LTS - Trong hai bài phỏng
vấn trước, Ban Tổ Chức buổi triển lãm và hội thảo về Phong Hóa, Ngày Nay và Tự
Lực Văn Ðoàn (TLVÐ) đã nói về cuộc triển lãm và phần hội thảo về hai tờ báo
Phong Hóa và Ngày Nay. Trong bài viết hôm nay, nhà báo Phạm Phú Minh, đại diện
ban tổ chức, nói về Tự Lực Văn Ðoàn. Mời độc giả theo dõi.
Bức
tranh của Tô Ngọc Vân vẽ các thành viên Tự Lực Văn Ðoàn, đăng trong số Xuân
1940 của tuần báo Ngày Nay, ra ngày 3 Tháng Hai, 1940. Chúng ta có thể nhận ra
bằng cách phỏng đoán theo hình dạng, tuần tự từ trái qua: Thế Lữ, Xuân Diệu,
Hoàng Ðạo, Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Tú Mỡ.
Nói
về văn học cận đại của Việt Nam thì không thể thiếu Tự Lực Văn Ðoàn, vì những
đặc điểm có tính cách lịch sử của nó. Từ đầu thế kỷ 20 trở về sau, nước ta bắt
đầu manh nha việc dùng chữ quốc ngữ với sự xuất hiện của báo chí. Báo chí đã
đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hướng dẫn đường hướng tinh thần, học
thuật cho dân chúng trong những thập niên đầu thế kỷ cùng với việc phổ biến chữ
quốc ngữ ngày càng rộng. Với Ðông Dương Tạp Chí từ 1913 Nguyễn Văn Vĩnh đã chủ
trương dứt khoát với cái cũ của xã hội nho giáo và phong kiến, triệt để theo
những điều mới mẻ hay ho của văn minh Âu Tây. Nhưng báo Nam Phong xuất hiện năm
1917, với chủ trương dung hòa mới cũ rất nổi tiếng của Phạm Quỳnh đã làm chậm
bước cải cách của Nguyễn Văn Vĩnh. Cho mãi đến đầu thập niên 1930, khi một lớp
Tây học trẻ tuổi đã thành hình trong xã hội, khi sự cọ xát cũ mới đã có đủ thời
gian phân định ranh giới và ưu thế của phe theo mới thì xuất hiện hai tờ báo
Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn như một cú đẩy quyết định để xô ngã bức
tường đã rệu rã của cái cũ. Cùng với sự trợ sức rất hữu hiệu của hai tờ báo đầy
sáng kiến và linh động, Tự Lực Văn Ðoàn đã làm công việc xây dựng một nền móng
mới mẻ cho tâm hồn giới độc giả của mình thời bấy giờ.
Văn
đoàn này đã đưa Thơ Mới đến chỗ toàn thắng nền thơ cũ đã hiện diện trong đời
sống tinh thần tình cảm của dân ta từ hàng ngàn năm, với những rung động mới lạ
và hình thức tự do phá bỏ niêm luật để sự diễn đạt tiến tới chỗ tươi sáng, diễm
lệ. Còn về tiểu thuyết, mời bạn đọc xem nhận xét sau đây của nhà nghiên cứu văn
học Phạm Thế Ngũ:
...“ Song nhất là ở
tiểu thuyết mà họ đã gây được thành tích vẻ vang hơn cả. Có thể nói chỉ với Tự
Lực văn đoàn chúng ta mới bắt đầu có tiểu thuyết Việt Nam. Ở giai đoạn trước,
như ta đã thấy, chỉ thịnh hành tiểu thuyết dịch, còn đến sáng tác nếu có thì
thường đều mang dáng điệu mô phỏng, mô phỏng Tây, mô phỏng Tàu, mô phỏng cốt
truyện, mô phỏng nhân vật. Ðến khi tiểu thuyết Tự Lực ra đời mới thấy những vai
tuồng Việt Nam, hoạt động giữa khung cảnh Việt Nam, trong một câu chuyện Việt
Nam. Những thanh niên như Mai và Lộc, Lan và Ngọc, Minh và Liên, Loan và Dũng
xuất hiện trên đường phố Hà Nội, trên đê Yên Phụ hay trên những đồi chè Phú Thọ
đã cho người đọc 1932 cảm tưởng là những người bạn rất gần, những mảnh đời rất
quen thuộc, hơn nữa họ đóng những tấn tuồng tình cảm mà người đọc trẻ trung
trong xã hội bấy giờ đều đã từng sống hoặc mơ ước sống... Không kể những tiểu
thuyết Tự Lực về kỹ thuật ly khai hẳn với những sáo truyện Nôm (mà giai đoạn
trước dù có sáng tác người ta vẫn còn chịu ảnh hưởng). (...) Cách hành văn của
họ cũng mới mẻ, nhẹ nhàng, lưu loát, có nhiều phong vị hấp dẫn. Bởi tất cả
những lẽ đó nên những tác phẩm của họ bắt đầu xuất hiện trên Phong Hóa rồi sách
Ðời Nay, đã được người đọc bấy giờ đón nhận, mê say, và đã gây ra sau năm 1932
một phong trào tiểu thuyết mới phát triển rất mạnh khắp trong nước.” Việt Nam Văn Học Sử
Giản Ước Tân Biên của Phạm Thế Ngũ - quyển 3: Văn học Hiện đại 1862-1945. Quốc
Học Tùng Thư, trang 447.
Có
thể nói trong văn học sử Việt Nam, Tự Lực Văn Ðoàn xuất hiện như từ một con
đường làng quanh co trong lũy tre xanh chuyển ra một con đường cái quan tráng
nhựa rộng rãi thênh thang. Tính chất tiểu thuyết của nó có nhiều điều cần phân
tích, vai trò của nó trong lịch sử văn học nước nhà cần phải minh định. Ðó là
một công trình nghiên cứu dài hơi, sẽ phải qua nhiều giai đoạn thời gian. Riêng
lần hội thảo về TLVÐ lần này, chúng tôi tiếp cận với một số nhà nghiên cứu,
giáo sư đại học, các nhà văn nhà thơ... để thảo luận về một số đề tài và mời
quý vị ấy tham gia trình bày trong hội thảo. Kết quả, những vị sau đây đã nhận
lời thuyết trình:
-
Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư
trường Ðại Học Victoria tại Melbourne, Australia sẽ thuyết trình đề tài: Ðánh
giá lại Tự Lực Văn Ðoàn.
- Giáo Sư Kenichi
Kawaguchi,
Giáo sư Danh dự của trường Ðại Học Ngoại Ngữ Tokyo, sẽ thuyết trình (bằng tiếng
Việt) đề tài: Tự Lực Văn Ðoàn và Văn học Cận đại Việt Nam.
-
Nhà văn Phạm Thảo Nguyên sẽ trình
bày đề tài: Câu chuyện Tự Lực Văn Ðoàn và những điều chưa nói.
-
Nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Trần
Doãn Nho sẽ thuyết trình đề tài: Tự Lực Văn Ðoàn và câu chuyện văn phong.
-
Nhà văn Trần Mộng Tú sẽ thuyết trình
đề tài: Tình yêu trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn.
- Nhà văn Đặng Thơ
Thơ:
Hoàng Đạo như một nhà văn đương đại.
- Nhà văn Ngự Thuyết sẽ thuyết trình đề
tài: Thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.
- Giáo sư Trần Huy
Bích,
đại học UCLA, sẽ thuyết trình đề tài: Ảnh hưởng của Tự Lực Văn Ðoàn với phong
trào Thơ Mới.
Các
bài thuyết trình trên đây sẽ được trình bày trong chương trình hội thảo về TLVÐ
vào ngày 7 Tháng Bảy, 2013.
Cuộc
triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn tổ chức
trong hai ngày 6 và 7 Tháng Bảy, 2013 tại hội trường báo Người Việt.
Lễ
khai mạc sẽ vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 6 Tháng Bảy, tiếp theo là chương trình
hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay, mà nội dung đã được chúng tôi trình bày
trong bài phỏng vấn tuần trước.
Ngày
hội thảo thứ hai sẽ là về đề tài TLVÐ với các diễn giả và đề tài được trình bày
như trên đây.
-------------------------------------------
Tiểu
Muội (thực hiện)
Monday,
June 03, 2013 2:53:02 PM
Phần
2: Hội thảo
Tiểu
Muội (thực hiện)
Friday,
June 07, 2013 6:22:47 PM
Người Việt
(coming soon)
No comments:
Post a Comment