh 6.6 và TTXVN “Đối thoại Chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần thứ 4
ở Bắc kinh 5.6 “Việt-Trung xây dựng lòng tin chiến lược quốc phòng”
http://www.vietnamplus.vn/Home/VietTrung-xay-dung-long-tin-chien-luoc-quoc-phong/20136/200868.vnplus
Họp
báo của Tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Bắc kinh ngày 5.6, đài Bắc kinh http://vietnamese.cri.cn/481/2013/06/06/1s187186.htm
(6), (7), (8). “An ninh Biển Đông
là lợi ích chung của các quốc gia”, TTXVN 1.6, http://www.vietnamplus.vn/Home/An-ninh-Bien-Dong-la-loi-ich-chung-cua-cac-quoc-gia/20136/200167.vnplus
(9). Nguyễn Đắc Kiên,
“Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng”, http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/basam33.htm
(6). Âu Dương Thệ,
“Bắc kinh: Được đằng chân lân đằng đầu !” http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2012/adt712.htm
Mục
Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
No comments:
Post a Comment